Nói đến bình đẳng là chúng ta thường nghĩ đến chính trị và luật pháp—bình đẳng trước luật pháp, mỗi người một lá phiếu, cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh, tự do bầu cử và ứng cử… Chẳng mấy ai nghĩ đến bình đẳng trong thi ca. Và thực sự là xưa nay chẳng hề có bình đẳng thi ca.
Trong xã hội luôn luôn có một guồng máy định giá thi ca vĩ đại, gồm các biên tập viên thi ca tại các tờ báo, các nhà phê bình thi ca cũng là những người có tiếng nói lớn và, đôi khi, quyền quyết định tại các tờ báo, các thi sĩ đã có thơ đăng thường xuyên ở các tờ báo và đã xuất bản một hai tập thơ, các hội lớn của văn sĩ và thi sĩ, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và các thầy cô dạy văn ở trường… Guồng máy vĩ đại bao trùm cả nước này sẽ định giá bài thơ nào hay, bài nào nên được đăng ở đâu, bài nào nên được vào các tuyển tập thi ca, bài nào nên được học..
Đương nhiên là chẳng có gì sai với guồng máy tuyển chọn như thế. Dù là lâu lâu các vị có danh tiếng cũng bất đồng ý về thơ hay thơ dở, nhà thơ nào là thi sĩ nhà thơ nào là thợ thơ, hoặc đôi khi chính guồng máy tuyền chọn bị chỉ trích là phe đảng hoặc bị chính trị hóa quá đáng, thì các bất đồng ý và các chỉ trích đó không làm cho guồng máy tuyển chọn trở thành vô ích. Cái gì trừu tượng và sâu sắc như thi ca thì thường đòi hỏi có người hướng dẫn quần chúng hiểu biết và thưởng thức.
Tuy nhiên trong thời đại bình đẳng về truyền thông ngày nay, với Internet và blogging, mỗi người đều có thể tự xuất bản thơ của mình cho mọi người khác cùng đọc, thì vai trò của guồng máy tuyển chọn truyền thống không còn tính cách quyết định như xưa, và số lượng thơ được đăng ra cho quần chúng, từ báo chí đến các trang mạng và blogs, nhiều hơn bao giờ hết.
Ai làm công việc lượm lặt một ít đá quý trong kho tàng thi ca vĩ đại đó để giới thiệu đến những người yêu thi ca?
Cặp uyên ương Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên đã làm công việc lượm lặt đó.
Người yêu thơ tìm lượm lặt thơ là chuyện chẳng có gì đáng nói.
Nhưng lượm lặt chỉ vì mình thấy đó là đá quý, mà không theo một định hướng có
sẵn—như là, đá đỏ thì được, đá xanh thì bỏ--thì đó là một cách mạng lớn trong
thi ca, vì như thế là tự nhiên gạt ngang guồng máy tuyển chọn truyền thống, gạt
ngang cách lựa chọn truyền thống chỉ chọn người đã có tiếng, và đưa vào thì cả
một ý niệm bình đẳng mà có lẽ ta chỉ có được nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông
tin với những người dùng công nghệ thông tin.
Và đây là một cuộc cách mạng đòi hỏi nhiều can đảm và tự tin, vì đưa các tác giả vô danh tiểu tốt (như chính chúng tôi) vào đứng trong cùng một tuyển tập thi ca với các thi sĩ lớn, thì chẳng khác nào nhà nhiếp ảnh đưa lính tò te vào đứng chung với các tướng lãnh để chụp hình.
Tấm ảnh có thể nổi tiếng hay bị dìm? Sự nghiệp của nhiếp ảnh gia sẽ được ủng hộ hay trù ếm?
Dù sao thì đây là một tấm ảnh được hai tác giả rất trân quý. Cuốn Thơ Bạn Thơ do hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên, và nhà xuất bản Văn Học ấn hành (mùa hè 2012) là một cuốn sách quý về hình thức: bìa cứng, giấy trắng, bìa trang nhã, bên trong 300 trang sách trình bày sáng sủa.
Hình thức đẹp đó chuyên chở 99 câu thơ hay từ cổ đại đến cận đại, thơ của 10 nhà thơ vừa mất trong những năm gần đây, và phần “Thơ người thơ đương thời” gồm các tên tuổi lớn nhỏ trong thi ca hiện đại và một số các tên tuổi chẳng ai biết.
Chính các tên tuổi nhỏ và tên tuổi chẳng ai biết này là vật liệu cho cuộc cách mạng bình đẳng thi ca của hai vị chủ biên.
Và dù mỗi người chúng ta thích một số bài thơ nào đó và không thích một số bài thơ nào đó, tất cả chúng ta đều yêu mến tính cá nhân, tính tự do, và tính bình đẳng của thi ca: Thi ca là phương tiện để diễn tả cảm xúc riêng của mình và để chia sẻ với những ai đồng cảm với mình. Đối với tác giả thì, tôi trân quý tự do biến cảm xúc riêng của tôi thành chất xúc tác cho cảm xúc của độc giả của tôi. Đối với độc giả thì, tôi trân quý tự do dùng một bài thơ của ai đó để làm chất xúc tác cho cảm xúc của riêng tôi.
Trong tinh thần cá nhân, tự do, và bình đẳng đó, mọi người sẽ tiếp tục hân hoan đón nhận Thơ Bạn Thơ cũng như những tuyển tập tương tự sau này.
Và tất cả chúng ta nên cảm ơn anh chị Nguyễn Nguyên Bảy Lý Phương
Liên đã khởi đầu cuộc cách mạng bình đẳng thi ca.
Trần Đình Hoành
Washington, USA
21.8.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét