Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

NNB/ CHÉM GIÓ MUÔN MẦU 4/. PHẦN THƯ GỬI CHUNG CHUNG / 3. HỌC kHÓC


Dự án sách TBT/ VBV

CHÉM GIÓ MUÔN MẦU - TRỌN BỘ 4 TẬP
Đã Xb 1,2,3. Chém Gió Muôn Mầu 4 khởi Bt 2019, Xb 2010

CHÉM GIÓ MUÔN MẦU 4
PHẦN THƯ GỬI CHUNG CHUNG


3. HỌC KHÓC


Hơn một lần tự hỏi: Ai chào đời cũng được bà Mụ vỗ mông cho ba tiếng khóc ? Đem thắc mắc hỏi cha, cha trả lời mơ hồ: Là lộc Trời ban. Hỏi thày, thày đáp vật lý: Tiếng khóc sơ sinh cho phổi nở. Hỏi mẹ, mẹ cười, câu hỏi nào con hỏi mẹ cũng trả lời cười, chứ không riêng câu hỏi này, đề cười của mẹ không vô nghĩa, bao giờ sau cười mẹ cũng lời như bâng quơ: Lớn lên rồi biết..
Mẹ đã nuôi con lớn lên từng ngày, và rồi từng ngày, từng ngày mẹ dạy con biết thế nào là bể đời, ai chào đời cũng là chào bể đời, chào hơ hoảng trước bao la, mênh mông sóng gió bể mà khiếp, mà sợ, mà khóc. Chẳng lẽ khóc mãi, mẹ cho bú, mẹ ru, mẹ dỗ dành mà nín. Nín rồi biết lẫy, biết bò, biết lò dò chạy đi. Trong bể đời, đi là lội, là bơi, là vượt qua sóng yên bể lặng, sóng cuồng bể bão, mà sống, mà lớn, mà cập bến bờ...Rồi mẹ hạ giọng: Con người ta hơn thua nhau ở chữ Học Khóc mà thôi..
Mẹ tôi, một bà mẹ tầm tang dệt cửi, chữ nghĩa võ vẽ làm sao có được hai chữ Học Khóc dạy con. Đây là hai chữ của Trời, tôi mãi mãi nghĩ thế, Trời đã cho mẹ mượn hai chữ linh thiêng ấy mà dạy con. Tôi chép lại hai chữ Học Khóc ấy bằng văn vần cho dễ thuộc mà cài cắm trong lòng ngay từ thuở ấu thanh.


HỌC KHÓC.
/ Biết khóc trước/ Rồi biết cười/
Đến khi biết hát/  Là người biết yêu/
Bao nhiêu cay cực đủ điều/
Lòng yêu cuộc sống/ Sớm chiều ca đưa/
Mà tôi/ Nghĩ lạ lùng chưa/
Học Khóc/ Bởi sợ đời dư hát cười..

Thuở còn sống trong mái nhà cha mẹ hai chữ Học Khóc nói nghe nhẹ hều, đôi khi buồn cười. Bề đời mênh mông thật nhưng bao nhiêu sóng to gió cả cha mẹ lo cho hết rồi, lội xuống bể, bảo là bơi, nhưng bơi lội nỗi gì, chỉ là tung tăng dạo vui trên nước. Chợt bữa kia, thấy một cô gái mặt non, áo nâu bạc vá chỗ chũm cau, mắt đỏ mầu lửa, đang bơi gào thét sóng. Dìu tay cô bơi là nhành liễu. Liễu Hồ Tây. Cô và liễu lên bờ. Cô đứng tựa vai liễu, hơi thở nóng hập, nhưng khoan thai. 
Tôi ơi, nín mà nghe gió hát chuyện đời cô, nghe chậm mà nghĩ, mà Học Khóc, rằng:


Em đứng bên hồ/ Phong phanh liễu.
Mưa phùn chuốt liễu mưa xanh/ Từng nhành tóc xõa.

Mẹ giắt em đi chôn cha/ Liễu bồng em đi chôn mẹ/
Bơ vơ em muốn quên mình..

Liễu gọi tên em/ Tóc quấn tay em/ Tây hồ nhiều gió thế/
Tây hồ nhiều sóng thế/ Mảnh mai ôm tình liễu khóc../

Buông khóc Liễu dục chân em/ Nhanh nhanh về sống làm người/ Buồn thương
không là cớ chết/ Khổ đau không là cớ chết/ Biết chăng/ Xưa Liễu là người/
Giận tình trẫm mình thành liễu/
Mưa phùn gió bấc căm căm/ Kiếp nao được lại thành người..

Em cúi đầu tạ Liễu
Thân côi hồi sinh làm Tấm
Phúc đời gặp vận thăng hoa

Thăng hoa Tấm kề vai liễu
Hài Bụt hẹn hò tình
Đẹp buồn riêng liễu
Tây hồ trăng nghiêng..

(Liễu Tây Hồ, sách Thơ NNB)

Tôi tuổi chưa phải nhiều, mới U80, chưa dám bảo là sống đủ, biết đủ, thấy đủ, trải đủ mà chém gió về sóng to gió lớn bể đời, mà mặn ngọt lời Học Khóc cách nào để vượt qua sóng gió. Học khóc mỗi người mỗi tu thân mà lập cho mình cách dụng/ hành.
Ngẫm cảnh đời cô gái Liễu Hồ Tây mà thấy sự nghiệt ngã khốc liệt của thứ thách nhân sinh. Ngoài tuổi lên mười mất cha, chưa đến tuổi bẻ gãy sừng trâu mất mẹ, mồ côi toàn phần chị cả bốn em thơ giữa chốn thị thành loạn lạc, cái đói mờ mắt vạc, rũ rượi thân cò..
Thời ấy, ai chẳng nghèo, chẳng khổ. Thưa vâng, nói chuyện khổ nghèo thời ấy đau lòng lắm, nên chỉ nói lướt qua. / Buồn thương không là cớ chết/ Khổ đau không là cớ chết/ Chết ( tự tử như Liễu) là hết chuyện, nói chi sóng gió bể đời. Ở điểm nghiệt ngã nhất ấy, sự sống thức tỉnh, tình yêu cuộc sống thức tỉnh, thơ gọi khoan thai: /..Nhanh nhanh về sống làm người/ 
Sống làm người đó là bản chất của nhân sinh, là điều quan trong nhất cho Người được sinh ra, đó cũng chính là nguyên do vì sao Người chào đời bà Mụ vỗ mông cho ba tiếng khóc. Tu thân mà Học Khóc. Nói cách khác, đóng con thuyền bằng ba tiếng khóc ấy bơi qua bể đời mà về bến Phúc - Làm Người.
Cô gái Liễu hồ Tây tu thân Học Khóc thế nào riêng tư không nỡ hỏi. Đau lòng. Nhưng thơ thì mở lòng chia sẻ: " Thời gian đọng lại buồn tênh/ Mỗi trang Kiều một mông mênh cõi người"..Tuy nhiên: " Chúng em sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp"..(*)
Và tôi, người chém gió khúc văn này, thú nhận: Nếu cho bảo U80 là cả đời thì tôi cả đời tu thân học khóc. / Mà tôi, nghĩ lạ lùng chưa/ Học Khóc bởi sợ đời dư hát cười/ Khóc không sợ dư, nhưng hát cười mà dư thì khốn đấy. Thế nên, mỗi ngáy tôi mỗi chép hát cười của mình vào thơ rồi thăng hoa bay và ../ Bay trên bể dời giông tố hát nghêu ngao/ như một tự tin, một đức tin. 
Ấy cũng là tấm chân thành tôi vinh tụng ba tiếng khóc.

(*) Thơ Nghĩ về Thúy Kiều của Lý Phương Liên.

Nguyễn Nguyên Bảy
VANDANBNN 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét