Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Văn Ngắn / Nhiều tác Giả CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4 5 . N h à V ă n, N h à G i á o H O À N G D Â N / 5.4. ĐỌC TỰ THUẬT SINH TỒN, THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Văn Ngắn / Nhiều tác Giả
CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4


5 .  N  h à  V ă n,  N h à  G i á o   H O À N G  D Â N

5.4. ĐỌC TỰ THUẬT SINH TỒN,
THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Mất Việc
Bạn cho mượn chiếc máy khâu
Cấp vốn một chỉ vàng
Vợ te te đi mua vải
Chồng thành thợ may hiên ngang

Áo trẻ em hàng vi ni lông đen
Chồng cắt may theo mẫu bìa hàng loạt
Vợ chào bán gan lì như hát
Tôm tươi dọc phố Hàng Đào

Niềm vui nửa tháng tiêu dao
Vi ni lông đen đã đen ngòm phố chợ
Đầu hôm vợ ôm đi một giỏ
Khuya cõng về một giỏ ế sưng

Chồng kiên gan sáng tạo không ngừng
Lót bao tải áo chần hình quả trám
Rồi trấn thủ, tai bèo quân giải phóng
Rồi chần áo gió, chần chăn

Thương vợ mòn chân đi kí gửi hàng
Học Tú Xương ơn ca cò lặn lội
Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi
Khúc sông này bát ngát một tình ca

Chở máy khâu trả bạn cười xòa
Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ
Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ
Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa…

Lời bình của Hoàng Dân
Hôm nay, ngắm nhìn hạnh phúc của cặp “Song bích kì nhân” Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên, ít ai có thể hình dung nổi thuở hàn vi họ đã từng lên bờ xuống ruộng như thế nào? Đành rằng “một thời đói khổ” chẳng của riêng ai, nhưng nếu “đói cơm rách áo” chỉ là cái phần “khổ nổi” của đám chúng sinh bát ngát đầu đen thì “tai nạn văn thơ” mới chính là nỗi “đau chìm” của một số rất ít nghệ sĩ tài danh, bản lĩnh. Mà đã là “đau chìm” thì khó thấy, khó đồng cảm, khó chia sẻ… và do đó, đám “bát ngát đầu đen” cũng dễ… quên! Lẽ đời thật giản dị: Người ta thường “chia vui” chứ mấy ai “chia nhục”?! Có lẽ bài thơ “Tự thuật sinh tồn” là một trong những bài thơ nên được hiểu theo cái lí “đau chìm”?!

Câu thơ đầu tiên ở khổ thơ đầu chỉ vẻn vẹn hai chữ “Mất việc”! Chỉ hai chữ ấy nhưng dường như đã nói lên tất cả! “Mất việc” chỉ vì một quan niệm về… thơ: “Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị của người làm thơ”! “Tuyên bố xanh rờn” ấy ra đời vào năm 1970 của thế kỉ trước! Thời ấy mà dám nói như vậy thì… “chết” là phải!!! Cũng thời ấy, Lý Phương Liên “lặn không sủi tăm” với bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều Thúy Kiều”, Việt Phương điêu đứng với tập thơ “Cửa mở”, Hoàng Cát lao đao với truyện ngắn viết cho thiếu nhi “Cây táo ông Lành”, Phạm Tiến Duật ù tai hoa mắt với bài thơ “Vòng Trắng”… Nói thế để những người đọc “vô tâm” chưa từng một lần trong đời tự hỏi mình rằng “thơ là gì?” có thể phần nào hiểu ra cơ sự của hai chữ “mất việc” nhẹ hều! Bởi hai chữ ấy, theo tôi, là “chìa khóa” để hiểu bài thơ “Tự thuật sinh tồn”!

Bốn câu thơ tiếp theo ở khổ thơ đầu tưởng như chỉ kể việc:
Bạn cho mượn chiếc máy khâuCấp vốn một chỉ vàngVợ te te đi mua vảiChồng thành thợ may hiên ngang / nhưng ngẫm kĩ thì không chỉ có thế! Đằng sau những sự việc khô khan ấy là một chữ Tình sâu nặng, đó là tình bạn – Một tình bạn đầy nghĩa hiệp:

Bạn cho mượn chiếc máy khâu
Cấp vốn một chỉ vàng
Ai cũng có bạn, nhưng không phải bạn nào cũng hành xử hào hiệp được như vậy! Cái thói đời đen bạc “phù thịnh chứ không ai phù suy” đã được ca dao nói quá hay:
Lúc khó thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em

Chưa kể, những người gặp “tai nạn văn chương” thường bị không ít bạn bè xa lánh… Họ muốn yên phận. Họ ngại rắc rối. Họ sợ tai bay vạ gió… Thậm chí, có những bạn cũ từng bá vai bá cổ, chén chú chén anh, nay tình cờ gặp “nạn nhân” thì họ cố tình tìm cách lánh mặt! Cũng chả nên nặng lời với họ là… đồ hèn! Vì cuộc đời vốn dĩ là thế!
Hai câu tiếp theo đã vượt qua sự kể việc để bật lên một tiếng cười ngạo nghễ:
Vợ te te đi mua vải
Chồng thành thợ may hiên ngang
Vợ thì “te te” như một người phụ nữ nông dân lam lũ, chân chỉ hạt bột! Chồng thì “hiên ngang” đúng tạng kẻ sĩ “dĩ bất biến ứng vạn biến”! Họ là một cặp uyên ương mang tính “đại diện” cho một thời quá vãng còn hằn sâu trong tâm tưởng của lứa U60, U70, U80… đang sống hôm nay!

Khổ thơ thứ hai rất vui:
Áo trẻ em hàng vi ni lông đenChồng cắt may theo mẫu bìa hàng loạtVợ chào bán gan lì như hátTôm tươi dọc phố Hàng Đào..
Thứ nhất, vui vì thi sĩ không chỉ biết làm thơ mà còn giỏi “cắt may theo mẫu bìa hàng loạt”. Thứ hai, vui vì xem ra cái nghề “hạ đẳng” này đã giúp một “tâm hồn thơ lang thang mây gió” có cơ hội tuyệt vời được “hạ cánh” xuống “bùn lầy” để thấm thía mọi nhẽ hỉ nộ ái ố của cuộc đời trần tục (Tuân Tử: “Sinh nhi tri, học nhi tri, khốn nhi tri”/ nghĩa là: Có cái sinh ra đã biết, có cái phải học mới biết, có cái do rơi vào hoàn cảnh khốn cùng mà biết – Và đây là cái biết sâu sắc nhất). Thứ ba, vui vì “Vợ chào bán gan lì như hát” – Hóa ra vợ không chỉ là vợ, mà còn là một “nghệ sĩ tiếp thị” có công lớn trong việc vinh thăng cái mặt hàng “cắt may theo mẫu bìa hàng loạt” lên tầm… bội thu: “Tôm tươi dọc phố Hàng Đào”! 
Nhưng ở vào cái thời “gạo châu củi quế”, thiếu gì kẻ “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”! Thấy “vi ni lông đen” đắt như “tôm tươi”, người ta lập tức “nhái” theo! Quả là niềm vui ngắn chẳng tày gang: “Niềm vui nửa tháng tiêu dao”! Và đành ngậm ngùi hiểu thêm một cái lẽ đời a-bờ-cờ nữa:
Vi ni lông đen đã đen ngòm phố ch
Đầu hôm vợ ôm đi một giỏ
Khuya cõng về một giỏ ế sưng

Nhưng cuộc đời còn có câu “cái khó ló cái khôn” như một cứu tinh:
Chồng kiên gan sáng tạo không ngừng
Lót bao tải áo chần hình quả trám
Rồi trấn thủ, tai bèo quân giải phóng
Rồi chần áo gió, chần chăn

Nghĩa là, đối với những kẻ sĩ có bản lĩnh thì không có tình cảnh nào là tuyệt vọng, kể cả việc phải gánh đá để mưu sinh như thi sĩ lừng danh Hữu Loan – tác giả của thi phẩm bất hủ “Màu tím hoa sim”!
Đúng như vậy, trong cảnh khốn cùng, người chồng đã bộc lộ những tố chất của một thi sĩ đích thực:
Thương vợ mòn chân đi kí gửi hàng
Học Tú Xương ơn ca cò lặn lội
 Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi
 Khúc sông này bát ngát một tình ca/

Cái tố chất thi sĩ đã khiến người chồng lặng người thương vợ từng “mòn chân” vất vả và phải lặn lội “thân cò”… Nghĩa là đủ cung bậc “thương” của một người chồng dành cho một người vợ như cụ Tú xưa từng xót xa: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”…

Nhưng có lẽ quan trọng hơn, nhờ cái tố chất thiên phú ấy mà người chồng đã cảm nhận được một tương lai còn lộng lẫy sang trọng hơn cả… ước mơ:
Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi
Khúc sông này bát ngát một tình ca
Có thể nói đây vừa là sự cảm nhận bén nhạy của thi sĩ, vừa là một tất yếu từng được đúc kết trong những lời dạy của tiền nhân:
- Không ai giàu ba họ, khó ba đời!
- Sông có khúc, người có lúc!
- Đừng có chết mất thì thôi
Sống cũng có lúc no xôi chán chè!

Khổ thơ kết thúc lại càng… vui hơn:
Chở máy khâu trả bạn cười xòa
Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ
Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ
Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa…

Bạn cho mượn máy khâu thì đem trả! Không có gì đáng nói! Nhưng cái sự vui đã vỡ òa ở câu tiếp theo: “Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ”! Cha mẹ ơi… Thế nghĩa là… cụt trắng vốn rồi, chớ chi nữa? Và cái sự vui dường như đã lên tới tột đỉnh:
Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ
Ôi chao… Cái “cười nắc nẻ” này sao mà giống cái cười:
Cười như sĩ tử hỏng thi
Khóc như con gái vu qui nhà chồng

Cái cười cho một nỗi đau đã lặn quá sâu vào trong tiềm thức! Nghĩa là không ai nhìn thấy hoặc cảm thấy, trừ kẻ trong cuộc!
Nhưng mà, nỗi đau này là quá nhỏ bé trong cái thời tao loạn:
Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa…
Nhỏ bé và chẳng đáng để phải than vãn, trách móc chi ai! Nhỏ bé nên cũng chẳng cần phải “tường minh hóa” cái sự cố “mất việc”! Nhỏ bé… cho nên… cười cợt quấy quá cho vui! Vậy thôi… Nhưng có lẽ, chính cái cười ấy lại có thể lấy được… nước mắt của người đọc cũng nên?!

Thạch Bàn, 6.2.2017

/Mời đọc tiếp Chém Gió Muôn Màu 4
5 . 5.  N  h à  V ă n,  N h à  G i á o   H O À N G  D Â N
Một bài thơ tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét