Văn Ngắn/ CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4
2 6. N h à v ă n M A I A N N G U Y Ễ N A N H T U Ấ N
Dự án sách Thơ Bạn Thơ của hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên đã thực hiện được 8 cuốn ( dự tính là 10 cuốn) – cùng những ấn phẩm phụ trợ mà nội dung & hình thức cũng “hoành tráng” không kém, như Văn Bạn Văn, Chém Gió Muôn Màu, Vườn Thơ 5 Nhà – cho đến nay, sau gần 10 năm, đã đi tới chặng cuối. Có thể nói, đây là một công trình lớn mà lịch sử văn học Việt Nam sau này sẽ buộc phải ghi nhận và bàn đến như một “hiện tượng Văn học” đáng kể.
Trưởng khoa viết văn & lý luận phê bình trường Đại học Văn hoá là tiến sĩ Văn Giá đã phải thốt lên trong một cuộc ra mắt sách Thơ Bạn Thơ 2 tại một nhà sách của Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây: “ Đây quả là một cuộc Chơi Bạn hết sức sang trọng và cảm động!” Nhà phê bình quê gốc quan họ này đã vô tình “tóm” được cái thần thái của công việc trên qua chữ “Chơi Bạn” đằm thắm tình nghĩa và long lanh nhạc tính, ngữ ngôn vốn dành cho các liền anh liền chị quan họ Kinh Bắc; cũng tức là gián tiếp thừa nhận sự đồng cảm sâu sắc với người thiết kế chính của “cuộc chơi” là một nhà thơ từng hát “Quan họ không ngoại tình” trên các nẻo đường ly hương sau khi bị hành lên bờ xuống ruộng chỉ vì dám “luận Kiều thời chinh chiến” và dám khẳng định cái điều làm chối tai không ít đấng bậc văn chương lẫn quản lý văn chương thời đó: “Thơ là thơ, không phải địa vị người làm thơ”... Sau nhiều năm “phiêu bạt giang hồ”, “cõng Quan họ” đi khắp giang sơn đất nước, sang cả nhiều phương trời xa, đôi vợ chồng yêu thơ này dường mỗi lúc một dồi dào thêm nguồn cảm hứng “Bay trên bể đời giông tố hát nghêu ngao”, và lại còn muốn nhiều người khác cùng hát “nghêu ngao” như mình trên “bể đời giông tố”, nhằm làm phong phú hơn “dàn quan họ Thơ ca”...
Mọi công việc mưu sinh, những nghề nghiệp tay ngang, những lo toan đời thường, những tranh chấp dân sự, v.v, đối với hai người thơ này, hình như đều có một cách giải thoát sau cùng và hữu hiệu là Thơ. Lời tự bạch sau đây của nhà văn Pháp Andrê Môroa có thể tìm thấy ngay một minh chứng phù hợp đặc biệt - đó là trường hợp của “hiện tượng” NNB & LPL:
“Đối với người nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật trước hết là một sự giải thoát (délivrance). Nghệ sĩ là con người mà trong suốt cuộc đời mình đã tích luỹ được cảm xúc, song không có chỗ dùng trong các công việc của mình. Các cảm xúc này bóp nghẹt anh ta, làm ngập tâm hồn anh ta tới mức tột cùng; và chính lúc anh ta cảm thấy tất yếu phải tự giải thoát ra khỏi chúng, thì tác phẩm được tuôn khỏi anh ta hầu như tự nhiên nhi nhiên. Đối với anh ta, nghệ thuật là một phương tiện bộc lộ”1.
Bản thân nhà thơ NNB cũng đã từng tự bạch có sức thuyết phục tương tự thế:
“Thơ tôi đã ra đời trong tiếng gõ cửa dồn gấp, trong những lời kêu thét bệnh hoạn, trong đói nghèo muốn cuốn đời vào hèn hạ, nhưng nó vẫn kiêu hãnh khóc như trẻ sơ sinh, trên cái bàn chỉ đứng ba chân...Tôi đã chép những chán nản ấy, những thất vọng ấy, những cay đắng ấy vào thơ. Và hân hoan thay, thơ trả lại cho tôi những dòng chữ nghĩa như khí cho tôi thở, như lửa cho tôi chế biến thức ăn, như sông suối cho tôi tắm mát. Đó là đức tin phải có, đức tin phải sáng rạng trong tâm hồn..." (Thủng thẳng với thơ)2.
Nhưng không phải chỉ là thơ của bản thân mình với cả núi thơ đã/ hay chưa được giới thiệu tới công chúng, mà còn là thơ của biết bao thế hệ người làm thơ tiếng Việt suốt một thế kỷ qua hiện còn đang ngổn ngang trong quá trình chọn lọc, đánh giá, phẩm bình... Có lần nhà thơ NNB nói với tôi, vẻ buồn trĩu: “Anh vừa đọc được một bài thơ trên báo liếp, hay quá, sánh được với nhiều bài của các thi sĩ thành danh, thế mà nó chưa có mặt trong một tập tuyển nào! Tiếc quá!”. Con mắt xanh ấy thực đáng quý, nhưng đáng quý hơn là một tấm lòng đối với giá trị đích thực của văn chương, ở đó tuyệt nhiên không nảy một tia đố kỵ, so bì, xét nét - cái điều tất sẽ dẫn đến thái độ hắt hủi, coi thường, dìm dập vẫn thường xảy ra trong đời sống văn học nước ta. Phải được nhìn tận mắt, nghe tận tai cảnh nhà thơ NNB say mê đọc diễn cảm những bài thơ của người khác mà anh chọn in trong Thơ Bạn Thơ để ghi hình ghi âm, thì mới thấm hiểu: lòng trân trọng vẻ đẹp thơ ca của bất cứ người nào, dù chưa hề gặp mặt, dù người đó là ai, thì ra đã nằm sâu trong con người thơ này như một sự sống quý giá vô hạn! Sự trung thực, lòng vô tư, bản chất công bình, và đặc biệt là lòng mê say thơ kỳ lạ, là những điều đã giúp đôi vợ chồng người thơ nảy sinh một dự án chưa từng có xưa nay: Thơ Bạn Thơ, quyết tâm trở thành người thu nhặt bụi vàng Thơ rải rác để làm nên một “Bông hồng vàng” như nhân vật của K. Pautôvski từng làm...
Nó có thể so sánh với bộ sưu tập tranh trong viện bảo tàng tư nhân nổi tiếng Trechiakôp ở Nga, có điều đây là bộ sưu tập Thơ - thơ người đã khuất, thơ người đương thời, thơ của các giới, các lứa tuổi, các ngành nghề, các địa phương trong toàn quốc và người Việt ở nước ngoài... Có điều, từ một bộ sưu tập mang tính cá nhân, kể từ khi ra đời tới nay - vượt ra khỏi dự tính mong mỏi riêng của người làm ra chúng hay mưu đồ hạ thấp của bất kỳ ai, chúng đã tự thân mang giá trị của một bộ sưu tập về văn học mang tính chất Quốc gia - mà đó thực chất chính là công việc của cả một Viện, hoặc một tổ chức Hội trung ương... Nhiệt tình cháy bỏng và công sức lao động khổng lồ của hai nhà thơ NNB & LPL, với sự giúp sức của các nhà thơ nhà văn, nhà phê bình, các nghệ sĩ... nhiều lứa tuổi, không phân biệt chuyên nghiệp hay không chuyên trên toàn quốc, đã tạo nên một danh sách nhà thơ đông đảo chưa từng có ở bất kỳ tập tuyển thơ nào ra đời trước đó, với một khối lượng lớn tới hàng ngàn bài thơ được tuyển chọn chỉ bằng một tiêu chí duy nhất: “Thơ là thơ”... Bộ sưu tập chưa đầy đủ này đã bắt đầu có mặt trang trọng ở các thư viện Việt Nam, Mỹ, Pháp, trong các tủ sách cá nhân, và là sách gối đầu giường của nhiều người yêu thơ cả nước.
Bộ sưu tập này, cho tới nay đã nhận được biết bao lời đánh giá chân thành, xúc động, và công bằng từ những người cầm bút - như luật sư Trần Đình Hoành, nhà văn Tô Hoàng, nhà thơ Trần Nhương, đạo diễn Đào Trọng Khánh, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà thơ Hoàng Xuân Họa, nhà thơ Hạt Cát, nhà phê bình Hoàng Dân, nhà giáo Đường Văn, nhà văn Phùng Thành Chủng, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà báo Nhật Lệ, nhà báo Hoàng Vũ Quân, nhà báo Nguyễn Hậu, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, nhà thơ Nguyễn Khôi, nhà thơ Hồ Bá Thâm v.v, cùng biết bao sự tán thưởng, đồng cảm của người đọc, nhiều giới...
Người viết bài này chỉ dám góp thêm một tiếng nói nhỏ, đặng giúp người yêu thơ, qua bộ sách Thơ Bạn Thơ sẽ có dịp chiêm nghiệm lại điều đã biết - từ khẳng định của nhà bác học người Bun M. Arnauđôp trong một công trình lớn bàn về tâm lý sáng tạo văn học:
“Nếu nói chung ngôn ngữ được bắt nguồn từ nhu cầu của một sự hiểu biết lẫn nhau, thì trong thơ ca nó thường là một công cụ ngoan ngoãn để thuyết phục, vì tiếng nói được nhào nặn có nghệ thuật rất dễ tìm được ra con đường tiến đến trái tim khối óc chúng ta, và rất dễ tạo nên một niềm tin cậy...”3
Niềm tin cậy đó, người đọc đã và đang hân hoan tìm thấy được trong bộ sách Thơ Bạn Thơ!
1. Dẫn theo M. Arnauđôp - Tâm lý học sáng tạo văn học - Hoài Lam & Hoài Ly dịch- Nxb Văn học, HN 1978, tr.230
2. Nguyễn Nguyên Bảy, Lý Phương Liên, Nguyễn Lý Phương Ngọc - Thủng thẳng với thơ - Nxb Văn học, HN- 2011
3. Tâm lý học sáng tạo văn học, Sđd, tr.222
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
/Mời đọc tiếp Chém Gió Muôn Màu 4
2 7. N h à G i á o, T s. Đ Ư Ờ N G V Ă N
Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên
SONG BÍCH KỲ NHÂN:NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM, ĂM ẮP NGHĨA-TÌNH!
/Mời đọc tiếp Chém Gió Muôn Màu 4
2 7. N h à G i á o, T s. Đ Ư Ờ N G V Ă N
Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên
SONG BÍCH KỲ NHÂN:NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM, ĂM ẮP NGHĨA-TÌNH!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét