Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

TỤNG TRƯỚC XUẤT HÀNH XUÂN CÙNG NGỰA GIÁP thơ Nguyễn Nguyên Bảy. / Nguyễn Văn Hòa, đò đưa


TỤNG TRƯỚC XUẤT HÀNH XUÂN CÙNG NGỰA GIÁP

thơ Nguyễn Nguyên Bảy.

Nguyễn Văn Hòa, đò đưa


" Tụng trước xuất hành xuân cùng Ngựa Giáp” là một bài thơ lạ, gây ấn tượng với người đọc của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Bởi ông đã nói hộ cho nhiều người đó không chỉ là tiếng lòng mà còn là tâm lý, lẽ thường thấy của rất nhiều người khi rơi vào những trạng thái bất an, khi niềm tin bị chao đảo, khi cuộc sống thường nhật có quá nhiều thứ làm cho con người trở nên hoang mang. Mất niềm tin, sự hoang mang khi gặp những bất trắc trên đường đời không kể già trẻ, không kể tuổi tác, con người ta thường tìm đến và nghĩ đến những cõi thiêng để bám víu, để đặt niềm tin, hi vọng vào đó như là sự cứu cánh. Nguyễn Nguyễn Bảy cũng đã từng rơi vào trạng thái tâm lý như vậy. Ngày đầu Xuân thắp hương cho Mẹ (Tết Giáp Ngọ, 2014), khi ông bước qua tuổi bảy mươi, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi mà bản thân ông cũng đang sợ, hình như ông sợ tuổi già, ông sợ quy luật tuần hoàn của tạo hóa nên ông muốn đến đó để cầu xin. Nhà thơ mường tượng và vẽ ra cảnh vừa gần gũi, quen thuộc nhưng cũng rất đỗi huyền diệu, kỳ bí:

Neo chân ngựa trên triền đê cỏ
Tôi cầm bảy mươi tuổi vào căn nhà lá đầu sông
Trong nhà có chiếc trống gầy
Mặt trống khắc trăm chim lạc
Bay cùng chim lạc là bát lư đá
Lư lạnh tro và chân nhang

Thắp một cây hương khấn Mẹ
Triền đê ngựa hý dục
Tôi nhìn tìm trong khói nhang
Thấy chợ hoa Hàng Lược
Trăm năm trước Mẹ bán hoa đào ở đấy
Ngực cau chín áo nâu phai
Thấy con sao Mẹ quay mặt đi?

Ngựa lại hý
Tôi thắp thêm cây nhang khấn lời xá tội
Thấy Mẹ trên trời
Rắc nắng ngăn phùn nghèo bấc buốt
Rải gió cho hoa ấm tết
Thấy con sao Mẹ vẫn quay mặt đi?

Tôi thắp thêm nhang
Nhang không cháy
Lư đá biến mất trống đồng biến mất
Căn nhà cũng biến mất
Tôi chạy ra triền đê cỏ
Ngựa cũng đi xa rồi...

Bừng tỉnh tuổi bảy mươi
Đức tin cất tiếng gọi Mẹ ơi, Ngựa ơi
Con đã ngộ nơi đi chốn đến
Mẹ cười thương gọi ngựa quay trở lại
Hừng hực vó xuân thượng mã
Tóc lau ngựa gió nắng xanh.. 

Mọi sự cầu xin đều vô nghĩa, những vật xuất hiện ở đầu bài thơ là những thứ có trong bảo tàng. Sự linh thiêng vẫn không có ý nghĩa gì cả. Tất cả những gì diễn ra trong suy nghĩ của nhà thơ cũng chỉ là hư ảo. Ba lần Nguyễn Nguyên Bảy thắp nhang là ba lần nhà thơ dần ngộ ra rằng: Tất cả chỉ là vô nghĩa lý nếu con người ta không tin vào chính mình, nếu không hiểu sâu sắc về lẽ sinh tử. Bởi sự sống và cái chết trong đời sống này là điều bình thường. Lẽ đời tự nhiên cũng giống như mưa nắng phải đi theo lẽ tự nhiên thôi. Phải tin vào nội lực chính mình, phải cầu xin chính mình thôi chứ không cầu xin ai cả. Sống chết là định mệnh nên không gì phải sợ mà phải sống tốt, sống có ích với đời. Mọi sự cầu xin và sợ sệt là hèn nhát, khi ta ngộ ra được như vậy thì có nghĩa là ta đang hiểu sâu sắc về cuộc đời và con người. Mình phải làm việc của mình, tin vào chính mình, cầu xin chính mình đó mới là sống cuộc sống có ý nghĩa. 

/Tôi thắp thêm nhang /Nhang không cháy / Lư đá biến mất trống đồng biến mất / Căn nhà cũng biến mất/ Tôi chạy ra triền đê cỏ / Ngựa cũng đi xa rồi... 

Cuộc sống này không đợi chờ bất cứ một ai, chính vì vậy mỗi chúng ta phải tận dụng thời gian để sống có ích với đời. Bởi nếu không hòa nhập, bỡi lơ đễnh thì mọi thứ càng rời xa ta. Bảy mươi tuổi, lần cầu xin trước đất trời, trước mộ Mẹ nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đã thật sự ngộ : 

/Bừng tỉnh tuổi bảy mươi/ Đức tin cất tiếng gọi Mẹ ơi, Ngựa ơi / Con đã ngộ nơi đi chốn đến / Mẹ cười thương gọi ngựa quay trở lại / Hừng hực vó xuân thượng mã /Tóc lau ngựa gió nắng xanh.. 

Sự xuất hiện của người Mẹ với thái độ, cách ứng xử của Mẹ càng làm cho nhà thơ hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời. Cái hay của bài thơ là cái kết của sự thức tỉnh, sự thức tỉnh đầy tính nhân văn và trách nhiệm của một con người

Mồng Ba Tết Kỷ Hợi
Nguyễn Văn Hòa, đất Phú Xuân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét