TRANH VẼ HAI CÕI ÂM DƯƠNG
Nguyễn Nguyên Bảy
Ai chẳng biết cõi âm là cõi chết, cõi u tối, cõi buồn đau, cõi của tiếng khóc, cõi của lúc đỉnh đêm trời không trăng sao. Ai chẳng biết cõi dương là cõi sống, cõi hoan lạc, cõi thịnh vượng, cõi của tiếng cười, cõi của lúc đỉnh ngày trời xanh mây nắng. Nhưng không phải ai cũng “thấu lý” cái lẽ giữa đỉnh đêm đen, âm thịnh nhất, một đốm sáng của bình minh đang hiện. . Và không phải ai cũng “nhận biết” cái sự chuyển dịch của lúc 12 giờ trưa, dương thịnh nhất, đời đang vênh vang nhất, đã có cái đốm của âm, của chiều đang sầm sập về. Tranh của Nguyễn Thanh Sơn biểu đạt được cái lẽ giao hòa và chuyển dịch của hai cõi âm dương đó.
Vũ khúc đêm về sáng, các cô gái Tây Nguyên, lắc lư vai, đung đưa mông, say đắm chuyển dịch tâm hồn từ âm-đêm vào dương-non-ngày. Ý tưởng đó chưa phải là tài tình. Tài tình ở chỗ vũ khúc hoan lạc của đời người, cõi dương, đâu thể kéo dài mãi, bởi cận kề ngay đó đã là cõi âm – Tượng nhà mồ, con quạ. Chuyển vận của vũ trụ là đêm đang rạng ngày, đối nghịch với chuyển vận của đời người, dương đã báo hiệu âm. Đây là một tác phẩm biểu đạt hoàn chỉnh nhất cái có thể gọi là tuyên ngôn, là bút pháp, là phong cách Nguyễn Thanh Sơn.
Lời Ru, Hồn Gỗ, sự tương phản âm dương lồ lộ trong bố cục và rực rỡ trong mầu sắc, người xem cảm như tác giả xếp đặt âm dương, tranh hình như lý trí. Nhưng thật may, đặc biệt ở Hồn Gỗ, cái quầng sáng đã ru vỗ nỗi đau của người đàn bà khóc người thân, rằng, sống chết ở đời là cái lẽ thường tình, không thể khóc thương mãi rồi hóa đá, bởi ngày đã rạng, con người ta dù đau khổ cách nào vẫn cần phải sống.
Không quá lời, nếu nói rằng tranh Nguyễn Thanh Sơn đã giao hòa được hai cõi âm dương. Nhưng vì sao Sơn lại chọn lựa hai cõi âm dương làm tư tưởng chủ đạo cho (gần như toàn bộ) các tác phẩm của mình? Phải chăng đó chính là nguyên mẫu Tây Nguyên, nơi cõi sống và cõi chết không có làn ranh rõ rệt, người chết như không hề chết, mà vẫn quanh quất đâu đây sống cùng người sống, không chỉ trong lòng mà ngay trong các hoạt động của đời thường. Từ cái lẽ đó, người sống và người chết hiện lên trong Giao Cảm xúc động, trong Dáng Núi rạng rỡ huy hoàng.
Thật hiếm họa sĩ cả một đời không múa cọ vẽ khỏa thân. Ngoài 16 tác phẩm bày triển lãm, xem thêm một số chưa bày, Sơn vẽ khỏa thân hơi nhiều, nhưng thật may, đây là “khỏa thân Tây Nguyên” – Khỏa thân thật nguyên như đời sống của các cô gái Tây Nguyên từ ngàn xưa và ngay cả hiện thời.
Từ các cô gái trinh nguyên Dáng Núi, Hoa Pơ Lang đến các bà mẹ Chiều, Rượu Cần, Xuống Phố… Nhận rằng: Phụ nữ Tây Nguyên vào tranh Sơn trang trọng quá, đẹp quá, khỏa thân mà như không khỏa thân, không có những chấm phá dành cho gợi dục thấp hèn.
Nhưng “Khỏa thân Tây Nguyên” của Sơn có cái gì đấy phảng phất “gái Huế”, “gái thị thành”. (Sơn tự giới thiệu: Sinh năm 1959. Gốc Huế. Sống ở Pleiku). Phải chăng một hình bóng người thương nào đó (tất nhiên không phải cô gái Tây Nguyên) còn luôn ám ảnh và tượng duyên trong nét cọ của Sơn mỗi khi Sơn vẽ “Khỏa thân Tây Nguyên”. Đường nét mượt quá, bố cục duyên quá.
tác phảm " Giao cảm giữa đất và người"
Tác phẩm " Sự thánh thiện giữa đất và người"
Chợt nhớ tới các cô gái Haiiti trong tranh GôGanh. Sơn đã bao giờ yêu một thiếu nữ Tây Nguyên? Chưa. Lời đáp của Sơn đã lý giải phần nào cái chưa tới của mình.
Nhưng dù sao, “Khỏa thân Tây Nguyên” của Sơn cũng đã rất Sơn. Bảo rằng những tranh ấy gần đồ họa, gần với trang trí.
Đáp rằng: Thế giới Tây Nguyên chất là vậy, mà cũng vì vậy mới là Sơn. Khỏa thân Tây Nguyên của Sơn đạt được như Gỗ Say, thì quả thật, sống ở đời chưa một lần được uống rượu cần Tây Nguyên là chưa sống hết một đời. Gỗ say hay người say? Siêu thực. Nói rằng đây là tác phẩm nghệ thuật nhất trong các tác phẩm bày của Sơn mà không e quá lời. Tranh là tranh không thể là gì khác. Tranh đã ngân nga trong tâm hồn và tự nhiên rung ngâm như thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch.
Tranh Sơn không vẽ đủ cái hùng tráng của Tây Nguyên như các trường ca Đam San (cổ), Đất nước đứng lên(hiện đại, anh hùng Núp của Nguyên Ngọc) mà người xem đã thấy trong nhiều tranh của những họa sĩ khác. Nhưng lạ thay, cái chất hùng tráng đó vẫn như ẩn hiện trong tranh Sơn.
Không có lấy một mái nhà rộng, nhưng lại thấy mỗi nhà, mỗi kiến trúc đời sống trên lưng từng người đàn bà Tây Nguyên. Góc này của gùi (góc bếp hay nhà kho). Góc kia của con (địu trên lưng hoặc trước ngực), góc này của chồng và cũng là của mình (một nậm rượu, hay một nậm nước trong tay). Không nhiều các dân tộc trên thế giới này, đeo mang trên mình người phụ nữ cả một đời sống thường nhật. Tây Nguyên là vậy và Sơn đã vẽ được cái vậy. Tự nhiên và hồn.
Cuộc sống của Tây Nguyên là cuộc sống gần gũi giao hòa với thiên nhiên. Cõi sống và cõi chết (như đã nói ở trên) ranh giới thật mong manh. Nên, khi xem Vũ Khúc Nửa Đêm Về Sáng, cảm được cả tiếng chiêng cồng, cảm được cả tiếng gió ngàn, thật đậm. Chắc chắn, khi xem tranh Sơn, nếu người KTS được giao trách nhiệm thiết kế công trình cho Tây Nguyên, hẳn không thể thành công được, nếu những thiết kế đó, không giao hòa được cuộc sống dương với cuộc sống âm, cuộc sống của con người với thiên nhiên, trời đất…
Nhận rằng:Những tác phẩm Dáng Núi, Giao Cảm, Hồn Gỗ, Gỗ Say… Là những tác phẩm đạt tới sự Kiến trúc nhất trong Hội họa và Hội họa nhất trong Kiến trúc. Nói khác: Hội họa và kiến trúc đã hóa thân vào nhau, không ranh giới, chỉ còn cái hồn của mầu sắc và bố cục nói với người cảm thụ nó.
Tác phẩm " Đêm và tiếng vọng"
Nguyễn Thanh Sơn sẽ đi xa hay gần, không ai biết điều đó hơn Sơn, bởi Sơn đang đi trên đôi chân của mình. Mọi lời khích lệ với Sơn không thật cần, chê bai càng không thiết, bởi ngoài 30 tuổi, Sơn đã tự hiểu mình, tự đánh giá được mình. Chỉ muốn tặng Sơn một suy nghĩ: Giữa đêm, âm cực thịnh, nhưng nhìn thấy sự tất yếu của ban mai, phải ráng mà đi nhanh tới đó. Giữa ngày, dương cực thịnh, đừng vội bằng lòng, nếu biết rằng tất yếu trời sẽ về chiều, phải biết tùng tiệm và chậm chạp đi về chiều. Càng kéo dài khúc dương thịnh được bao nhiêu là càng cống hiến được cho đời nhiều tác phẩm và cuộc đời riêng càng nhiều ý nghĩa.
Viết 4-10-91, Triển lãm tại Sài Gòn, trụ sở Hội Nhà Báo đường Lê Duẩn
Từ đó đến nay, không gặp lại, không được xem tranh Sơn. Nhớ bạn, đăng lại bài đã đăng trên Tạp chí Kiến Trúc và Đời sống, số tháng 10.1991. Ký tên EnEnBi.
2017. 4. 18. Nguyễn Nguyên Bảy.
* Hình trong bài copy từ báo Gia Lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét