Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

108 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA /61-70/


108 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA /61-70/

61.Mỗi khi nghĩ đến nguyên lý tương liên và hiểu được đấy là gì, thì điều này cũng có nghĩa là nhận thấy được bản chất đích thật của mọi sự vật và trông thấy được sự vận hành của hiện thực. Điều ấy sẽ biến cải sự cảm nhận của mình về thế giới này và làm thay đổi các thói quen cũng như cung cách hành xử của mình. Vì thế mỗi khi phải chịu đựng một cảnh huống đau buồn thì cũng không nên để mình rơi vào cảnh tuyệt vọng và cho rằng đấy là một sự bất công! Tốt hơn là nên nghĩ đến tất cả những người khác cũng đang phải trải qua những khó khăn như mình, và đồng thời phát huy một tầm nhìn về tất cả mọi sự việc một cách bao quát hơn.

Thay vì chỉ biết nghĩ đến những sự đớn đau đang hành hạ mình thì chúng ta nên cố gắng hy sinh tất cả để giúp đỡ những kẻ đang phải gánh chịu những sự đớn đau tương tự như mình, và đấy cũng là cách giúp tâm trí mình được thanh thản hơn. Dù rằng trong những bước đầu điều đó có vẻ khó thực hiện, bởi vì nó đòi hỏi mình phải bớt ích kỷ, thế nhưng dần dần thì chúng ta sẽ cảm nhận được một sự an bình đích thật hiện ra trong tâm thức mình.

Phép luyện tập trên đây cũng có thể mang ra áp dụng trong các trường hợp cảm nhận được một niềm hạnh phúc lớn lao, và chúng ta sẽ mang niềm hạnh phúc ấy để hiến dâng cho tất cả chúng sinh.

62. Trí tuệ giúp hình dung ra được sự vận hành của quy luật tương liên, trong khi đó thì sự hiểu biết sẽ giúp nắm bắt được bản chất đích thật của mọi sự vật là gì. Luôn ghi nhớ những điều ấy trong tâm nhằm giúp mình phát huy lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác. Thật hết sức rõ ràng là việc phát lộ tình thương và lòng từ bi đối với kẻ khác không những sẽ mang lại sự tốt lành cho họ mà còn cho cả chính mình. Trái lại nếu gây ra tai hại cho kẻ khác thì đó cũng là cách tự gây ra tai hại cho mình. Trong trường hợp thứ nhất cả hai đều được lợi, và trong trường hợp thứ hai cả hai đều thua thiệt.

63. Sự hiểu biết về quy luật tương liên thật hết sức cần thiết nhằm giúp hiểu được thế nào là khủng bố và cuồng tín. Người ta cứ nghĩ rằng loại bỏ được những thứ ấy là có thể giải quyết được các khó khăn. Dĩ nhiên là chúng ta không thể làm ngơ trước tính cách nghiêm trọng trước các hành động gây ra bởi những kẻ cực đoan, vì thái độ ấy là cả một sự sai lầm. Thế nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng các hành vi ấy phát sinh từ rất nhiều nguyên nhân và điều kiện. Có vô số lý do đã góp phần đưa đến thái độ ấy. Một số người vì quá lệ thuộc vào các truyền thống tôn giáo của mình nên thường có những quan điểm hạn hẹp, tự tách rời mình ra khỏi hiện thực, và đã tự tạo ra cho mình cung cách hành xử đó. Một quan điểm mở rộng và sáng suốt hơn về mọi sự vật trong cả hai lãnh vực ngắn hạn và lâu dài sẽ giúp cho họ vững tâm và có nhiều nghị lực hơn, và điều ấy cũng sẽ giúp họ biết chọn cho mình một cách hành xử khác hơn.

64. Thật hết sức quan trọng là phải tự tạo ra cho mình một số kỷ cương mang tính cách cá nhân nhằm giúp mình biến cải nội tâm mình. Các kỷ cương ấy không phản ảnh một sự áp đặt nào từ bên ngoài dù với bất cứ lý do gì, mà nhất thiết phải phát sinh từ sự hiểu biết về mọi sự vật và từ sự ý thức về những điều lợi ích mang lại từ việc giữ gìn các kỷ cương ấy.

65. Nếu chúng ta muốn trau dồi thêm về nghề nghiệp của mình hoặc muốn mang lại thêm cho mình nhiều hiểu biết hơn về một chủ đề nào đó, thì tất nhiên chúng ta phải sẵn sàng dành thì giờ để nghiên cứu và thực hành. Chúng ta phải biết cân nhắc xem đâu là những gì ưu tiên và thiết thực nhất đối với mình, và từ đó hãy ra sức thực hiện mục đích hay các ước vọng mà mình đã chọn. Trong đời sống tâm linh cũng thế, hãy chọn cho mình các kỷ cương phù hợp nhất.

66. Tất cả chúng ta đều là con người như nhau và đều có những khát vọng như nhau. Tôi cũng chẳng khác gì với quý vị. Mỗi khi gặp phải khó khăn thì tôi cũng phải nhìn vào bên trong tâm thức mình, phân tích những gì đang xảy ra nhằm mang lại một chút sáng suốt nào đó. Đấy là một cách phản ứng rất tích cực mà mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được. Chúng ta sống trong những xứ sở mà các điều kiện vật chất, kỹ thuật cũng như các tiện nghi thật dồi dào, thế nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta đặt hết niềm tin là sẽ tìm được hạnh phúc bằng cách duy nhất chỉ nhờ vào các bối cảnh thuộc bên ngoài nội tâm mình.
Sự an vui, thanh thản và an bình chỉ có thể phát huy bên trong tâm thức mình. Vì thế việc tạo ra các điều kiện cần thiết giúp cho sự phát huy ấy cũng phải được thực hiện từ bên trong tâm thức mình.

67. Chúng ta phải cố gắng tạo ra một sự an vui lâu dài cho mình. Tạm thời che dấu những sự lo âu trong chốc lát cũng không phải là chuyện quá khó. Chẳng hạn như uống một cốc rượu bia thật mát, men rượu sẽ khiến mình cảm thấy vui vẻ. Thế nhưng sự vui vẻ ấy rất hời hợt và phù du vì nỗi lo buồn rồi sẽ trở lại. Nếu muốn kiến tạo một sự an vui lâu bền thì phải cải thiện phương cách vận hành của tâm thức mình. Đấy là lời khuyên mà tôi hằng nhắn nhủ với tất cả bạn bè của tôi.

68. Không nhất thiết phải theo một tôn giáo nào thì mới có thể biến cải được tâm thức mình. Dù tin hay không tin vào tôn giáo thì bất cứ một con người nào cũng đều có thể biến cải tâm thức mình. Dù rằng các truyền thống tâm linh có đưa ra các phương tiện giúp đạt được mục đích ấy, thì đấy cũng không phải là con đường duy nhất buộc mình phải theo. Chính vì lý do thật dứt khoát ấy nên tôi vẫn thường quảng bá về một “nền tảng đạo đức nghìn năm” có thể áp dụng cho tất cả mọi con người, dù có đức tin hay không.

69. Tất cả mọi chủ trương đặc thù về tôn giáo hay văn hoá đều đi đến chỗ lỗi thời, chính nhờ thế nên tất cả mọi con người mới có thể đến gần với nhau trên một nền tảng đạo đức phi tôn giáo, được thiết lập dựa vào các nguyên tắc nhân bản mang tính cách toàn cầu hơn. Đấy mới đúng là một cuộc cách mạng đích thật dựa trên những phẩm tính của con người như lòng từ bi, tình thương yêu, lòng khoan dung, sự kính trọng và biết ý thức trách nhiệm của mình.

70. Phải biết tôn trọng sự an vui của tất cả chúng sinh, vì thế không được làm điều gì sai trái hay gây tổn thương cho một chúng sinh nào, đấy là điều căn bản nhất trong nền tảng đạo đức Phật Giáo. Đó cũng là nền móng của thái độ phi-bạo-lực, của lòng từ bi và tình thương yêu kẻ khác. Nếu mục đích tối hậu là tạo ra sự an vui cho kẻ khác càng nhiều càng tốt và mang lại những sự lợi ích lớn lao cho họ, thì thật hết sức quan trọng là phải cố gắng với tất cả sức lực của mình, trong từng giây phút một hầu có thể đạt được mục đích đó./ Còn tiếp/

/Còn tiếp)
Tu thân mỗi ngày/ 108 lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma/ 611-70/
VANDANBNN st/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét