Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

NGUYỄN NGUYÊN BẢY/ MIỀN ĐÁT NGỌT Ở TEXAS ( SUGAR LAND IN TEXAS)/ 9


NGUYỄN NGUYÊN BẢY 
Văn Phượt

MIỀN ĐÁT NGỌT Ở TEXAS
( SUGAR LAND IN TEXAS)

Bài 9
TỰ DO CHÓI MẮT

Chúng tôi trả phòng khách sạn và bon xe boong 11 AM, tiến sâu vào đất New Mexico, thành phố lớn nhất tiểu bang Albuquerque..

Nick - My Son vừa lái xe vừa nói chuyện về New Mexico, tất nhiên, bằng tiếng Anh, và dĩ nhiên người nghe là tôi, tai Việt. Nick nói như gió thu (ngồi trong xe kín cửa nghe thoang thoang tiếng gió bên ngoài) và tôi mân mê âm thanh từng từ cho vỡ nghĩa, biết nghĩa một từ đoán được câu, vỡ được nhiều câu thì đoán được sự, được chuyện..Đoán được chuyện thì đúc kết được chủ đề, quan trọng là chủ đề ấy mình có thich, có quan tâm? Đó là quy pháp (riêng tôi) khi giao tiếp, thảo luận, tranh luận với người nước ngoài mà chỉ biết véo von một ngôn ngữ Việt. Tôi chém gió với Nick rất thú vị, vì Nick thỉnh thoảng chêm đôi ba tiếng Việt như Ba ạ, Ba biết không, Ba tài lắm, Ba thật tuyệt..Và tôi thì luôn miệng đế vào văn nói của Nick từ Ok.. hoặc chữ My son..

Câu chuyện của Nick tôi đúc kết được ba điều nên biết và quan tâm về New Mexico.
(Một là): New Mexico là tiểu bang nghèo. New Mexico đứng hàng thứ nhì về tỉ lệ dân nghèo, 21.9% năm 2013. Tiều bang cũng đứng gần chót về giáo dục và phúc lợi xã hội cho trẻ em.
(Hai là) : Chênh lệch giầu nghèo ở New Mexico rất lạ. Khoảng hơn 10 dặm về phía Đông Bắc (Rio Arriba county) có hình ảnh khác hẳn. Thành phố Espanola nhiều tội ác và ma tuy, với những đường phố đầy các hàng ăn, cơ sở thương mại, chợ Wal-Mart và một casino. Thu nhập bình quân mỗi đầu người ở Rio Arriba $ 20,000 chưa bàng phân nửa Los Alamos $50, 750. Ví dẫn khác, đất Sierra là một trong những county có mức lương thấp nhất tiểu bang và cũng giống như Rio Arriba, còn nhiều nhà bỏ trống và cơ sở thương mại treo bảng bán..
(Ba là): Không giống các tiều bang khác, người dân có tiền nhất ở New Mexico hầu hết làm việc cho các cơ quan nhà nước chứ không phải khu vực kinh tế tư nhân. Theo nghiên cứu của Pew Charitable Trust's Fiscal Federalism Initiative, khoảng 35% kinh tế New Mexico đến từ chính quyền liên bang, tỷ lệ lớn hơn tất cả các tiều bang. Và, thú vị chưa: " Toàn quốc tài trợ cho New Mexico", Jake Arnod, một cố vấn chính trị, kêu gọi.

Những đúc kết của Ba về New Mexico có tương cảnh với Việt Nam?

Tôi nhẹ cười với Nick - con trai tôi. Nhưng người New Mexico hài lòng với thiên đường New Mexico của mình mà con. Theo ba, đó là điều quan trọng nhất của Tự Do chọn miền đất sống (quê hương) vá cách sống của mình. Để ba trích đọc con nghe bài viết của một người Mỹ gốc Việt 100%, tên Minh Anh, viết rất thật, rất hân hoan về miền đất tuy không gọi tên Thiên Đường, nhưng lời lòng reo tụng đã nói minh bạch, rõ ràng về miền thiên đường ấy..

MEXICO, XỨ TÂN MỄ CỦA TÔI

Tân Mễ là tên người Việt mình gọi tiểu bang New Mexico. Gọi vậy để phân biệt với nước Mễ, ví có người, cả Việt lẫn Mỹ, không biết đó là một tiểu bang của nước Cờ Hoa, cứ tưởng nó ở bên nước Mexico! Có lần bà chị tôi ở Florida ra bưu điện gửi gói quà đến New Mexico cho tôi, cô nhân viên bưu điện này bảo chị tôi là cô tính cước phí theo giá ở ngoài nước Mỹ, out of the country! Người Mỹ mà cũng nhầm đấy chứ!

Nhìn trên bản đồ nước Mỹ thỉ tiểu bang New Mexico của tôi nắm ở tít dưới đáy của bản đồ, phía Tây Nam, trên đầu là Colorado, bên phải phía Đông là Texas, bên trái phía tây là Arizona. Nghe thì tưởng gần xứ Cali lắm " đi qua tiều bang Arizona là đến địa phận Cali ngay ấy mà!", nhưng sự thật thì từ Albuquequer đến "Thủ Đô Little Saigon" phải mất ít nhất 12 tiếng đồng hồ..

" Người di tản buồn" chúng ta đã đi định cư ở khắp mọi nơi trên quê hương thứ Hai này. Riêng tôi, vợ chồng con cái tôi dọn đến New Mexico khời đầu là thế này.

Đại gia đình chúng tôi, Cha Mẹ, anh chị em được anh chị Cả bảo lãnh về Miami, Florida năm 75. Lúc đó tôi đang có bầu và con trai tôi được sanh ra ở Miami. Đến cuối năm 1976, tôi có cô bạn chí thân, chí thiết là chị N. Hai đứa thân nhau suốt 7 năm Trung học Trưng Vương thêm 5 năm trường Dược. Chị và gia đình được bảo lãnh về New Mexico, sau khi đời sống tạm ổn định, chị đã quyết chi đi tìm con nhỏ M.A, là tôi đây, qua Hội Hồng Thập Tự Mỹ. Thế mà họ, qua những chi tiết chi N. cho, đã tìm được tôi cho chị ! Lần đầu tiên N. gọi điện thoại cho tôi, ngạc nhiên và cảm động biết chừng nào.

Thế rôi khi nói chuyện, biết ý tôi vẫn còn muốn giữ nghề " cứu đời, cứu người" bằng liều "tiên dược", chị rủ rê tôi " Ê mày, lên đây (New Mexico) xin vô học UNM (University of New Mexico) học lại Dược đi. Trường công nên học phí rẻ lắm so với các nơi khác, lại có tao bên cạnh nữa lo gì". Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của đó vc tôi phân vân nghĩ ngợi vô cùng.
(...)
Nhưng bạn N, mặc dù rất khó khăn, đã tìm được tôi, đã rủ rê tôi đi New Mexico học lại nghề cũ. Âu cũng là Định Mệnh đưa đầy xếp đặt cho đời tôi. Được ông chồng khuyến khích, chúng tôi dọn đến New Mexico cuối tháng 7. 1977, bắt đầu cuộc đời mới nơi đây.
Như đã hứa " có tao bên cạnh nữa nè" chị N. kiếm ngay được việc làm ở hãng điện cho chồng tôi vì lúc đó chị đang làm cho một văn phòng kiếm việc và giúp đỡ người tỵ nạn. Chị cũng kiếm cho chồng tôi một apartment gần trường đại học tôi theo học, tiền thuê vừa túi tiền lương công nhân hãng điện của chồng tôi.

Chồng tôi đi làm "ca 2" tức là từ chiều đến nửa đêm mới về. Mẹ con tôi ở nhà, buổi tối nghe tiếng gió và lá bay xào xạc.Trời vào thu, mùa thu đầu tiên ở New Mexico, sao mà buồn và nhớ nhà ở Miami vô cùng..

Thời gian này, công việc của chị N. là thường đi đón đồng bào tị nạn mới tới, vượt biên vào thời kỳ 77,78, được đinh cư ở Albuquerque. Thỉnh thoảng có gia đình nào đến phi trường vào buổi tối, khi không bận học thi, tôi theo chị N. đi đón đồng bào. Nhìn những gia đình mới tới, qua bao nhiêu đau khổ của cảnh vượt biên, mệt mỏi đến từ một trại Tạm Cư nào đó ở Phi, Mã lai, nét mặt bỡ ngỡ, rụt rè, chứa đầy vẻ lo âu, tôi thấy thương vô cùng, và nghĩ đến gia đình tôi đã may mắn có người thân yêu là anh chị Cả đón ngay khi mới đặt chân tới Mỹ và được trú ngụ ngay dưới mái nhà cùng anh chị.

Năm đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy tận mắt Mùa Đông với Tuyết rơi. Ngắm và chơi với tuyết thì thích thật,. nhưng khí hậu quá lạnh, nhất là đối với người xưa nay chỉ sống ở miền đất nóng, Sài Gòn và Miami, như chúng tôi. Tội nghiệp cháu bé con trai tôi. Mùa đông đó cháu bị đau nhiều lần. Một phần là do chúng tôi phải đem cháu bé ra ngoài trời lạnh hoài, cháu còn bé nên đi đâu cũng phải mang cháu theo. Hồi đó tôi lại chưa có xe riêng. Mỗi sáng khi chồng tôi chở tôi đến trường, cháu cũng phải đi cùng, chiều về lúc tôi tan học thì chồng tôi đi làm rồi, nên tôi đón cháu từ nhà giữa trẻ Day Care ra phải đi bằng xe bus. Mãi đến cuối năm 79, năm cuối cùng ở Dược, tôi mới mua xe riêng vì cần xe để đi thực tập.
Việc học đối với tôi thời ấy bận bịu vô cùng, vì khả năng Anh Ngữ còn kém cỏi. Học trò Mỹ học một giờ tôi phải dùng đến 2,3 giờ mới học bằng họ được! Học ngày, học đêm, học cà weekends, học cả mùa hè. Sau này cứ nghĩ đến học là tôi chán ngấy đến tận cổ!
Mùa Hè 1980, tôi xong được cái nợ đèn sách. Tốt nghiệp rồi, vốn không thích làm cho Tiệm Thuốc Tây như ở VN, tôi vào làm cho Hospital Pharmacy, ngành Dược Nhà Thương, từ đó cho đến nay luôn!/

Tạm dừng chép. Đầu tôi lại vớ vần "bỗng nhiên" đổi giọng phun ra cụm chữ nửa Tây, nửa ta : I dreamt I went to heaven, and that heaven didn't seem to be my home (Tôi mơ thấy tôi tới thiên đường hình như không phải là nhà tôi ) Và liền sau đó đọc câu thơ viết về thiên đường của Ông Lành : Miền Bắc Thiên Đường của các con tôi..

Sorry tôi và cũng sorry các bạn đang đọc tôi, Mr Seven - Thủ lĩnh chăn bò mắc bệnh thơ hành.
Nói ngay, câu thơ của Ông Lành Miền Bắc Thiên Đường Của Các con Tôi, là câu thơ tôi được đọc trên báo Nhân Dân, bài thơ có tên : Bài Ca Mùa Xuân 1961 của Tố Hữu. Năm 1961, tôi đã qua tuồi 18, tuổi một công dân, để rằng: tôi đã đủ tuổi đọc nghĩ và chịu trách nhiệm về nói nghĩ của mình.

Như vừa nói ở trên, tôi là người mắc bệnh thơ hành, vì đời tôi ngoài hai hạt cơ bản mà con người sinh ra ai cũng phải nuôi dưỡng và kiến tạo, đó là hạt Sinh Tồn và Sinh Lý, ngoài hai hạt này, phần tôi, thích tôi, chỉ dành cho việc/ sự văn thơ, từ việc/sự văn thơ nội suy các việc/ sự khác khi cần thiết. Ông Tố Hữu là Nhà thơ, đồng thời là một trong tốp hàng đầu những Nhà cai trị thời tôi, nên việc dẫn thơ ông đối chứng, dẫn chứng với tôi cũng chỉ là một thường tình Thơ Bạn Thơ.

Thơ và Đời Thơ Tố Hữu thế nào tôi nghĩ thời gian luôn công bằng với mọi phán xét.
Khúc Văn Phượt này tôi chỉ nói về câu thơ : Miền Bắc Thiên Đường của các con tôi. Đây là (theo tôi) câu thơ thành thật nhất Tố Hữu vẽ chân dung mình, minh bạch nhất về chân tướng mình.

Chân dung: Bài thơ Xuân 1961, viết khởi mở kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tại miền Bắc và khởi châm lửa chiến tranh tại miền Nam. Từ 1961 kéo dài suốt đến (tạm mốc) 1975, miền Bắc nhịn ăn, nhịn mặc, đói-khổ-sở-buồn-thương-bom-đan-chết-chóc..tất cả cho giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối..Trong bối cảnh non nước ly loạn ấy, Tố Hữu tô hồng ảo một thiên đường Miền Bắc, được thôi, xác tín cộng sàn mà, thơ mà, lý tưởng mà, Tố Hữu hát tụng  mà..Cảm ơn thơ Tố Hữu đã góp công cho sự nghiệp non sông thu về một mối!
Chân tướng: Đọc thêm lần nữa câu thơ Miền Bắc Thiên Đường Của Các Con Tôi, thấy hiện ra ngay chân tướng rất minh bạch của Tố Hữu. Ông ấy đang nói tới, nói riêng về cái Thiên Đường cùa các con ông ấy. Trong cái thiên đường ảo mà ông ấy tô hồng dành cho trí tưởng của mọi người (miền bắc), nhất là người trẻ tuổi, thì vẫn có một thiên đường thực của ông ấy, của các con ông ấy. Ông ấy chẳng đã nói trắng phớ ra rồi đó sao, rất thành thật, rất minh bạch. Chúng tôi, những người tuổi trẻ thời ấy, đơn thư viết bằng máu, từ nơi ảo nhận thiên đường, lao vào miền lửa đạn để bảo vệ, giữ gìn, kiến tạo một thiên đường "của các con" ông ấy và đến tận bây giờ, còn kéo dài, thiên đường của lũ ô trọc tham nhũng thái tử đảng, bàng thái tử đảng tộc phả có tên Tố Hữu.

Hết nghĩ. Thở sâu. Cố giấu nước mắt trước cái nhìn nghiêng lo lắng của Nick.
Hình như sắp tới downtown of Albuquerque..

MEXICO, XỨ TÂN MỄ CỦA TÔI.
( Phần tiếp theo)

Năm 1981, tôi có bầu, sanh cháu thứ hai năm 1981, cháu gái. Đây là lúc chúng tôi mua được căn nhà đầu tiên, đời sống của "người di tản buồn" bây giờ đã vui hơn, khá hơn.

Khí hậu New Mexico có đủ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa xuân ở đây đẹp do các loại hoa của xứ lạnh như Daffodils, Tulips, và thêm loài hoa mầu vàng giống như hoa mai của mình, người Việt bên Cali gọi là "mai rừng" bán vào dịp tết. Mùa xuân cũng còn có hoa Đào, hoa Lê trắng, nở cuối xuân, vào tháng tư.

Mùa hè thì nóng mà cái nóng khô. Gần như không có độ ẩm. Rất hiếm mưa. Cái nóng khô của miền sa mạc. Vậy mà mẹ tôi lại khen " Ở đây nóng mà không chảy mồ hôi như ở Miami!".
Mỗi khi có mưa chúng tôi vui lắm. Có lần đang nói chuyện điện thoại với một chị bạn, vô tình lại là chị bạn sống ở chỗ quá nhiều mưa: Seattle, tôi bảo chị " thôi, tao phải stop nói đây, vợ chồng tao phải đi ngắm mưa, vì trời đang mưa to!". Chắc chị bạn tưởng chúng tôi khùng!

(...)
Bây giờ nói chút ít về người Việt ở New Mexico.
Những năm gần đây, có nhiều gia đình người Việt có con, em đi theo ngành dược, nhưng vào năm 77, khi tôi đi học trường Dược UNM, ở Albuquerque, trong lớp không có người Việt nào. Lúc học xong, tôi vào làm việc cho nhà thương, thì cũng chỉ có một bà bác sĩ người Việt làm ở đấy. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, trong nhà thương chỗ tôi làm, có khá nhiều người Việt làm, đủ các ngành, Dược, Bác sĩ, Y tá, Phòng thử máu, vv..lứa tuổi trẻ từ 20-40. Ấy là nhờ sau này nhiều gia đình Việt được qua Mỹ bằng diện HO, hoặc Đoàn tụ gia đình đã tìm đến Tân Mễ sinh sống.
Sinh hoạt của người Việt xứ New Mexico phần nhiều tụ tập ở thành phố Albuquerque (đọc là An-bu-kớc-ki). Albuquerque là thành phố to nhất tiểu bang. Tỉnh Santa Fe là Capital nhưng nhỏ hơn, nơi có nhiều kiến trúc cổ từ ngày xa xưa.
Đại khái sinh hoạt của người mình ở Albuquerque cũng giống như ở những nơi mà con số người Việt ở mức trung bình, không quá ít, nhưng cũng không nhiều lắm. Số tiệm ăn (phở) đếm được trên đầu ngón tay. Chợ thì có hai chợ, 1 là của người Việt gốc Tàu, một là của người Lào làm chủ. Ho buôn đồ ăn và rau tươi từ Cali về, nên chúng tôi cũng vẫn có thể nấu đồ ăn Việt Nam thường xuyên. Tự nấu lấy, chứ không có "Cơm Chỉ" (Food To Go) như ở bên Cali.
Albuquerque không có nhà thờ dành riêng cho người Việt, nhưng có 1 nhà thờ Thiên Chúa Giáo mà rất đông người Việt đi lễ ở đó. Một nhà thờ Tin Lành cũng tương tự trường hợp như vậy.
Chùa Phật Giáo thì người Việt nam xây được hai chùa: Quang Minh và Vạn Hạnh. Phật tử Albuquerque góp công sức để tự xây chùa, được phần nào hay phần nấy, còn phần nào không tự làm được thì mới thuê thợ Mỹ làm, nên tốn phí không quá cao.
Những vị cao niên cũng lập hội Cao Niên, mấy người trẻ đến giúp chỉ dẫn những điều người gia cần biết, và chở giúp các vị đi "tham quan" những địa điểm, phong cảnh đặc biệt của tiều bang mà các Cụ chưa có cơ hội đi xem.
Dịp Tết Nguyên Đán thì năm nào cũng có Chợ Tết, bán đồ ăn và văn nghệ văn gừng sơ sơ, nghệ sĩ cây nhà lá vườn. Thường địa điểm tổ chức là ở nhà thờ và ở chùa. Những buổi văn nghệ do ca sĩ và kịch sĩ chuyên nghiệp từ nơi xa như California đến thì mỗi năm được 2,3 lần, họ đến trình diễn ở sân khấu của những sóng bạc mà chỉ có người Indian được phép mở. Gần như Tết năm nào họ cũng đến Albuquerque trình diễn, người Việt đi coi rất đông.
Trước khi thuộc về nước Mỹ, New Mexico thuộc về nước Mexico, tất nhiên lúc đó chưa có cái tên New Mexico, nhưng bị đô hộ bởi người Spain, Tây ban Nha. New Mexico trở thành một tiểu bang của Mỹ năm 1912, nên rất nhiều người dân ở đây đã có đâu từ đời tổ tiên cua họ là người Mễ. Đến đời con, đời cháu như hiện nay, thì họ mớ nói rành cả hai thứ tiếng: Tiếng Anh và tiếng Mễ. Người Việt mình mai kia cũng thế thôi.
Đối với tôi, tiếng Anh của dân Tân Mễ chính cống nghe "véo von" như người Hà Nội hiện nay nói tiếng Bắc vậy. Đó là cách tôi phân biệt được họ là người New Mexico khi nghe qua điện thoại. Còn nhìn về hình dạng thì phần nhiều da họ ngăm ngăm nâu, có cả nét Á đông lẫn Tây phương, có người trông lại còn rất Á đông đến nỗi có một vài ông người Tân Mễ hồi đi qua chiến tranh VN, họ kể là khi mặc quần áo lính vào, dân Việt tưởng nhầm là lính Việt chứ đâu có ngờ đấy là ông Mỹ chính cống.
Những người dân "cựu Mễ" nói chung cũng hiền lành, không có tính "tự cao tự đại dân tộc" và kỳ thị với dân Á Đông như một số dân da trắng loại "red neck" ở những miền nước Mỹ khác. Phần lớn dân chính gốc ở đây theo Đại Thiên Chúa Catholic. Có nhiều nhà thơ Catholic cổ nổi tiếng và xây cất theo kiều Adobe.
Kiều Adobe là 1 kiều xây nhà rất đặc biệt của xứ này. Trông vuông vắn hơi giống cái hộp, cì mái phẳng, luôn luôn mầu nâu nhạt. Vật liệu xây cất làm bằng cách trộn cát, với loại đất mà mình dùng làm đồ gốm, với rơm và nước mà thành.
Đến xứ này, bạn sẽ thấy nah2 xây kiều Adobe rất phổ thông. Nhà Adobe nghèo, nhỏ, cũ kỹ cũng có, mà nhà Adobe giầu, xây rộng lớn nguy nga cũng có. Du khách ở miền khác đến rất thích chụp hình những nhà kiều này.
New Mexico nổi riếng về trồng ớt, loại ớt dài và to, nên đó cũng là 1 thứ tượng trưng ban hay thấy ở xứ này qua hình ảnh những chùm ớt đỏ và thật to treo ở trước cửa, để trang trí những căn nhà, nhất là những nhà kiều Adobe.
Món ăn đặc sản của tiều bang này lá các món có Ớt, goi là chile, green hay red chile, ớt xanh hay đò tùy ý bạn chọn. Tôi thích ớt xanh hơn, Green Chile vì nó thơm hơn.
Mải nói về nhà Adobe, rồi lại nhảy sang chuyện ớt, tôi quên không nói đến nhà thờ nổi tiếng ơ tỉnh Santa Fe, cách Anbuquerque khoảng 1 giờ xe chạy, Chapel Of Loretto, có cái cầu thang xoắn ốc rất nổi tiếng vì nó được xây hình xoắn ốc rất nhiều bậc thang mà lại..không cần cái cột nào để đỡ cả! Theo lời truyền tụng thì cầu thang này được xây bởi người Thợ Mộc lạ mặt từ phương xa nào đến tình nguyện làm cho, thể theo lời nguyện ước của các Sơ ở Nhà Thờ ngày ấy. Làm xong cái cầu thang đẹp này kỳ diệu này thì cũng không ai nhìn thấy người thợ mộc đó nữa.  Ông ta đi đâu, không ai được biết. Ai cũng tin đó là một vị thánh đã đền giúp nhà thờ này. Ngoài nhà thờ này, còn rất nhiều nhà Thờ đẹp mà du khách đến New Mexico rất thích vào thăm viếng, như Cathedral of St. Francis of Assisi ở Santa Fe. Santa Fe có rất nhiều kiến trúc cổ và đẹp của nền văn hóa Spanish, lại với Indian xưa..
Albuquerque có Old Town, tương tự Santa Fe, du khách thích đến đây để mua đồ kỷ niệm của tiều bang Southwest này.
Albuquerque còn được nhiều người biết đến qua ngày Hội Khinh Khí Cầu (Hot Air Balloons Festival) hàng năm được tổ chức vào tuần lễ đầu của tháng Mười. Rất nhiều nhà ballloonists trên thế giới  và trên khắp nơi nước Mỹ, và các nhiếp ảnh gia đến tham dự tuần lễ này. Trong suốt tuần lễ, ngày nào bầu trời Albuquerque cũng đầy những chiếc balloons đủ mầu sắc bay lơ lửng trên nền trời xanh ngắt. Nhiều người khen là trời Albuquerque đặc biệt rất ít mây. Những balloons nổi bật trên bầu trời. Thật là đẹp. Mời bạn đến xem và nhớ mang theo máy hình. Đầu tháng Mười.
Mỗi năm vào Đêm Giáng Sinh, chỉ vào buổi tối 24 tháng 12 thôi, thành phố có tục lệ thắp thật nhiều nến, rất nhiều, bầy trước cửa nhà, trên sân cỏ, và có khi cả trên mái nhà. Gọi là Luminarias. Đây là một tục lệ của Spanish. Mỗi ngọn nến được để trong một túi giấy mầu nâu, trong túi có đổ cát đễ giữ cho túi nặng khỏi đổ. Công việc này từ đầu cho đến lúc bầy xong thật công phu, cần nhiều thì giờ lắm, nên nhiều nhà thuê người khác làm, những đứa trẻ hoặc ngay cả người lớn cần kiếm thêm chút tiền tiêu vào dịp Noel.
(...)
Tôi không quên kể đến những người Indian, thổ dân da đỏ, sống ở đây. Tổ tiên người Indian là những người đầu tiên sống trên đất Mỹ. Bây giờ họ vẫn sống riêng trong những vùng đất do họ làm chủ, gọi là Reservations của mỗi bộ lạc. Có vài chỗ cho du khách đến coi, những thành quách, chỗ ở của tổ tiên họ từ mấy trăm năm nay. Những di tích này đã bị đổ nát và thời tiết xói mòn, nhưng vẫn còn đủ để thấy ngày xa xưa, tổ tiên họ đã sống ra sao, chỗ trú ngụ của họ thế nào. Gần ngay Albuquerque có di tích Acoma, Sky City. Xa hơn chút thì có Bandelier National Monument. Những di tích nên coi của các bộ lạc thổ dân New Mexico Indians.
Ngay tại thành phố Albuquerque có đường dây Tramway đưa chúng tôi lên tận đỉnh núi Sandia. Chữ sandia theo thổ dân có nghĩa là Dưa Hấu, vì lúc hoàng hôn nắng chiếu vào núi thế nào mà mầu nó đỏ như mầu của dưa hấu. Ngọn núi khi đó trông như nửa quả dưa hấu bổ ra. Từ trên nhìn xuống thật hùng vĩ bao la, thấy tất cả thành phồ bên dười. Thỉnh thoảng có ngày núi mờ sương, đứng trên núi đẹp như đứng trên mây, ở những bức tranh thủy mặc của Tàu. Mùa hè vào lúc hoàng hôn, hay mùa Thu nhìn xuống rừng cây lá vàng. Lái xe vòng vèo cũng lên đến được đỉnh núi, đi bằng đường dây Tramway (cáp treo) thì nhanh hơn, cách nào cũng có cái thú riêng của nó.
Về phía Bắc New Mexico có mấy nơi trượt tuyết khá nổi tiếng như Taos, Angel Fire, mùa Đông tuyết trắng xóa. Cảnh mùa Thu ở đấy cũng rất đẹp với rừng Lá Vàng của những cây Aspen mọc trên núi.
Một kỳ quan nổi tiếng mà tôi đã được nghe nói từ khi học trong sách Anh văn của Hội Việt Mỹ là Carlsbad Cavern, ở về phía Đông Nam của tiều bang, cách Abuquerque khoảng 4 giờ lái xe. Đó là những hang động thạch nhũ nổi tiếng là rộng và đẹp. Đi dần dần xuống sâu sẽ thấy những thạch nhũ mà tạo hóa xây cất thành những cảnh đẹp huyền diệu. Loài người có công khám phá ra kỳ quan này và cũng có tài đặt những ngọn đèn nhỏ chiếu vừa đủ cho người coi nhận thấy được những hình thù đặc biệt của những thạch nhũ này. Và công trình xây những đoạn đường đặt những bậc thang thế nào cho du khách đi coi được đủ mọi chỗ. Ở đây, tôi không những ngưỡng mộ Tạo Hóa mà còn ngưỡng mộ cả loài người nữa. Cha tôi vào coi Hang Động này (hồi còn sống) cứ tấm tắc khen là đẹp hơn cả Động Hương Tích mà cha đã đi coi ngày xa xưa..
White Sand ở phía Nam tiều bang cũng là chỗ chúng tôi thường dẫn các con đến chơi ngày chúng còn bé. Cả một miền đầy cát, cồn cát cao, rộng bao la và trắng toát, thật mát mắt và trẻ con, người lớn chơi cát thỏa thích.
Đó là sơ lược về xứ Tân Mễ, nơi chính thức là quê hương thứ hai của vợ chồng tôi, sau quê hương thứ nhất Việt nam. Thời gian ở Miami Florida, tuy được sống trong vòng tay thân yêu của đại gia đình, cha mẹ, anh chị em và các cháu, nhưng đó mới chỉ là buổi ban đầu, chân ướt châu ráo đến đất Mỹ, còn bao nhiêu bỡ ngỡ, xa lạ với cuộc sống Mỹ, chưa biết Tương lai sẽ đi về đâu!
Trên bảng License Plate của xe hơi xứ New Mexico, thường có hàng chữ " Land Of Enchantment". Đúng vậy. Nơi đây với chúng tôi chính là vùng đất hứa. Tại Albuquerque, New Mexico, chúng tôi đã thực sự lập lại cuộc đời mới. Nơi đây, tôi đã đi học lại, lấy lại được mảnh bằng làm căn bản cho nghề nghiệp của tôi. Chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã xây dựng được cho các con chúng tôi một cuộc sống tươi đẹp nơi xứ sở tự do, cho chúng tôi một tương lai đầy hứa hẹn.
Sau nhiều lần đi du lịch rất nhiều nơi trên đất Mỹ, mỗi khi trở về nhà mình ở Allbuquerque, tôi vẫn thấy lòng mình ấm áp. Thành phố của chúng tôi vửa phải, không nhỏ quá mà cũng không to lớn đông đúc qua. Mọi thứ gía cả tương đối không quá đắt đỏ. Khí hậu tuy hơi khô khan, nhưng có đủ bốn mùa thay đổi, được ngắm đủ cảnh Xuân, Hạ, Thu Đông. Cuối tuần muốn thư giãn thì lái xe lên núi, mùa Hè để picnic, mùa Đông để ngắm tuyết, và ngồi lặng lẽ nhìn những ngọn thông xanh cao vút mà ước " Kiếp sau xin chớ làm Người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo".
Allbuquerque. N. M.

Cảm ơn N.M ở Allbuquerque. Lướt phượt, tôi không thể viết được bài văn chân thật, bình dân, không tàng ẩn một riêng tư nào dưới dạng quảng cáo hay chính em, chinh trị như bài viết này. Thưa bạn N.M. bài viết thật hay, tôi chỉ lược đôi dòng vì dài, ý tứ, chấm phẩy trung thành 100% văn bản.

/ Mời đọc tiếp 10/
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
MIỀN ĐÁT NGỌT Ở TEXAS ( SUGAR LAND IN TEXAS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét