Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

PHÙNG THANH VÂN đọc sách/ TÔI LÀ BÊTÔ của Nguyễn Nhật Ánh.

PHÙNG THANH VÂN
đọc sách
TÔI LÀ BÊTÔ của Nguyễn Nhật Ánh.

Cuốn Tôi là Bêtô mà tôi vừa đọc là cuốn sách đã được NXB Trẻ tái bản lần thứ 23, qúy I, năm 2013, với số lượng 3.000 cuốn. Cuốn truyện có 229 trang, kể về thời gian cún Bêtô sống ở nhà chị Ni. Cún Bêtô rất láu lỉnh, tinh ranh, nghịch ngợm; có thể xếp cún vào loại siêu quậy.
 Sau đây là những điều cần suy ngẫm của tôi về tác phẩm Tôi là Bêtô:
 Cún Bêtô khoe:
- “Thành tích của tôi thật đáng nể (…), tôi đã xé rách tám quyển tập, mười hai quyển sách, làm hỏng bốn chiếc đồng hồ các loại, làm cho không sử dụng được năm đôi giày, sáu đôi dép và đặc biệt làm biến mất hàng chục đôi vớ.” (Tr.17).
- “À, sẽ không thừa nếu tôi bổ sung thêm vào bảng liệt kê đầy ấn tượng của mình thành tích mới nhất: Mới hôm qua đây thôi, tôi đã kịp biến chiếc điện thoại cầm tay của ba chị Ni thành một thứ rất thích hợp nằm trong thùng rác”. (Tr.19).
 Tôi muốn tác giả để từ thành tích trong ngoặc kép và bằng cách nào đó, ông cần làm cho bạn đọc nhỏ tuổi hiểu rằng từ “thành tích” ở trường hợp này, phải hiểu theo cách hiểu của cún Bêtô; nó chỉ những hành vi sai trái, thuộc bản năng tiêu cực của loài chó chứ không phải từ thành tích dùng để chỉ những việc làm tốt đẹp của con người.
 Tôi cũng muốn văn viết cho trẻ em cần dễ hiểu, trong sáng chứ không nên khó hiểu, lập lờ tiền hai mặt như vậy.
 Rồi cún Bêtô khẳng định:
- “Vứt tập vào ngăn bàn để đi đá bóng, trốn ngủ trưa để đi tắm sông, ôi điều đó mới tuyệt vời làm sao!
 Với một đứa trẻ đích thực, ngồi trong rạp chiếu phim bao giờ cũng quyến rũ hơn ngồi trong lớp học, ngồi vắt vẻo trên cành mận luôn thú vị hơn ngồi trên dãy ghế ở các trung tâm luyện thi.” (T. 89)
 Trên đây là những suy nghĩ và hành vi của cún Bêtô với bản năng tiêu cực của loài chó. Tuy nhiên, đọc những câu văn trên, nhất là những bạn đọc nhỏ tuổi, do nhận thức còn non dại có thể sẽ nhầm lẫn, coi những hành vi sai trái; những ý nghĩ lệch lạc trên của Bêtô là đúng đắn, có thể làm theo. Như thế thì chỉ có hại chứ không có lợi.
- “Còn ở tuổi của hắn và của tôi nữa, muốn gì là làm ngay (…). Đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng”. (Tr. 31)
- “Tôi ăn xong phần của mình, lân la đến gần hắn và thú thực, tôi không thể nào ngăn được cảm giác thèm thuồng khi nhìn vào đĩa thức ăn trước mặt hắn. Đó là một khẩu phần đặc biệt như giành cho Vua Chúa.”(Tr. 35).
 Biết nói sao đây với tác giả, khi ông so sánh phẩm chất của các Nhà thơ, các Nhà cách mạng với hành vi của cún Bêtô và đĩa thức ăn của cún Laica với khẩu phần đặc biệt của Vua Chúa? Tiếng Việt vô cùng phong phú. Tôi tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thừa sức để diễn đạt trong sáng trong trường hợp này, nếu ông muốn. Nhưng sao ông lại diễn đạt như thế?
 Lịch sử nhân loại phát triển được như ngày nay là nhờ một phần lớn vào công sức và trí tuệ của các Nhà cách mạng, của các Nhà thơ và của các bậc minh quân. Tất cả chúng ta đều đang được thụ hưởng những thành quả ấy.
 Sao lại so sánh phẩm chất của các Nhà thơ và các Nhà cách mạng với hành vi bồng bột, nông nổi của mấy con chó con?
 Sao lại so sánh đĩa thức ăn của con chó con với khẩu phần đặc biệt của Vua Chúa?
 Sẽ rất vui và tự hào khi mọi người dân Việt Nam ở thế hệ này và cả ở các thế hệ tiếp theo, dù nổi tiếng đến đâu; dù tài giỏi đến đâu cũng không nên coi thường các Nhà cách mạng như Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng , Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… và các Nhà thơ như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Tản Đà…; không được khinh miệt những bậc quân vương sáng thế như Phùng Hưng, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Đại Hành, Quang Trung Nguyễn Huệ…
 Tác giả còn viết:
“Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả” (Tr. 10).
 Tôi luôn hiểu rằng có chiến tranh phi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa: Mang quân đến tìm mọi thủ đoạn cướp nước người ta là chiến tranh phi nghĩa; hô hào người dân cùng nhau đứng lên để đánh đuổi kẻ xâm lược là chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh phi nghĩa thì chỉ vì miếng ăn; chiến tranh chính nghĩa không những vì miếng ăn mà còn vì bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; bảo vệ Tự do của Dân tộc; tất nhiên không phải thứ “tự do bao giờ cũng hấp dẫn hơn luật lệ”.(Tr.89). Sao tác giả lại xóa nhòa bản chất khác biệt giữa hai cuộc chiến tranh?
 Tác giả để cho cún Bêtô kể :
 “Nhưng còn những chiếc áo và những chiếc quần, chúng cũng đáng để tôi nhâm nhi lắm. Nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội. Đó là thứ con người thích treo trên những mắc áo cao thật cao. (…) trong khi tôi thì quá thấp bé để có thể lôi chúng xuống. (Tr. 20). Cho nên Bêtô phải ủi một chiếc ghế con vào sát tường để nhảy chồm chồm trên đó. (…) Cuối cùng tôi táp được chiếc quần. Nó và tôi cùng rơi xuống (…) và đầu tôi va thật mạnh vào mép chậu sành bên dưới. Máu phụt ra” (…)
 Cún Bêtô bình luận:
 “Khi bạn không được làm điều bạn muốn làm có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị cướp đoạt.”(Tr. 20). “Như vậy, vấn đề không nằm ở những chiếc áo và những chiếc quần. Chúng chỉ là phương tiện để tôi thể hiện sự tự do và nghiền ngẫm về tự do khi tôi không nhay được chúng” (Tr.21). “Trước khi thiếp đi, dường như tôi đau đớn nghĩ: Lẽ nào để có được chút xíu tự do, tôi phải trả giá bằng máu? (Tr.22). “…Dĩ nhiên là áo cũ và quần cũ, chị Ni đặt sẵn ở đó, có lẽ chị không muốn tôi đổ máu chỉ để chinh phục thứ tự do treo trên những mắc áo.”. (Tr. 25).
 Con cún Bêtô này lạ lùng quá! Quần áo của chủ nhà treo trên dây nhà người ta; cún lại muốn nhảy lên, kéo xuống để nhay; khi cố nhảy lên để kéo xuống và bị ngã chảy máu đầu thì cún Bêtô lại tru tréo: Lẽ nào để có được chút xíu tự do, tôi phải trả bằng máu?
 Cún Bêtô đã lấy tự do của mình chà đạp lên tự do của người khác một cách phi lý. Thế mà nó lại còn cay cú khi không thực hiện được hành vi sai trái của mình và cho là tự do bị cướp đoạt.
 Có vẻ như cún Bêtô mặc cảm với luật lệ, chỉ muốn được tự do vô tổ chức?
 Chắc Bêtô chưa biết truyện Con Dê trắng của ông Seguin (Alphonse Daudet Pháp) nhỉ? Con Dê trắng xinh đẹp ấy không nghe lời ông Seguin, đã tìm cách vọt qua cửa sổ chuồng để được thoải mái suốt ngày chạy nhảy trên sườn núi cao. Khi màn đêm buông xuống, nó đã phải gồng mình, ráng sức để kháng cự với con Sói. Nhưng sáng hôm sau, vì kiệt sức, nó đã bị con Sói phanh thây, xé xác. Con Dê trắng ấy cũng muốn tự do bao giờ cũng hấp dẫn hơn luật lệ đấy.
 Bêtô, hãy thể hiện sự ước muốn tự do theo kiểu của Con Dê trắng của ông Seguin đi!
 Tác giả còn viết:
- “Trong thế giới trẻ con và trong thế giới cún có một điều giống nhau lạ lùng: đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ nhất.” (Tr. 88)
- “ Một đứa bạn hấp dẫn là một đứa bạn lúc nào cũng xúi ta làm những điều không nên làm và không làm những điều lẽ ra phải làm” (Tr. 88).
Cha ông ta có câu trâu tìm trâu; ngựa tìm ngựa. Kẻ xấu thì thích bạn xấu; luôn xem những kẻ lúc nào cũng xúi ta làm những điều không nên làm…đứa bạn quyến rũ nhất. Còn người tốt thì thích bạn tốt: Chọn bạn mà chơi; chọn nơi mà ở.
 Tuy nhiên, nếu nói thế giới trẻ con thế giới cún giống nhau như trên thì tôi không đồng tình. Tôi không phải Nhà động vật học nên không biết là trong thế giới cún có chú cún nào không coi đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ hay không. Và, tuy không phải là Nhà tâm lý học nhưng đã từng là trẻ con, tôi dám mạnh dạn quả quyết trong thế giới trẻ con có rất nhiều rất nhiều trẻ con không coi đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ nhất. Có như thế, loài người mới văn minh, tiến bộ mãi lên được.
 Thật tình, tôi không biết nói thế nào với tác giả, khi ông viết hai câu văn trên! Nếu tôi lại thông cảm với ông; cho là ông vô tình; chỉ vì quá mải mê với bản năng tiêu cực của loài chó để hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi nên đã sơ suất mà viết thế thì có thể tôi sẽ bị nhiều bạn đọc trách tôi; những bạn đọc đó sẽ nhắc tôi nhớ đến lời dạy của thầy Tuân Tử, cách đây đã trên hai nghìn hai trăm năm: …Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta là kẻ thù của ta vậy; trong khi tôi không hề muốn là kẻ thù của ai, nếu ai đó không có những suy nghĩ, lời nói và hành vi sai trái, ảnh hưởng xấu đến tự do của Dân tộc, độc lập của Tổ quốc, tiến bộ của Nhân loại. Nhưng nếu nói tác giả có ẩn ý không lành mạnh, muốn cho lớp trẻ thích chơi với kẻ xấu; tức là muốn biến lớp trẻ thành lớp người xấu thì tôi không dám vì như thế là suy diễn, là võ đoán chăng?
 - “Hôm hắn đến nhà tôi, tôi vừa xúi hắn nhai chiếc giày của ba chị Ni, hắn đã vội giục tôi nhằn chiếc dép của mẹ chị Ni. Trong một tiếng đồng hồ, hai đứa thi nhau xem đứa nào gặm nát được nhiều thứ hơn đứa nào và phần thắng luôn thuộc về hắn”.(Tr. 90).
 Bêtô và Laica đúng là đôi bạn trâu tìm trâu.
 Tôi muốn khi tác giả miêu tả bản năng tiêu cực của Bêtô thì đáng ra, nó phải bị quở trách và xa lánh; không được “bạn bè” yêu mến và do đó, bạn đọc nhỏ tuổi cũng thấy cần tránh xa những suy nghĩ sai trái, những hành vi hư hỏng của Bêtô.
 Nhưng không hiểu vì sao mà tác giả đã làm ngược lại? Ông mô tả cún Bêtô với những suy nghĩ và hành vi thuộc bản năng tiêu cực của loài chó đã trở thành một nhân vật đáng yêu; đến nỗi Giáo sư, Nhà phê bình văn học Phong Lê phải khen: “Đã lâu lắm, tôi mới lại được đọc một truyện thú như thế” (Bìa 4) và Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, năm 2007 là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, khi đọc xong tác phẩm này cũng thốt lên: “Tôi là Bêtô!”. (Bìa 4)
 Bêtô “đáng yêu” như thế thì bạn đọc nhỏ tuổi có quyền làm theo những hành vi sai trái của Bêtô; có quyền đồng tình với những suy nghĩ lệch lạc của Bêtô; cũng coi những trò phá phách, nghịch ngợm là thành tích; coi những ý nghĩ sai trái, dại dột là kim chỉ nam.
 Nguy hại thay!
 Trong Tôi là Bêtô, tác giả cũng còn vài lầm lẫn không đáng có:
- “Tôi đã thấy chị Ni nhảy cao như thế nào khi đội Brazil đoạt cúp vàng năm 1994. Và tôi cũng chứng kiến chị Ni đã buồn bã như thế nào vào cái ngày đội bóng thân yêu của chị bị thất bại trước đội Pháp bốn năm sau đó.”(Tr.12)
 Bêtô đã ở nhà chị Ni  bốn năm, từ 1994 đến 1998. Sau bốn năm, chắc chắn Bêtô không còn là cún nữa mà đã là ông (bà) khuyển rồi. Nếu cứ thuận theo tự nhiên, Bêtô đã có một đàn con cháu đông đúc. Thế mà suốt thời gian bốn năm sống ở nhà chị Ni, Bêtô vẫn cứ là cún! (Danh từ cún thường dùng để chỉ chó con).
 Lại một lần nữa, phải thông cảm với Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vì với mấy trăm tác phẩm viết cho thiếu nhi, ông có đến hàng nghìn nhân vật trong đầu. Việc sơ suất như trên là điều khó tránh khỏi.
- “Dĩ nhiên cả tôi và thằng Binô đều không đổ một giọt mồ hôi nào, đơn giản vì loài chúng tôi không có tuyến mồ hôi.” (Tr.74.)
 VIỆT BÁO ngày 06 9 2001
Vì sao chó hay lè lưỡi?
 Chó lè lưỡi để thoát nhiệt lượng.
 Người có tuyến mồ hôi dưới da. Nhưng chó lại không có tuyến mồ hôi dưới da mà ở…lưỡi. Bởi vậy, lúc nóng quá, chó chỉ còn có cách làm mát nhờ lè dài lưỡi ra…”
- “Binô ngó tôi:
- Chỉ lo cho mày thôi. Tao thì ổn rồi. Không ai ốm hai lần trong một tháng” (Tr.187.)
 Binô là cún nên đã nhận định sai như thế. Nhưng lẽ ra, tác giả phải tỏ thái độ không đồng tình với nhận định thiếu khoa học trên của nhà hiền triết Binô để bạn đọc nhỏ tuổi khỏi lầm lẫn.
 Các cháu nhỏ ơi! Đừng tin lời con cún Binô. Cả chó và người vẫn có thể bị ốm hai hay nhiều lần trong một tháng đấy, các cháu nhé!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét