Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ/ 18. VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC CHIẾC VÒNG CỔ MÀU XANH CỦA ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
18. ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC CHIẾC VÒNG CỔ MÀU XANH CỦA
ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN
(Nhà xuất bản Văn hóa –Văn nghệ, 2019)

Chiếc vòng cổ màu xanh được bố cục 30 chương, đó là hành trình của Kẹo - một chú chó có chiếc vòng cổ màu xanh bị đi lạc. 235 ngày là con số ngắn ngủi của cuộc đời Kẹo. Mà ở đó gắn với nhiều sự kiện, liên quan đến con người và cuộc sống hiện đại. Bao điều bất cập, nhức nhối đã và đang xảy ra như: việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai không thỏa đáng, gây bất bình trong nhân dân; nạn cẩu tặc; văn hóa ăn thịt chó và cả những giá trị đạo đức, tình thương yêu của con người với loài vậtnói chung và dành cho loài chó nói riêng...

Độc giả sẽ bị dẫn dụ ngày từ chương đầu tiên của tập sách cho đến trang cuối cùng. Bởi nhà văn đã khéo tạo ra những tình huống vừa thực vừa ảo, nhưng lại ly kỳ và hấp dẫn xoay quanh chuyện chó chuyện người. Nếu không có kiến thức, không có tài quan sát, không am hiểu và nghiên cứu kĩ lưỡng về đặc tính của loài chó thì chắc chắn Đặng Chương Ngạn không thể nào viết được những trang văn đầy sức gợi và ám ảnh như vậy.

Trong suốt hành trình lưu lạc và trải qua bao sóng gió của Kẹo. Bằng sự khôn ngoan và thông minh mà Kẹo đã từng bước vượt qua. Tuy vậy, sự sống của Kẹo không được bảo toàn vì trên bước đường phiêu bạt chú chó này phải đối mặt với bao hiểm họa do con người gây ra. Điều đặc biệt trong cả tập sách, rất nhiều lần nhà văn Đặng Chương Ngạn đưa ra thông tin với ngày tháng cụ thể. Phải chăng đó là dụng ý của anh.
- Ngày 1 tháng 7, Kẹo tiến đến gần bờ kênh Nước Đen...
- Kẹo ra đời vào ngày 10 tháng 1...
- Kẹo đã không trở về kể từ ngày 13 tháng 6...
- Kẹo đến khu dân cư bên cạnh kênh Nước Đen đã một tuần trước, khoảng ngày 27 tháng 6...
- 9 giờ 50 phút ngày 13 tháng 6, Kẹo và Bông vừa quay về đén cổng thì chó Tutu xuất hiện ngay ngã ba đường...
- Ngày 14 tháng 6, Kẹo nằm rất lâu trong đám bụi gai um tùm, chỗ trốn Kẹo thấy an toàn vào lúc này, nếu hai gã cẩu tặc tìm đến thì cũng khó soi đèn phát hiện ra Kẹo...
- Ngày 14 tháng 6, lần đầu tiên Kẹo có bữa ăn bằng mấy khúc xương và mấy cục cơm lẫn đất trong một thùng đựng rác bên đường...
- Ngày 20 tháng 6, đã hai ngày Kẹo đi qua những xóm nhỏ bên sông...
- Ngày 23 tháng 6 là một ngày tràn trề hy vọng với Kẹo...
- Ngày 23 tháng 6, Kẹo ngửi thấy mùi ông chủ trong căn biệt thự đang xây dở dang ngổn ngang gạch, cát, đá...
- Ngày 1 tháng 7, Kẹo chạy trối chết và cuối cùng lạc vào một khu dân cư hoang vắng...
- Buổi sáng đầu tháng 7, trời hơi lạnh, tiếng ông chủ nhà căn biệt thự làm Kẹo tỉnh giấc...
- Thin và Khin đã nghỉ hè từ 30 tháng 5, và ngày 13 tháng 6 - ngày Kẹo mất tích, Khin và Thin đã đi tham gia trại hè...
- Từ ngày 8 tháng 7, Kẹo bắt đầu tìm kiếm theo nhiều hướng khác nhau: Sáng vẫn tìm Khin, Thin tại các lớp dạy hè ở trường học, chiều tối tìm các lớp dạy piano và tối nó tìm đến lối ra siêu thị...
- Ngày 17 tháng 7, Kẹo đã đến khu dân cư cuối cùng dọc theo con sông...
- Ngày 6 tháng 8, gần hai tháng sau khi Kẹo mất tích, ông chủ nhận được một email từ người lạ...
- Ngày 9 tháng 8, nó đến một khu dân cư mới ven sông...
- Từ ngày 11 tháng 8, việc tìm kiếm Kẹo và Vàm được tổ chức như sau...
- Ngày 15 tháng 8, kẹo bắt đầu thấy ngứa khắp mình, gãi liên hồi...
- Buổi chiều ngày 17 tháng 8, ông chủ kết thúc sớm công việc, lái xe trở về. Ông vừa nhìn thấy Kẹo chạy băng qua đường... Ông chủ đi mãi như một kẻ mộng du băng qua những thửa ruộng...
- Ngày 22 tháng 8, Vàm phải cắn tai kéo, Kẹo mới tỉnh dậy uể oải lên đường...
- Tối hôm qua, ngày 27 tháng 8, do đã đề phòng và chuẩn bị trước theo tinh thần của Chi cục thú y và trung tâm phòng chống bệnh dại, chủ quán Mộc tồn Hương Xuân... cầm sẵn dao và gậy trên tay trong suốt thời gian làm việc ở quán...
- Ngày 2 tháng 9, Kẹo đã đến được nơi cần đến...
- Ngày 3 tháng 9,... Kẹo từ sau thùng rác lao tới đúng vị trí bánh xe trước chiếc Exciter 150...
- Cô gái phụ bán bánh mì luôn kể với mọi người rằng: khi cô chạy tới, Kẹo vẫn còn sống. Nó nhìn cô với đôi mắt rất lạ. Đôi mắt đó hình như không phải là mắt của một con chó, đôi mắt đó như mắt con người! Đôi mắt con người trước khi qua đời... Kẹo đi qua cuộc đời này đúng 235 ngày!
Đó không chỉ là sự đau xót mà còn có cả sự nuối tiếc về cuộc đời của chú Kẹo (quá ngắn ngủi) và biết bao số phận những chú chó khác có hoàn cảnh tương tự. Đồng thời đó còn là lời cảnh báo về nạn trộm chó, giết chó một cách không thương tiếc của con người.

Tác phẩm có được sự hấp dẫn bởi Đặng Chương Ngạn đã hóa thân, đã nhập vai, để nói lên tiếng nói và cả những suy nghĩ, việc làm vô cùng hồn nhiên và trong trẻo của trẻ. Nguời đọc sẽ không quên đoạn tác giả tường thuật về việc hai anh em Thin, Khin đến chùa với mẹ và phát hiện ra hai chú chó Kẹo và Bông cùng với hành trình hai chú chó được về với gia đình Thin. Vì thương chó nên Thin, Khin mang Kẹo và Bông vào phòng ôm chúng ngủ. Để rồi qua một đêm hai chú chó ấy đã tè ướt cả giường. Hồn nhiên hơn nữa là cả hai anh em hì hục mang xi đánh giày của bố bắt hai chú Kẹo và Bông lại để đánh xi lên lông. Hay cái việc Khin bắt hai chú chó bỏ vào máy giặt để giặt cho sạch vì trên lông chúng bị dính bùn... Tình yêu thương và sự gắn bó thân thiết của hai chú chó với gia đình ông chủ và hai anh em Thin, Khin là một tình cảm đặc biệt. Tình cảm ấy, được nhà văn để cho các nhân vật chính của mình bộc lộ đầy đủ qua từng hành động, việc làm cụ thể trong toàn thiên truyện.
Kẹo là một chú chó thông minh nên đã có lần được thoát chết vì bọn cẩu tặc. Thú vị hơn là Kẹo đã từng cứu một sinh viên bị nhầm là cẩu tặc, từng giải cứu em nhỏ bị bắt cóc.
Cuộc trò chuyện giữa Kẹo với chó Phú Quốc làm ta cảm động về tình cảm đồng loại của chó với nhau, về số phận mong manh của kiếp chó và sự tàn ác của con người gây ra với chúng.
“Kẹo ăn xong chào chó Phú Quốc ra đi nhưng con chó Phú Quốc giữa lại:
- Cậu ở đây với tớ mấy đêm. Tớ sợ lắm! Hôm qua hai đứa bạn thân nhà bên cạnh bị cẩu tặc bắt rồi!
“Cẩu tặc” - Kẹo thì thầm.
“Cậu biết bọn cẩu tặc không?” - Chó Phú Quốc hỏi.
Kẹo kể lại nhưng ngày qua của mình cho Phú Quốc nghe.
Khi đó, Phú Quốc khóc, nước mắt chảy tràn hai bên má, nó kể về nạn cẩu tặc ở cái xóm nghèo này.
......................................
Đêm trước, ba cẩu tặc vào làng, kẻng báo động rung lên, các ngã đường đều bị chặn. Cẩu tặc vứt xe nhảy xuống ruộng chạy trốn nhưng không thoát. Hai bao tải chó đầy ứ với 12 con chó đã chết cứng. Dân làng đốt xe, đánh nhừ tử ba thằng cẩu tặc, rồi buộc xác chó vào cổ từng thằng”.
Kẹo cũng đã từng quỳ bên xác của Vàm mà khóc. Kẹo nghĩ rằng nếu mình không rủ Vàm đi tìm ông chủ thì có thể Vàm sẽ còn sống... Kẹo rời xác Vàm và quyết định:
“Những kẻ bắt chó, những kẻ mua chó với nó bây giờ đều là kẻ thù. Kẹo có quá nhiều kẻ thù... Có rất nhiều món nợ Kẹo phải trả với nhưng con người độc ác này...
Kẹo quyết định tấn công hai gã giết chó thật bất ngờ...
Kẹo đi ra phòng ngoài, một gã ngồi ngáp ngái ngủ, một gã vừa ngáp dài vừa xếp mền.
Kẹo nhảy vào gã đàn ông thứ nhất, một cú đớp ngay vào mông, một cú đớp tiếp theo vào cái vật nhô lên giữa hai đùi. Cú đớp thứ hai làm gã ngã nhào xuống, quằn quại, hai tay ôm lấy bộ hạ. Kẹo nhảy ngay vào gã thứ hai với một cú đớp vào mặt. Gã đang choáng váng, chưa kịp phản ứng gì, Kẹo đã đớp ngay vào chim của gã. Kẹo đớp và day mạnh làm gã hét lên và gục xuống...
Hai gã đàn ông kêu rống lên: “Chó dại!”, Trời ơi! Nó cắn đứt chim tôi!”.
Hai gã rống lên như bò rống vang cả phố”.

Bằng sự quan sát tinh tế nhà văn Đặng Chương Ngạn có những đoạn kể và tả rất hay về chó. Điều đó chứng tỏ anh có sự am hiểu rất sâu sắc về loài chó, con vật nuôi hầu như nhà nào cũng có. Con vật được xếp vào hàng thông minh và trung nhất với con người. Đặc biệt qua thiên truyện này, người đọc biết thêm rất nhiều điều thú vị về loài chó, điều mà lâu nay không phải ai cũng biết. Loài chó với khứu giác siêu nhạy có thể ngửi được những biến đổi hormone trong cơ thể người phụ nữ, vì vậy loài chó có thể nhận biết tín hiệu người phụ nữ sắp sinh em bé trước cả con người.
Văn học thiếu nhi có rất nhiều đặc trưng, trong đó tính giáo dục là đặc trưng quan trọng nhất. Hơn ai hết Đặng Chương Ngạn đã thấu rõ điều này và anh đã khéo léo cài vào đấy những nội dung mang tính giáo dục cho trẻ. Anh hiểu được tâm lý, ngôn ngữ trẻ thơ với cái nhìn hồn nhiên và trong trẻo. Do vậy tác phẩm trở nên gần gũi, dễ đi vào lòng người đọc.

Kết thúc tác phẩm Kẹo đã không còn, Vàm phải chết và hàng loạt những con chó khác cũng bị ra đi oan uổng. Có người cho rằng, Đặng Chương Ngạn để cho cái kết như thế là bi quan, và có thể tạo sự hoài nghi cho trẻ. Nhưng tôi cho rằng, đó là cái kết chấp nhận được. Vì rằng, bên cạnh niềm vui trẻ cũng cần thấy những bất cập, những nỗi buồn của thời mình đang sống để biết, để ứng phó và sống tốt hơn. Nhà văn cũng muốn nhắn gửi các bạn trẻ những thông điệp cần thiết và hữu ích về tình bạn, tình yêu thương đồng loại, tình yêu thương với các loài vật xung quanh mình.
Đọc Chiếc vòng cổ màu xanh, Nhà phê bình Văn học Bùi Thanh Truyền cho rằng: “Chó là món quà của Thượng đế ban tặng con người, sinh ra là để cho con người. Nhưng trong suốt thiên truyện, đáng buồn thay, có một vài kẻ lòng người dạ thú đã chối bỏ ân tình của Thượng đế, từ đó gây ra bao chia lìa, mất mát, tổn thương cho cả chó lẫn người. Hành trình phiêu dạt của Kẹo đâu khác gì sự nổi nênh của kiếp người qua bao đoạn trường số phận...”.
Giữa lúc văn học thiếu nhi đang khan hiếm, một khoảng trống lớn đang cần phải lấp đầy thì tập truyện dài Chiếc vòng cổ màu xanh của Đặng Chương Ngạn chắc chắn sẽ là cuốn sách ý nghĩa với các bạn đọc nhỏ tuổi trong dịp hè này.
Nhà văn Đặng Chương Ngạn bút danh khác: Đặng Trung Nhân, từng đoạt giải thưởng cuộc thi viết cho nhi đồng của Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng năm 1985-1987; giải thưởng cuộc thi truyện châm biếm của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983 với bút danh Đặng Hồng; giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 5 năm Bà Rịa - Vũng Tàu (2009-2014) với tiểu thuyết "Kẻ chăn dắt". Sách đã in: "Trái đất này có rất nhiều chuyện lạ" (NXB Kim Đồng, 1989 - in chung), "Nghệ sĩ dế" (NXB Thanh Hóa, 1993), "Thiếu nữ xa lạ" (tập truyện ngắn - NXB Văn học, 1996), "Kẻ chăn dắt" (tiểu thuyết - NXB Văn học, 2012).

/ Mời đọc tiếp / 19. Nguyễn Thành Nhân
Sách Con ắm Rút Ruột Nhà Tơ” – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét