Cổ nhân trọng nghĩa khinh lợi, nhân ái đãi người, giữ luân thường đạo lý. Tuy nhiên trong Dịch lại viết: Lợi, là sự hòa hợp của nghĩa vậy. Ấy là có ý gì? Trong Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang có ghi chép hai câu chuyện về Mạnh Tử như thế này.
Mạnh Tử đến cầu kiến Ngụy Huệ Vương. Vương hỏi: “Ông lão, chẳng
ngại xa nghìn dặm mà đến, có thuật làm lợi cho nước ta chăng?”
Mạnh Tử nói: “Nhà vua hà tất phải nói đến lợi, chỉ nên nói đến
nhân nghĩ mà thôi! Nhà vua nói lấy gì làm lợi cho nước ta, Đại phu nói lấy gì
làm lợi cho nhà ta, sĩ thứ dân nói lấy gì làm lợi cho thân ta, trên dưới tranh
nhau đuổi theo lợi thì nước nguy mất. Chưa có người nhân nào bỏ quên người thân
của mình, chưa có người nghĩa nào đặt vua của mình ra sau vậy.”
Huệ Vương nói: “Hay!”
Khi trước, Mạnh Tử thờ Tử Tư, cháu nội Khổng Tử, làm thầy, từng
hỏi đạo lý đầu tiên của việc chăn dân là thế nào. Tử Tư nói: “Lợi là thứ đầu
tiên.”
Mạnh Tử hỏi lại: “Điều mà người quân tử dạy dân, chỉ có nhân
nghĩa mà thôi, hà tất phải nói lợi?”
Tử Tư nói: “Nhân nghĩa cố nhiên là vì lợi ích vậy. Người trên
bất nhân thì kẻ dưới chẳng có chỗ yên thân; người trên bất nghĩa thì kẻ dưới
vui thích với sự gian dối, đấy là điều bất lợi rất lớn rồi. Cho nên Dịch nói:
Lợi, là sự hòa hợp của nghĩa vậy. Lại viết: Dùng lợi yên thân mình, để nêu cao
đạo đức. Đấy đều là những điều cốt lõi của cái lợi vậy.”
Tư Mã Quang bàn rằng: “Người nhân nghĩa mới biết nhân nghĩa là
cái lợi lớn nhất, người bất nhân không biết điều này.”
Đối với người chưa muốn thực hiện việc nhân nghĩa mà chỉ biết
đến lợi như Ngụy Huệ Vương, thì Mạnh Tử ắt phải đề cao nhân nghĩa. Đối với
người đã hiểu nhân nghĩa rồi thì Tử Tư lại cần tiến thêm một bước nữa, nói đến
lợi ích chân chính vậy.
Chữ nghĩa (義) dạng phồn thể bao gồm chữ ngã (我) và chữ dương (羊). Thời xưa, dê là con
vật dùng để tế sống, đem ra tế lễ Thần linh, Trời đất, thể hiện tinh thần hiến
dâng. Còn chữ Ngã (我) là ta, đặt ở dưới chữ dương (羊) mang ý là sự hiến
dâng, tức là tinh thần phụng sự.
Ngoài ra, chữ dương (羊) còn mang một ý khác là sự lương thiện, tốt
lành, cát tường. Nhìn vào tổng thể chữ (義) chúng ta hiểu, “nghĩa” là phụng sự, dâng
hiến, vì người khác, ngoài ra vì công bằng (tín ngưỡng) mà chinh chiến cũng
được xem là có nghĩa.
Khi “nghĩa” phù hợp với tự nhiên, Thiên lý thì nó là chính
nghĩa; điều trái với tự nhiên, Thiên lý thì nó là phi nghĩa. Lúc điều phi nghĩa
đem lại sự nguy hại to lớn đối với nhân loại thì thảo phạt, chinh chiến, dẹp bỏ
điều ấy sẽ là một loại việc làm chính nghĩa. Thời cổ đại, các cuộc chinh chiến,
thảo phạt dùng “thiện” làm mục đích thì mới được xưng là “nghĩa”. Do vậy có thể
thấy, “thiện” chính là điều kiện tiên quyết của “nghĩa”.
Tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng, mà việc giảng giải về “nghĩa” là
khác nhau. Tựu trung lại, có thể nói, phạm trù “nghĩa” bao gồm những cái cao
thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với nhân và lễ. Làm điều “nghĩa” là để
thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, “nghĩa” được coi là cái gốc của
mọi sự việc, còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy đó làm cái cốt yếu, cơ
sở cho mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Tham khảo Tư Trị Thông Giám, NXB Văn học
Minh Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét