Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4 PHẦN TÌNH THƠ BẠN THƠ Mai An Nguyễn Anh Tuấn/ KHI NHÀ THƠ PHẢI NGOẠI TÌNH VỚI THƠ/ Đọc bài thơ Quan họ không ngoại tình của Nguyễn Nguyên Bảy


Dự án sách TBT/ VBV

Chém Gió Muôn Màu - Trọn bộ 4 tập.
Đã Xb 1,2,3. Tập 4 khởi Bt 2019, Xb 2020

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4
PHẦN TÌNH THƠ BẠN THƠ

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
KHI NHÀ THƠ PHẢI NGOẠI TÌNH VỚI THƠ
Đọc bài thơ Quan họ không ngoại tình của Nguyễn Nguyên Bảy

Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy viết cho tôi: "Đây là bài hóa giải mọi oan ức hận thù của anh, bài này anh mơ viết bao năm nay bây giờ mới viết được." (Thư điện tử). Còn tôi cho rằng: đây là bài thơ chứa nội dung hình tượng quá phong phú và quá phức tạp, là bài thơ đau xót nhất và đồng thời cũng nồng ấm bậc nhất của Nguyễn Nguyên Bảy!
   Trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy, hình ảnh Quan họ, những cụm từ liên quan đến Quan họ xuất hiện khá nhiều, tạo nên một thi liệu quen thuộc chứa đựng suy tư, thái độ sống, quan niệm thẩm mỹ của anh - "Quan họ", "Quan họ giao duyên", "quan họ tứ thời trăng", "tạ lời quan họ", "nụ cười quan họ", "Vàng của tấm lòng quan họ", "luật người quan họ", v.v.
    Theo những nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín, nét độc đáo nhất làm nên đặc điểm chủ yếu của Quan họ chính là Kết Chạ. Hội Kết chạ là hội của hai làng kết nghĩa anh em- nghĩa là trai gái hai làng không được lấy nhau, họ cùng thờ chung một thần hoàng làng. Trong hội hè Kết chạ Quan họ, Thơ được đánh giá rất cao, "ngôn ngữ được xem là một thứ ma lực"; và qua sự phê duyệt của "Đôi dân" (đại diện cho Chạ chủ hai làng) mỗi thành viên chỉ phụng sự thần thánh thông qua việc trau dồi ngôn ngữ thơ ca đượm tình cùng phong cách biểu diễn đặc trưng của Quan họ. (Đặng Văn Lung: "Lễ hội và nhân sinh"- NXB ĐHQG Tp. HCM, 2005.)
    Phải chăng, chính vì thế mà đối với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, Quan họ là biểu tượng không chỉ là văn hóa Kinh Bắc, mà còn là biểu tượng cho toàn bộ văn hóa - văn học nước nhà, cho Duyên tình chân thật, cho Nghĩa cả, cùng biết bao vẻ đẹp khác của Thơ ca, của đời sống, của tâm hồn người... Và anh có lý. Từ đây, anh có cơ sở để thực hiện một thao tác hoán dụ tuyệt vời trong thơ ca làm nên nét riêng đậm chất Nguyễn Nguyên Bảy:
Tôi chỉ là người trai bắc quàng quan họ
Hát quan họ mà thành liền anh...
    Khi anh khẳng định, anh đã yêu Quan họ như một mối tình có trời xanh chứng giám, "không ngoại tình", với một nỗi xót xa diễn tả qua bao hình ảnh "mượn mây tả trăng", anh đã hé lộ một điều: "Dù biết luật quan họ" nhưng lại "phạm luật chơi" nên bị "tẩy chay", anh đã buộc phải "ngoại tình", và cuối cùng đành "gạt lệ" rời khỏi "cộng đồng quan họ"... Thực xót xa, vì không muốn và không thể "ngoại tình" với những gì mình tin yêu trong cộng đồng Thơ ca- tức cộng đồng Quan họ, anh đã phải "ngoại tình" với chính thơ của mình! Thế nhưng anh đã vô tình "Phạm luật người quan họ" và phải trả giá:
Khốn khổ thân tôi đa tình
Phạm luật người quan họ
Cõng một cánh bèo giạt trôi
    Nhưng nhà thơ luôn tự khẳng định, mối tình với Thơ, với Quan Họ, với những gì xứng đáng dành cho Tình yêu thương và lòng kính trọng của anh là chính đáng, có thể tự hào trước thanh thiên bạch nhật:
                          Quan họ không ngoại tình !
    Cần phải nhắc tới "tội" lớn nhất của Nguyễn Nguyên Bảy và người bạn đời của anh- Lý Phương Liên, dẫn đến cái "án không tuyên" đã treo từ lâu, giờ có chứng cứ cụ thể để biến thành án "văn tự" rành rành khiến họ lao đao khốn khổ, đó là khi cả đôi vợ chồng thi sĩ đều mắc cái tội "Luận Kiều thời chinh chiến"! Lý Phương Liên sau những bài thơ được dư luận ca ngợi, thì trình trên báo chính thống bài "Nghĩ về Thúy Kiều" làm giọt nước đầy tràn cốc nước! Những bài thơ "luận Kiều" của Nguyễn Nguyên Bảy vẫn còn nằm trong bóng tối (gần 40 năm sau anh mới in vào Thơ NNB I")- song anh phải gánh cùng vợ biết bao tai họa xung quanh "Nghĩ về Thúy Kiều"! Nhà thơ NNB đã "luận Kiều" và "vận Kiều": "Vận người thành cuộc đỏ đen/ Thiêng liêng đất nước bao phen nổi chìm" (Lược Kiều). Và cả đời nhà thơ phải "hơ hoảng" khi đã quá dại dột, dám liều mạng làm một chuyện tày đình vào những năm 70 thế kỷ trước là tuyên bố thẳng thừng: "Thơ là Thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ./...Biết phận mình ong kiến/ Chẳng dám trách miệng quan/ Cố lùa và nỗi nhục" (Tự thuật tội lỗi). Hậu quả nặng nề đến độ đôi vợ chồng thi sĩ phải làm theo lời nguyền Số phận: "Muốn hoán đêm làm ngày/ Chỉ còn một cách ly hương." (Tinh tú ngộ duyên)
Chúng tôi xuôi đồng bằng
Quan họ chèo trúc thẳng trăng nghiêng
Chúng tôi lên Tây Nguyên
Quan họ nhẹ mềm hòa cùng rock nặng
Chúng tôi vào Quảng
Quan họ hô bài chòi
Chúng tôi cõng nhau vào Chăm
Quan họ hở vai múa bụng
Chúng tôi chống xuồng ngồi ghe
Quan họ hát vọng cổ thâu đêm suốt sáng
    Những chặng đường của "gánh hát rong" này (kiểu "Nhà lăn Mê Ly" xuyên Việt của họa sĩ công tử Hoàng Lập Ngôn hồi trước Cách Mạng) kể ra cũng "hào hùng", cũng nhiều sự kiện đáng nhớ đáng yêu lắm chứ, song trong thân phận chui lủi, không chính danh, là "ngoại tình" nên cũng thực đắng đót làm sao! Mấy chục năm sau, kể cho con và ngẫm lại đời mình, nhà thơ viết: "Tha hương trên đất nước mình/ Lòng nhủ không nơi nào quê cha đất khách/ Vậy mà mỗi năm những ngày cận chạp/ Vẫn nao lòng bóng nhạn trời quê/ Tha thẩn tìm lối hồn về..."
    Sau nhiều năm tháng lang thang, sống cảnh "Bạn bè lều quán chợ chiều/ Tìm được chỗ tựa lưng là ngủ", vào một buổi xế chiều, người thơ tổng kết đời mình trong lệ lạnh: "Sáu mươi tuổi bây giờ mới hiểu/ Đêm đông ai hát Tết buồn"- "Thương con cháu chảy nhòe giấy viết/ Xứ tuyết ấy làm gì có Tết/ Quê người đất khách con tôi/ Áo cơm đời nặng thế áo cơm ơi/ Cánh cò trắng lội mò tuyết trắng" (Hoa Đỗ Quyên)
Quan họ còn đó chúng tôi phải về
Người nào chẳng có bến quê
Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!
     Một câu thơ là tiếng nói ấp iu của người thơ suốt những năm tha hương lúc nào cũng chỉ chực thốt lên trong nỗi nghẹn ngào: Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!  Thực não lòng khi nhà thơ phải "Thưa Lời: Lời hỉ xả lạy tặng bốn phương tám hướng những người từng nộ dọa, thị phi, roi ngữ, ganh khinh hẳn chỉ muốn dậy tôi sống làm người tử tế, xin tha cho tôi mọi tội đời (nếu có)" (Thơ NNB I)
    Âm hưởng của điều "Thưa lời" ấy bàng bạc suốt tập thơ đầu tiên của NNB gói gọn cả đời thơ anh và trong bài mới nhất "Quan họ không ngoại tình". Ở bài thơ này, cái chủ đề "Quan họ" đã ngân nga trong "Ô cửa vuông trăng" viết từ nhiều năm trước, khi mà "Người tương tư thơ ấy vẫn chưa về": "Trầm bổng dàn đồng ca thiếu nữ/ Hát lời quan họ giao duyên/.../Xác thân anh chết chìm/ Nếu nàng không vớt anh khỏi bể/ Chén cơm anh ăn vì thế/ nặng bao nhiêu nghĩa buồn/ Ô cửa em ngồi ru con/ Sao em hát lời nàng kiếp trước/ Quan họ trao duyên/ Em nhìn theo bóng chim xuôi/ Giục anh tạ lời quan họ/ Quan họ đi rồi anh tạ tình em…"
    Thời thế đổi thay, rồi cũng bởi sự trả giá quá nhiều, và bởi sự chân thành đến cảm động dù phải chịu bao hắt hủi ghẻ lạnh mà gia đình thi sĩ "phạm luật" năm xưa đã được "đền bù danh dự":
 Án phạt năm xưa xóa trắng
Quan họ không ngoại tình
     Trong đoàn "Quan họ" hôm nay "chiêu tuyết "cho danh dự bị tổn thương của gia đình nhà thơ dường như có cả người mẹ kính yêu "quệt mép trầu/ Răng đen nụ cười quan họ" (Hỏi về bánh trôi nước), có "Quan họ" đã cứu vớt nhà thơ khỏi chết chìm trong tủi nhục, cứu cho cả lời nguyền từ kiếp trước là nhà thơ phải tiếp tục "Hát lời Quan họ" cho nhân quần- sau nhiều năm tháng bị sự tầm thường ngu muội xua đuổi:
Chuyện tôi cõng cánh bèo bỏ làng quan họ
Xa lắm xa lơ hơn bốn chục năm rồi
...Chúng tôi khiêng về Lim một cỗ thuyền tình
    Bài thơ hư - thực lẫn lộn, biến ảo mộng - đời, xen kẽ nghĩa bóng - nghĩa đen, người đọc chỉ có thể bằng sự nhập thân, bằng mối giao hòa cao độ để cảm xúc- chứ không thể dùng luận lý tỉnh táo để nhận ra vẻ đẹp của câu chữ hồn thơ cùng ý tứ thâm trầm của tác giả... Và nếu không chìm đắm trong thơ của một thời phải "ngoại tình" với thơ đó thì làm sao cắt nghĩa nổi những giọt lệ thơ mừng tủi ngày "Cánh bèo trèo lên quán dốc", "ngồi gốc cây đa" để hát đoàn viên mà lại "nặng bao nhiêu nghĩa buồn"? Giữa một chiều u ám của ngày đã xa, nhà thơ từng lang thang nơi "Cửa rừng" và hình dung: "Trong màn mưa rất ảo/ Chớp hiện một bông sen...". Nỗi khát khao trong lành làm sao, và cũng tội nghiệp làm sao khi đường đường chính chính "yêu" mà phải lén lút "ngoại tình", bị gạt ra ngoài chính thống. Nhưng cũng như  sự sống, Thơ không thể tàn lụi, vẫn giống "Sen ngoài hồ nhựa dâng lên nụ/ Anh lan man vẽ tương lai" (Hoa tình).
    Và cuộc đời thật công bằng- nhất là đối với Thơ của một tình yêu dám bất chấp mọi thế lực dù cao siêu hay tầm thường ngăn trở. Bản chất của "Quan Họ" là công bằng - thời nào cũng thế, tuy cũng có khi bị sai khiến, bị méo mó dung nhan, hoặc vô tình làm tay sai của "đao phủ"... Người thơ hôm nay không còn phải mơ tưởng ra một "Nàng tiên Cá" của "Dàn đồng ca Quan Họ" tới cứu vớt mình khỏi chết chìm dưới đáy biển của nỗi ô nhục dai dẳng là "phản bội" lại cộng đồng. Gia đình thi sĩ từng chịu nhiều long đong oan ức giờ đây được "Dàn đồng ca chật một thuyền tình" quây quần chăm sóc- như bản chất của sự việc là phải thế, và mãi mãi cần như thế:
Mọi người nhường cánh bèo hát
... Sen hát bài quan họ chung tình
Khoan thai thuyền đưa nôi
Sen ngào ngạt khắp đất trời quan họ…
    Bây giờ, xin hãy đọc lại bài thơ, nhâm nhi từng câu một để cảm thông với mối tình Thơ "Quan họ không ngoại tình" suốt gần nửa thế kỷ...

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét