Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

Mỗi năm Mồng Ba Tết/ Chia sẻ cùng tôi bài viết này.. CẢM ƠN CHỮ MẸ, CHỮ THẦY.. nguyễn nguyên bảy



Mỗi năm Mồng Ba Tết/ Chia sẻ cùng tôi bài viết này..
CẢM ƠN CHỮ MẸ, CHỮ THẦY..

nguyễn nguyên bảy

Mời đọc bài văn vần Tự Họa Tuổi thơ của tôi.

Nhân vật tôi xuất hiện: /Chưa cười đã thấy răng/ Mà lại hay cười/ Chưa nhìn đã thấy mắt/ Gằm gằm nỗi gì sau đít chai../

Hai nhân vật quan trọng tiếp theo xuất hiện: /Đêm ngủ gối đầu chữ nghĩa/ Mớ ngày thành một xướng ca/ Cô giáo phạt tội ngơ ngơ/ Sáng sáng tới sân trường quét lá/ Cô ơi tội mẹ em quá/ Giọt khóc lau khô còn ngấn lệ buồn../

Thêm nhân vật thứ tư, bầy đàn tuổi thơ: /Bạn bè đùa gọi chàng Trương/ Ai chịu làm nàng Mỵ? Thơ tình học trò vì thế/ Bảy sắc cầu vồng em/ Mắt nhìn đâu cũng Mỵ Nương/ Xanh mướt cỏ triền đê sông Cái../

Bốn nhân vật cùng khóc hát, reo cười cuộc đời tôi: 
/ Nhớ ngày tuổi thơ xa mãi/ Sân trường háo hức chim bay/ Trương Chi hát lời giã bạn/ Mỵ rút khăn tay/ Cô giáo rút khăn tay/ Bạn bè ủ tình vạt áo/ Tình đầy ngực/ Ngực đầy âm thanh/ Âm thanh đầy sông/ Sông đầy thuyền/ Có một con thuyền Trương Chi../

Nhân vật tôi hiển nhiên ngụ trong tim tôi.
Nhân vật sinh nở ra tôi, tên là Mẹ tôi cũng ngụ trong tim tôi, nhất định là vậy, nhưng không phải từ khi tôi khóc chào đời. Đấy là sự thật. Tôi không muốn nói một câu công thức, một lời giả dối đua đòi bầy đàn cứ phận làm con thì có mẹ trong tim. Bởi tôi không thể để những roi vọt tím tái, càng không thể để những lời ca dao móc họng, những câu Kiều lẩy xéo có một chỗ thiêng trong tim mình. Nhưng đến khi tôi nghe mẹ thắp nhang van trời: /Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, xin trời hãy xót thương cứu vớt thằng bé../Thì tôi bỗng hiểu là Mẹ tôi không lỗi phải gì, Mẹ xót thương tôi, nhưng ông trời ganh ghen tình mẫu tử, mà sinh ngỗ nghịch tính con hành mẹ để răn đời. Và dù đã ngộ vậy, nhưng tình con vẫn chưa tự nhiên đón Mẹ vào tim. Mẹ biết mà không buồn. Rồi tôi lấy vợ, mẹ thương con dâu hơn con đẻ, rồi tôi sinh con đầu lòng, mẹ bồng ãm cháu chặt một ôm tay không chịu nhường ai bế giúp. Năm 14 tuổi, một chứng bệnh hiểm nghèo vật cháu. Mẹ từ xa nghe tin lội về, không mang theo nước mắt mà rút ra từ ngực một thanh gươm trao cho tôi và bảo: /không cứu được thằng bé thì đừng nhìn thấy mẹ./ Tôi cầm gươm Mẹ cứu con tôi. Tôi đã thức trắng sáu đêm, bảy ngày làm tất cả những gì có thể để chiến đấu với thần chết, với một đức tin hai cha con sẽ về chúc thọ bà. Sáng ngày thứ bảy nắng hoa, đức tin đã chiến thắng, tay con tôi lần tìm tay tôi đang ngủ, vùi đầu vào tay tôi đang mơ và thào thảo gọi Ba ơi! đưa tôi về bến thực. Tôi bật dậy cùng hai tiếng Ba ơi con gọi, cắn chặt môi hạnh phúc và thấy ngực xôn xao, trong xôn xao ngực ấy trái tim tôi đầy ngập hình bóng Mẹ. Mẹ ơi, tôi đã thốt lên như thế và trái tim tôi đã mời mẹ bước vào như thế. Xin Mẹ hãy tha tội cho đứa con bất hiếu, khi biết xót thương mẹ, báo đáp Mẹ tận lòng, thì xót thương báo đáp ấy đã muộn màng trước nắng tắt, chiều buông..

Nhân vật dạy dỗ tôi, cung cấp hành trang cho tôi bước vào đời, tên là thầy/cô giáo đã ngự trong trái tim tôi từ khì nào? Tất nhiên không phải từ lúc ấu nhi, thời cắp sách. / Cô giáo phạt tội ngơ ngơ/ Sáng sáng tới sân trường quét lá/ Cô ơi tội mẹ em quá/ Giọt khóc lau khô còn ngấn lệ buồn../ Kỷ niệm không chỉ thô mộc thế, kỷ niệm còn tượng hình thành phù thủy, thành chó sói tranh cướp trái tim của cậu bé quàng khăn đỏ.

Nhớ lại một: Trường đấu địa chủ, người cha địa chủ tay bị trói quặt sau lưng, đứa con trai đứng trước mặt cha, xỉa xói tố cha trăm điều tội lỗi, ngàn điều thô tục trước xóm làng bần cố nông dù được mớm lòng căm thù địa chủ đến tận xương tủy cũng ngơ ngác trước cảnh tàn phá luân lý đạo đức cha con vốn có tự muôn đời. Tôi thuật lại choáng váng này với thầy/cô, hy vọng được chia sẻ để thăng bằng đức tin. Nhưng tôi đã thất vọng, có thể nói đây là thất vọng đầu đời, thất vọng ngay với chính thầy/cô, bà mẹ thứ hai của mình, khi thầy/cô hỏi ngược tôi: Nếu bố em là địa chủ, em có đấu tố bố em không?/ Không! Tôi đáp. Thầy/cô nhìn hắt tôi một nguýt rồi bỏ đi. Sau này, tôi còn biết: thầy/cô đã lệnh miệng cho Hiệu Đoàn Trưởng, chính là đứa con mất dạy đấu tố cha, không được rời mắt khỏi mầm mống tàn dư phong kiến tôi lớn nhí lúc bấy giờ..

Nhớ lại hai: Hội trường (Căn phòng tranh tre nứa, lớn hơn phòng học bình thường) sôi như vạc dầu. Toàn trường, tức là Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, tôi nhớ không chính xác, mài mại hai ba trăm người gì đó..tập trung nghiêm cẩn, nghẹt đặc hội trường cho một cuộc đấu tố một nhóm học trò, tội dâm ô trụy lạc. Bằng chứng "dâm ô trụy lạc" là cuốn Nhật ký, với những ghi chép lăng nhăng học trò nhưng đặc biệt nghiêm trọng là trong cuốn nhật ký ấy có dán hai tấm ảnh họa báo từ thời Pháp thuộc, tức là trước năm 1954, tiếp quản Hà Nội, hình hai cô gái ăn mặc hở hang.. Cầm đầu nhóm trò "dâm ô trụy lạc" tưởng ai, hóa ra thằng bạn học lớp bên, tính lành như khoai, nhu nhi như con gái. Nó bị bắt đứng trên cái bục gỗ, gọi là vành móng ngựa, đầu rũ xuống, men mặt sợ hãi, xanh nhớt. Dưới hội trường, hàng trăm cánh tay dơ cao xung phong lên đấu tố..Đứa gái đấu tố bạn về tội đã nhìn trộm mái tóc dầy của nó trên đường đi học về. Đứa trai tố, nhà bạn ấy không có cúng giỗ gì cũng ăn thịt gà. Đứa trai khác tố thấy bạn đọc tiểu thuyết Phạm Cao Củng, Ngô Tất Tố..Cứ sau mỗi lời đấu tố, tiếng hô dưới hội trường lại ầm vang như sóng biển theo lời hô mào của Hiệu đoàn trưởng: Đả đảo dâm ô trụy lạc..Đả đảo.. Đả đảo..Chắc chắn là cánh tay tôi cũng dơ lên và miệng tôi cũng hô to lời đả đảo. Thằng "dâm ô trụy lạc" đứng không vững trước những lời hô đó, khuỵu xuống thế quỳ. Thầy/cô bước lên sân khấu, thầy/cô nói nhiều lắm, dài lắm, toàn những lời đạo cao đức trọng dạy dỗ chúng tôi nhìn tấm gương này mà tu thân làm học trò Paven (thần tượng hồi đó) để phụng sự đất nước. Và tất nhiên, thằng " dâm ô trụy lạc" được khoan hồng, không bắt đi tù, nhưng đuổi học, mang cái thói "dâm ô trụy lạc" tàn dư thực dân phong kiến mà vào đời..

Bất hạnh tuổi đi trường của tôi với ấn tượng xanh đen về thầy/cô giáo của mình như thế. Hơn 10 năm sau đó, mãn khóa dịch học một thầy một trò (sẽ thuật dịp khác), thầy cho "xuống núi" với lời dặn: Trong chữ Thầy tàng ẩn nghĩa Tôn sư/ Trọng đạo. Trong chữ Thầy có giải pháp tu thân. Tu thân hai chữ Tôn/Trọng mà làm Thầy..

Tôi không phải là Thầy...
Câu xưng này tôi nói ở Trung Quốc trong dịp (không chính thức) giảng mở lớp Kinh Dịch, trước người tổ chức và những người ngồi nghe. Nại rằng: Ở quê tôi, người ta không thừa nhận môn kinh dịch và không có bất kỳ cơ sở học đường nào giảng dạy môn học này, vì vậy tôi không là thầy, tôi không dám mạo nhận. Dù đã nói minh bạch vậy, nhưng những người Trung Quốc có mặt trong giảng phòng vẫn gọi tôi là Lảo Xư/ Ta Xư..

Tôi không phải là Thầy..
Câu xưng này tôi nói ở Mỹ cũng trong dịp (không chính thức) giảng mở lớp Kinh Dịch, người mở lớp vừa cất lời: Thưa Giáo sư../ Tôi cắt lời và thưa gửi điều mình bạch như đã nói ở Trung Quốc./ Người mở lớp sau lời cảm ơn, đã nâng đỡ tinh thần tôi: Thưa Ngài, ở nước Mỹ, bất kỳ ai đứng trên bục giảng này, chúng tôi đều gọi là Professor, là Thầy. Tôi cố chấp thưa ngang: Dù vậy, tôi vẫn không phải là Thầy. Người Mỹ cười đôn hậu: Vậy thưa Ngài, chúng tôi phải xưng hô với Ngài như thế nào để cùng Tôn/ Trọng nhau? Tôi đáp: Tôi tên là Bảy, những người dân quê tôi gọi tôi là Thày Bảy, không phải Thầy theo nghĩa Giáo Sư/ Thầy Giáo, vì vậy xin các bạn cứ gọi tôi là Thầy Bảy, dịch sang tiếng Anh là Mr Seven.. Wellcom Mr Seven/ Cả giảng phòng hình như đã reo cười gọi tôi như thế, lòng tôi tràn ngập niềm vui được Tôn/Trọng..

Thành thật khai báo: Ngay từ thời kinh dịch còn bị cấm đoán, tôi đã lén lút thu nhận học trò học môn kinh dịch, tức là tôi đã lén lút làm thầy. Thời hết cấm đoán, tôi mở lớp học tại nhà, kín hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, các ngày thường tôi lên lớp ở các câu lạc bộ, các nhà văn hóa, các trường nghề thỉnh giảng phong thủy.. và tư vấn dịch học cho đủ mọi tầng lớp khách hàng trong một văn phòng được pháp luật thừa nhận, cấp phép..

Và..tất thảy mọi người (nam/phụ/lão/ấu) đến với tôi, nghe tôi, làm theo tôi, tin cậy tôi..đều tôn trọng gọi tôi là Thầy. Chữ Thầy nghe lần đầu tiên cho đến tận hôm nay/lúc này/ bây giờ vẫn luôn làm tôi giật mình tự vấn: Mình là thầy ư? Mình có đáng được gọi là thầy ?Sau mỗi câu hỏi, tôi lại thấy hiện lên, lúc đầu thấp thoáng, càng về sau càng dầy đặc hình bóng những thầy/cô giáo đã đi qua đời tôi, và đến giờ, hình bóng ấy hầu như không hiện lên nữa, tôi hiểu là những hình bóng ấy đã tan hòa vào máu, thu-trương đen đỏ theo nhịp đập trái tim tôi.

Cảm ơn một chữ Thầy. Đức của chữ Thầy là Tôn sư/ Trọng Đạo. Nói vắn là hai chữ Tôn/Trọng. Dịch học là quẻ Quan (hoặc Quán). Thầy nhìn xuống trò mà Quan. Trò ngước nhìn, nghe Thầy mà Quán. Quan và Quán trong chữ Mẹ, chữ Thầy, là đức pháp tu thân mà thành người tử tế. Cảm ơn chữ Mẹ, chữ Thầy.

Mỗi năm, Mồng Ba Tết
Nguyễn Nguyên Bảy (11/ 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét