Tôi sẽ không gọi Lý Phương Liên là nhà thơ – mặc dù chị xứng đáng và cần được gọi như vậy, nhất là khi danh xưng “nhà thơ” đang bị lạm dụng. Tôi cũng sẽ không dám nói nhiều tới nội dung – nghệ thuật những sáng tác thơ ca của chị, vì “Sau biết bao chìm nổi, nương dìu nhau mà sống, 40 năm sau, tập thơ “Ca bình minh” của Lý Phương Liên và tập “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy” ra mắt bạn đọc”, đã có nhiều người viết làm công việc đó một cách công tâm, sòng phẳng. Với tư cách là một người yêu thơ, và là một người bạn vong niên rất lâu của chị, nhân Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đang diễn ra, tôi chỉ muốn nhìn lại đôi chút về “Hiện tượng Lý Phương Liên” sau một quãng thời gian đủ hình thành dăm bảy thế hệ người viết…
Vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, khi những bài thơ của cô thợ máy Lý Phương Liên xuất hiện đã gây ra những “cơn sốt” trong dư luận. Hồi đó, những người ở lứa tuổi đôi mươi hình như cùng sống trong một “bầu khí quyển” tinh thần đặc biệt của xã hội, đều có thể rung động trước những câu thơ “chói ngời sắc đỏ” của Nguyễn Mỹ hoặc “nhuộm mầu thu vui” xanh rượi tình yêu thương của Lý Phương Liên – nói chung là chúng chẳng khác nhau là mấy, hoặc chỉ là những biểu hiện khác nhau của một tâm trạng chung: cùng một niềm tin yêu rộng mở, cùng một suy nghĩ nghiêm trang, cùng một niềm đắm say ngây ngất trong một hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi phải dâng hiến tất cả cho Tổ quốc và Dân tộc đang đứng trước thử thách hiểm nghèo… Chị không phải là một nhà thơ theo nghĩa thông thường. Có thể nói chị là một hiện tượng văn chương, hơn thế, một hiện tượng tâm lý xã hội, một ánh xạ của tinh thần thời đại, một tiếng vọng chân thực của tinh thần đông đảo lớp trẻ hồn nhiên, hăng hái, say đắm lý tưởng. Cứ mỗi lần đọc lại thơ Lý Phương Liên, những ai có chút tâm hồn lãng mạn thời ấy ( mà ta quen dùng đến nhàm và có phần thái quá là “lãng mạn cách mạng”) đều có thể cảm nhận được cái men sống kỳ lạ ; không ít người đã nâng niu chút men ấy, cái hương vị ấy của tình người để mà sống qua những chặng đời gian nan – dù ở khói lửa chiến trường hay trong chốn sương mù tịch mịch, tất cả đều gìn giữ cái “màu hoa chuối đỏ tươi” (Nguyễn Mỹ) và những “đêm hè trời đầy sao hoa” tận đáy hồn…
Thơ Lý Phương Liên kể về ngôi nhà của chị giống như một “Cái lò tổ ấm năm chị em”, về bảy gia đình trong “Xóm nhỏ”, về “Chị hàng xóm làm nghề tráng bánh đa nem”, về một lần “Chờ anh dưới cột đồng hồ”, về chuyện “Thắp hương”, về Hà Nội “Sau cơn mưa”, v.v. Tất cả đều giản dị, với “tính chân thực của ngôn ngữ”- song điều quan trọng hơn cả là chúng đã vươn tới “tính chân thực của thông báo” trong “quá trình tìm kiếm chân lý của nghệ thuật” – như nhà lý luận văn học Nga kiệt xuất Iuri Lotman từng đòi hỏi.(1) Cũng chính “tính chân thực của thông báo” đó cùng dấu ấn tâm hồn riêng biệt của Lý Phương Liên đã là cái giúp cho thơ chị vượt thời gian.
Lý Phương Liên hồn hậu làm thơ, như đã hồn hậu sống, hồn hậu tin tưởng, hồn hậu vượt lên trên mọi bất hạnh của số phận rơi xuống gia đình nhỏ bé của chị mà chị đã tình nguyện gắn nó vào số phận chung của cả dân tộc một cách đầy ý thức. Chị hồn nhiên kể hết những khổ nghèo, thiếu thốn, đắng cay, không hề thi vị hóa chúng. Ai cũng có thể soi mình trong đó, để tìm sự an ủi, sự cảm thông, một chỗ vịn tinh thần tình cảm để cùng vượt qua bao nỗi cam go:
Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya
Linh thiêng lời mẹ dăn dò
Kiếp người là một gánh lo hãi hùng…
Điều gì đã cho chị thổi được vào sự sống cái tình yêu run rẩy với những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc thế này:
Từ vị ngọt của lúa thơm
Từ hương mát của hoa trái
Từ sức gió chạy trên đồng hoang dại
Từ bong bóng mưa tháng năm…
…Chân mang gió qua núi
Cánh cò cô đơn, cánh cò lặn lội
Góa chồng nuôi con
Câu ca dao xôn xao trời đêm
Và tiếng hát
Xôn xao những cánh đời đói khát
Chị giải thích đó là do “Cội nguồn”- như tên của bài thơ, và đó cũng là cội nguồn sâu xa của một vệt Thơ chắt ra từ suy nghĩ xoáy lòng, từ dự cảm trước những điều bất công ngang trái, từ tinh thần dũng cảm sống không đầu hàng số phận của “tuổi hai mươi không tin vào định mệnh”, đồng thời không lúc nào rời xa yêu thương hồn hậu:
Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa
Không có vùng trời nào toàn chim hót
Không có cây khế vàng trong cổ tích
Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng…
Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng
Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại
An phận ư? Mơ hồ sợ hãi
Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
Thế là đã rõ: có tin yêu hồn hậu thì mới có tâm trạng ngơ ngác, sự thất vọng chua xót, nỗi đau đớn tận cùng, rồi từ đó mới có lòng dũng cảm để sống, để vượt lên mọi thử thách và để khẳng định bằng câu hỏi: “Có gì đẹp hơn tình yêu không anh?” Nhưng cũng chính từ tận đáy của niềm tin yêu trong trẻo, Lý Phương Liên đã có những suy ngẫm đích thực và xoáy sâu về thân phận con người, về trách nhiệm sống thực sự của con người trong cộng đồng xã hội, khi mà “Số phận mình là số phận của nhân dân”. Và đó cũng là một nội dung tư tưởng quan trọng trong bài thơ dài “Nghĩ về Thúy Kiều”- khi in sách đổi thành “Trò chuyện với Thúy Kiều” mà nhà văn Triệu Xuân cho rằng “là một trong những bài thơ hay nhất của cuộc đời thơ Lý Phương Liên, nó là “đỉnh” của chị.”. Những người nỡ “đánh” tàn tệ bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều” lúc ấy đâu có hiểu rằng: “đánh” nó tức là cũng vô tình “đánh” vào sự hồn hậu đáng yêu kia. Nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng hồn hậu tin đời, tin người đấy thôi, và nếu có lúc nào đấy nàng nhận ra sự bội phản, hiểu rõ sự bất trắc thì cũng chủ yếu là do tình yêu thương hồn hậu tận trong bản năng mách bảo. Lý Phương Liên, một cô gái 20 tuổi đã đồng cảm với nàng Kiều, và đã cố gắng thâm nhập vào chiều sâu trái tim người nghệ sĩ vĩ đại – nơi đã tìm ra những bí mật khuất lấp, những thế lực đen tối giật giây số phận con người vô tội. Trong “dàn đồng ca quan họ” văn chương (chữ của Nguyễn Nguyên Bảy) lúc đó, tiếng thơ của Lý Phương Liên vút lên trở thành một trong những giọng ca chủ đạo, trở thành một trong những “liền chị” có uy tín nhất, được nhiều người quý mến hơn cả, bởi hơn ai hết, chị đã nói ra được cái không khí tinh thần chung, lý giải cái điều mà nhà thơ Hoàng Xuân Họa đã chân thành kể lại: “… thơ chị đã làm rung động cảm xúc mấy thế hệ bạn đọc ngày ấy. Những người hôm nay tuổi từ 60 – 80 từng là nhà giáo, sinh viên, bộ đội, công nhân thời đó hầu như đều đọc, thuộc bài Ca Bình Minh, Lời Ru Với Anh, Ngã Ba… trong lúc cuộc sống thời chiến chẳng dư dả gì, lấy thơ nâng đỡ tinh thần để làm việc và chiến đấu… Từ chiến trường trở về tôi vẫn giữ được cuốn sổ có chép ba bài thơ: Lời Ru Với Anh, Ca Bình Minh và Em Mơ Có Một Phiên Tòa chép trên báo Nhân dân trước đó mấy năm, đem đi hỏi bạn bè về tác giả Lý Phương Liên, thấy ai cũng nhìn trước nhìn sau im lặng tảng lờ chẳng dám nhận mình đã đọc thơ Lý Phương Liên, mặc dầu họ đều là những người làm nghề chữ nghĩa, viết lách, thèm thơ như thèm lĩnh tiền nhuận bút, cuốn sổ gạo, ô phiếu thịt!”. Vậy mà thơ Lý Phương Liên đã không hề có “những trận bạo động chữ” nào – theo cách nói của nhà văn Văn Giá, cũng không hề có cái chuyện thường ngày bây giờ của một số người viết trẻ là “nặng tiếp thị, “nổ”, PR quá đà thành gian dối gây thất vọng.”. Thơ Lý Phương Liên có thể là một minh chứng sáng rõ nhất cho cái đòi hỏi này của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Văn học nói chung, văn học trẻ nói riêng, không thể là một thứ viễn mơ, xa rời và thờ ơ với số phận nhân dân, dân tộc”
Để có thể khẳng định thêm về ảnh hưởng của “hiện tượng Lý Phương Liên” đối với đời sống xã hội nói chung, đời sống văn học nói riêng, tôi cho rằng cần nhắc đến một luận điểm trong tiểu luận đặc sắc:” Quan niệm về thơ ca trong thơ Pushkin” của triết gia Nga Vladimir Soloviev mà những người viết trẻ hôm nay cũng có thể rút ra được những điều quý giá cho bản thân: “Thơ ca có thể và phải phục vụ cho cơ đồ của cái chân và cái thiện trên thế gian – nhưng chỉ bằng phương cách của mình, chỉ bằng vẻ đẹp của mình và không bằng một cái gì khác… Tất cả những gì có chất thơ – có nghĩa là tất cả những gì đẹp – sẽ bằng cách ấy dồi dào nội dung và hữu ích theo nghĩa tốt nhất của từ ấy”. (2) Và cũng chính V. Soloviev đã viết về tình yêu dân tộc và đất nước trong tác phẩm của thi hào Ba Lan A. Mickiewicz như một lời kêu gọi thấm thía đối với mỗi người cầm bút Việt Nam hiện tại: “Cả ở đây trong sức mạnh đặc biệt của tình cảm có sự dự liệu một chân lý vĩ đại, nó nói rằng dân tộc cũng như ngã thể con người có sứ mệnh vĩnh hằng và tuyệt đối, và phải trở thành một trong những hình thức trường cửu, có giá trị tự thân và không thể thay thế… cần làm sao cho thể trần thuật của tình cảm ái quốc: “tôi yêu nước” chuyển thành thể mệnh lệnh: “hãy giúp đất nước ý thức được và thực hiện được nhiệm vụ cao nhất của nó”… (3)
_________________________
1. Cấu trúc văn bản nghệ thuật – Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.38.
2,3. Siêu lý tình yêu. Những tác phẩm triết- mỹ chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb Văn hóa Thông tin & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội- 2005, tr.854, tr.906
Bài Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Tác giả gửi bài
Tôi sẽ không gọi Lý Phương Liên là nhà thơ – mặc dù chị xứng đáng và cần được gọi như vậy, nhất là khi danh xưng “nhà thơ” đang bị lạm dụng. Tôi cũng sẽ không dám nói nhiều tới nội dung – nghệ thuật những sáng tác thơ ca của chị, vì “Sau biết bao chìm nổi, nương dìu nhau mà sống, 40 năm sau, tập thơ “Ca bình minh” của Lý Phương Liên và tập “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy” ra mắt bạn đọc”, đã có nhiều người viết làm công việc đó một cách công tâm, sòng phẳng. Với tư cách là một người yêu thơ, và là một người bạn vong niên rất lâu của chị, nhân Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đang diễn ra, tôi chỉ muốn nhìn lại đôi chút về “Hiện tượng Lý Phương Liên” sau một quãng thời gian đủ hình thành dăm bảy thế hệ người viết…
Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya
Linh thiêng lời mẹ dăn dò
Kiếp người là một gánh lo hãi hùng…
Điều gì đã cho chị thổi được vào sự sống cái tình yêu run rẩy với những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc thế này:
Từ vị ngọt của lúa thơm
Từ hương mát của hoa trái
Từ sức gió chạy trên đồng hoang dại
Từ bong bóng mưa tháng năm…
…Chân mang gió qua núi
Cánh cò cô đơn, cánh cò lặn lội
Góa chồng nuôi con
Câu ca dao xôn xao trời đêm
Và tiếng hát
Xôn xao những cánh đời đói khát
Không có con đường nào toàn bóng mát và hoa
Không có vùng trời nào toàn chim hót
Không có cây khế vàng trong cổ tích
Kho báu cũng không, dù có mật khẩu vừng…
Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng
Chôn mẹ, nuôi đàn em thơ dại
An phận ư? Mơ hồ sợ hãi
Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng…
Thế là đã rõ: có tin yêu hồn hậu thì mới có tâm trạng ngơ ngác, sự thất vọng chua xót, nỗi đau đớn tận cùng, rồi từ đó mới có lòng dũng cảm để sống, để vượt lên mọi thử thách và để khẳng định bằng câu hỏi: “Có gì đẹp hơn tình yêu không anh?” Nhưng cũng chính từ tận đáy của niềm tin yêu trong trẻo, Lý Phương Liên đã có những suy ngẫm đích thực và xoáy sâu về thân phận con người, về trách nhiệm sống thực sự của con người trong cộng đồng xã hội, khi mà “Số phận mình là số phận của nhân dân”. Và đó cũng là một nội dung tư tưởng quan trọng trong bài thơ dài “Nghĩ về Thúy Kiều”- khi in sách đổi thành “Trò chuyện với Thúy Kiều” mà nhà văn Triệu Xuân cho rằng “là một trong những bài thơ hay nhất của cuộc đời thơ Lý Phương Liên, nó là “đỉnh” của chị.”. Những người nỡ “đánh” tàn tệ bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều” lúc ấy đâu có hiểu rằng: “đánh” nó tức là cũng vô tình “đánh” vào sự hồn hậu đáng yêu kia. Nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng hồn hậu tin đời, tin người đấy thôi, và nếu có lúc nào đấy nàng nhận ra sự bội phản, hiểu rõ sự bất trắc thì cũng chủ yếu là do tình yêu thương hồn hậu tận trong bản năng mách bảo. Lý Phương Liên, một cô gái 20 tuổi đã đồng cảm với nàng Kiều, và đã cố gắng thâm nhập vào chiều sâu trái tim người nghệ sĩ vĩ đại – nơi đã tìm ra những bí mật khuất lấp, những thế lực đen tối giật giây số phận con người vô tội. Trong “dàn đồng ca quan họ” văn chương (chữ của Nguyễn Nguyên Bảy) lúc đó, tiếng thơ của Lý Phương Liên vút lên trở thành một trong những giọng ca chủ đạo, trở thành một trong những “liền chị” có uy tín nhất, được nhiều người quý mến hơn cả, bởi hơn ai hết, chị đã nói ra được cái không khí tinh thần chung, lý giải cái điều mà nhà thơ Hoàng Xuân Họa đã chân thành kể lại: “… thơ chị đã làm rung động cảm xúc mấy thế hệ bạn đọc ngày ấy. Những người hôm nay tuổi từ 60 – 80 từng là nhà giáo, sinh viên, bộ đội, công nhân thời đó hầu như đều đọc, thuộc bài Ca Bình Minh, Lời Ru Với Anh, Ngã Ba… trong lúc cuộc sống thời chiến chẳng dư dả gì, lấy thơ nâng đỡ tinh thần để làm việc và chiến đấu… Từ chiến trường trở về tôi vẫn giữ được cuốn sổ có chép ba bài thơ: Lời Ru Với Anh, Ca Bình Minh và Em Mơ Có Một Phiên Tòa chép trên báo Nhân dân trước đó mấy năm, đem đi hỏi bạn bè về tác giả Lý Phương Liên, thấy ai cũng nhìn trước nhìn sau im lặng tảng lờ chẳng dám nhận mình đã đọc thơ Lý Phương Liên, mặc dầu họ đều là những người làm nghề chữ nghĩa, viết lách, thèm thơ như thèm lĩnh tiền nhuận bút, cuốn sổ gạo, ô phiếu thịt!”. Vậy mà thơ Lý Phương Liên đã không hề có “những trận bạo động chữ” nào – theo cách nói của nhà văn Văn Giá, cũng không hề có cái chuyện thường ngày bây giờ của một số người viết trẻ là “nặng tiếp thị, “nổ”, PR quá đà thành gian dối gây thất vọng.”. Thơ Lý Phương Liên có thể là một minh chứng sáng rõ nhất cho cái đòi hỏi này của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Văn học nói chung, văn học trẻ nói riêng, không thể là một thứ viễn mơ, xa rời và thờ ơ với số phận nhân dân, dân tộc”
1. Cấu trúc văn bản nghệ thuật – Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.38.
Tác giả gửi bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét