Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

THƠ LỆ THU/ ĐÒ ĐƯA NGUYỄN VĂN HÒA



THƠ LỆ THU/ ĐÒ ĐƯA NGUYỄN VĂN HÒA
“SAU ĐÁM MÂY ĐEN LÀ MẶT TRỜI RỰC RỠ”- GIỌNG THƠ NHÂN ÁI VÀ
GIÀU TÍNH TRIẾT LUẬN
Đọc Tuyển thơ Điềm đạm Việt Nam của nhà thơ Lệ Thu, NXB Văn Học, 2014)

Lệ Thu tên thật là Trần Lệ Thu (sinh năm 1940 tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1964-1972, làm phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973-1975, làm phóng viên, biên tập viên Đài phát thanh Giải phóng. Năm 1992-1997, Chủ tịch Hội Văn học – nghệ thuật Bình Định, là Đại biểu Quốc hội khóa IX. Lệ Thu 4 lần đoạt giải A Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu.
Tác phẩm đã xuất bản: Xứ sở loài chim yến (NXB Văn học – Nghệ thuật Nghĩa Bình), Niềm vui cửa biển (NXB Tác phẩm mới – 1983), Hương gửi lại (NXB Tác phẩm mới – 1990), Nguyện cầu (NXB Văn học – 1991), Chân dung tình yêu (NXB Văn học – 1996), Tri kỷ (NXB Hội Nhà văn – 2000), Khoảng trời thương nhớ (Hội VHNT Bình Định – 2000), Đến với thơ Lệ Thu (Thơ tuyển và lời bình – NXB Thanh niên – 2000), Mây trắng (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh – 2006), Tri âm của đất (NXB Hội Nhà văn – 2009), Điềm đạm Việt Nam (NXB Văn học – 2014), Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (NXB Quân đội Nhân dân – 2015).
Tuyển thơ Điềm đạm Việt Nam tập hợp hầu như các sáng tác của Lệ Thu trong suốt cả chặng đường 50 năm cầm bút của chị. Tuyển thơ gồm 6 phần:
Phần I: Quê hương đất nước (67 bài).
Phần II: Mẹ – con (41 bài).
Phần III: Bạn bè – đồng đội (55 bài).
Phần IV: Tình yêu (71 bài).
Phần V: Nhân thế (34 bài).
Phần VI: Trường ca quê hương (12 chương).
Điềm đạm Việt Nam thể hiện rõ một hồn thơ cũng như phong cách sáng tác của Lệ Thu. Dù viết về đề tài gì, viết trong những năm tháng chiến tranh ác liệt hay viết ở thời bình; dù viết về quá khứ hay hiện tại, thơ chị bao giờ cũng hồn hậu, đằm thắm, mang đậm nữ tính với giọng thơ nhân ái và giàu tính triết luận. 
Trước hiện thực cuộc sống đa diện, đa chiều, qua lăng kính của người nghệ sĩ hiện lên bức tranh đời sống với nhiều đa đoan, nhức nhối nhưng vẫn giàu niềm tin và khát vọng về thân phận và kiếp người.
Dẫu dòng sông bên lở bên bồi
Nước vẫn chảy giữa đôi bờ che chở
Sau đám mây đen là mặt trời rực rỡ
Ta hiểu bạn, hiểu thù, ta hiểu lòng ta.
(Điềm đạm Việt Nam)
Lệ Thu thường nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, tình người bằng những trải nghiệm đã chín thành cảm xúc. Hình ảnh bông trang bên mộ bạn, khi nhà thơ đến viếng thăm những đồng chí, đồng đội của mình, dưới ngòi bút tinh tế của chị tạo nên một giọng điệu đầy thương cảm: Hơn bốn mươi năm bạn nằm lại nơi này/ bên mái nhà dân/ bờ tre quấn quít/ ngơ ngác khóm bông trang/ vệt máu khôn nguôi/ cánh đồng xương, thịt…
Xưa mình hẹn nhau lên đường/ gửi lại con thơ/ ông bà nuôi trên đất Bắc/ đêm chiến trường nhớ con trào nước mắt/ mơ ngày thống nhất/ ngày những người yêu nhau gặp mặt/ đất nước thanh bình/ hạnh phúc cho con…

(Bông trang bên mộ bạn).


Đối với chị, những người chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường đều trở thành bất tử: Bạn nằm lại trong lòng dân/ thơm áo rách/ trái ngang trùng trùng/ động đất.
Chị đã dành những vần thơ viết về phụ nữ, nói về họ với một niềm cảm thông và sẻ chia sâu sắc.
Chiến tranh đã kết thúc, đất nước sum họp một nhà, non sông thu về một mối, những người lính vất vả nơi đèo cao vực thẳm năm nào giờ đã trở về với cuộc sống đời thường. Đặc biệt là những chiến sĩ nữ, những cô gái đã hy sinh tuổi thanh xuân ở chiến trường, may mắn sống sót trở về sau cuộc chiến:
Ôi đất nước cái ngày xong giông bão/ nắng mênh mông trong mắt chúng tôi cười/ mái tóc bớt xanh, da bớt thắm – nửa đời/ người con gái trở về làm mẹ/ Người con gái trở về băng vết thương đau xé/ giữa mặt trận đời thường/ viên đạn núp sau tim
(Năm tháng đã qua – Năm tháng đang về).

Họ không chỉ đau vì vết thương trên thịt da do chiến tranh mà họ còn mang những vết thương lòng khó lành theo năm tháng của cuộc sống thường nhật, của sự đố kỵ, ghen ghét, gièm pha…: giữa mặt trận đời thường/ viên đạn núp sau tim. Đây có lẽ là nỗi đau đớn tột cùng của họ. Những người phụ nữ rất vững vàng, mạnh mẽ trước đạn bom của kẻ thù nhưng trong thời bình họ cảm thấy day dứt, lo âu: Năm tháng đã qua chưa lúc nào run sợ/ sao năm tháng đang về day dứt thế, bạn ơi! Cuộc sống thời bình có những điều phức tạp, lòng người thay đổi, mọi giá trị, thang bậc bị đảo lộn. Trong bài Yêu đời, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có viết: Có đôi lúc/ Tôi đã định tự tử/ Sống làm chi khi bè bạn bon chen/ Cơ quan quanh năm đấu đá/ Sống làm chi khi người yêu thành người lạ/ Ngày như đêm một mình/ Sống làm chi lương ba cọc ba đồng/ Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ/ Sống làm chi khi mọi tượng thần sụp đổ/ Người ta tin yêu lại hóa tầm thường.
Ý thức sâu sắc những điều hơn – thua, được – mất trong đời, Lệ Thu tự thức: Khi đời ta đã chọn làm chiếc lá/ nguyện phơi mình quang hợp để nuôi cây/ Dẫu chẳng đạn bom trên mặt trận này/ nhưng ở đó cần hai lần dũng cảm.
Với tư cách công dân, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nặng tình với quê hương, đất nước nhà thơ Lệ Thu cảm thấy mình “mắc nợ”.
Cả đời ta mắc nợ lòng ta
Ta mắc nợ màu xanh cây lúa
Ta mắc nợ bao cuộc đời góa bụa
Nợ các em thơ, nợ những con đường
Nợ đồng chí hôm qua ngã xuống chiến trường 
mơ mảnh đất mình rồi sẽ khác.
(Màu xanh cây lúa)
Lệ Thu đã phát huy cao độ vốn sống, vốn văn hóa, sự hiểu biết của mình để bình giá, nhìn nhận cuộc sống:
- Đường trần thăm thẳm ngút xa
Chông gai lớp lớp, quỷ ma trùng trùng. 
(Là tôi)
- Lớp tuồng xưa có phận mình
Buồn vui vạn thuở, nhục vinh muôn đời
Thủy chung người trọng lấy người
Bạc tiền âu cũng một thời mà thôi.
(Tìm trong vở diễn)
- Đừng để lòng ta như trang giấy nát nhàu
Dẫu trang giấy đã ghi nhiều cay đắng.
(Một thời ta sống)

Thế mạnh của Lệ Thu là thơ viết về đề tài thế sự với những liên tưởng, so sánh độc đáo. Từ những hình ảnh, sự việc đơn giản của đời sống nhưng với cái nhìn nhạy cảm của người nghệ sĩ nó trào dâng trong chị bao trạng thái, bao cung bậc cảm xúc, những hình ảnh hiện thực trở nên lung linh nhiều màu sắc. Nhà thơ gián tiếp gửi gắm vào đó nỗi niềm đau đáu, khắc khoải làm người đọc không khỏi nao lòng. Trong Một chút dân gian, từ hình ảnh của Cám, cô Tấm, Lý Thông, Thạch Sach… đã đặt ra bao điều ray rứt về cõi người: Ơ kìa con Cám lên ngôi/ Tấm trong veo đã chết rồi, thực – mơ?/ Lý Thông vẫn cứ ỡm ờ/ Thạch Sanh ơi lại nương nhờ gốc cây!/ Chằn tinh cháu đống con bầy/ Chém sao cho hết kiếp này thoát thân… Chợ chiều bán chúa, buôn vua/ Con tim dóng tiếng chua chùa vọng khan/ Anh còn may túi mười gang/ Chim còn ăn khế, đảo vàng bão giông? – Phải chăng cái xấu, cái ác đang lên ngôi?
Là người đã đi qua cuộc chiến tranh, nghiệm lại những gì đã trải qua trong cuộc đời, chị thành thực cảnh báo và nhận ra rằng:
Sống khác bản thân/ trên sân khấu hóa thiên tài/ đóng kịch giữa đời thường/ dẫu tinh vi/ cũng không thể nào giấu được/ bởi cuộc đời tính trăm năm/ sân khấu thì tính phút/ khán giả một đêm/ bè bạn cả một đời!
(Sân khấu – Cuộc đời).

Đối với người phụ nữ, gia đình, con cái là chỗ dựa quan trọng nhất của cuộc đời họ. Họ hạnh phúc khi có chồng con, sum vầy, êm ấm. Nhưng với Lệ Thu điều ấy dường như không trọn vẹn. Để rồi trái tim một người đàn bà đa cảm như chị phải rỉ máu. Trong bài Ngang trái, đó là lời tự sự cảm thán: Thôi anh đừng nói nữa/ Lòng em thành cơn mưa/ Đừng nhìn em thế nữa/ Dẫu sao em cũng thừa.
Nhà thơ Lệ Thu hiểu rằng, hạnh phúc trong đời con người là có thật, nhưng nó lại rất chông chênh. Chị đã kiếm tìm, chờ mong, hy vọng rồi lại thất vọng, lo âu, trăn trở. Đôi lúc chị bàng hoàng, thảng thốt trong những tiếng gọi tái tê: Ta chỉ có một trái tim chân thành/ đập từ thẳm sâu khát vọng/ nhưng tình yêu chỉ như cái bóng – / cái bóng đa đoan/ dai dẳng theo mình/ Cái bóng vô thường/ ghen ngọn nến hư vinh/ và mãi mãi tình yêu như cái bóng của mình!
(Tự bạch tình yêu).

Tuôn chảy trong thế giới thơ của nữ sĩ Lệ Thu là hình ảnh Mẹ – con. Mỗi bài thơ đều gợi về một ký ức, một kỷ niệm, một nỗi niềm ray rứt và thấm đẫm tâm trạng:
Đêm cuối cùng được ở bên con/ Mẹ thao thức lắng nghe từng nhịp thở/ Môi con hé mở/ Con thấy gì mà cười trong giấc mơ!/ Bồi hồi mẹ viết bài thơ/ Bao thương nhớ dành cho con tất cả.
Bởi không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ nên bây giờ mẹ phải ra đi/ Tuổi bé thơ con chưa biết gì/ riêng mẹ biết con rất cần có mẹ!
(Viết cho con)

Vì nghĩa lớn, vì theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nên mẹ phải lên đường, mẹ biết tuổi thơ con rất cần có mẹ. Mẹ biết con sẽ thiếu đi sự chăm chút, chở che, dạy dỗ từ mẹ. Những ngày ở Trường Sơn, không lúc nào chị nguôi ngoai thương nhớ đứa con trai ở quê nhà. Lệ Thu phải dằn lòng:
Nhớ con… ru gió, ru mây/ ru hoa, ru trái… suối đầy, mẹ ru/ “Ru” con, lại tiếng bom thù/ đêm đêm phía ấy/ mịt mù/đêm đêm!
(Lời ru một thuở)

Khi đứa con trai đã 18 tuổi, Lệ Thu lại dặn con bằng những trải nghiệm của cuộc đời mình đã đi qua, đã chứng kiến. Nói với con, nhà thơ đã bộc bạch, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình. Người đọc có thể bắt gặp sự đồng điệu về cảm xúc qua những dòng tâm sự đó:
Mười tám tuổi của con làm sao con chẳng biết/ cơn bão vừa qua bay mấy vạn ngôi nhà, / mái trường của em con mới dựng lên đã sập/ nóng bỏng từng giờ biên giới phía Tây Nam/ trĩu lạnh một thời mây phương Bắc/ thành phố nơi sinh con, nước ngập/ cơn mưa to chưa từng thấy bao giờ.
Má vẫn thầm ước mong:/ những người bạn tốt đừng qua đời/ và kẻ xấu bớt sinh ra/ để đường con đi dẫu chưa nhiều hoa/ cũng đừng nhiều gai góc/ Má muốn dìu bước con qua nẻo ngoặt/ muốn chắn mũi tên thù bắn lén phía sau lưng/ muốn chân con đừng bước ngập ngừng/ muốn ánh điện sáng hơn trong giảng đường đại học…

(Năm mười tám tuổi của con)


Bên cạnh những bài thơ viết cho con, chị còn có những bài thơ viết về mẹ, người mẹ ruột thịt của mình và cả những người mẹ Việt Nam. Những người mẹ suốt cuộc đời lao tâm khổ tứ nhưng giàu tình nghĩa thủy chung:
Mẹ đứng nơi này một nắng hai sương/ Mái tóc mỗi ngày mỗi bạc/ Mẹ đứng nơi này chắt chiu từng hạt thóc/ Lại nuôi con như thuở mới ra đời…
(Nơi mẹ đứng)

Chính mẹ là người đã ngồi “thắp lửa” cho con, “thắp lửa” cho đời, góp nhiều công sức cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Mẹ là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần to lớn để làm nên đại thắng lịch sử ngày 30-4-1975.
Dòng sông là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo trong thơ Lệ Thu. Cùng với dòng sông là bến đò, biển, rừng, con đường, thành phố… Cũng không khó để người đọc tìm thấy trong thơ Lệ Thu không gian địa lý của những vùng đất cụ thể, những nơi mà chị đã từng đi qua gắn với bao ký ức và nỗi niềm thương nhớ. Với chị, đâu cũng là quê hương, nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng có những nét riêng đặc sắc, nơi nào cũng nghĩa tình: Trường Sơn, Hà Nội, Huế, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Đà Lạt, Sài Gòn, Tây Nguyên, Cà Mau… Những nơi nhà thơ Lệ Thu đã từng đi qua ấy, qua cái nhìn của một tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn tạo nên vẻ đẹp phong tình diễm lệ; chất chứa trong ấy bao suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.
Nhưng có lẽ, Bình Định và các địa danh của tỉnh Bình Định được chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những địa danh như: Tuy Phước, Phước Hòa, Diêu Trì, Thạnh Hòa, Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Cầu Đôi, Tây Sơn, Cù Lao Xanh, Đầm Thị Nại, Quy Hòa, Gò Tháp, Gò Bồi, Nhơn Hội, Tam Quan… Bởi nơi đây là quê hương chị, nơi chị đã chôn nhúm rau của mình trên mảnh đất thiêng này, nơi có những người thân yêu ruột thịt của chị đã ngã xuống cho cuộc chiến tranh vệ quốc, nơi có nhiều huyền thoại, là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và anh hùng cách mạng.
Không gian nghệ thuật trong thơ Lệ Thu hội tụ nhiều yếu tố, có khi trái ngược nhau, nhưng tất cả hòa hợp với nhau tạo thành một thể thống nhất. Thời gian và không gian trong thơ chị như hòa vào nhau. Lo âu, trăn trở và khao khát, tâm hồn người đàn bà tài sắc đa đoan ấy chìm vào không gian, tạo không gian đa chiều.
Đọc thơ Lệ Thu là đọc thơ một người đàn bà từng trải, dịu dàng, đằm thắm khi chia sẻ nỗi lòng của mình. Một hồn thơ đã làm trăn trở biết bao con tim.
Tôi xin làm một con tằm/ suốt đời rút ruột, chết nằm trong tơ/ Nguyện không làm chiếc gương mờ/ trưng nơi trang trọng dối lừa người soi…
(Nguyện)

Nổi bật đó là giọng thơ trầm buồn, tha thiết, đau đáu nỗi đời, nỗi người. Đó là tấm lòng, là tình cảm của một người đàn bà chịu nhiều mất mát, hụt hẫng nhưng chị đã sống, đã yêu một cách chân thành và hồn hậu. Quá khứ – hiện tại – tương lai dường như được hòa quyện vào nhau và hội tụ về thời gian hiện tại trong thơ chị. Chính vì vậy, Lệ Thu đang sống ngày hôm nay nhưng chị lại lo lắng cho ngày mai, cái ngày mà mình không còn trên cõi đời này nữa. Nhà thơ chủ động giãi bày:
Mai tôi về thế giới bên kia/ Bao oan khổ giải rồi, hồn nhẹ bổng/ Tôi vẫn ơn những tháng ngày đã sống/ ở thế gian này cho tôi được là tôi (Tạ từ)./.

THƠ LỆ THU/ ĐÒ ĐƯA NGUYỄN VĂN HÒA
Tác giả gửi bài/ VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét