Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tiểu thuyết cười MÕ KHÓC/ 25/



 NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết cười
KHÓC
HAI MƯƠI LĂM
NÀNG TỚI NHÀ CHÀNG HAI LẦN, CẢ HAI LẦN ĐỀU KHÔNG GẶP, CHẲNG BIẾT CHÀNG LẶN ĐÂU.
Dù sao cũng phải báo cho chàng biết tin bố nàng đã mất chức giám đốc, vì thế chàng không nên dáng thêm cho bố một bài báo, bởi như thế sẽ quá sức chịu đựng của bố. Cứ theo dự đoán của nàng, thì bài báo của chàng sẽ giáng đòn sấm sét xuống cách làm ăn của xí nghiệp Con Cua, xí nghiệp bết bát quá, mà chàng thì lại là một nhà báo trung thực với chính mình và không một uy lực nào có thể cám dỗ và bẻ cong được ngòi bút của chàng. Nàng giận dỗi và buồn bực nhẩy vào nhà tắm. Đang định tắm qua quýt cho xong rồi lại đi tìm chàng. Nhưng dự định của nàng chưa kịp thưc hiện thì có khách. Cô gái giới thiệu tên Phương môde, muốn gặp bố nàng. Nàng định không mời cô gái vào phòng khách, nhưng thấy cô gái cũng hay hay, chiếc áo tay thụng, vai trễ in những nốt nhạc lộn ngược đuôi đầu, nhưng rất nền, cái quần jin nhung ống bó như làm cô cao vút lên, đôi bông tai bằng nhựa tòn ten, và đặc biệt cái tên Phương môde nghe hấp dẫn quá.
Vừa ngồi xuống ghế, cô gái đã chủ động vào chuyện. Bề ngoài, có vẻ lớn hơn nàng vài tuổi. Cô kể cho nàng nghe, cô là ai, làm gì, đang có vướng mắc trong tư tưởng như thế nào, đã nạp đơn xin chuyển công tác ra sao. Nói chung là cô thuật lại tóm tắt nhưng khá đầy đủ cái cô gọi là lý do xin gặp giám đốc.
-Chị chán công việc văn phòng à?
- Chị hiểu cho, tôi không muốn sống như một loài tầm gửi. Tôi chỉ muốn làm công việc chuyên môn của mình.
- Tôi nghĩ, nguyện vọng của chị chắc chắn được toại nguyện. Chỉ có điều bố tôi không còn làm giám đốc nữa.
- Sao? Xí nghiệp Con Cua có giám đốc mới?
- Tôi nghĩ vậy.
- Trời ơi, vậy mà tôi không hay. Nếu có giám đốc mới thì chắc chắn nguyện vọng của tôi toại nguyện. Giám đốc mới sẽ không bắt tôi phải làm chậu cảnh. Chị tha lỗi cho, tôi biết chị đang buồn về việc bố chị không làm giám đốc nữa. Tôi xin chia buồn với chị. Còn tất cả những người thợ chúng tôi, chắc nghe tin này ai cũng hởi lòng hởi dạ…
- Bố tôi xin từ chức.
- Vậy là tốt, chứ nếu không sớm muộn gì cũng bị cách chức…
- Bố tôi kém cỏi lắm phải không?
- Tôi biết nói với chị thế nào bây giờ, tôi chỉ muốn nói rằng… Bố chị vẫn còn liêm sỉ, vì đã xin từ chức. Chắc chị buồn lắm nhỉ?
- Sao lại buồn? Tôi rất mừng vì bố tôi từ chức.
- Ôi, chị tuyệt quá, tôi nói thật đấy, chị đẹp quá, đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn. Đừng nghĩ là tôi vội vã, vồ vập, tôi nịnh bợ, tôi nói thật đấy, đôi mắt chị thánh thiện như đôi mắt của Đức Mẹ… Ước gì tôi được là bạn của chị.
- Tôi chỉ mong các chị bỏ lỗi cho bố tôi. Chị sẽ đến chơi với tôi luôn chứ?
Nàng tiễn chân Phương môde tận cửa. Một nỗi buồn lâng lâng xâm chiếm lòng nàng. Đâu phải chỉ một mình má nàng nhìn thấy những thói hư tật xấu của bố, mà bây giờ, nhiều người lắm, nếu không muốn nói là mọi người, ai cũng thấy bố nàng là một cản ngại, một nhơ nhuốc, một vô liêm sỉ, thậm chí là một tội ác. Nàng thương bố quá. Nếu lúc này bố nàng có nhà, nàng sẽ chạy lại, quỳ dưới chân người, để nói với người rằng, nàng lúc nào cũng ở bên người, cũng tin người.
Thật tiếc bố nàng đã không về nhà một mình. Mặt bố nàng chẳng hề buồn như nàng nghĩ, trái lại, gương mặt no đầy một nỗi sảng khoái, nụ cười hơn hớn. Đi cạnh bố vẫn là cô Mứt. Cô cũng hơn hớn chẳng kém gì bố, và một người đàn ông mập ú, nếu nàng nhớ không nhầm thì đó là ông Năm Thêu. Cả ba bước vào phòng và bố cất tiếng oang oang gọi nàng. Cái giọng oang oang đó không thể có được trong một con người đang buồn. Không buồn sao được, dù đó là sự từ chức tình nguyện, cũng cứ làm cho bố nàng hụt hẫng.
Nàng mở bia và pha nước chanh cho khách. Mọi khi, cô Mứt thường dành làm chuyện này, nhưng hôm nay, cô Mứt cứ đeo dính lấy bố nàng và ông Năm. Nàng vừa làm nước vừa nghe cả ba chuện trò, câu được câu mất, vì bố nàng thì nói to, còn ông Năm nói thì thầm, cô Mứt chỉ thỉnh thoảng chêm vào câu cười.
-Này người anh em, - Bố nàng nói, - Người anh em nói giá sợi bốn sáu là không được nghe. Chính thách thì chiều qua là năm tư, sáng nay có xuống vài giá. Sao?
Nàng không nghe ông Năm nói gì.
Cô Mứt chêm vào.
-Thủ trưởng sát giá từng ngày anh Năm à.
- Cỏn vải, - Lại tiếng bố nàng, - Hôm qua chợ Bình Đông sáu mươi, chợ Bình Tây sáu mốt. Hôm nay chợ Bình Tây sáu mốt, chợ Bình Đông sáu mươi.
Cô Mứt chữa lại:
-Chợ An Đông.
- An Đông hay Bình Đông cũng vậy, miễn là Đông. Hạnh Phúc đâu rồi, làm nước lâu vậy con.
- Dạ, sắp xong rồi ba. – Nàng đáp lại quýnh quáng.
- Thôi được, - Lại tiếng bố nàng, - Tôi nói vậy để người anh em suy nghĩ, còn tùy người anh em, muốn tiếp tục làm ăn lâu dài thì… - Ông Năm lí nhí điều gì đó. – Thôi được, bây giờ tiền lời cả hai khoản chia làm bốn.
- Sao chia bốn ạ? – Cô Mứt hỏi.
- Một phần biếu anh Tư. Không có ảnh chết chứ chơi.
Hình như cô Mứt thở dài.
Nàng bưng bia và nước chanh ra. Bố nàng hơn hớn xoa đầu nàng. Nàng đưa mắt nhìn cô Mứt, thấy cô có vẻ không vui, còn ông Năm đang bấm ngón tay trên cái máy tính như cuốn sổ con.
Nàng trở lại bếp, ngển cổ nhìn qua khe cửa. Ông Năm tính toán xong, đưa chiếc máy tính cho bố nàng, bố nàng cười đưa lại cho cô Mứt. Sau đó, nàng nghe bố nàng nói gọn lỏn. Thôi được. Ông Năm lôi trong giỏ xách tay, loại giỏ du lịch, ba gói lớn bọc giấy báo. Bố nàng cầm hai gói, một gói cô Mứt cho vào giỏ của mình.
Có tiếng chuông cửa. Tiếng bố nàng:
-Hạnh Phúc ra cửa coi ai. Nói bố đi vắng nghe.
Nàng chạy ra cửa. Chú Tư Kỳ. Nàng thông báo cho bố như vậy. Bố nàng cười. Cái cười ngụ ý cho cô Mứt và ông Năm hiểu điều gì đó. Thường khi phải giãi bầy tấm lòng mình, bố vẫn cười kiểu đó.
Nàng dẫn chú Tư Kỳ vào.
Ông Năm và Mứt đều vội vàng đứng dậy cáo lui. Họ xin phép chú Tư Kỳ là đã tới chơi quá lâu. Chú Tư chẳng có ý giữ họ lại, miệng chỉ cười và nắm tay từng người một.
Nàng lấy thêm ly uống bia.
Sau đó, nàng lui vào trong, không nghe bố và chú Tư Kỳ nói điều gì, dù cả hai đang nói chuyện, nhưng nói nhỏ lắm. Nàng chỉ thấy bố nàng đưa cho chú Tư Kỳ một gói trong số hai gói khi nãy ông Năm đưa cho bố. Chú Tư Kỳ cầm gói, cảm ơn bố, rồi mở cốp xe Vespa để vào đó, rồi bắt tay bố ra về. Chú quên không chào nàng, một thói quen hầu như chẳng khi nào chú quên mỗi khi chú tới chơi.
Nàng định nói với bố cái điều nàng đang bận tâm. Nhưng bố nàng có vẻ bận rộn lắm, lại đang vui lắm, thành ra nàng thấy mình thật vô duyên nếu lúc này để bố nàng phải buồn.
Bố nàng đi tắm.
Tắm xong, thay bộ quần áo mới. Ta đi ăn hiệu con gái ạ. Lâu quá, bố con mình chưa ăn hiệu. Nàng định hỏi bố vì lý do gì thì bố đã gạt đi và dục quýnh nàng thay quần áo. Nàng lên nhà sửa soạn, định bụng trong bữa tiệc lát nữa sẽ bắt bố kể lại mọi chuyện, kể cả cái gói giấy bố vừa cất vào trủ, dù nàng thừa biết đó là tiền, nhưng tiền ở đâu mà ông Năm đưa cho bố nhiều thế.
Nàng đang thay quần áo, nghe tiếng chuông cửa. Nàng thoa chút son môi, đánh phớt một lớp phấn. Khi bước ra khỏi phòng tới đầu cầu thang đi xuống nhà, nàng nghe bố đang to tiếng với ai đó dưới nhà. Nàng sững lại. Nàng có thói quen không bao giờ xuất hiện trước mặt bố và khách trong lúc đang trò chuyện.
Bố nàng: Cậu sẽ là phó của tôi, cậu sẽ cùng tôi chịu trách nhiệm về sự trưởng thành, sự tiến bộ không ngừng của xí nghiệp, vậy mà cậu đi tin vào những lời vu khống nhảm nhí. Tôi thực sự buồn, vì tôi đặt hết niềm tin tưởng nơi cậu.
Khách: Nhưng đây là anh em công nhân họ tố cáo chứ không phải tôi.
Bố nàng: Vấn đề là cậu tin họ hay tin tôi.
Khách: Tôi muốn trực tiếp hỏi anh để biết sự thật. Vì tôi không muốn người khác hiểu lầm quan hệ giữa tôi và anh.
Bố nàng: Nếu tôi nói với cậu đó là sự vu khống cậu nghĩ sao?
Khách: Tôi nghĩ…
Bố nàng: Sợi không phải là mớ rau, con cá, cứ đem ra chợ bán là có người mua. Còn chuyện nhập vải vào kho, chúng ta đã có phòng cung tiêu, có KCS, có kho, chứ không phải mình tôi hay cậu có thể làm được. Chú em ạ, bọn tố cáo láo, tưởng là nhằm vào tôi mà thực ra là nhằm vào chú.
Khách: Anh nói sao?
Bố nàng: Mọi chuyện rối ren bắt đầu từ phân xưởng bẩy, phân xưởng do chú làm quản đốc, người ta thấy chú có khả năng được cất nhắc cương vị cao hơn, người ta tính hại. Nhưng đời n ào tôi để họ hại chú một cách dễ dàng, chú không tin tôi, thử trở lại xưởng coi tôi dàn xếp mọi việc ra sao. Xấp tài liệu này con Tú đưa chú phải không? Nó cũng đã báo cáo với tôi tất cả và hiện thời nó đang dẫn đầu nhóm thợ xung kích, đăng ký tình nguyện về trước thời gian.
Khách: Như vậy là sao cà?
Bố nàng: Bây giờ thế này, chú cứ để tài liệu họ tố cáo lại đây tôi nghiên cứu. Còn chú tới xưởng xem xét lại mọi chuyện. Nếu tôi chưa đủ uy tín cho chú em tin, thì chú em cứ gặp thêm anh Tư Kỳ, ảnh trực tiếp chỉ đạo xí nghiệp chúng ta trong đợt thi đua nước rút này.
Khách: Anh đã nói vậy em làm sao dám nghi ngờ.
Nàng xuống nhà, khi thấy bố nàng đã tiễn khách ra tận cửa. Bố nàng vỗ vai khách coi bộ ân cần lắm.
Hai bố con vào tiệm cơm Phước Thành. Bố nàng vừa uống bia với củ kiệu tôm khô vừa cười ha hả, thích thú. Nàng thấy bố vui nên đem mọi chuyện hỏi bố nàng. Mọi chuyện nàng  kể tới đâu bố nàng cười tới đó, cứ như câu chuyện của một đứa bé với bao nhiêu câu hỏi tại sao mà bố nàng đang xem xét nên trả lời câu nào.
Bố nàng khẳng định với nàng, chuyện bố nàng bị cách chức là hoàn toàn không có. Còn ý nghĩ xin từ chức có nẩy trong đầu nhưng nhiệm vụ cách mạng giao cho bố nàng còn nặng lắm, bố nàng chưa có quyền từ chối.
Những câu hỏi xoay quanh những điều mà nàng coi là tiêu cực, bố nàng không giải thích, chỉ khuyên nàng đừng nên bận tâm tới công việc của người lớn. Bố nàng đang làm tất cả những gì có thể làm được, để sau này ngoài của hồi môn cho nàng, bố có chút vốn dưỡng già. Bố đã nhận tiền của ông Năm phải không? Hình như nàng đã hỏi thẳng bố như thế. Bố không trả lời thẳng câu hỏi của nàng, mà vòng vo một cách rất nghệ thuật. Bố không kiếm được tiền, thì làm sao con gái bố có thể sống hạnh phúc như tên bố đặt cho con.
Bố nàng đã không cho nàng đặt thêm câu hỏi tại sao nào nữa. Bố hỏi nàng có gặp Hát không? Bố khoe, Hát mới gọi điện thoại cho bố hồi chiều, bài đã viết xong, tổng biên tập đã đọc và duyệt. Bài sẽ được in vào số tới.
Thật may quá, nàng nghĩ, mình chưa kịp thông báo cho chàng biết những tiêu cực chính mắt nàng nhìn thấy, để mong chàng giảm nhẹ bài viết, đừng giáng búa quá nặng xuống đầu bố. Thế lại may, bởi, mọi chuyện ở xí nghiệp bố đã tìm được cách che đậy, lấp liếm, thì bài viết của chàng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh những việc làm sai trái.
Nàng như mê đi vì ý nghĩ đẹp đẽ của mình. Nàng hòa nhập vào tiếng cười  vui vẻ của bố. Bia làm mặt nàng nóng, nàng hưng phấn cùng tiếng cười và những lời huyên thuyên…

/
Mời đọc tiếp Hai Mươi Sáu/
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét