Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Nhà giáo, Tiến sĩ TRẦN THANH PHƯƠNG THƠ CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN


Nhà giáo, Tiến sĩ TRẦN THANH PHƯƠNG
THƠ CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN


Bài thơ Ca bình minh của Lý Phương Liên ra đời vào tháng 8 năm 1970 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Lúc đó, Lý Phương Liên là một tác giả nữ còn rất trẻ, mới xuất hiện lần đầu mà đã có ngay một chùm thơ đăng trên báo Nhân Dân là một hiện tượng hy hữu. Cả miền Bắc xôn xao. Nhà phê bình Hoài Thanh cũng có bài bình biểu dương kịp thời. Nhưng liền sau đó, Lý Phương Liên mắc phải “tai nạn nghề nghiệp” và đành phải “im hơi lặng tiếng” cho tới tận 41 năm sau bài thơ được lấy tên chung cho tập thơ Ca bình minh mới chính thức được xuất bản. Đó cũng là một kết thúc “có hậu” như những dự báo mang tính “tiên tri” của bài thơ này.

Để đi vào tìm hiểu bài thơ thấy được cái hay, cái mới lạ độc đáo của nó thiết nghĩ cũng cần nói rõ về sự phân ca làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Trong một ngày (24 tiếng đồng hồ) được chia làm ba ca, mỗi ca 8 tiếng (đều nhau), ca ba là ca đêm tính từ 22 giờ đêm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là ca làm việc mệt mỏi nhất trong một ngày nên cần phân chia cho những người trẻ (khỏe) còn độc thân. Người lao động đi làm theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca mới. Đấy là quy định bắt buộc. Lý Phương Liên lúc đó còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình nên hay phải đi làm ca ba là lẽ đương nhiên. Bài thơ có 3 phần rõ rệt. Ở phần đầu tác giả chủ yếu nghiêng về tả thực:

Em đi làm ca ba
Đêm buông đầy đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ…(Con gái thường vẫn thế!)
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ

Một cô gái còn rất trẻ, tâm hồn luôn ắp đầy cảm xúc cho nên những câu thơ như tự nó cứ tuôn ra một cách tự nhiên. “Em đi làm ca ba” mới chỉ là một thông báo bình thường, sử dụng ngôn ngữ nói. Nhưng “Đêm buông đầy đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” thì những chất liệu hiện thực đã trở thành cảm xúc máu thịt, tạo “hồn, vía” cho câu, chữ. “Đêm buông đầy đường phố” – chữ “buông” làm cho đêm cử động, lung linh. “Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” gợi cảm giác bình yên và tràn đầy thương yêu, mặc dù lúc đó đang còn chiến tranh nhưng không phải không có những khoảng thời gian yên bình như thế. Mà có ai không xúc động cho được khi nhìn ngắm trẻ thơ đang say ngủ? Hà Nội thời bao cấp thường người dân đi ngủ sớm, khoảng 9, 10 giờ đêm ngoài đường phố đã rất vắng lặng, trừ những người có công việc mới phải đi ra ngoài. Vì thế mà “em” cứ đi giữa lòng đường, vừa đi vừa khe khẽ hát không sợ bị va quệt xe cộ như bây giờ. Một tâm hồn vô tư trong sáng, phơi phới tin yêu, tràn trề nhựa sống nên đi làm ca đêm (ai cũng ngại vì nó vất vả) mới có thể vừa đi vừa hát lên như thế. Nhưng dù có yêu đời đến mấy thì cũng không ai thoát ra khỏi thực tế là do áp lực của thời gian tâm lý: “Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài” đúng như các cụ xưa đã đúc kết: “Thức lâu mới biết đêm dài”, mà “Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ” – Nói không thèm ngủ thì đúng là cường điệu đến mức khó tin.

Trong phần thứ hai: Đầu tiên tác giả giải thích lý do bài thơ có tên như thế:

Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Của những đêm hè trời đầy sao hoa
Của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh

Mỗi người có những cảm nhận và cách định nghĩa về ca ba khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự bay bổng lãng mạn, đầy mơ mộng và hết sức lạc quan của tuổi trẻ. Người thì ví đó là ca “của những đêm hè trời đầy sao hoa”; Người lại thấy đó là ca “của những đêm đông bập bùng ánh lửa”. Riêng tác giả với sự phát hiện tinh tế như một niềm vui bé nhỏ của mình mỗi sớm mai tan ca về đã thấy mặt trời mọc lên rực rỡ như đón chào, như ước hẹn, đã kết lại thành một hình tượng thơ tuyệt đẹp độc đáo có một không hai: “Em gọi ca ba là ca bình minh”.  Đến đây, cái tứ của bài thơ đã được định hình, nhưng tác giả còn muốn phát triển lên nữa với những liên tưởng thấm đượm tình quân dân, tình yêu nước:

Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước

Từ nghĩa thực ban đầu hình tượng “bình minh” đã chuyển thành nghĩa bóng, và “ca ba” đã trở thành ẩn dụ cho quãng thời gian đầy gian khổ khó khăn các anh bộ đội đã trải qua để “đón bình minh đất nước” - tức là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông về một mối, cả dân tộc bước vào một ngày mới tươi đẹp, yên bình – Một liên tưởng thấm đượm tính thời sự mà không phải lên gân, hô hào sáo rỗng. Đấy là ý tưởng “em” phát hiện ra một cách “ tình” trong những đêm đi làm ca ba vậy thôi chứ có cố ý gì đâu! Rồi lại thêm một phát hiện nữa cũng rất tình cờ, tự nhiên như cuộc sống:

Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những lời sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc

Đến đây “bình minh” lại có thêm nét nghĩa nữa, đó là bình minh hạnh phúc của bà mẹ trẻ vừa đón một sinh linh ra đời. Tuy tác giả không nói ra nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thể chị hàng xóm phải vượt cạn một mình với sự cưu mang của láng giềng cũng có chồng đang chiến đấu ở ngoài mặt trận? Tiếng “oa oa con khóc” ấy như thức tỉnh những bản năng làm mẹ ở chị, thức dậy những cảm xúc nhân văn cao cả ở mỗi con người. Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc lúc bấy giờ, cái âm thanh tiếng khóc của đứa trẻ mới chào đời cất lên trong “gió cao trời xanh” cực kỳ mới lạ và độc đáo, lay động tâm can mỗi người đọc.

Phần thứ ba: Khổ thơ cuối cùng kết lại bài thơ với những chiêm nghiệm mang tính phổ quát:

Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt

Đọc bài thơ này rồi, ai đi làm ca ba cũng đều thấy bình minh trước mặt như tác giả. Vì nhà thơ nói đúng quá. Và từ đây tất cả những người đi làm ca ba (dù hiện nay đi làm ca đêm chủ yếu là làm tăng ca để kiếm thêm tiền) thì cũng đều có bình minh của riêng mình.

Trong suốt bài thơ tác giả luôn xưng “em”. Cả bài thơ có 11 từ “em”. Lý Phương Liên cứ hồn nhiên vô tư giãi bày, bộc bạch những cảm xúc, suy ngẫm của mình mà không cần để ý tới xung quanh xem họ làm thơ như thế nào. Lúc bấy giờ các nhà thơ thường giấu “cái tôi” của mình đi để hướng đến người khác, kể về người khác, hoặc nhân danh thế hệ mình, nhân danh cộng đồng để nói chứ không ai chỉ nói cái của mình. Trong các nhà thơ nữ cùng thế hệ có lẽ chỉ mỗi Lý Phương Liên là không bao giờ chịu nhập vai người khác để thể hiện. Có lẽ do “cái tạng” của nhà thơ không phù hợp với loại thơ ấy hay chăng? Lúc bấy giờ cứ đưa cái riêng của mình ra là không hợp thời, lại dám nêu chính kiến nữa không sớm thì muộn cũng mắc phải “tai nạn nghề nghiệp” - Nổi tiếng đến như Phạm Tiến Duật mà chỉ vì bài thơ Vòng trắng* cũng phải lao đao lận đận suốt đời nữa là - Thế nên, như một lẽ tất nhiên, đến bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều Lý Phương Liên đã phải hứng chịu “đòn văn vạ bút” cũng là chuyện cái gì phải đến đã đến. Điều đáng quý là nhà thơ luôn luôn tỉnh táo để nhận thức đúng vấn đề một cách nghiêm túc và sòng phẳng: “Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”.**

Cuối cùng, đúng như những gì bài thơ đã dự báo, sự chuyển hóa của âm dương đất trời là tuần hoàn, vĩnh cửu: qua đêm tất sẽ đến ngày; qua chiến tranh gian khổ hòa bình đã đến với đất nước vô vàn yêu quý được ẩn dụ bằng “Bình minh đất nước”. Với con người thì “khổ tận cam lai”, như ca ba “em” mới đi vào mà “Đã thấy bình minh trước mặt”. Cứ theo triết lý ấy để sống sẽ không bao giờ buồn, không bao giờ oán hận, không bao giờ tiếc nuối những cái mình không có hay là không có số được hưởng./.

Quy Nhơn, 25/ 04/ 2017

*Trong Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật bài thơ này có tên là “Số không”.
* Lời “Mở lòng” của tác giả ở đầu tập thơ Ca bình minh (2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét