Văn Ngắn/ Nhiều Tác Giả
CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4
8 . N h à t h ơ H O À N G V I Ệ T H Ằ N G
Nguyễn Nguyên Bảy tặng tình
99 KHÚC YÊU THƯƠNG
99 KHÚC YÊU THƯƠNG
Chẳng thà về ở ẩn với thơ/ Nguyễn Nguyên Bẩy đã từng viết như vậy, nhưng mới đây anh vừa ra mắt bạn đọc 99 khúc thơ tình tặng Liên (nhà xuất bản Văn Học năm 2012).
Thơ anh đầy ắp tình nghĩa quê hương, da diết với mùa đông Hà Nội, nóng bỏng mùa hè yêu thương và nhân ái với một nửa của mình. Nhà thơ Lý Phương Liên, người đã cùng anh/ trả hết sướng vui nạn ách/chuyền tay chữ hát xuống thuyền/. Người mà /anh ôm em đầy một ngực/. Tác giả đã chan cả đau khổ vào thi ca, tình nghĩa vợ chồng, chan vào nhân gian những câu thơ đắm đuối vì con người.
Thơ Nguyễn Nguyên Bẩy lấy lý do 99 khúc tặng Liên, nhưng thực ra thơ anh bơi sải rất rộng, ngoảnh lại ký ức, nhìn trực diện vào không gian sống và những bước chân xê dịch của mình khi cùng vợ, và cùng con gái, con trai phiêu bạt vào Sài Gòn mà tháng 12 lại khắc khoải nhớ Hà Nội /anh thợ điện người Ô Quan Trưởng/ bới nhặt nửa mình trong đổ nát Khâm Thiên./ Vịn cớ anh thợ điện nhặt nửa mình thôi trong ký ức xa xót của 12 ngày đêm Hà Nội, thời gian đã lùi xa cuộc chiến. Một nửa mình còn tìm bới chưa thôi nỗi đau. Phải hiểu trái tim đau của nhà thơ, của người cầm bút không có năm tháng, vẫn bồi hồi nhớ về những ngày qua. Bồi hồi. Ngày trẻ khi anh nói /ấy là lẽ tôi nói lời yêu em/ biết là mình đáng sống/. Câu thơ như thức ngộ một giá trị sống cho tình yêu, nó quý giá nhường nào. Dù năm tháng xưa, sống trong thời bao cấp chúng ta thời đó đâu có dễ dàng gì. Ở bài đoạn sống có năm tháng Lý Phương Liên phải đi trông xe đạp, đi làm thợ, rồi đi mua vải, để chồng làm thợ may, cắt theo mẫu bìa hàng loạt. Câu thơ thương vợ chẳng giấu diếm /thương vợ mòn chân đi ký gửi hàng / học Tú Xương ơn ca cò lặn lội. Hoặc anh biết cả /em cầm phần nước mắt chứa buồn/ tứa hết ra lau chùi ký ức. Khi xê dịch sang Seattle, Nguyễn Nguyên Bẩy vẫn hồi ức về quê hương, và thức ngộ/mới hay lòng người diệu vợi hơn thời gian không gian…/đu tình nhún bổng trời xanh. Những câu thơ nghiêng về tự sự vẫn hướng tới quê nhà, thuần việt. Tản mạn hơn khi chát với con gái diệu, Nguyễn Lý Phương Ngọc, Nguyễn Nguyên Bẩy viết đủ độ thấm /con xa nhà lúc cha mẹ hoàng hôn/ có cách nào cha giải mã nỗi buồn./ Và dạy con gái phép nhân nghĩa ở đời qua câu thơ gợi mở/ nghĩa đời vay trả/ dù chỉ một đồng tình cũng phải nhớ tri ân./ Một đồng tình gói trong câu thơ nhưng về nghĩa thì rất đắt trong nhân cách ở đời. Hiếm có cách dạy con gái qua thơ vượt qua bờ biển Thái Bình Dương rộng lớn ngàn trùng , mà người cha không quên, không quên dạy con nhân cách sống rất kín nhẽ này. Cũng chỉ vin bát canh cần để nói sự gần xa ở đời, cũng vin vào mưa ở Seattle để nói sự rộng lượng của lòng người. Đứt nối ở mưa, rộng mở lòng người tùy vào lòng mình hướng nội /chuông mõ chìm trong tiếng wow/mưa nơi nao chẳng giống nơi nào./ Và /mở lòng đi mưa/ Câu thơ như khát khao sự cởi mở ở miền đất mới đặt chân đến, lạ lẫm, chầm chậm bước hiu quạnh, của người xa nước. Có khúc thơ tặng vợ rất lạ ở khúc Cầu Hôn /anh hứa đôi ta là mùa gặt/ nếp cho đời là nếp cái hoa vàng/ tẻ cho đời là tẻ xoan tẻ dự./ Là người đọc nhiều, đi nhiều của một thời làm báo Đài tiếng nói Việt Nam, thơ anh hướng tới lúa non, phên giậu quê nhà.
Cũng thành khẩn chân thành , tôi dám chắc chị Liên biên tập đã tha bổng câu thơ tự thú này /chợt đôi lúc anh lạc mê lạc lú/em hãy là Bồ Tát khoan dung. Phong cho vợ hãy thử rộng lòng như Bồ Tát mà xem, em tha hết. Lý nào lại không tha, dù “ai cũng có phút giây ngoài chồng ngoài vợ” . Thơ viết hóm, nhận lỗi bằng thơ thế này, thiển nghĩ dễ có hai lần, chứ ba lần chân anh bước lạc, Lý Phương Liên chị cũng tha bổng cho thơ khi lòng đã là Bồ Tát. Ở bài Thư Tình Đầu Đời, gần chót tập anh viết rất tung tẩy, câu thơ như bay bổng /anh đâu phải lâu đài trên cát biển/ nước triều lên sẽ cuốn nát tơi bời/ anh đến với em da thịt của đời/ mắt tin yêu và nụ cười sự sống. Và /anh muốn nói về tình yêu thứ nhất. Cũng có thể vì sự duy nhất này, đắm đuối này mới có trong đám cưới bạc với vợ chồng Lý Phương Liên, Nguyễn Nguyên Bẩy. Cả anh và chị lẽo đẽo với thơ ca, vì thơ ca và vì bạn thơ, anh chị cũng đã góp sức làm nên những tập thơ bạn thơ , thơ hay để đời cho thế hệ sau. Đó là cái tình cái duyên của nhà thơ, thi sỹ, trân trọng thi ca, trân trọng giá trị đích thực của yêu thương con người trong cõi người.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng/ PNVN 28.12.2012
/ Mời đọc tiếp Chém Gió Muôn Màu 4
8 . N h à t h ơ H O À N G V I Ệ T H Ằ N G
Trích Tc Thời Nay số Xuân 2018
TRI KỶ VĂN CHƯƠNG (*)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét