Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Sách Phong Thủy Ứng Dụng/ CHƯƠNG 1 NHẤT MỘ, NHỊ TRẠCH

Bìa 1 & Bìa 4 sách Dịch học tập 1.
SÁCH PHONG THỦY ỨNG DỤNG
CHƯƠNG 1
NHẤT MỘ, NHỊ TRẠCH

Thế nào là Nhất Mộ Nhị Trạch ?
Lẽ ra phải nói Nhất Phúc, Nhị Trạch. Do vì chữ Phúc ý nghĩa trừu tượng, chữ Trạch ý nghĩa cụ thể, nên gọi Phúc thành Mộ. Mộ hàm nghĩa Phúc Đức là vậy. Câu chữ trọn vẹn là Nhất Mộ, Nhị Trạch, Tam Mệnh. Ý rằng, số mệnh con người ta cát hung thế nào đều liên quan tới Phúc Đức và Điền Trạch.
Cũng vì một số người quan niệm và giảng giải chữ Mộ theo nghĩa nơi âm phần cụ thể chôn cất người quá cố, nên người ta ra sức đi tìm long mạch của đất, của núi, của rừng, của biển, của sông suối để an táng ông bà cha mẹ mình vào đó. Hy vọng và cầu mong đời con cháu phát vượng. Thực hư thế nào không biết, không dám lạm bàn. Chỉ xin bàn chữ Mộ theo nghĩa Phúc Đức.
Mộ là căn cứ để tìm về cội nguồn. Tìm về cội nguồn để báo đáp ân nghĩa với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, để học theo cách làm người của tiền nhân và để tu thân làm việc thiện, việc đức để phúc cho con cháu mai sau.

Có nghĩa là phong thủy không quan tâm đến Mộ phần?
Phong thủy cổ của Trung Hoa bàn đến phần mộ là chủ yếu. Phong thủy cổ Việt, bằng văn tự của Phong Thủy Sư Tả Ao cũng chủ yếu bàn về phần mộ. Việc quan tâm đến an táng người chết ở vị trí cát lợi và cách an táng như thế nào để thụ hưởng cát lợi đó. Ý nghĩa này vô cùng thâm sâu và mang nhiều màu sắc huyền bí, bản thân người soạn chép sách này không đủ kiến thức lý giải và thực hiện được những điều thâm sâu huyền bí đó. Các thế hệ phong thủy hậu duệ và thời nay có khuynh hướng dụng phong thủy vào dương trạch, ý nghĩa và mục đích đó tích cực hơn. Tuy nhiên, mộ huyệt âm phần vẫn được dành vị trí quan tâm thích đáng, tùy hoàn cảnh và nhu cầu.

Quan tâm như thế nào?
Như ngôi nhà mình cư ngụ vậy. Âm phần khác gì dương trạch ? Một nhà mộ nguy nga tráng lệ, ngoại trừ qui mô kiến trúc và thẩm mỹ, đâu có khác gì nấm mồ nơi nghĩa trang, hay hũ cốt đặt ở chùa ? Mộ là nơi chôn cất phần xác người quá cố, còn hồn người quá cố đang ngụ trong tim người đang sống. Coi trọng phần hồn hay coi trọng phần xác ? Hỏi tự đã có lời đáp. Loài người có nhiều cách táng, nào địa táng, nào thủy táng, nào sơn táng, nào mộc táng (Nam Mỹ), nào hỏa táng và hiện nay mượn cái văn minh, cái giàu sang, người ta bắt đầu không gian táng. Do tập tục dân tộc và địa lý vùng miền, nhiều cách táng thực ra không còn lưu lại xương cốt theo ý nghĩa chữ Mộ thông thường ta hiểu, nói cách khác là không còn mộ. Do vậy, trong khu vực bài viết này sẽ chỉ trình bầy chữ mộ trong ý nghĩa ngôi mộ táng cụ thể dưới đất, hoặc hũ cốt đặt thờ nơi chùa chiền miếu mạo.. Và xin mở rộng phạm trù chữ mộ theo ý nghĩa tâm linh quan hệ giữa âm gian và dương thế.
Thiếu gì những ngôi mộ hoành tráng, bí hiểm ngàn năm sau như mộ Tần Thủy Hoàng, mộ Tào Tháo, lăng tẩm Kim Tự Tháp, lăng tẩm Lênin. Thiếu gì những tàn tro thân xác rắc lên trời chia đều cho sông núi, hoặc rải xuống sông cho mát mẻ linh hồn. Quan trọng không phải là thân xác về với cát bụi, sông nước ở đâu, quan trọng người chết còn gì trong lòng người sống. 
Trong vòm sao Thái Tuế có sao Long Đức, bảo là cái đức của rồng. Rồng là một sinh ước trừu tượng bí ẩn sao bàn thành chân lý ?
Nên quan tâm:
+ Chớ để người thân của mình an nghỉ với nấm mồ vô chủ. Nên gắng tìm kiếm, qui tập về một nơi, để hương khói nhớ vọng cội nguồn. Trường hợp không tìm được mộ người thân, nên đặt bàn thờ (trong nhà) hay trong lòng mà tưởng nhớ và dịp tháng Bảy hàng năm nên làm việc phóng sinh (cá hoặc chim). Tục dân gian tháng Bảy hàng năm là tháng mở cửa Phúc cho tình âm dương gặp nhớ về nhau, phóng sinh hàm nghĩa người chết được siêu thoát, mát mẻ.
+ Nên qui tập mộ về các nghĩa trang, không nên táng người chết nơi quá biệt lập, long mạch linh thiêng đâu chả biết, chỉ biết nguy cơ mất mộ rất dễ xảy ra. Không nên ganh đua nhau xây mộ hoành tráng, to đẹp. Phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy sự hợm hĩnh phô trương cho người đời ganh ghét, đố kỵ.
+ Mộ phần bất kể là lớn hay nhỏ, quan lại hay thường dân, quan trọng cần chỗ để tâm chăm sóc, khói nhang ấm tình, cây cỏ tươi xanh. Với mộ huyệt ở nơi xây kim tĩnh, việc khâm liệm kỹ lưỡng, giàu sang thế nào, tùy tâm. Với mộ huyệt phải cải táng theo hạn định (3 năm), thì nên khâm liệm kỹ lưỡng, vệ sinh, không nên gói bọc (trong ni lông) quá cẩn thận, bởi nhiều thân xác sau 3 năm chưa hóa hết, việc lóc thịt lấy cốt chỉ thêm đau lòng.
+ Hỏa táng gửi hũ tro cốt vào tháp mộ hoặc chùa là giải pháp an táng tốt nhất (ý cá nhân) trên mọi phương diện đất, môi trường, vệ sinh, chăm sóc, dịch chuyển và cả ý nghĩa cát tường trong quan niệm phong thủy.
+ Với các mộ phần lưu niên, không nhất thiết phải xây mộ huyệt lớn, điều kiện có thể, nên thay đất quanh mộ. Giải pháp này cũng như giải pháp thay đất của dương trạch. Đào bốn xung quanh mộ, phía sau, hai bên khoảng 54cm, phía trước mộ, tiền án, nên dài, rộng gấp đôi là 1,08m. Chiều sâu xung quanh tối thiểu là 54cm. Bỏ hết đất cũ thay bằng cát sạch. Đây là việc làm rất nên coi trọng bởi ý nghĩa tâm linh hay thực nghiệm đều mang lại lợi ích đáng kể.
+ Cây xương rồng (loại xương rồng dại, cây ông và cây bà) theo dân gian được coi là loại cây chống xung sát rất tốt, nên trồng hai cây phía trước mộ.
+ Và sau cùng, nên đặt một trang thờ ở nơi trang trọng nhất trong nhà, hoặc di ảnh người mất nơi làm việc, đầu giường ngủ hoặc nơi luôn nhắc mình tưởng nhớ, thậm chí để trong lòng. Góc thờ tôn kính đó giúp việc tu thân tích kết Long Đức, kết hợp với Thanh Long và Long Phượng của căn nhà cư ngụ mà tạo cát, tránh hung, mà hưởng phúc lộc thọ đời người.

Thanh long và long phượng là thế nào?
Như đã trình bày, Long Đức là đức của rồng, ý nghĩa rất trừu tượng, tàng ẩn ý nghĩa Thiên và Địa (trời đất), ý nghĩa cát hung của âm phần. Thanh Long và Long Đức hàm ý nghĩa cát hung cho dương trạch, trong đó yếu tố Nhân (con người) đóng vai trò quan trọng.
Nhắc lại sau đây mang ý nghìa nhấn mạnh về 6 hành thuộc thổ liên quan đến việc xây dựng dương trạch:
1. Đại Trạch Thổ, cư ở cửa Khôn (Mùi,Khôn,Thân), là thổ dựng trạch.
2. Ốc Thượng Thổ, cư ở cửa Càn (Tuất,Càn,Hợi), là đất trên nóc nhà, hàm nghĩa bất kỳ không gian thổ nào, dựng được cái nóc che đều gọi là nhà.
3. Bích Thượng Thổ, cư ở cửa Khảm (Nhâm,Tý, Quý) là đất trên vách, tường nhà, hàm nghĩa nơi cư ngụ đã chia các không gian phòng ốc hoàn chỉnh.
4. Thành Đầu Thổ, cư ở cửa Cấn (Sửu,Cấn,Dần) là thổ đầu thành, là nhiều căn nhà hoàn chỉnh hợp lại thành xóm làng, thành khu dân cư, thành thị trấn, thành phố, kinh đô.
5. Sa Trung Thổ, cư ở cửa Tốn (Thìn,Tốn,Tỵ) là đất cát, đất vườn, đất bãi, đất ruộng, đất bên ngoài căn nhà cư ngụ.
6. Lộ Bàng Thổ, cư ở cửa Ly (Bính,Ngọ,Đinh) là đất đường, nối khu dân cư này với khu dân cư khác, cũng là đất ngoài căn nhà cư ngụ.
La bàn đặt nơi trung cung miếng đất xây dựng, cùng hướng với mặt tiền nhà, hay còn gọi là hướng lưng nhà để xác định phương vị hướng và Thanh Long, Bạch Hổ. Nếu đứng từ bên ngoài nhìn vào miếng đất sẽ định vị sai lạc tứ tượng, nhất là Thanh Long (tả) và Bạch Hổ (hữu).
Thanh Long là phía tả của dương trạch, nằm trong bộ tứ tượng (Tiền Tước, Hậu Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ), nôm na là mặt trước, mặt sau, mặt bên phải và mặt bên trái của căn nhà. Do đó, Thanh Long hàm nghĩa được, mất, cát, hung của bốn phía bên ngoài căn nhà (ngoại ốc), nói cách khác là môi trường xung quanh, là dòng khí vận động mang lại lợi ích nắng, mưa, nóng lạnh cho căn nhà cư ngụ.
Long - Phượng tên đầy đủ là Long Trì và Phượng Các, là tên một cặp chim tình, chim vợ chổng huyền thoại, không rời xa nhau bao giờ, nếu chẳng may họa ách giáng xuống, chim trống chết thì chim mái cũng chết theo và ngược lại. Long Phượng hàm nghĩa vợ chỗng thủy chung, cũng hàm nghĩa con người thủy chung với đồ vật trong nhà và đồ vật mang lại sinh khí cho căn nhà cũng là để người cư ngụ thụ hưởng. Với ý nghĩa đó, Long Phượng hàm nghĩa xấu đẹp, lợi và bất lợi, gọi là cát hung của phòng ốc, của đồ đạc trong căn nhà cư ngụ (nội ốc).
Nghiên cứu, xem xét Thanh Long, Long Phượng là xem xét phần bên ngoài và bên trong của căn nhà cư ngụ sao cho tương thích với phong thủy truyền thống. Và thực ra, với khả năng "người trần, mắt thịt" khả năng tìm kiếm và chỉ ra huyệt mạch Long Đức là điều khó, nên chỉ có thể trình bày, trao đổi những kinh nghiệm đúc kết được, trong khuôn khổ nội ngoại thất dương trạch, để người đọc tham khảo và lựa chọn giải pháp lợi ích cho nơi cư ngụ của mình. Đó cũng là nội dung chính của tập Hỏi đáp Phong Thủy Ứng Dụng này.

/ Mời đọc tiếp Chương 3/
PHONG THỦY
ỨNG DỤNG
Sách đăng ký bản quyền.
Luật pháp cấm nhân bản dưới mọi hình thức.
VANDANBNN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét