Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Bài Đk sách " 100 BÀI THƠ TÌNH"/ đang Bt/ Thơ PHẠM HIỀN MÂY/ ĐÁNG ĐỜI

Bài Đk  sách " 100 BÀI THƠ TÌNH" đang Bt/ 
 Thơ PHẠM HIỀN MÂY

ĐÁNG ĐỜI


cái hôm anh ghé bồi hồi
mây em hồn vía rụng rồi xuống sông
đáng đời chưa
đứa
chạy rông
chạy đâu không chạy chạy tông bãi bờ
may mà anh biết giả vờ
làm ngơ như thể dáng thơ em nằm
thơ xanh nước mộng đêm rằm
đáng đời chưa
đứa
trăm năm đi tìm
đáng đời chưa
xém
chết chìm
mây trôi nghe tiếng con bìm bịp kêu
kêu rằng số kiếp lêu bêu
tình cho mấy cũng rong rêu cuối mùa
tình cho mấy cũng trò đùa
đáng đời chưa
tính
bỏ bùa người ta
bỏ bùa trong cõi phù hoa
tha hồ được nhặt cánh nhòa trắng bông
tha hồ được ngắm sầu đông
trổ tim em giá lạnh tồng ngồng run
đáng đời chưa
mỏ
ham hun
đợi anh bởi chỉ muốn hùn vốn môi
đợi vì muốn được thành đôi
nên trời đày 
nỗi xa xôi
đáng đời… .

Lời bình của Khánh Trường
Thơ Phạm Hiền Mây


Tôi sẽ không nói đến chữ nghĩa phong phú, biến hóa. Tôi cũng không nói đến sự mới lạ trong cách gieo vần, đảo chữ cũng như âm hưởng ca dao tưởng cũ nhưng lại vô cùng mới. Tôi cũng không nói đến nỗ lực cách tân lục bát – một thể thơ thuần Việt và đã trở thành quen thuộc đến độ khó làm hay hơn những người khổng lồ đã trấn giữ dòng thơ này, Nguyễn Du, Huy Cận, Nguyễn Bính, Bùi Giáng… .Vâng, tôi sẽ không nói đến những điều trên trong thơ Phạm Hiền Mây, bởi lẽ Đặng Tiến, Nguyễn Vy Khanh, Du Tử Lê, Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Trần Vấn Lệ, Nam Dao, Đào Hiếu, Nguyễn Thị Dư Khánh… đã đề cập. Nói nữa sẽ chỉ lặp lại, và chắc chắn không hay hơn.

Bài viết này chỉ chú trọng đến khía cạnh ai cũng nhìn thấy, đó là tình yêu, chủ đề duy nhất, xuyên suốt qua, dễ chừng đã nghìn bài thơ, hầu như ngày nào cũng được Phạm Hiền Mây khai sinh. Tình yêu, vấn đề muôn thưở, từ khi loài người xuất hiện, và chắc chắn cho đến lúc hành tinh này nổ tung. Tình yêu, dễ làm, khó hay, vì đó là đề tài hầu như bất cứ người làm thơ nào cũng đã chạm đến. Phạm Hiền Mây tự làm khó mình hơn nữa, khi mỗi ngày đều một bài thơ mới, đề tài duy nhất, tình yêu. Số lượng thơ sinh nở thường nhật, rất nhiều khả năng sẽ làm người đọc nhàm, chán vì sự đồng phục. Nhưng có lẽ cũng là một thách đố với chính bản thân, Phạm Hiền Mây cố tình chọn lục bát và một số câu nhất định cho một bài thơ, dù đây đó thỉnh thoảng chúng ta đọc được vài bài thơ làm theo phong cách khác, xuất sắc không kém chứng tỏ tài năng của Phạm Hiền Mây không chỉ quẩn quanh với lục bát, hay bát cú. Điều khiến ta kinh ngạc là mỗi bài thơ dù giống nhau mặt hình thức vẫn đều mang sự khai phá, từ câu chữ đến ý tưởng, chứng tỏ tài năng biến ảo, phong phú không cùng của một hồn thơ.
Tình yêu trong thơ Phạm Hiền Mây, có vẻ như một cái cớ. Ví von, như chiếc móc áo mỗi ngày cô vắt lên một trang phục. Nói cách khác, đối tượng của tình yêu trong thơ cô rất có thể chỉ là nhân vật hư cấu, điều này trong tập thơ đầu tiên, Lục Bát Pham Hiền Mây, nhà phê bình Đặng Tiến đã tinh nhạy nhận đoán. Tôi, do công việc in ấn, có dịp đối thoại hơn một lần với người thơ này (dù chỉ qua facebook), tôi biết Phạm Hiền Mây không nhiều nhưng tương đối cũng đủ để nhìn thấy phần nào nội tâm cô. Ngoài vài thông tin ít oi được chính cô phổ biến dè xẻn trên trang của mình, hầu như không ai biết người đàn ông mà mỗi ngày cô cần mẫn gửi gắm những buồn vui, thương nhớ là ai, già trẻ, cao thấp… ra sao?
Vài lần nhìn thấy lời đề tặng một người có tên khởi đầu bằng vần b, “của b”, “gửi b”, “tặng b”, “m thuộc về b”… , tôi hỏi Phạm Hiền Mây - là ai vậy?. Cô cười, là Bo, con trai Mây. Cô giải thích thêm, Bo là tên gọi ở nhà của Duy hồi mới sinh. Nhiều người bảo sao giấu “chàng” kỹ thế, Mây nghĩ đến Bo, bèn tương đại, cho yên. Một lần khác đọc thấy câu “gửi người kiệm lời”, tôi lại hỏi - ai vậy, câu trả lời khiến tôi cũng bật cười - tình cờ xem phim bộ Hàn Quốc trên tivi, thấy có một nhân vật rất ít nói, thế là Mây chộp ngay ý tưởng vừa lóe lên, và tặng luôn bài thơ cho cái gã kiệm lời “không chân dung” đó.
Vậy, người tình trong thơ Phạm Hiền Mây là thực hay sản phẩm của hư cấu? Xét cho cùng, tôi nghĩ, chả cần tìm hiểu thực hư làm gì, điều quan trọng, theo tôi, là qua nhân vật (hư cấu hay có thật?) này, ta có được những biểu cảm, những rung động tưởng chừng chỉ có thể nảy sinh từ một tình yêu cụ thể, và lớn.Tôi có thể trích dễ dàng vài câu trong bất kỳ bài nào, sẽ có được những vần thơ chất ngất đắm say, đau đáu đam mê, man mác nỗi niềm để minh chứng cho điều vừa nói. Nhưng tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn nếu tôi chép lại toàn bài thơ Phạm Hiền Mây ưng ý nhất (tôi đoán thế), bởi cô dùng nhan đề của bài thơ này đặt tên cho thi tập - Đáng Đời.
Bài thơ, tuy lời lẽ mộc mạc, giản di, nhưng vẫn mang đầy chất cách tân, chúng ta dễ dàng nhìn thấy tâm hồn cô, một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm. Cũng qua bài thơ, biên giới giữa mộng và thực bị xóa nhòa. Mộng ư? Sao cụ thể đến thế. Thực ư? Sao phiếu diễu đến thế.
cái hôm anh ghé bồi hồi
mây em hồn vía rụng rồi xuống sông
đáng đời chưa
đứa
chạy rông
chạy đâu không chạy chạy tông bãi bờ
may mà anh biết giả vờ
làm ngơ như thể dáng thơ em nằm
thơ xanh nước mộng đêm rằm
đáng đời chưa
đứa
trăm năm đi tìm
đáng đời chưa
xém
chết chìm
mây trôi nghe tiếng con bìm bịp kêu
kêu rằng số kiếp lêu bêu
tình cho mấy cũng rong rêu cuối mùa
tình cho mấy cũng trò đùa
đáng đời chưa
tính
bỏ bùa người ta
bỏ bùa trong cõi phù hoa
tha hồ được nhặt cánh nhòa trắng bông
tha hồ được ngắm sầu đông
trổ tim em giá lạnh tồng ngồng run
đáng đời chưa
mỏ
ham hun
đợi anh bởi chỉ muốn hùn vốn môi
đợi vì muốn được thành đôi
nên trời đày 
nỗi xa xôi
đáng đời… .
Thơ tình Phạm Hiền Mây không chỉ bay bỗng, lung linh, mà cũng có đủ mọi cung bậc của tình yêu. Trong một nhận định, Nguyễn Thị Dư Khánh cho rằng tình dục trong thơ Phạm Hiền Mây, có lẽ Hồ Xuân Hương cũng phải chào thua. Bà muốn nói đến hai cách thể hiện tình dục của hai nhà thơ cách nhau hơn một trăm năm (HXH: 1772 - 1822 và PHM: 1972 - …).
Tôi muốn làm rõ hơn.
Tình dục trong thơ Hồ Xuân Hương thiên về mô tả:
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người
(…)
Quân thiếp trắng, quân chàng đen
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa. 
(…)
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý
Đem tốt đầu dú dí vô cung
(…)
Phạm Hiền Mây thiên về tâm cảm:
khe ứa kiếm anh nghìn năm cỏ thiếp
em giấc tìm mật ủ ngát đồi hương
rất ngọt ngào
làm bằng chứng
uyên ương
khi trời đất vào nhau khuôn vừa khít… .
Một bên “đem tốt đầu dú dí vô cung”, cái hình ảnh sao mà trần trụi dung tục thế. Một bên “khi trời đất vào nhau khuôn vừa khít”, sự “vừa khít” mang hàm ý giao thoa, hợp nhất của hai tâm hồn đồng điệu. Tình dục ở đây được thăng hoa, vượt thoát khỏi những rung động xác thịt thuần cảm giác, đã bay cao, vươn xa, hòa nhập cùng trời đất. Tình dục trong thơ Phạm Hiền Mây trở thành biểu tượng của thuần khiết, sáng trong, dâng hiến, cho và nhận trong yêu thương vô điều kiện.
Thơ Phạm Hiền Mây mang vẻ đắm say, ướt sũng của một tậm hồn nữ tính.
Có người khoác vào thơ Phạm Hiền Mây tấm áo choàng mang màu sắc của triết học, đạo học. Cũng là một hướng nhìn, qua hướng nhìn này thơ Phạm Hiền Mây có vẻ như cao hơn, sang trọng hơn, trí thức hơn. Nhưng tôi nghĩ đã vô tình đẩy thơ Phạm Hiền Mây xa dần sự hồn nhiên vốn dĩ.
Sự hồn nhiên làm thành dấu ấn vượt trội, cá biệt, không thể lầm lẫn giữa rừng thơ đang xâm lấn tràn lan trên các phương tiện truyền thông hiện nay.
Dấu ấn mang tên - thơ tình Phạm Hiền Mây.
KHÁNH TRƯỜNG
theo fb Phạm Hiền Mây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét