Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa 15. NGUYỄN THẾ KIÊN ĐỌC THƠ KIÊN LỤC BÁT


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa


15. NGUYỄN THẾ KIÊN
ĐỌC THƠ KIÊN LỤC BÁT

Nguyễn Thế Kiên đến với thơ một cách tự nhiên, tự thân. Có lẽ thơ là duyên nợ của cuộc đời anh. Và cuộc đời anh là máu thịt của thơ ca. Anh đem chính cuộc đời mình để đảm bảo cho những câu thơ, sẵn sàng trả giá, đánh đổi cuộc đời mình với nó.
Đam mê, thì cũng trót rồi/ Thơ mềm mỏng dắt đi thời trẻ trai
Trước sự tuôn chảy vĩnh hằng của tạo hóa, nhà thơ luôn sống trong cảm giác nuối tiếc và không sao tránh khỏi nao lòng. Trái tim đa cảm của anh cứ muốn hiến dâng mà đời người lại hữu hạn, ngắn ngủi trước dòng chảy của cuộc đời.
Bây giờ mấy chục lai rai/ Bước nhanh sợ chạm một hai tuổi chiều.
Chính anh đã giãi bày rằng: “Tôi làm thơ giống như mẹ tôi tất tả sắp mâm cơm chiều. Bên bát canh ngọt lịm với mấy quả cà đồng nội là chén rượu thuốc của cha tôi, cạnh đó vài cọng rau húng hớn hở mà thơm, cùng đĩa ớt bé nhỏ mà cứ đỏ gay đỏ gắt…
Quan niệm về thơ của Nguyễn Thế Kiên, bất chợt làm tôi nhớ đến một định nghĩa về thơ của nhà thơ Pháp A.Viny: “Thơ là nhiệt tình kết lại, thơ là người thư ký trung thành của trái tim”.
Anh tự nghiệm ra rằng:
Chả ra dại, chả ra khôn
Nửa câu thơ đủ gần hơn kiếp này
Thơ từ vạn nẻo đắng cay
Ủ thơm lên những tháng ngày tha hương
(Giá trị)
Và cũng có lúc Nguyễn Thế Kiên lại tự trào:
Cha dan díu với trang thơ
Nửa viên kẹo gửi nắng mưa quê nhà
Nào con nhè nhẹ mở ra
Tết từ tay mẹ tròn qua nụ cười
(Gửi con gái)
Thơ lục bát là sở trường của Nguyễn Thế Kiên, mọi sự tinh tế, sáng tạo của anh đều thể hiện đầy đủ trong đó. Lục bát Nguyễn Thế Kiên có cái gì đó vừa mới vừa lạ. Ai cũng biết  rằng thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc, làm  thơ lục bát là không khó nhưng để có bài thơ lục bát hay thì điều đó không đơn giản chút nào. Nguyễn Thế Kiên đã làm thơ lục bát và đã có nhiều bài thơ hay, có nhiều sáng tạo trong việc tạo dựng ra hình ảnh, tứ thơ lạ. Thơ anh là sự kết hợp khéo léo những tinh hoa của thơ dân tộc với những sáng tạo mới, cái truyền thống và hiện đại hòa quyện vào nhau tạo nên một phong cách riêng: phong cách Nguyễn Thế Kiên.
Đôi lúc đọc thơ anh tưởng đó là những lời bông đùa, mua vui, lắm lúc thấy nó “tưng tửng” nhưng đọc kỹ và ngẫm lại thì thấy nó giá trị bởi đã nói lên được nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại hôm nay.
Khổ lắm, người vẫn ở trần
Chỉ phù phiếm mới mặc quần cho thơ
(Đạo đức thơ)
Vốn là một người yêu thơ, thành tâm với thơ, trân trọng và tôn thờ thơ nên Nguyễn Thế Kiên đôi lúc cảm thấy buồn cho loại thơ nửa hư nửa thực, sáo rỗng, giáo điều, lắm lúc gây những phiền toái và hệ lụy cho văn nghệ sĩ. Càng bi hài hơn nhiều lúc cái dở, cái xấu lại đăng quang. Mọi giá trị thang bậc bị đảo lộn. Lắm lúc người đọc nếu không bình tâm suy xét thì cũng không biết đâu là thơ đâu là giả thơ… Trong bài thơ Lục bát thời tôi sống, Nguyễn Thế Kiên nói bằng những lời nghẹn ngào đau xót:
Thời tôi cả nước làm thơ
Nên câu chữ thiếu đến giờ đi vay
Thời tôi điên để giả say
Câu thơ nhuốm đỏ cối chày thời tôi.

Thời tôi lục bát chết rồi
Lao xao sáu tám gọi mời hồn oan
Thời tôi thừa cái khôn ngoan
Con dao, cái thớt cũng nên mặt người
Những vần thơ ai oán gợi nên bao nghĩ suy đối với những người thực sự tâm huyết với văn chương, quan tâm đến sự phát triển, tiến bộ của văn chương. Và cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với những nhà quản lý, cầm chịch, gác cổng văn nghệ nước nhà.
Nguyễn Thế Kiên đã tự “sám hối”:
Hơn mười năm rồi đấy
Gió rần rật cháy hai miền bão
Những sướng-khổ-vui-buồn lảo đảo
Ngã đè lên tuổi thơ con…      

Con lớn dần giữa ngược xuôi
Đôi lúc trong mơ cha bắt gặp nụ cười
Câu chữ  lên ngôi thơ
Cha thành người thua cuộc!
(Sám hối)
Hay: Một thời giờ hóa khói sương/ Văn chương từ mặt đau thương kiếp người/ Bình minh mắc ngược chân trời/ Con chim khiếu hót những lời vu vơ.
Những câu thơ nhẹ nhàng nhưng nó như những vết dao cắt cứa tâm hồn, là tiếng thở dài của người thi sĩ khi thấm thía những nỗi buồn nhân thế. Chúng ta dễ dàng bắt gặp trong thơ anh nhiều bài thơ, câu thơ nói về nỗi buồn. Nó như là một ám ảnh của đời anh.
Trốn tìm suốt một đời ta/ Nỗi buồn đổ bóng gần xa kiếp người/ Trong ta còn một nụ cười/ Đêm nay thả xuống đầy vơi nẻo chờ
……………………………
Quay đầu khóc với mênh mông/ Trăng quê mảnh ấy rưng rưng khuyết rồi/ Nỗi buồn này, nỗi buồn ơi/ Đêm nay ta với người chơi trốn tìm (Tìm phía nỗi buồn).
Vuông tròn chưa kịp biết say/ Nỗi buồn đã tím lưng ngày ở không (Với phía ngang tàng).
Trải qua những va vấp của cuộc sống Nguyễn Thế Kiên đã tự ý thức rằng: Dặn mình, cầm chặt cơn mê/ Nửa đời phơi nắng, bộn bề bão giông/ Lung tung hở bốn vách lòng/ Cột kèo tưng hửng, buồn không hiên nhà… (Nghe chiều nói với nhà ta).
Nhà thơ không dừng lại với những cảm xúc bề ngoài mà luôn đi sâu vào bên trong các đối tượng để khám phá, phát hiện ra bản chất của vấn đề, biểu lộ cảm xúc của một hồn thơ nhạy cảm. Từ “con dấu” - một vật vô tri, vô giác nhưng dưới cái nhìn, sự khám phá, liên tưởng của Nguyễn Thế Kiên nó cũng trở nên có hồn. Vì sự hiện hữu và tồn tại của “con dấu” nên nó cũng là nguyên nhân gây nên những trận bão giông, sóng gió, bao sự giành giật đảo điên trên cuộc đời này.
Cả ngày trong bóng đêm/ Hở ra là dằn mặt/ Số mày đỏ như son/ Để tay đời giành giật
Mày chả bao giờ bận/ Ngáp vặt thế mà xong/ Suốt đời trong im lặng/ Mà đất trời bão giông
Xưa thì đá thì đồng/ Giờ bằng nhựa cũng xong/ Ấn đầu mày một phát/ Quyết tròn vuông mấy vòng…
Phạm Lam đã rất có lý khi nhận định về thơ của Nguyễn Thế Kiên: “Những câu thơ thế sự của Nguyễn Thế Kiên viết bằng sự trải nghiệm, đúc kết. Anh viết trực diện từ cách nghĩ của nhân dân, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nhiều câu thơ như một tuyên ngôn. Thơ thế sự nhưng mang giàu yếu tố nghệ thuật. Anh đã đưa được hình ảnh, đặc biệt là tâm trạng, sự trăn trở vào trong thơ. Chính vì thế câu thơ anh không bị trượt đi trong trí nhớ người đọc. Hình ảnh câu thơ cứ ám ảnh và buộc người đọc phải suy ngẫm”.
Tôi rất ấn tượng và thích bài Cỏ cây vĩ đại của anh. Bài thơ chính là tiếng lòng, sự nghiền ngẫm, trăn trở, chiêm nghiệm về cuộc đời, thời cuộc, về nhân tình thế thái… Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của chính anh mà nó là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với biết bao người và qua bao thế hệ. Đây không phải là tâm sự riêng mà đó là những lời tâm sự chung với mọi người, với cuộc đời. Bởi cuộc sống là dòng xoáy khôn lường và lòng người cũng lắm quanh co, phức tạp…
Sáu mươi năm, một trăm năm, hai trăm năm
Không phải là mãi mãi
Chỉ có cỏ cây là muôn năm ở với đất lành
Những triều đại viết ước mơ của mình
Lên khẩu hiệu
Thời gian cười nhạt nhìn xác chữ rơi!
Từ thói quen đánh bóng mình
Những câu chữ nhạt phèo, cách xa sự thật
Vẫn cứ được treo lên
Nhìn lốt cũ qua trăm lần lột xác
Cỏ cây cứ vĩ đại tần tảo với đất lành!
Những cái miệng gắn xi sự thật
Chuyển tải ra đời những ngôn ngữ đóng hộp
Rồi lời nói từ sau cái chết
Dẫn đường cho kẻ quật mộ thuê…
Dù đã khẳng định được chỗ đứng, tên tuổi Nguyễn Thế Kiên được công chúng biết đến với tư cách là một nhà thơ và đặc biệt thành công ở thể lục bát - kienlucbat trở thành “thương hiệu” của riêng anh. Nhưng anh vẫn khiêm tốn và tự bạch rằng:
Tài thì mỏng đức thì vơi
Mang câu lục bát nói lời thường dân
Ngược xuôi đi giữa tảo tần
Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành!
(Tự bạch)
Sắc sảo và nhạy bén trong cách nhìn nhận về nhân tình thế thái, nhà thơ càng xót xa cay đắng khi:
Trăm tu vừa được làm người
Đã toan tính dạy xa rời nhân dân.
Câu thơ là lời nhắc nhớ những vị quan phải biết mình là ai, mình từ đâu mà ra, đừng vì có chức có quyền mà hách dịch, mách qué, coi khinh, lên mặt, xa rời nhân dân. Bởi vì các ông quan cũng từ nhân dân mà ra. Hơn ai hết, các vị quan phải biết, phải thấu hiểu nỗi khổ, nỗi đau, sự hy sinh, mất mát… của nhân dân.
Chỗ hớn hở, chỗ chau mày
Nhân dân im lặng cầm tay chính mình

Nhân dân vĩ đại muôn đời
Ngược xuôi thay đổi mượn lời nhân dân
Bao nhiêu tiêu chuẩn dưới trần
Nhân dân còn lại mấy phần hôm nay?
Các vị quyền cao chức trọng nên biết rằng nhân dân là tất cả. Mọi sự nghiệp đều xây dựng trên cái nên móng là nhân dân. Bác Hồ đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các vị đang làm quan, chuẩn bị được làm quan cũng nên nhớ lời dạy của cổ nhân: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Phải nhớ lấy!!!.
                                                                     
Bộ mặt làng quê khởi sắc là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó còn có những mặt trái của nó. Biết rằng sự vận động của quy luật, của xã hội là điều tất yếu; biết rằng đổi mới nông thôn từ làng lên thành phố có thể là điều đáng vui, đáng mừng, nhưng dẫu sao con người ta vẫn thấy xót xa tiếc nuối, thấy như hụt hẫng thiếu vắng một cái gì đó đã ngấm vào máu thịt của người nông dân tự bao đời nay.
Lúa khoai từng buổi hao gầy
Ngõ quê ngắn ngủi vòng tay tơ hồng
Lời ru lắng một khoảng lòng
Nếp nhăn mẹ gấp mấy vòng à ơi
Mặt ao làng nhỏ lại rồi
Cành đa thả những buồn vui xuống chiều…
Mở lòng nhận mặt thương yêu
Mừng quê xanh chín thêm nhiều nỗi vui
Nén sâu một chút ngậm ngùi
Quê mang mặt phố, đầy vơi nét làng
(Mặt quê)
…………………………..
Bài thơ Lời ru mẹ Âu Cơ gửi đảo là một bài thơ hay và thật sự có nhiều ý nghĩa. Mượn lời ru của mẹ Âu Cơ, nhà thơ đã nói lên những vấn đề thời sự nhức nhối về biển đảo, về chủ quyền của Tổ quốc và ý thức trách nhiệm công dân với nhiều nỗi ray rứt, xót xa.
Dẫn con về phía biển xanh
Thương cha, mẹ khóc lệ thành đảo xa
Mấy đời xẻ bảy chia ba
Sục sôi biển cứ thiết tha cùng người
Từ bao đời nay, biết bao máu xương đã đổ để bảo toàn và gìn giữ mảnh đất thiêng liêng cong cong như hình chữ S này.
Sóng ngầm vạn kiếp chưa thôi
Mẹ ru đá ngủ trong lời nước non
À ơi mấy cuộc vuông tròn
Máu cha còn gửi cội nguồn đất đai
Và chưa bao giờ kẻ thù từ bỏ ý định xâm phạm và lấn chiếm chủ quyền biển đảo.
Nhà ta kẻ cắp rập rình
Quên lời mẹ tưởng bình minh là hồng
Em cầm nón trắng sang sông
Phút nông nổi lỡ mang giông bão về
Do vậy, mỗi con dân của nước Việt cần cảnh giác cao độ trước những âm mưu thôn tính và bành trướng của kẻ thù.
Biển cồn trăm nỗi tái tê
Lời cha ông dẫn lối về mai sau
“Trời xanh còn ở trên đầu
Mấy ngàn năm đã cũ đâu, kẻ thù!
Giọt nước mắt, lời ru, sự nhân từ của mẹ Âu Cơ… còn vang vọng mãi trong hồn thiêng sông núi cho đến đến hôm nay. Biết bao khổ ải, và cả những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha ông bao đời, để con cháu chúng ta hôm nay có được mảnh đất thân yêu này.
Nước mắt mẹ ứa màu son/ Mẹ ru cho lặng sóng cồn biển xanh
……………………..
À ơi, đảo nổi đảo chìm
Từ cay đắng mẹ - mà nên đất này.
Nỗi nhớ đong đầy thành tiếng gọi thiết tha, từ quê lên phố nhà thơ đã gửi lại nơi đồng chiêm trũng Nam Định bao tình cảm nhớ nhung, từ những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh con đường làng, cánh đồng quê lầy lội với bao nỗi lo toan của những phận người… đến những người thân thuộc như vợ, con, bạn bè và cả những người có liên quan đến anh. Tất cả đã trở thành nỗi niềm thương nhớ.
Anh có hẳn 1 tập thơ viết về tình yêu mang tên Bùa yêu, nhà thơ khéo gửi vào đó những thông điệp tình yêu, những vấn đề của cuộc sống với những hình ảnh, sự việc gần gũi đời thường. Bằng âm điệu thiết tha, ngọt ngào sâu lắng, tinh tế, xúc động; bộc lộ được những cung bậc khác nhau, đem đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về tình yêu và sự sống.

Nguyễn Thế Kiên đã dành cho con của mình bằng tình yêu thương của một người cha đã đi qua những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, với những lời tâm tình gan ruột. Nói với con ngày sinh nhật cũng là cách người cha dặn dò con phải biết nguồn gốc xuất phát của mình, phải yêu quý và trân trọng những gì thuộc về quá khứ, những gì thuộc về quê hương, dù nơi đó còn nhiều nhọc nhằn, khó nghèo và lam lũ. Nơi đó có những người thân của con phải vất vả, tảo tần xuôi ngược, và từ bao nhiêu đời nay vẫn thế. Điều đặc biệt ở nơi quê nghèo ấy, có người dõi theo, trông ngóng từng bước đi, từng sự khôn lớn trường thành của con, không ai khác đó chính là mẹ.
Con ơi, đồng đất quê nhà
Cứ rau dưa, cứ mặn mà rồi yêu
Này con, quê rợp mái nghèo
Khói cay lên mắt bao nhiêu kiếp người.
Lưng quê vẫn hướng lên trời
Còng theo mưa nắng là lời lúa khoai
Bóng quê sấp ngửa nghiêng dài
Vành đê gánh trĩu cả hai phía ngày.            
Nào cùng cha bấm ngón tay
Nếp nhăn mắt mẹ đã đầy chưa con?
Bằng câu hỏi tu từ: “Nếp nhăn mắt mẹ đã đầy chưa con?” gợi cho đứa con bao suy nghĩ về lẽ sống, niềm tin, ý thức trách nhiệm của con với mẹ.
Khi đứa con trai đã mười tám tuổi, người cha lại dặn con bằng những trải nghiệm của cuộc đời mình đã đi qua, đã chứng kiến. Nói với con, nhà thơ đã bộc bạch, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình. Người đọc có thể bắt gặp sự đồng điệu về cảm xúc qua những dòng tâm sự đó.
Ừ con mười tám tuổi rồi
Là trời đất cũng rong chơi hẹn hò
Mắt con hồng những ước mơ
Và cha với khoảng trời thơ hẹp dần
Ừ, thì con biếc tuổi xuân
Sức trai đã trổ vào gân bắp rồi
Cha nhìn lại tuổi đôi mươi
Lòng thon thót mỗi bước đời con qua
Ừ thì lòng mẹ lòng cha
Với con nào hết lo xa tính gần
Trái tim nào cũng bốn ngăn
Thì ba nhịp đập đã phần cho con.
Ừ thì trái đất vẫn tròn
Đạo cha mẹ, nghĩa làm con muôn đời
Biết con mười tám tuổi rồi
Ước mơ cha gửi cuối trời đợi con.
(Nói với con)
Sống một mình ở nơi phố thị, cứ tưởng:
Một mình tưởng thế là xong      
Bỗng dưng thương nhớ bòng bong ai cầm
Gõ khuya mở những âm thầm
Thương bao cái thật cũ dần thành mơ
(Một mình)
Nỗi nhớ ấy day dứt trong lòng và anh cảm thấy “thương”, lo lắng cho người thân, anh muốn thổ lộ, anh muốn tìm về những kỷ niệm.
Hoa xoan nhắc chuyện quê nhà
Ngày trai trẻ… nụ hôn xa… cuối vườn
Nhìn bằng lăng phố tím buông
Vàng hoe nắng dậy thì vương chín chiều.
(Chiều nay bỗng nhớ)
Tháng sáu nhớ cánh đồng chùa/ Cội đa che cả cáy cua quê nghèo/ Mẹ bồng dảnh mạ sang chiều/ Tay gầy gửi đất bao nhiêu hạt vàng
Ngậm ngùi tháng bảy thơm sang/ Bóng cha ngày cũ mênh mang chuyến đò/ Sắn khoai nuôi lớn ước mơ/ Rưng rưng khói bếp ngẩn ngơ tiếng gà… (Tản mạn thời gian).
Một thời dẫm gót rạ rơm/ Mà ra rả những âm hồn ngày mai/ Đi qua mấy cuộc rộng dài/ Về nghe bùn đất sớm mai thì thào (Chuyện một thời).

Hình ảnh thôn quê hiện lên qua những trang thơ của Nguyễn Thế Kiên mang vẻ đẹp bình dị, trong sáng. Dù giờ đã là “người thành phố” nhưng trong anh lúc nào cũng mang cốt cách của một nông dân chính hiệu, Nguyễn Thế Kiên vẫn tự hào rằng vì mình là nông dân, xuất phát từ nông dân.
Hình như ở phía rạ rơm
Mấy mươi năm trước đã thơm một lần?
Hình như có một mùa xuân
Bao nhiêu cỏ dại hóa thân thành người...
Đến với thơ Nguyễn Thế Kiên là đến với thế giới ngôn từ đậm đà màu sắc dân tộc, một thứ ngôn ngữ giản dị, chât chất và mang đậm dấu ấn nông thôn, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người lao động. Bên cạnh ấy thơ anh vẫn có sự gia công rèn giũa để lời thơ không nôm na mà giàu hình tượng nhờ vào những biện pháp tu từ.
Nguyễn Thế Kiên sử dụng nhiều những hình ảnh ẩn dụ, so sánh và những liên tưởng mới lạ và độc đáo:
Chỉ riêng mặt đất cởi trần
Hóa thân thành gạo cứ ngằn ngặt thơm
(Chuyện một thời)
Tháng mười ủ chín mùa đông
Bờ đê khép mở dòng sông dậy thì
(Tản mạn thời gian)
Môi cười như nét trăng non
Mắt em mấy giọt cứ ngòn ngọt rơi
(Giọt mắt)
Nỗi buồn cũng biết nhả tơ
Xoắn vào nhau để chuốt ra cuộc đời
(Một mình)
………………………………
Đọc thơ Nguyễn Thế Kiên, người đọc dường như phát hiện ra có một sự nghịch lý, cái nghịch lý của một người đang sống ở thành thị mà thơ lại hướng về nông thôn với một tấm lòng da diết, sâu nặng. Một mặt, anh sinh ra và lớn lên ở nông thôn và tiếp thu trọn vẹn những nét văn hóa làng xã nên hồn quê đã trở thành máu thịt. Mặt khác, dù đang sống ở nơi phồn hoa đô thị, cuộc sống nơi thị thành với bao điều tốt đẹp nhưng cũng chứa đựng cả những cạm bẫy. Đang ở nơi trung tâm văn hóa cũng có sức hấp dẫn đối với người thi sĩ nhưng cái bản chất con người thôn quê, dân dã đã ăn sâu vào trong huyết mạch nên con người “nhà quê” trong anh  đã chiến thắng.
Trong dòng chảy của thơ Việt hôm nay, Nguyễn Thế Kiên cũng giống như con ong chăm chỉ hút nhụy hoa để dâng mật ngọt cho đời. Anh đã góp vào làng thơ Việt đương đại một giọng thơ đậm đà hương vị tình quê!.

Trích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét