Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

THƠ BẠN THƠ, 8 Nxb HỘI NHÀ VĂN / B. THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI / 71-72/ Vần tên theo ABC

NHIỀU TÁC GIẢ
Chủ biên
: Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy 
THƠ BẠN THƠ, 8 
Nxb HỘI NHÀ VĂN
B. THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI / 71-72/ 
Vần tên theo ABC
1. Nguyễn Thị Lan Anh, 2. Phan Thị Vàng Anh, 3. Quách Lan Anh, 4. Tú Anh, 5. Trương Lan Anh, 6. Thuận Ánh, 7. Tố Thư Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 8. Lê Ân, 9. Nguyễn Đình Ất, 10. Tùng Bách. 11. Lê Đình Bằng, 12. Trần Bình. 13. Khaly Chàm, 14. Phan Minh Châu, 15. Trúc Chi, 16. Nguyễn Ngọc Chiến, 17. Nhât Chiêu. 18. Phạm Trung Dũng, 19. Trần Anh Dũng, 20. Đào An Duyên, 21. Diên Hồng Dương, 22. Hoàng Điệp, 23. Huỳnh Gia, 24. La Mai Thi Gia, 25. Kiều Giang, 26. Trần Vạn Giã. 27. Lê Hải, 28. Mai Hoàng Hanh, 29. Võ Văn Hoa, 30. Lê Huy Hoàng, 31. Hạ Quốc Huy, 32. Phạm Khang, 33. Thiếu Khanh, 34. Trần Quang Khanh, 35.Nguyễn Khắc Khoa,
36. Duy Khoát, 37. Vũ Thị Khương. 38. Mã Lam, 39. Mai Lan, 40. Phạm Phương Lan, 41. Đinh Lăng, 42. Châu Thị Cẩm Liên, 43. Mai Linh, 44. Tuyền Linh, 45. Trần Đức Lộc, 46. Trần Văn Lợi, 47. Võ Văn Luyến. 48. Văn Nguyên Lương. 49. Lữ Thị Mai, 50. Chu Vương Miện, 51. Hải Minh, 52. Trần Ngọc Mỹ. 53. Phan Nam, 54. Lê Văn Ngăn, 55. Lê Nghị, 56. Nguyễn Trung Nguyên, 57. Ngô Nguyễn, 58. Vũ Đình Ninh. 59. Phan Phú (NP phan), 60. Nguyễn Minh Phúc, 61. Đào Phụng, 62. Võ Thị Kim Phượng, 63. Đào Thái Sơn, 64. Trịnh Thanh Sơn.  65. Nguyễn Thị Liên Tâm, 66. Trúc Thanh Tâm, 67. Huy Tập, 68.Vũ Miên Thảo, 69. Thạch Thảo, 70. Ngưng Thu, 71. Vĩnh Thuyên, 72. Châu Hồng Thủy, 73. Lê Vị Thủy, 74. Phan Hoài Thương, 75. Nguyễn Đình Tiên, 76. Trần Đức Tín, 77.Trần Quốc Toàn, 78. Hoàng Anh Tuấn, 79. Trầm Thanh Tuấn,
80. Võ Thị Thu Trang, 81. Xuân Trà, 82.  Trần Duy Trung, 83. Mai Tuyết,
84. Nguyễn Tường Văn, 85. Trần Hoàng Vy, 86. Đặng Xuân Xuyến. 

71. THƠ VĨNH THUYÊN


TÔI TÌM TÔI


Tôi tìm tôi
mệt nhoài không thấy
Ngày vật vờ
đêm ngủ trên non
Núi vẫn cao
suối rừng vẫn chảy
Chuyện xưa nay
được mất có còn
Dòng suối chạy
đi đâu em biết
Thương đời nhau
không biết đâu về
Đá nghin năm
có tên không tuổi
Có đau không
nước chảy đá mòn
Có buồn không
suối khô sông cạn
Nắng bên này
đồng cháy bên đây
Nước xa khơi
chất đầy nần nợ
Tôi thấy tôi
nửa giọt Trăng ngày


SỚM MAI CÓ MẶT TRỜI

Con đường đi không đến
Cõi nào về mang tên
Như cánh diều bay bổng
Lạc giữa trời mông mênh
Ai đã kẻ giòng sông
Chia hai làn trong đục
Sông ơi ! Cong mấy khúc
Bến nào đục nào trong
Chào đời bằng tiếng khóc
Sống buồn nhiều hơn vui
Đã bao năm ngang dọc
Còn đây với ngậm ngùi
Ngày chạy theo giòng sông
Nghe thương chiều quá đỗi
Nên đêm về rất vội
Sớm mai có mặt trời …!?

EM ĐỪNG VỘI…

Mưa đầu mùa đổ xuống
Con kinh
Chảy ra biển thành sương
Trên mi mắt
Em đâu biết
Những giọt mưa bong bóng
Đã vỡ oà tan tác
Trong tôi
Cầu Tầm Phương*
Một thương
Mười đợi
Trời tháng 3
Chim én lạc bầy
Đêm Giồng Trôm*
Nhớ người dịu vợi
Buổi cơm chiều
Một đợi
Mười thương
Con nước ròng
Theo dòng
Kinh cạn
Tiếng sáo diều
Gọi bạn
Dáng xưa
Cá lòng tong giật mình
Nước lớn
Chạy quanh cánh đồng
Bất tận
Tôi ơi…!
*Tầm Phương *Giồng Trôm
Là địa danh của H.Châu Thành-Tỉnh Trà Vinh

Thơ Vĩnh Thuyên/ Nguyễn An Bình đọc chọn.



72. Thơ CHÂU HỒNG THỦY

TRONG CÔNG VIÊN CHIỀU NAY

Những lứa đôi như tan biến vào nhau
Trong nụ hôn nghẹt thở niềm mê đắm
Quên cả ngoài kia rừng bạch dương đang ngời ngời tỏa nắng
Từng tờ vàng lặng lẽ tiễn mùa thu.

Tuổi xuân ơi, Ngươi đã bỏ rơi ta
Ở đâu đó trên nẻo đường xa lắc
Những năm tháng tẻ buồn không hương sắc
Tuổi hai mươi ẩm mốc một góc rừng.

Tuổi hai mươi đã bị thắng yên cương
Vó ngựa hoang phải cúi đầu thuần phục
Những quy tắc lỗi thời thành dây neo chuẩn mực
Bao ước mơ ủ rũ cánh buồm.

Lướt qua ta những gương mặt thiên thần
Trong mắt họ ta chẳng hề tồn tại
Rồi mai sau chính những gương mặt ấy
Bị lãng quên trong bao mắt người qua.

Rồi một ngày họ trở lại chốn xưa
Qua công viên, lưng còng, tay chống gậy
Má nhăn nheo và bước chân run rẩy
Tìm tuổi xuân trên ghế đá năm nào.

Có thể ngoài kia ngàn gió vẫn xôn xao
Rừng bạch dương vẫn ngời ngời tỏa nắng
Trên ghế đá đã ngả màu sẫm bóng
Lại những thiên thần mới chụm đầu.

Đeđốpxcơ- ngoại ô  Matxcơva 10.11.1991

LÃNG DU

Chớm thành niên, tôi giã biệt làng quê,
Thoát ruộng bùn, say ánh đèn thành phố.
Nhưng một ngày thức dậy hồn lãng tử,
Chốn thị thành không giữ nổi bàn chân.

Khoác ba lô, tôi vốc nước đầu nguồn,
Việt-Lào-Trung biên giới từng có mặt.
Bầu nhiệt huyết là gia tài quý nhất,
Hồn mộng mơ cháy bỏng khát trời xa.

Uống ruợu cần và nghe hát dân ca,
Cùng múa xoè ở Yên Châu, Sông Mã (1)
Đào công sự đỉnh Pha Đin cháy lửa (2),
Hoa Sìn Hồ nở buốt giá giêng hai (3).

Dạt trời Âu  nơi ngày ngắn đêm dài,
Cũng đã  bằng một đời Kiều lưu lạc,
Đã rong ruổi khắp Liên bang Xô viết,
Xa ma gôn (4) uống dưới gốc Bạch dương.

Hiểu quê người hơn hiểu biết quê hương.
Thuộc Matxcơva hơn phố phường Hà Nội.
Chưa một lần thăm chùa quê Núi Đọi,
Tắm Vol - ga nhiều hơn tắm Sông Châu.

Ơi Đồng Thuỷ, Trần Thương, ơi Vĩnh Trụ, Chợ Cầu!
Những ký ức về Người xa xăm quá.
Tôi trở lại sau bao năm giông gió,
Đường về làng cứ bỡ ngỡ bàn chân.

Nghe rưng rưng xa xót trong lòng,
Kẻ vô tình nhạt quê hương xứ sở,
Mải lãng du nơi đầu sông cuối bể,
Để Mẹ già mắt đau đáu chờ mong.

Prospekt Kirova, dom 75, thành phố Xa-ma-ra 11-12/07/ 2004
1. Yên Châu, Sông Mã: Hai huyện biên giới của Sơn La giáp Lào.
2. Pha Đin, dãy núi cao nhất vùng Tây Bắc, giáp giới giữa Thuận Châu (Sơn La) và Tuần Giáo (Lai Châu). Trong chiến tranh 1979, Pha Đin được xây dựng thành phòng tuyến 2.
3. Sìn Hồ: Huyện biên giới của Lai Châu giáp Trung Quốc.
4. Xamagon: Loại rượu mạnh, nông dân Nga thường tự nấu, như rượu quốc lủi của ta.

CÁNH CHIM KHÁT GIÓ

Đêm đặc quánh, bốn bức tường không gió,
Có tiếng gì vỡ vụn giữa đầu ta,
Những nhạt nhẽo, những tầm thường vô vị,
Những yên bình, an phận tháng ngày qua…

Lội ngược dòng tìm gặp dấu chân xưa,
Biển A-dov một mình chiều buốt lạnh,
Ngực căng phồng, ngẩng cao đầu kiêu hãnh,
Mơ cánh buồm giữa bão tố trùng khơi.

Vịnh Phần Lan - hải âu chớp trắng trời,
Vỗ chân cầu - sóng Nhê va dào dạt,
Pe-ter-bua - đêm ảo huyền phương Bắc,
Vẫn một mình – ta mê mải lang thang.

Những con tàu lao xé gió Phương Nam,
U-crai-na nắng thảo nguyên chói sáng,
Đơ-nhi-ev mênh mông và Vol-ga xanh thắm…
Cứ hiện về réo gọi hồn ta.

Giữa yên bình ta mơ ước phong ba,
Gió ơi gió hãy thét gào thêm nữa,
Đêm ơi đêm, hãy mở toang cánh cửa,
Đôi cánh này vẫn khát gió mười phương.

Obolenxki Pereulok - dom 5 - Matxcơva.  29-5-2007
Trước ngày được lên đường hành hương về Israel

THƠ CỦA TÔI

Thơ của tôi - Giếng nước trong sa mạc,
Kẻ chăn chiên chiu chắt múc từng gầu.
Thơ của tôi - Những vẩy vàng trong cát,
Phải nhọc nhằn đào, đãi những tầng sâu.

Thơ của tôi - Những đứa con hiếm muộn,
Phải thành tâm và chay tịnh nguyện cầu,
Mỗi bài thơ – là một lần vượt cạn,
Mang Niềm Vui trong Sinh Nở đớn đau.

Balshaia Trerkizovxkaia Ulitsa, Dom 6/2, Matxcơva.
21/2/2010, Mồng 8 Tết Canh Dần

LỜI NGUYỆN CẦU TRÊN CÂY THẬP TỰ

Bị chửi rủa, bị nhục hình, nhạo báng,
Bị đóng đinh trên thập tự đớn đau,
Nhưng Jesus chẳng một lời oán hận,
Chỉ dâng lên lời duy nhất nguyện cầu:

-“Kính lạy Cha, xin Người đừng bắt tội,
Những người kia chẳng hiểu việc mình làm” (1)
Trên thập tự Ngài gửi cho nhân loại,
Lời nguyện cầu vĩ đại nhất trần gian.

Ulitsa Industri, dom 34  -  Ekaterinburg đêm 28/9//2010
(1): Kinh Thánh Tân ước chép “… họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả. Song Đức Chúa Jesus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Sách Luca 23: 13-14)

Thơ Châu Hồng Thủy/ Tác giả gửi bài

Mời đọc tiếp Thơ Người Thơ Dương Thời 73-74/
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét