SEATTLE - NƠI GẶP GỠ CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ
NIỀM TIN YÊU BẤT DIỆT
(Nhân đọc tập thơ SEATTLE EM & TÔI của Nguyễn Nguyên Bảy).
NGUYỄN VĂN HÒA
(Nhân đọc tập thơ SEATTLE EM & TÔI của Nguyễn Nguyên Bảy).
NGUYỄN VĂN HÒA
SEATTLE EM & TÔI
SEATTLE YOU AND ME
SEATTLE EM & TÔI
Đây là tập thơ mới nhất của Nguyễn Nguyên Bảy và là tập sách in
riêng thứ 21 của ông trong tổng số 36 đầu sách trong Tủ sách gia đình
NGUYỄN NGUYÊN BẢY - LÝ PHƯƠNG LIÊN.
Ngay tên nhan đề tập sách đã tạo nên sự tò mò cho người đọc, bởi
không biết tác giả sẽ nói gì, nghĩ gì, viết gì và tại sao SEATTLE lại
có ấn tượng đặc biệt với nhà thơ như thế.
Tập thơ gồm 3 phần:
Phần A: Gồm 32 bài thơ viết ở SEATTLE (Những
mùa thu du ca từ 2011 - 2014)
Phần B: Nhật ký SEATTLE được viết bằng 7 bài văn vần
Phần C: Ba ngẫu hứng với 3 bài tùy văn
Lật mở từng trang sách, người đọc mới dần biết được Seattle có sự
liên quan mật thiết thế nào đến con người và Thơ của Nguyễn Nguyên Bảy.
Ngay trong bài thơ đầu tiên của tập sách là bài Lời
chào ba quê, nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tự giới thiệu rằng: “Tôi có
ba quê: Quê sinh Hà Nội, quê dưỡng Sài Gòn và quê tuổi già, Seattle, sống vui
cùng con cháu”.
32 là bài thơ ở phần mở đầu tập sách là 32 khúc tâm tình của một người đã đứng
tuổi, đã trải qua bao biến cố thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc. Lời thơ
nằng nặng nỗi niềm thương nhớ, giàu suy tư, nhiều trắc ẩn. Có lẽ, ở cái tuổi xế
chiều của đời người, Nguyễn Nguyên Bảy chiêm nghiệm và chắt lắng đời mình bằng
những trải nghiệm đã chín mùi thành cảm xúc. Vì thế, sự việc gì, cảnh vật gì,
đối tượng nào cũng đều tạo cho ông những ấn tượng. Có những điều tưởng chừng
bình thường nhưng qua cái nhìn của ông gợi ra bao ray rứt, chiêm cảm.
Ba lô anh đã choàng vai
Thuyền chờ ngoài bến đã khai chiêng cồng
Tuổi chiều sợ cóng rét đông
Sợ bỏng nắng hạ sợ còng heo may
Nhà thơ đã giới thiệu với bạn đọc là có ba quê. Quê sinh Hà Nội,
quê dưỡng Sài Gòn và quê tuổi già sống cùng con cháu ở Seattle. Mỗi quê đều gắn
với ông và cả gia đình những dấu mốc kỉ niệm và đã trở thành động lực, niềm tin
để Nguyễn Nguyên Bảy sống, làm việc có ích cho đời.
Chào quê! Đi nhé, sáng nay
Thôi mà... sen sóng Hồ Tây dùng dằng
Hương sen ủ ấm tri âm
Gió theo tri kỷ thì thầm nhớ theo...
Chào quê! Đừng bịn rịn yêu
Sài Gòn tiễn trận mưa chiều tắm mưa
Ôi sao mới lạ lùng chưa
Gót son trẻ lại bước thơ thẩn người...
Chào Seattle, chào định thế thôi
Cháu con ôm đón thốt lời... chào quê...
Những bài thơ Nguyễn Nguyên Bảy viết cho mẹ, cho vợ, cho đứa con
gái về nhà chồng, cho đứa con trai, cho đứa cháu... là những lời tâm sự chân
thành của một đứa con, của một người cha, một người chồng, một người ông, một
công dân chân chính. Ở đó hiện lên chân dung một con người đời thường - một nhà
thơ vừa đường hoàng chững chạc; một nhà phong thủy với kiến thức uyên thâm
trong cách nhìn nhận và biện giải vấn đề.
Chat với con gái về nhà chồng (Với con gái Nguyễn Lý Phương Ngọc)
là lời tâm tình, thủ thỉ của người cha với con gái đi lấy chồng xa, cách nửa
vòng Trái Đất. Những lời người cha nói với người con rất chân tình gần gũi. Nhà
thơ với tư cách là cha nhưng cũng đồng thời là bạn. Cuộc trò chuyện của
hai cha con ông càng làm cho người đọc suy ngẫm nhiều điều. Đó là những câu trả
lời xác đáng cho đứa con gái yêu của mình, qua đó người cha nhắn gửi bằng tất
cả niềm tin yêu và sự trải nghiệm của đời mình để cho con gái hiểu. Trong nhiều
câu hỏi của con và câu trả lời của người cha, câu hỏi nào cũng hay và câu trả
lời nào cũng sâu sắc. Nhưng bản thân tôi ấn tượng nhất là câu đứa con gái
(Nguyễn Lý Phương Ngọc) hỏi cha (Nguyễn Nguyên Bảy) :
Con xa nhà lúc cha mẹ hoàng hôn
Có cách nào cha giải mã nỗi buồn?
Cha một đời tu thân cầu sống đời mình thích
Tự tin tìm hạnh phúc ở bàn tay
Tới đích đó là người đắc đạo
Nay nhìn con yêu người mình yêu
Nay tin con có bàn tay làm ra hạnh phúc
Mã buồn cha giải văn vui
Con đừng ngủ nướng ban mai
Để cha phải thức gió sang gọi nhé
Con đừng đố kỵ nhỏ nhen
Để nụ cười không là hoa hồng nhé
Con cứ là con như con đã là con
Đừng tưởng lấy chồng là đã lớn khôn
Dù ở cách xa hư cha vẫn đánh đòn
Xin cha cứ đánh thật đau
Để con biết cha còn mạnh khỏe
Câu trả lời của đứa con gái làm tôi tỉnh ngộ ra rằng: Ừ, cô con
gái cũng quá thông minh, cô cũng khéo biết “đùa” cha và cô yêu cha mình nhiều
đến nhường nào. Cha không còn đánh con đau nữa tức là cha đã quá yếu (có thể do
tuổi già, bệnh tật). Cha đánh con còn đau, tức là cha còn khỏe mạnh. Mà cha còn
khỏe đó là niềm hạnh phúc của đời con. Giờ đây, khi tôi đã không còn trẻ, bố mẹ
tôi ngày một già đi, ngẫm lại câu trả lời của cô con gái Nguyễn Lý Phương Ngọc
với người cha của mình, lòng tôi cảm thấy nghèn nghẹn, khóe mắt tôi bỗng cay
cay. Bởi giờ đây nếu tôi có làm điều gì không phải thì bố của tôi đã không còn
đủ sức để đánh tôi đau...
Hơn ai hết, Nguyễn Nguyên Bảy ý thức sâu sắc được quy luật của
thời gian, đời người nhưng ông vẫn có gì đó tiếc nuối với tuổi trẻ - những năm
tháng đã đi qua khi ông tự biết: “Tôi biết mình còn nợ một tu thân”.
Tôi đổ tuổi tác vào nồi ký ức
Tóc lau ngồi nín cời than
Kỳ lạ chưa ký ức cung đình
Hôm qua còn vàng son mà giờ trắng xóa
Lạy thinh không mười phương trăm ngả
Tôi biết mình còn nợ một tu thân
Chẳng muốn bới tìm trong đục thục sâm
Bầy đàn vong hiện ra tả tơi xiêm áo
Xá tội cho vong đã cúng cơm cúng cháo
Rũ sạch hận thù tội ác vẫn cầu xin?
Mẹ lại hiện về lưng còng như trăng
Con đâu biết làm gì để lưng mẹ thẳng
Mẹ bảo đừng cười chua khóc đắng
Cứ làm thơ trăng cho Hằng vỗ về đời
Và ồn ào tôi lại hiện tôi
Tung sông hoành bể
Sông đời sao dài thế bể đời sao rộng thế
Sau mỗi lần chìm lại nổi cao hơn...
(Ký ức còn lại)
Viết về người bạn đời - người đã cùng Nguyễn Nguyên Bảy đi qua
những thăng trầm, giông bão của cuộc đời, cuộc người; bà chính là người đàn bà
họ Lý - Lý Phương Liên. Nguyễn Nguyên Bảy cũng dành những tình cảm thân thương,
đặc biệt với vợ. Bài thơ Lời chim câu là một minh
chứng. Ông tự ví: “Chúng tôi chỉ là đôi bồ câu” (Bồ câu trống - Bồ câu mái)
A.Tiếng gù bồ câu trống
Chúng tôi chỉ là đôi bồ câu
Không biết véo von chỉ biết gù
Chim vợ gù giọng thủy
Chim chồng gù giọng thổ
Bài thơ này viết tặng Lý Phương Liên
Tuy thế , tôi không chỉ lan man về vợ
Chúng tôi lan man thủy thổ về loài bồ câu
Thủy thổ âm dương tương khắc
Vợ chồng như đất và nước
Khắc này là khắc tương sinh
Vợ tôi dòng họ Lý
Chữ Phương Liên hàm hai bờ nghĩa
Phương của sen và hương của sen
Một bông sen gái
Thực vật có hoa đực hoa cái
Bồ câu có trống có mái
Người có đàn ông đàn bà
Chim trống gù đàn ba dây
Chim mái gù đàn sáu khúc
Đàn ba dây là Càn tam liên
Đàn sáu khúc là Khôn lục đoạn
................................................
Vợ chồng như đất và nước
Khắc này là khắc tương sinh
Muốn không Sở Khanh thì tu một chữ tình
Trong tiếng gù bồ câu không có lời than thở
Công danh là chuyện mưa rào
Mưa rào bồ câu không xuống sân nhặt thóc
Đói khổ là chuyện ngập lụt
Bồ câu biết lưới cá câu tôm
Trong tiếng gù bồ câu chỉ có lời tình
Vợ chồng như đất và nước
Khắc này là khắc tương sinh
Anh nguyện yêu em trọn một đời tình...
B. Tiếng gù bồ câu mái
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Giữa thời bom rơi đạn nổ
Mà anh muốn cưới tình
Cưới tình thời chiến tranh phải thề không được
chết
Trống mái không con nào được chết
Trước khi tình đầu bạc răng long
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Anh chấp nhận đời râu tôm bầu bí
Chuyện cơm áo có đáng gì kể nhỉ?
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon (*)
....................................................
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Dẫu đời bao xướng ca vô loài anh cứ nhận
Đã sao, đã sao
Với em anh chót vót thanh cao
Trống mái gù lời xướng họa
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Trong rừng câu răn dạy làm người
Anh chọn tu thân chỉ một câu thôi
Văn mình vợ người
Trống ơi xin nghe mái nói
Ngày ngày em tâm thành hương hoa
Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính
Đắc câu văn người vợ mình
Này bồ câu trắng em gọi là chồng
Đừng nhắc tới quà của cụ Nguyễn Du
Hai chữ Sở Khanh đủ làm em điên đấy
Điên em lửa cháy
Em không tiếc vàng mà thiêu rụi công yêu
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng (*)
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Đôi mình đã bay qua bom đạn
Vẹn nguyên về bến thanh bình
Bồ câu gù trong veo trời xanh
Này bồ câu trống em gọi là chồng
Xin dâng tặng tình trọn một chữ yêu
.............................................................
Đọc hết bài thơ, người đọc cũng thấy được sự xâu chuỗi và gắn kết,
gợi mở ra nhiều điều thú vị của nhà thơ. Không chỉ đơn giản viết về vợ, nói về
vợ chồng ông mà ở đó còn là sự thức nhận về cuộc đời, về nhân tình thế thái.
Cái để lại dấu ấn với tôi nữa là đọc các bài thơ ở phần mở đầu
này, những hình ảnh cỏ, hoa, mây, nắng, mưa, tuyết, dòng sông...
được Nguyễn Nguyên Bảy nhân cách hóa khiến chúng trở nên có hồn cốt. Để từ đó
nhà thơ ký gửi và bày tỏ chính kiến của mình về tình yêu, con người và cuộc
đời. Mời Lội Về Thu Ngâu cùng ngâm nga sâu thẳm lẽ nghĩa nhân: “ Ba cõi thông một ngày ngâu/ Nhớ vàng thì
nổi nhờ thau thì chìm..”. Mời tìm về Ký Ức Còn Lại mà yêu những bức tình
ngược sáng: “ Sóng đang hôn gió sông
trôi/ Cỏ đang hôn gió cỏ bời bời xanh..”. Mời yêu cùng Lời Tóc Cỏ Lau một tuyệt diệu tình: “ ..Gió ôm
trăng nói, gió cầm trăng đi/ Gió trăng say đắm đôi khi/ Tình rì rầm kể xanh thì
cỏ lau/ Cỏ lau cười lắt lay đầu/ Sông lăn tan sóng thoa bầu vú trăng../Và
mời đọc, ngẫm lại một ca dao Trong Đầm Gì Đẹp Bằng Sen: “ Hút
tinh khi bùn mà đúc nên thơm/ Nỡ nao ca dao cay đắng thế/ Gần Bùn Mà Chẳng Hôi Tanh Mùi Bùn*”/Những câu thơ hồn cốt, hay
đẹp thế này nhiều lắm, trong hầu khắp mọi bài thơ trong Seattle Em và Tôi, như
thể Chuyền Tay Chữ Hát Xuống Thuyền (NNB),
người viết bài hẹn một khúc khác, đò đưa..
7 bài văn vần ở phần thứ 2 trong tập sách là nhật ký được Nguyễn
Nguyên Bảy chép trong những ngày vợ chồng ông đặt chân sang đất Mỹ, vui vầy bên
cháu con ở Seattle. Đó là những ghi chép, suy ngẫm bất chợt, có thể là cuộc gặp
gỡ tình cờ với những công dân Mỹ, của một cặp tình nhân, hay của đứa con trai,
đứa cháu nội, thậm chí có lúc chỉ đối thoại với chính mình... Đọc chậm, đọc hết
thảy cả 7 bài mà Nguyễn Nguyên Bảy gọi là văn vần này mới thấy ông có nhiều tâm
tư đến vậy. Một con người trầm tư nhưng lòng luôn rộng mở, sẵn sàng đón nhận và
từng bước vượt qua những khó khăn trở ngại của cuộc đời, tiến đến bến bờ vui,
sống cuộc đời hạnh phúc.
“Hạnh phúc bọc trong một chữ hello... Con
trai gần hai chục năm ở Mỹ chỉ cốt học cho được chữ Hello... Con gái vẽ chữ
hello... Con rể hát chữ hello... Vợ ngọng ngịu tiếng Anh cũng hello... Kit và
Kat hello như hát. Con dâu hello cười. Người viết những dòng nhật ký này hello
cùng tiếng nức nở trong lòng...
Tiếng khóc sướng đến tột cùng cái gọi là lý
tưởng cái gọi là lẽ sống mưu cầu. Lý tưởng tượng hình chim bồ câu. Lẽ sống mưu
cầu tượng hình câu hát Cả Nhà Ta Cùng Thương Yêu Nhau... Nhân loại là cả nhà.
Việt Nam là cả nhà. Nhà ta là cả nhà. Nhà người là cả Nhà. Hello! Cả Nhà Ta
Cùng Thương Yêu Nhau Xa Là Nhớ Gặp Nhau Là Cười...
Hello! Hello! Hello!”.
Tôi thích cách Nguyễn Nguyên Bảy viết, viết mà như nói, viết như
chơi, như đang trò chuyện. Mạch cứ trôi chảy, cứ mải miết “chém gió”, nói lời
“cỏ hoa”, thích dừng, thích nghỉ, chấm câu chỗ nào tùy hứng. Đọc những gì ông
viết, phải đọc đi đọc lại mới phát hiện ra cái ẩn ý thẳm sâu mà ông hướng tới.
Ba bài văn ngẫu hứng (Tùy Văn) ở cuối tập sách, dài 22 trang được coi là
ba bài luận rất hay bàn về Thơ, về nắng, về các mùa trong năm, luận về Dịch học
và cả những mối liên hệ về Kinh Thành Cổ Tích, về Sài Gòn, về đất và người
Saettle.
SEATTLE EM & TÔI
YOU AND ME
SEATTLE EM & TÔI
Tập hợp những bài thơ, những lời tâm tình thú vị, những lời “cỏ
hoa”, những kiến thức về đời sống văn hóa, về đất và người...
Qua những bài viết trong tập sách mới thấy được sức viết và tầm
hiểu biết, kiến thức uyên thâm, sâu rộng của Nguyễn Nguyên Bảy. Một con người
lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, khâu gió dệt nắng tưởng như mơ hồ nhưng lại có
nhiều điều đặc biệt.
Cái đáng quý ở nhà văn là những trang viết, càng đáng quý hơn ở
Nguyễn Nguyên Bảy đó là nhân cách và sự kiên định của một người cầm bút chân
chính./.
SEATTLE - NƠI GẶP GỠ CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ
NIỀM TIN YÊU BẤT DIỆT
(Nhân đọc tập thơ SEATTLE EM & TÔI của Nguyễn
Nguyên Bảy).
NGUYỄN VĂN HÒA
Tác giả gửi bài, 6.10.2018 qua eMail.
NGUYỄN VĂN HÒA
Tác giả gửi bài, 6.10.2018 qua eMail.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét