THƯ VIỆN TRANH ẢNH
MƯA GIÓ CUỐN ĐI
Bài viết đăng lại nhân dịp Triển lãm cá nhân lần thứ 18 của
họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền- Hà Nội
Con đường nghệ thuật thì dài mà đời người vốn hữu hạn. Ấy thế nhưng đôi khi sự ngắn dài cũng chỉ là một khái niệm tương đối. Suy cho cùng thì kết quả của những tháng năm lao động mới có thể nói chính xác thời gian ấy, dài ngắn ấy có giá trị gì không? Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trịnh Thái thường đánh dấu tuổi mình bằng những triển lãm cá nhân. Khi Paris, khi Sài Gòn, khi Hà Nội. Những người yêu tranh Thái ở hải ngoại thèm được thấy cái không khí tĩnh lặng rất Á đông trong những khuôn mặt người và phong cảnh của anh. Người Sài Gòn, người Bắc ở Sài Gòn thèm được thấy Hà Nội, một Hà Nội chưa xa nhưng nay đâu còn nữa, những vỉa hè, góc phố, quán trà xu thậm chí chỉ là một hàng cây bình dị. Năm tháng qua đi nay chỉ còn là kỷ niệm. Người Hà Nội đón chờ mỗi triển lãm của Thái để được nhìn thấy ký ức của mình nhưng sau đó lại thấy thèm và tiếc nuối. Tiếc cho một Hà Nội trầm mặc, an lành đã bị ồn ào náo nhiệt và xô bồ của đời sống mới cuốn trôi đi tất cả.
Kỷ niệm tuổi 70 với triển lãm lần thứ 14, gần 50 chục bức của Trịnh Thái đang diễn ra trong những ngày cuối thu Hà Nội. Cái man mác của mùa thu nắng nhạt, se lạnh và cái man mác buồn trong những tác phẩm của anh làm lòng ta trùng xuống. Hình như vẻ đẹp của nghệ thuật và mùa thu với sự dịu dàng của nó thường mời gọi người ta hướng đến những điều giản dị, một bờ đê, một bậc thềm để ngồi xuống, để dừng lại, một ô cửa sáng đèn để ước mơ về hạnh phúc…nếu không được thì cũng chỉ mong vui trong giây lát, vui với bạn bên chén trà sớm ngắm Hồ Gươm sương mù, ngắm mấy người bán rong quang gánh, xe đẹp, hoa quả đi trong lòng phố cổ.
Nghệ thuật không nhất thiết phải dậy bảo ai điều gì, nó chỉ là một con đường, con đường hướng đến cái đẹp, cái đẹp giản dị ngay trong đời sống bình thường. Hội họa của Trịnh Thái là như vậy, tranh của anh nhiều “ người tình bỏ ta đi”, nhiều “Em ra đi như thoáng gió thầm/ Để lại đây thành phố không hồn”, nhiều “Trời còn in dấu chim xa nguồn / Đời còn bay những cơn mưa phùn ”, nhiều “Xôn xao con đường xôn xao lá/ Nhòa phố mong manh nhòe phố mưa”…
Tôi không bao giờ hỏi Trịnh Thái rằng có đúng anh yêu chất liệu lụa hơn sơn dầu không tuy về sau này anh càng ít vẽ tranh lụa, chủ yếu là sơn dầu. Nhưng tạng của Trịnh Thái là tạng lụa, là nhòe, là ẩm ướt, là mơ hồ, mộng mị, bảng lảng, là sương khói nhạt nhòa, là hơi thở, là thầm thì cho dù anh vẽ sơn dầu trên vải thì những yếu tố của lụa vẫn đầy ắp. Đó là sự khác biệt lớn nhất của Trịnh Thái. Hay nói cách khác Trịnh Thái đã tạo ra được một chất liệu sơn dầu – lụa mà ở người khác không thể có. Thêm một điều nữa, bảng mầu của Thái là bảng mầu ít sắc, gần như đơn sắc, tông chủ đạo là ghi xanh, ghi vàng, không nhiều mầu, không nhiều tương phản, tất cả đều là những sắc thái của đậm nhạt, chuyển êm, không hẳn là đồ họa mảng phẳng mà cũng không hẳn là tả khối, chỉ nhấn nhá sáng tối để gợi khối. Tôi có một bức tranh Thái vẽ phố Hàng Mắm, mưa, mùa đông, buổi chiều, mấy cây liễu ủ rũ (đáng nhẽ chỉ có ở quanh Hồ Gươm), một người đàn bà đội nón, khuất mặt như đang bay cho dù đôi quang gánh trĩu nặng. Ấy thế là sai đúng với Thái chẳng mấy quan trọng, cây liễu ấy, người bán rong với gánh hàng trĩu nặng ấy có thể sai nhưng mềm mại nhưng duyên, nhưng tình để đẹp là được rồi.
Trịnh Thái là người duy cảm, duy tình. Anh vẽ nhiều những chợ chiều, những bến đò vắng khách, dù vẽ phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An, phố núi ở Lạng Sơn hay Hà Giang thì cũng nhiều những dáng xoan bay bay, những cành không lá, những mái nghiêng nghiêng, những mưa xuân, những dáng người đạp xe, gồng gánh liêu xiêu. “Người ra đi bến sông nằm lạnh/ Này nhân gian có nghe đời nghiêng”.
Triển lãm nào anh cũng trưng bầy vài ba bức vẽ Hải Phòng quê anh. Thái vẽ chợ Cầu Tre, chợ Cố Đạo, vẽ Cầu Lạc Long, vẽ phố Tam Bạc. Dòng sông Tam Bạc và những ngôi nhà hai bên đẹp u buồn đến thế nay… vui quá mất rồi. “Dòng sông trước kia tôi về/ Bỗng giờ đây đã khô không ngờ”. Mỗi lần đến Hải Phòng, tôi đều dậy rất sớm hoặc thức thật khuya để lang thang một mình ngắm Tam Bạc, để nhớ tranh Trịnh Thái.
Vẫn biết hiện thực và hiện thực trong nghệ thuật chẳng bao giờ trùng khít nhưng sao vẫn tiếc.
Mọi sự rồi sẽ theo mưa gió cuốn đi, chỉ còn ký ức, chỉ còn kỷ niệm, chỉ còn giấc mơ, chỉ có cái đẹp là còn lại.
Lê Thiết Cương
10.2011
Box: Họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái sinh năm 1941 tại PhnomPenh (Campuchia), ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật khóa I, đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Paris, Sài Gòn và Hà Nội. Ông là họa sĩ thiết kế phim truyện như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biệt động Sài Gòn, Ngày lễ thánh…
Triển lãm cá nhân lần thứ 14 của ông diễn ra tại phòng tranh 16 Ngô Quyền, Hà Nội vào cuối tháng 10 năm 2011.
Ghi chú: Những câu in nghiêng là lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bài và ảnh theo Fb Trương Nhuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét