Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Bốn Mùa/ Thơ Nguyễn Nguyên Bảy/ Lời bình Hoàng Dân


BỐN MÙA
Nguyễn Nguyên Bảy


Nếu em là hạt mưa Xuân

Anh là chồi biếc uống chầm chậm em


Nếu em ngọn gió Hè lên

Anh xin là cánh diều êm lưng trời


Nếu em trăng Thu chơi vơi

Anh nằm trên cỏ hát cười cùng em


Nếu em đơn chiếc mùa Đông

Anh là nắng ấm ửng hồng má em


Dù em chỉ muốn là em

Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa

Lời bình của Hoàng Dân
Nhân vật trữ tình “em” trong bài thơ hiển nhiên phải là “một người con gái” - và sẽ không có kẻ bị bệnh thần kinh nào lại nói đó là… một gã đàn ông! Thế nhưng, trước một người con gái đẹp, bọn đàn ông thường có những cách ứng xử nào? Sẽ có không ít kẻ thèm khát nhục dục manh tâm chiếm đoạt! Chiếm đoạt bằng chức quyền, bằng tiền, bằng vũ lực, bằng bẫy tình… Và tất nhiên cũng có (tiếc thay, số này không nhiều lắm) những người đàn ông đàng hoàng chỉ chiêm ngắm người con gái đẹp như… một cái đẹp của trời đất! Chiêm ngắm để có những khoảnh khắc lâng lâng siêu thoát trong một môi trường vẩn đục những ham hố, bon chen! Nghĩa là “em” trong bài thơ này không chỉ là “em” như ai ai cũng… tưởng, mà còn là một biểu tượng cho cái đẹp đích thực!
Mà cái đẹp đích thực thì vô cùng phong phú, tức là nó có rất nhiều gương mặt khác nhau! Cái đẹp có thể là một giai nhân, một bông hoa, một giọt sương, một tia nắng mặt trời, một ánh trăng, một thảm cỏ, một tiếng chim hót, một dòng sông, một nụ cười…

Thế nên, “em” đã là cái đẹp đích thực rồi thì dù thiên nhiên có xoay vần “bốn mùa” và dù “anh” có ở đâu, trong tư thế nào thì “anh” vẫn cứ bị mê hoặc trước “em” như “gió quyến mây bay, mây quyến gió” vậy thôi! Điều quan trọng làm nên vẻ đẹp của bài thơ là ở chỗ nhân vật “anh” không chỉ là một kẻ hưởng thụ ích kỉ, mà cao hơn, còn là đối tác tri kỉ chia sẻ, nâng đỡ, tôn vinh “em” như một thiên chức của thi nhân! 

Anh “chầm chậm” chiêm ngắm và thưởng thức cái đẹp để có thể phần nào cảm nhận hết chiều kích, tầm vóc, sứ mệnh… của “em” đối với cuộc đời ba chìm bảy nổi của “anh”! Cái “chầm chậm” ấy vừa giống như một thú vui trần thế, lại vừa thanh cao như những cuộc đàm đạo văn chương của các bậc tao nhân mặc khách trong thiên hạ!

Hẳn ai cũng dễ dàng thấy rằng, tác giả đã có chủ ý sử dụng phép điệp như một thủ pháp nghệ thuật tối ưu! Có điệp hàng dọc cách quãng: Nếu/em/anh… Có điệp mô hình cú pháp: Nếu… (thì) là… 

Trong ngôn ngữ, mô hình “vì… nên…” thường diễn đạt quan hệ “nhân –quả” (Vì trời mưa nên đường ướt), mô hình “nếu… thì…” thường diễn đạt quan hệ “giả thiết – kết quả” (Nếu em đến thì anh rất vui!), còn mô hình “dù… nhưng…” thường diễn đạt quan hệ “tương phản” (Dù đường xa nhưng anh ấy vẫn đến họp đúng giờ).

Bài thơ có 5 cặp lục bát thì 4 cặp lục bát đầu diễn đạt quan hệ “giả thiết – kết quả”, cặp lục bát cuối diễn đạt quan hệ “tương phản”. Quan hệ “giả thiết – kết quả” thông báo một cái “hiện thực” của thì tương lai, còn quan hệ “tương phản” thông báo một cái “hiện thực” của thì hiện tại – Nghĩa là “em” đang hiện hữu trước “anh” như một món quà của Thượng đế, đó không chỉ là một phần thưởng cho những nỗ lực “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” mà còn là một đặc ân chỉ dành cho những kẻ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn biết trăn trở, thổn thức trước những buồn vui của chúng sinh! Theo tôi, cái hay của bài thơ nằm ở chính cặp lục bát cuối này! Thứ nhất, cái đẹp luôn tồn tại khiêm nhường tới mức dường như nó bị lẫn vào trong những cái tầm thường ô trọc, phải có “con mắt xanh nhìn suốt sáu cõi, thấu tới nghìn đời” mới phát hiện ra nó! Thứ hai, một khi đã có “con mắt xanh” thì dù cái đẹp có “biến hình” như “bốn mùa” lặp đi lặp lại quẩn quanh và nhàm chán thì thi nhân vẫn cứ bất ngờ, xúc động và tràn đầy cảm hứng khi chợt phát hiện ra nó đang thấp thoáng trong những đám mây và cả những đám bụi… của muôn đời!

Tôi nghĩ, bài thơ này không chỉ khẳng định tình yêu (lứa đôi) là vĩnh cửu, mà còn khẳng định TÌNH YÊU CÁI ĐẸP là vĩnh cửu, hơn thế: TÌNH YÊU CÁI ĐẸP mới chính là lí do tồn tại của những con người có văn hóa!

Thạch Bàn, khuya 11.2.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét