Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ 16. PHẠM HIỀN MÂY - GIỌNG THƠ TRẺ, LẠ, ĐẦY CÁ TÍNH… .


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
16. PHẠM HIỀN MÂY
PHẠM HIỀN MÂY - GIỌNG THƠ TRẺ, LẠ, ĐẦY CÁ TÍNH… .
(Nhân đọc tập thơ BẤT TƯƠNG PHÙNG, KHÔNG TIN của Phạm Hiền Mây)

thiên thu ước hẹn về chung/ làm sao lại/ bất tương phùng/ không tin…
BẤT TƯƠNG PHÙNG, KHÔNG TIN - ngay nhan đề thi tập và lời tựa đã gây cho tôi ấn tượng. Ấn tượng, bởi từ lâu tôi đã được đọc thơ Phạm Hiền Mây trên các trang mạng và trang cá nhân của chị. Thơ Phạm Hiền Mây là một giọng thơ cá tính và rất lạ. Gần đây, tôi có ngồi nói chuyện văn chương với hai người bạn của chị (là hai họa sĩ khá nổi tiếng) tại một quán cà phê bên sông Sài Gòn, họ cũng đã không ngớt lời khen thơ Phạm Hiền Mây. Tôi nghĩ họ đánh giá đúng bởi tôi thấy Phạm Hiền Mây là một hồn thơ đặc biệt, thơ chị viết có duyên và mang cá tính riêng, khó lẫn với bất cứ giọng thơ trẻ nào gần đây.

Đọc hết một trăm lẻ một bài thơ trong tập BẤT TƯƠNG PHÙNG, KHÔNG TIN mới thấy rõ sự linh hoạt và cách làm thơ rất có “nghề” của chị. Thơ chị viết thật mà tưởng chơi, chơi mà lại rất thật. Ngôn ngữ thì dạt dào tuôn chảy, âm điệu thì da diết, lay động hồn người. Bài nào của chị cũng khiến tôi rưng rưng, xúc động. Cái xúc động không sướt mướt, bi lụy mà là sự xúc động của hài lòng bởi chị viết vừa khéo lại vừa hay. Đặc biệt và thành công hơn cả là những bài thơ lục bát. Có thể nói, Phạm Hiền Mây là một trong số rất ít những nhà thơ trẻ đương đại viết thơ lục bát thành công. Chị biến thể thơ truyền thống ê a, chậm chạp… trở nên linh hoạt và uyển chuyển. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thơ có vần bởi lục bát dễ làm nhưng làm lục bát cho hay thì không dễ. Cũng như thế, làm thơ tình không khó nhưng làm thơ tình sao cho đọc được, gây được cảm tình nơi độc giả cũng là điều rất khó.

Đọc thơ chị, người đọc như bị hút vào một hấp lực kỳ quái. Ngôn ngữ lúc bình dị, nhẹ nhàng khi lại quẫy đạp và trở nên bí ẩn. Đấy có phải chăng là sự tinh tế, thâm trầm cộng với kỹ thuật của một người mà thơ chính là sở trường của họ:
phải không anh/ chiều qua/ cơn mưa thả/ chưa kịp nghiêng hạt nắng rắc hoa thềm/ chưa kịp em hạn hán nứt khe mềm/ anh sông tưới đồng xanh mơn mởn cánh/ anh sông tưới mùa em tròn vành vạnh
phải không anh/ rằm ngực/ chín căng đồi/ nảy hân hoan nhịp rộn rã tim rồi/ cùng ngưng thở mạch nguồn nghe len nước/ cùng ngưng thở chân nguồn nghe cỏ ướt/ lá thêm cong sóng phiến ưỡn lưng gần/ phải không anh/ loài sâu/ ngủ muôn lần/ môi áp xuống giọt thơm sầu sương nuốt/ môi áp xuống mật non sầu hương buốt/ đỉnh đêm treo bí ẩn ngọn mê tình/ kiếm tìm nhau đã tự thuở đôi/ mình/ nghìn năm trước/ phải không anh/ trời đất…
(phải không anh)

Tôi nghĩ rằng trời sinh ra Phạm Hiền Mây để chị làm cái sứ mệnh cao cả là để lại những vần thơ cho đời. Thơ chị sắc ngọt, trữ tình, đằm sâu, hiền lành và đầy nữ tính. Tuy thế nhưng đôi lúc cũng mạnh bạo, cũng hừng hực rực cháy nhưng mạnh bạo và rực cháy ấy nếu có, cũng luôn có giới hạn. Tất cả những kết hợp hài hòa và bất hài hòa ấy khiến chị trở nên cao sang, vẻ cao sang, quý phái và… bí ẩn của một người đàn bà rất kiệm lời về đời sống riêng tư, một người đàn bà có vốn sống và cả vốn văn hóa. Hầu hết các bài thơ tình của chị đều ở trạng thái tâm lý cân bằng, chủ động và không hề bi lụy. Ở chị, lúc nào cũng toát ra vẻ thản nhiên, thản nhiên đến dửng dưng:
dù biết lối đi về phải thế/ bến bờ nào thiên lý cũng mù trôi/ nhánh rẽ nào nước chảy cũng đơn côi/ hà cớ kiếm/ hà cớ tìm/ duyên nợ (đòi yêu).

Phạm Hiền Mây đã ký thác được lòng mình qua nhiều cung bậc sắc màu khác nhau của tâm hồn người phụ nữ hiện đại vào thơ:
một mình/ với/ gió mênh mông/ với mưa rả rích mùa đông đêm dài/ vạc tìm bạn gọi miệt mài/ bi thương kêu tiếng ai hoài giọng đau/ phải chăng tiền kiếp gặp nhau/ một mình/ đợi/ đến muôn sau phai tàn/ hoa xương cội cũng đã vàng / tháng ngày cũng đã tràng giang vô cùng/ mà bờ giăng trắng mịt mùng/ mà tơi tả lá lạnh lùng nước rơi/ một mình/ đi/ nốt chơi vơi/ mai tro tàn biết cuối trời phiêu linh… (một mình).

Qua thơ ta cũng có thể phần nào hiểu được tính cách và con người Phạm Hiền Mây. Chị là người phụ nữ thông minh, nhạy bén, thức thời và rất hiện đại. Chị muốn vượt thoát vòng cương tỏa vô hình bằng cách lãng mạn hóa tình yêu. Dường như mọi thứ xảy ra trong đời sống, chị đều tiên lượng trước, kể cả tình cảm nên mọi được - mất, có - không, hạnh phúc - khổ đau đều được Phạm Hiền Mây nhìn với tâm thế thản nhiên, thản nhiên đến hờ hững:
dù biết sẽ lối đi về phải thế/ bến bờ nào thiên lý cũng mù trôi/ nhánh chảy nào nước chảy cũng đơn côi/ hà cớ kiếm/ hà cớ tìm/ duyên nợ/ hà cớ sớm/ hà cớ khuya/ lòng sợ/ xa người rồi nhớ lắm những lần ôm/ xa người rồi dấu vết vẫn còn hôm/ đời mở khép rã rời lên hấp hối/ đời mở khép đau mềm cơn nhức nhối/ hà cớ đầu/ hà cớ cuối/ mùa thu/ trước sau gì bụi cát chốn phù du/ làm sao trốn khỏi đông tràn lạnh giá
… … … … … …
được mất chỉ đôi dòng rơi sầu bể/ hà cớ hoài/ hà cớ mãi/ đòi yêu…
(đòi yêu)

Tình yêu trong thơ Phạm Hiền Mây diệu kỳ, bay bỗng, biến tấu rất vi diệu. Khoảng cách giữa anh - em, mình - ta được thu hẹp để trở nên gần gũi với bạn đọc. Các đối tượng trăng, sao, mây, mưa, gió, núi, sông, biển... được nhà thơ nhắc đến với tần số dày đặc. Cùng với nó là những u buồn mang mang, giăng mắc lên đời, lên trời… của thắm thiết một tình YÊU.

Phạm Hiền Mây yêu không ồn ào, không hẹn thề, không ghen tuông bóng gió, không trách hờn vu vơ… , ngược lại, chị yêu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, điềm tĩnh, kiểu yêu đó khiến tôi không thể không nghĩ, nó mới chính là điều làm bạn đọc dễ dàng rung động, thổn thức và thơ chị, vì thế lay động không biết bao nhiêu con tim. Có lẽ, ngoài ý thức sâu sắc được tình yêu và sự sống, chị còn biết mình, hiểu người… nhiều lắm:
yêu nhau mấy
cũng
mênh mang
cũng đường mây mỏi cuối ngàn cánh chim
cũng biền biệt tím chiều sim
bên đồi ngồi với mình im dốc đời
… … … … … …
yêu nhau mấy
cũng
miên khê
cũng nghìn trùng vạc khuya thề hẹn sương
khi mà dạ bến còn vương
thì còn thiên lý bóng đường quan san
thì còn thiên lý nhân gian
yêu nhau mấy
cũng
vô vàn bèo mây… .
(vô vàn bèo mây)

Tư duy trong thơ chị là kiểu tư duy mở, những gì chị phản ánh trong thơ càng làm cho độc giả hiểu hơn về con người trong đời thường của chị. Chị hiểu rõ tâm lý người phụ nữ, chị có vốn kiến thức về văn hóa, am hiểu cả về mảng tôn giáo, triết học... Có lẽ đây cũng là một trong những thế mạnh để làm nên một hồn thơ mang một phong cách riêng - phong cách thơ Phạm Hiền Mây.

Một điều dễ nhận thấy trong thơ Phạm Hiền Mây nữa là - chị chỉ thuần túy viết về tình yêu, nói về tình yêu bằng chính con tim và lý trí của một người đàn bà từng trải và hầu như là độc thoại với chính mình. Thơ chị không cao giọng, không lên tiếng dạy đời, tất cả chỉ nói đến yêu và yêu. Ấy vậy mà vẫn chưa đủ, vẫn cứ mơ và phiêu mị vô cùng:
cũng vì yêu rất lơ ngơ/ nên phù phiếm vỡ / trời mơ mộng/ tàn…

Thơ Phạm Hiền Mây bên cạnh những ưu điểm và thế mạnh như đã nói ở trên thì vẫn có những hạn chế nhất định như đôi chỗ chị dễ dãi trong cách sử dụng ngôn từ, đôi chỗ thì chị lại sử dụng từ “lạ” gây khó hiểu với bạn đọc. Cũng có lúc, Phạm Hiền Mây quá dàn trải và say sưa khi nói về yêu... . Nếu chị biết tiết chế và khắc phục được những nhược điểm này, chắc chắc thi đàn tương lai sẽ có một giọng thơ Phạm Hiền Mây nổi trội, đầy đặn và ấn tượng hơn.
Đọc thơ Phạm Hiền Mây, nhà văn, họa sĩ Khánh Trường cũng có lý khi cho rằng: “Có người khoác vào thơ Phạm Hiền Mây tấm áo choàng mang màu sắc của triết học, đạo học. Cũng là một hướng nhìn, qua hướng nhìn này thơ Phạm Hiền Mây có vẻ như cao hơn, sang trọng hơn, trí thức hơn. Nhưng tôi nghĩ đã vô tình đẩy thơ Phạm Hiền Mây xa dần sự hồn nhiên vốn dĩ.
Sự hồn nhiên làm thành dấu ấn vượt trội, cá biệt, không thể lầm lẫn giữa rừng thơ đang xâm lấn tràn lan trên các phương tiện truyền thông hiện nay”.

Tôi cho rằng, đây là một trong những đánh giá xác đáng về thơ của Phạm Hiền Mây. Tôi cũng cho rằng, khi tìm hiểu về thơ của nữ sỹ này, chúng ta cần đặt thơ chị trong một hệ thống hoàn chỉnh của hoàn cảnh, tính cách, trình độ… thì mới có thể đánh giá về thơ của chị một cách đầy đủ được, tức là, mới có thể nhận ra rõ ràng và chi tiết hơn một giọng thơ trẻ, lạ - một tiềm năng thơ đáng được trân trọng và phát huy trong đời sống văn học đương đại, Phạm Hiền Mây.

/ Mời đọc tiếp / 17. Trần Nhuận Minh
Sách Con ắm Rút Ruột Nhà Tơ” – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét