“Nghĩ cho người khác” là thiện lương, là tu dưỡng của bậc minh quân
Vào thời Xuân Thu, có một năm mùa đông trời vô cùng giá rét, ở nước Tề tuyết rơi liên tục trong 3 ngày 3 đêm mà không ngớt khiến cho người dân không ai dám đi ra ngoài. Những ai có việc phải ra khỏi nhà đều cảm thấy buồn bã, lo lắng do đường khó đi, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, ai cũng cầu mong cho đợt giá rét ấy nhanh chóng kết thúc.
Nhưng ở trong cung, Tề Cảnh Công thân mặc áo lông ung dung ngồi trước cửa sổ ngắm nhìn tuyết rơi. Khuôn mặt của ông lộ rõ niềm vui sướng. Tề Cảnh Công càng ngắm càng thấy cảnh sắc tuyết rơi đẹp mê hồn, trong lòng ông chỉ mong tuyết rơi nhiều hơn và lâu hơn nữa để cảnh đẹp ấy thêm phần diễm lệ.
Vừa hay lúc đó, quan đại phu Yến Anh (Yến Tử) chứng kiến cảnh ấy liền tiến lại gần, Tề Cảnh Công vui mừng nói: “Năm nay khí trời thật kỳ lạ, dù tuyết đã rơi nhiều ngày nhưng ta vẫn cảm thấy ấm áp giống như mùa xuân, chẳng có chút gì lạnh cả. Khanh có thấy như vậy không?”
Yến Anh để ý thấy Tề Cảnh Công đang mặc áo lông, trong phòng lại có lò sưởi đang cháy hừng hực nên đương nhiên cảm thấy ấm áp không có gì là lạ. Nghĩ vậy, Yến Anh liền đáp lại: “Đại Vương nói khí trời chẳng lạnh chút nào là sao?” Tề Cảnh Công nghe xong vừa gật đầu vừa cười rất sung sướng.
Yến Anh bèn thẳng thừng đáp rằng: “Đại Vương, thần nghe nói, bậc minh quân ăn no sẽ nghĩ đến có người đang chịu đói, khi mặc ấm sẽ nghĩ đến có người đang rét lạnh, khi thoải mái sung sướng cũng nghĩ đến có người đang lao động khổ cực. Nhưng sao ngài chẳng hề lo nghĩ cho người khác vậy?”
Nghe xong lời nói của Yến Anh, Tề Cảnh Công cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Người biết nghĩ cho người khác luôn được tôn kính
Những người có tu dưỡng sẽ dùng trí tuệ để xử lý việc của bản thân mình, đồng thời cũng sẽ đứng ở góc độ của người khác để suy nghĩ, tôn trọng người khác. Tu dưỡng và bằng cấp, tài phú, địa vị là không có quan hệ. Nhưng tu dưỡng lại có quan hệ với việc chúng ta có đủ tôn trọng người khác hay không.
Khi một người thể hiện lòng tôn trọng đối với chúng ta, không nhất định là bởi vì chúng ta vĩ đại, nhưng nhất định là bởi vì họ là người có tu dưỡng. Khi chúng ta có thể vì người khác mà suy nghĩ thì tự nhiên sẽ học được cách thông cảm với người khác, đồng thời cũng có thể nâng cao được cảnh giới tu dưỡng của chính bản thân mình.
Khi kết giao bạn bè, khi chung sống cùng người khác, biết nghĩ đến bản thân mình thì cũng phải biết nghĩ cho người khác. Đó cũng chính là điều mà cổ nhân giảng: “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, tức là những gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác, những gì mình muốn lập thì cũng nên lập cho người khác, những gì mình muốn đạt thì cũng nên cho người khác đạt được.
Xưa nay những người biết nghĩ và tôn trọng người khác thì đều được người khác tôn kính.
Lương Khải Siêu và Nghiêm Phục đều là những học giả nổi tiếng thời cuối nhà Thanh. Họ thân thiết như là anh em kết nghĩa. Tuy rằng giữa họ có những ý kiến bất đồng và học thuật khác nhau nhưng vẫn luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều. Thậm chí trong thư Lương Khải Siêu viết cho Nghiêm Phục còn nói rằng: “Thiên hạ, người biết ta mà có thể dạy ta, ngoài cha và thầy ra thì không còn ai khác ngoài Nghiêm Phục tiên sinh.”
Tuy rằng như vậy, nhưng thuận theo thời gian, quan điểm về rất nhiều phương diện của hai người càng ngày càng khác xa nhau, mối ngăn cách càng ngày càng sâu. Nghiêm Phục không những nhiều lần chỉ trích Lương Khải Siêu, mà còn công khai dùng nhiều từ ngữ phê bình và không ủng hộ Lương Khải Siêu ở trong chính các tác phẩm của mình.
Trước việc Nghiêm Phục không ngừng chỉ trích, phê bình mình, Lương Khải Siêu vẫn một mực lựa chọn im lặng, trầm mặc không lên tiếng tranh luận hay chỉ ra chỗ thiếu sót của Nghiêm Phục. Thậm chí, lòng tôn trọng của ông đối với Nghiêm Phục cũng không vì thế mà suy giảm đi. Bất luận là ở sự kiện quan trọng nào, Lương Khải Siêu vẫn mời Nghiêm Phục tham gia. Chính bởi vì Lương Khải Siêu luôn biết tôn trọng người khác, nghĩ cho người khác nên ông được người đời tôn kính.
Trong đối nhân xử thế, cần làm được như Lương Khải Siêu vậy, bởi vì chúng ta vĩnh viễn chỉ có thể nhìn thấy những biểu hiện bề ngoài của người khác mà không thể thực sự cảm nhận được những nỗi khổ mà họ phải gánh chịu. Nên cho dù là đối với người thân hay người xa lạ, chúng ta đều cần học cách tán dương, khen ngợi ưu điểm của họ, bao dung khuyết điểm của họ và thông cảm với nỗi khổ không thể nói ra của họ.
Biết suy nghĩ vì người khác thì sẽ biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Hơn nữa, khi có thể đứng ở lập trường của đối phương, chúng ta sẽ có thể phát hiện ra những đáp án mà chúng ta không ngờ tới, cũng sẽ càng hiểu được hành vi và quan điểm của đối phương hơn.
Người có tu dưỡng có thể vì người khác suy nghĩ, đồng thời cũng là dùng tâm từ bi, lòng bao dung thành tựu người khác như thành tựu chính mình. Người có thể thực sự tôn trọng người khác, đối xử tử tế, thông cảm với người khác mới có thể có được cảnh giới tu dưỡng cao, mới có thể ở trong sự vẩn đục của thế tục mà đạt được sự yên tĩnh nội tại.
An Hòa/ Trithuc.Vn
VANDANBNN st/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét