Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Bài thơ Chân Hương của Nguyễn Nguyên Bảy/ Lời bình Hoàng Dân.


CHÂN HƯƠNG
Nguyễn Nguyên Bảy

Cháy rồi, cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi màu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương…

Lời bình của Hoàng Dân 
Dòng thơ đầu tiên “Cháy rồi, cháy hết phần thơm” giống như một câu trần thuật trung tính, thấy sao viết vậy; chưa có vấn đề gì, nhưng đến dòng thơ thứ hai “Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi” thì bằng phép nhân hoá, tác giả đã biến cái chân hương vô tri thành một con người từng trải những bầm dập trong cuộc đời để “đứng lặng” với “nỗi buồn vô vi”. Hai chữ “vô vi” của Lão Tử trong câu nói nổi tiếng “Vô vi nhi trị” xưa nay thường bị không ít người hiểu lầm (cho rằng “vô vi” tức là “không làm gì cả”), do hiểu lầm nên không thể lĩnh hội được tầm tư tưởng của một triết gia phương Đông, mà đến ngay cả Khổng Tử cũng phải bái phục. Vậy “vô vi” nghĩa là gì? Đơn giản là không được có hành động can thiệp vào tự nhiên, xúc phạm tự nhiên bởi sự vận hành của tự nhiên chính là đạo trời. Nói theo ngôn ngữ thời @ thì “đạo trời” chính là các qui luật tự nhiên. Cả câu “Vô vi nhi trị” có nghĩa là “người cai trị giỏi là người luôn biết tôn trọng các qui luật tự nhiên, không áp đặt ý chí cá nhân của mình vào tự nhiên”. Đương nhiên, muốn hiểu các qui luật tự nhiên thì phải học và đọc sách suốt đời. Còn nếu dốt thì nói như Nhiệm Mạt: “Bất học giả hành thi tẩu nhục nhĩ!” (Kẻ không học chỉ là hạng thây đi thịt chạy mà thôi!).
Trở lại cái “vô vi” trong dòng thơ thứ hai của Nguyên Bảy: sau gần hết đời người xuôi ngược, làm được nhiều việc có ích và phạm cũng không ít sai lầm, thậm chí là còn có thể vô tình hoặc cố ý gây ra những khổ đau cho người khác; giờ đây, khi đã “ngũ thập tri thiên mệnh” hoặc “lục thập thuận nhĩ” mới ngộ ra một chân lí vô cùng giản dị: “Trăm năm trước thì ta chưa có/Trăm năm sau có cũng như không/Cuộc đời có có không không/Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi!”. Thực ra, tất cả những gì ta từng phải gồng mình lên để làm cho kì được, cuối cùng hình như đều vô nghĩa? Giờ đây, khi đã “lực bất tòng tâm”, ta chỉ còn biết “đứng lặng” với “nỗi buồn” không thể làm được trò trống gì nữa, vì có lẽ ta càng hùng hổ thì càng xúc phạm đạo trời, điều mà trong thâm tâm ta đâu có muốn?! Phải chăng ta đã có những hành động mù quáng, ngộ nhận?
Đến hai dòng thơ tiếp theo thì những tự vấn trên càng day dứt hơn:
Rồi màu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương…
Sự vô nghĩa và luẩn quẩn của kiếp người bắt đầu từ có (màu phẩm nhuộm), để rồi sau đó thành không (màu phẩm nhuộm phai đi), và cuối cùng là “chẳng còn gì” (xem thêm lời bình bài Đò ngang của Nguyễn Bảo Sinh) tưởng như tất cả đã thành cát bụi; nhưng không, “vẫn đứng chân hương”, tức là vẫn còn những cái chân hương (đã phai màu) trơ ra những cái lõi tre nhỏ như những cái tăm. Hoá ra bên trong màu sắc (của phẩm) và mùi thơm (của nguyên liệu tẩm hương liệu) chỉ là cái cốt tre tầm thường. Người ta chỉ thắp hương cho những việc có liên quan đến tâm linh hoặc một đức tin cao cả nào đó. Và chính mùi thơm của nén hương làm nên không khí huyền hoặc linh thiêng; còn khi nén hương đã “cháy hết phần thơm” thì nó thật tầm thường. Tóm lại, cái cao cả và sự tầm thường luôn hoán đổi vị trí cho nhau, chẳng có cái cao cả vĩnh cửu và cũng không có sự tầm thường vĩnh cửu – Đó là qui luật, là lẽ đời, chớ nên nuôi ảo tưởng. Ngộ ra điều đó thì đã muộn, thế cho nên mới “đứng lặng” với “nỗi buồn vô vi”. Nếu biết thế này thì ta đã chẳng một đời ham hố, múa may bắng nhắng làm trò cười cho thiên hạ!
Nhưng, có lẽ bình như trên chắc gì đã đủ, bởi theo cái lí “ý ở ngoài lời” thì bài thơ này còn có thể có một tầng ý nghĩa khác, khuất lấp mà sâu sắc hơn chăng? Chẳng hạn, kẻ sĩ dù có bị bầm dập vì những “tai bay vạ gió văn chương” nào đó thì cuối cùng “cái cốt cách tre trúc” cứng cỏi vẫn cứ sừng sững giữa cuộc đời?!... Chuyện là, đầu những năm 70 của thế kỉ trước, Nguyễn Nguyên Bảy có công bố một quan niệm về thơ chỉ có 15 chữ, nguyên văn: “Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ” và vì 15 chữ này mà ông vướng vào một “tai nạn” thơ, bởi thời đó 15 chữ kia bị coi là phạm huý, là trọng tội. Vì 15 chữ đó ông chẳng những bị cấm cửa vườn thơ, mà cuộc sống gia đình cũng lên bờ xuống ruộng. Còn nói như nhà thơ Việt Phương thì: “Làm thơ là một nghề nguy hiểm!”. Như vậy, bài thơ CHÂN HƯƠNG là một cách nói khác, kín đáo hơn, về cái chân lí THƠ KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊA VỊ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LÀM THƠ – Và điều quan trọng hơn, đây là tiêu chí duy nhất để ông và người bạn đời Lý Phương Liên cùng nhiều nhà thơ, nhà văn khác tuyển chọn tác phẩm cho một dự án đồ sộ, đầy tính nhân văn: THƠ BẠN THƠ và VĂN BẠN VĂN…

Thạch Bàn, 28.1.2014
theo Fb Hoàng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét