Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ 9. TRẦN MAI HƯỜNG / ĐỌC TẬP THƠ NHỮNG NGỌN SÓNG TỎA HƯƠNG CỦA TRẦN MAI HƯỜNG


CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
(32 KHÚC ĐÒ ĐƯA THƠ VÀ VĂN XUÔI)
NGUYỄN VĂN HÒA
NXB HỘI NHÀ VĂN

CON TẰM RÚT RUỘT NHẢ TƠ
9. TRẦN MAI HƯỜNG
ĐỌC TẬP THƠ NHỮNG NGỌN SÓNG TỎA HƯƠNG CỦA TRẦN MAI HƯỜNG
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012)

Thơ là cuộc hành trình mà điểm xuất phát và điểm dừng là một, đó chính là cuộc đời. Với những người làm thơ họ luôn tiềm ẩn trong mình một sức sống mãnh liệt, họ nhạy cảm, tinh tế hơn những người bình thường. Đặc biệt là đối với những người phụ nữ làm thơ. Người phụ nữ khi dấn thân vào nghiệp văn chương, thơ phú là những người đa cảm, đa đoan và thường gặp nhiều truân chuyên trên con đường tình ái. Vì thế, ta bắt gặp trong sáng tác của họ những nỗi buồn miên man, đầy ám ảnh, quặn thắt niềm thương, nỗi nhớ. Và nỗi buồn chính là liều thuốc kích thích cháy bùng lên ngọn lửa đam mê, soi rọi, thấu hiểu mọi ngõ ngách trong tâm hồn. Để rồi họ thăng hoa thành những vần thơ hay, có sức lay động lòng người.

Đọc tập thơ Những ngọn sóng tỏa hương của Trần Mai Hường, chúng ta được bắt gặp một người đàn bà như thế. Đó là lời tự thú, tự thoại của Em- người đàn bà làm thơ về những nỗi niềm cay đắng trước cuộc đời.
Người đàn bà làm thơ/ Xô lệch từng đêm/ Vắt khô mình/ Nước mắt…
Người đàn bà làm thơ/ Nửa đời mặn đắng/ Nén nỗi buồn/ Những/ giọt/ thơ/ rơi
Người đàn bà trong em/ Muốn tan chảy vào ngôn từ vô tận/ Không đắn đo toan tính/ Còn/ Mất/ Thiệt/ Hơn

Trần Mai Hường sống với thơ đến tận cùng chân thật, thật đến nỗi vắt kiệt chính mình. Một người đàn bà làm thơ và yêu bằng chính trái tim chân thành, hồn hậu nên chị không ngần ngại, không giấu giếm mà sẵn sàng giãi bày những tình cảm, suy nghĩ thật của lòng mình:
Em ngỡ ngàng khi đối diện lòng mình
Không thể tin mình lại nhớ anh đến thế
Nỗi nhớ đọa đày em như thể
Thời em vừa hai mươi
Cứ tự dỗ lòng
Thôi đừng nhớ
Ta ơi
Cố dửng dưng giấu những dập dồn vô thức
Em cố chia nỗi nhớ nhỏ như không có thực
Mà sao chia
Bỗng ước mình như ánh sao kia
Kiêu hãnh giữa trời đêm
tỏa sáng
(Dỗ lòng)

Chính cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động, thừa khổ đau và hẫng hụt về hạnh phúc đã góp phần khai sinh ra một hồn thơ man mác buồn nhưng nhân hậu và đầy khát vọng yêu thương.
Thơ Trần Mai Hường là tiếng lòng thổn thức vơi đầy theo năm tháng cuộc đời.
Em rưng rưng đón nhận đam mê khẽ lùa/ tay chặn tim mình lỗi nhịp có phải anh/ thực hư hư thực dan díu nào mặc định/ đa đoan
Đêm trống đêm em hờn giận thời gian/ mà thời gian thích đùa dai đến lạ em như/ cánh buồm nhỏ nhoi giữa trùng trùng/ biển cả nào biết dưới biếc xanh kia/ ẩn chứa những gì
(Thơ cho người mong gặp)

Ngọn lửa tình yêu thiêu đốt trái tim khiến người phụ nữ trong bài Linh hồn nước mắt phải thốt lên: Giá có thể uống say mà quên hết/ Những chiều đông phượng tím nhói tim gầy/ Giá như được một lần gặp lại/ Anh có đành lòng mặc kệ mắt em cay
Nhà thơ luôn kiếm tìm hạnh phúc trong những trăn trở và suy tư, nhưng giữa sâu thẳm của dòng thời gian, hạnh phúc vĩnh viễn là một niềm mơ ước, một ảo tưởng hư vô: Một chiều nao nắng gió ướt mềm/ Tương tư gieo dọc đường về phố nhỏ/ Bao định lượng giữa chúng mình như vỡ/ Rất thực đất trời - hư thực vòng tay…
Em không tin mình tan loãng mê say/ Sao quên nhớ dọc triền đêm hành khất/ Nỗi nhớ kể một chiều có thật/ Ta trót tiêu hoang giây phút ngọt ngào
(Biệt khúc cho anh)

Là một người đã từng đi qua những năm tháng không mấy bình yên trên hành trình tìm bến đỗ hạnh phúc, Trần Mai Hường nhận ra rằng không thể cứ nhăn nhó, cau mày mãi với nỗi đau hiện tại mà phải:
Tập cười đi/ Như em vậy/ Đừng để ai biết tiếng cười trong vắt ấy/ Bao nhiêu chua chát tàng hình
Nhà thơ khao khát muốn tìm lại ngày xưa thuở đúng là mình, chị cảm thấy day dứt và nuối tiếc: Sao không tìm lại ngày xưa thuở/ đúng là mình/ Như em vậy/ Chẳng ai biết để có tiếng cười vô tư trong/ vắt ấy/ Bao nhiêu chua chát tàng hình
(Tàng hình)

Điều ước ấy thật giản dị nhưng lại là khoảng trống quá lớn không gì lấp nổi của một thời không mấy bình yên. Khi cuộc đời đã trải qua biết bao sóng gió, thác ghềnh. Thực tế đầy những bất trắc, hạnh phúc là điều khó nắm giữ nên giọng thơ của chị nghe nghẹn ngào, xa xót:
Vắt chuỗi ngày qua lên lưng chừng nắng/ Hong khô những ngậm ngùi/ Gặp lớp lớp sóng ầm ào sấm dội/ Anh hiện thân vần thơ chưa cũ/ Hiện thân vào ám ảnh thật gần/ Âm âm nốt nhớ trầm/ tự tu mình nén thân trên bàn phím

Nỗi nhớ, sự ngậm ngùi về những năm tháng đã qua và cả những niềm khao khát hạnh phúc luôn trỗi dậy trong chị. Để rồi nhà thơ Trần Mai Hường có một sự sáng tạo và liên tưởng độc đáo thông qua hình ảnh trăng và đêm: Trăng khát đêm/ Đêm nhớ mặt trời
Có lúc nhà thơ lại tỏ ra hoài nghi: Trớ trêu ảo giác yêu/ Biết đâu là tình thật?!
Trạng thái tình cảm của chị được dồn nén, hun đúc trong những bài thơ mang ám ảnh tâm hồn. Nó sinh động, ngẫu nhiên như lời tự thú, tự giãi bày trước bản thân và cuộc đời. Có lúc chị cố kìm nén nỗi đau và tỏ ra cứng rắn, thản nhiên:
Em chọn hồn nhiên che lấp cồn cào
Thản nhiên đợi ngày mình thành kẻ lạ
Em đâu phải Scheherazade trong Ngàn lẻ…
Trách chi anh chuyện biển rộng sông dài
Nhưng trái tim dịu dàng, chân thật của chị sao giấu nổi lòng mình trước giông bão cuộc đời:
Giông tố rọi theo chiều thẳng đứng
Chớp giật từng cơn từ muôn kiếp dội về
Anh nào biết ẩn sau triền thác đổ
Em trầm mình hóa giải những đam mê
(Giận)
Em- người đàn bà nắng vỡ
Gom góp trống không làm hành trang tìm
niềm tin thất lạc
Gửi vào rừng ký tự mỗi chiều buôn

Anh chưa bị phản trắc
Chưa từng cô đơn
Chưa đối diện những đêm rỗng cùng nỗi
đau trùm ngực
Làm sao anh hiểu được điều người đàn
bà trong em mong ước
(Chối từ)

Tập thơ Những ngọn sóng tỏa hương, Trần Mai Hường dành phần lớn để nói về những câu chuyện tình yêu (37 bài). Bên cạnh đó, chị có 3 bài viết về biển đảo, 2 bài viết về cha với những tình cảm chân thành, hồn hậu.
Chúng ta dễ nhận thấy bao tình cảm tha thiết của nhà thơ được ký thác vào hình ảnh những “ngọn sóng”. Máu xương của những người lính anh dũng hy sinh trong hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 được vĩnh cửu hóa vào hình tượng những ngọn sóng. Linh hồn họ đã hòa vào hồn thiêng sông núi, hòa vào sóng biển biếc xanh và bất tử với thời gian.
Khói nhang trùm mộ sóng/ Đặc quánh những tầng buồn/ Tiếng vọng từ sâu thẳm/ Quặn thắt lòng đại dương
……………………………….
Nơi các anh ngã xuống/ Máu đã thắm san hô/ Anh linh hòa sóng biếc/ Cứ tỏa hương từng giờ
(Những ngọn sóng tỏa hương)
Trường Sa bình yên là một bài thơ thật sự có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh niềm tự hào, lòng biết ơn các thệ hệ cha ông đã hy sinh bao máu xương để gìn giữ và bảo vệ vùng lãnh hải này. Nhà thơ còn nói lên những vấn đề thời sự nhức nhối về biển đảo, về chủ quyền của Tổ quốc và ý thức trách nhiệm công dân:
Tình biển bao dung, lòng biển hiền hòa
Trời của ta đây - biển của ta đây
Dải mây trắng cũng mang hình sông núi
Hạt cát nhỏ cũng khắc ghi nguồn cội
Xương cốt cha ông bao thế hệ giữ gìn

Một Trường Sa máu thịt mẹ đất liền
Mà bóng giặc vẫn đêm ngày rình rập
Câu thơ “Nam quốc sơn hà…” hiên ngang
bất khuất
vững như trụ đồng vươn thẳng tới trời cao

Nhớ cha thời phấn trắng là một bài thơ hay của Trần Mai Hường viết về người cha kính yêu của mình. Một người mà suốt cả cuộc đời luôn vun vén, chăm lo, luôn lao tâm khổ tứ tất cả vì thế hệ trẻ tương lai.
Không còn cha để tặng hoa ngày Hiến/ chương nhà giáo, con lầm lụi lục tìm trong/ di cảo những yêu thương cha dâng tặng/ cuộc đời.
Con lần ngược về ngày tháng xa xôi,/ nhà giáo nghèo quần bạc màu sơ mi sờn/ cổ, nghề lái đò mái chèo là phấn trắng/ bảng đen và những dòng chữ nhỏ, cha gửi/ khát vọng đời mình vào thế hệ tương lai.

Những năm của thời bao cấp, giáo dục chưa được Đảng và Nhà nước chú trọng đúng mức nên đời sống của người giáo viên vô cùng khó khăn. Nhiều người phải bỏ nghề và bước sang những ngả rẽ khác. Riêng cha của nhà thơ Trần Mai Hường vẫn kiên trì bám trụ và sống cả cuộc đời với nghề dạy học. Dù cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn về vật chất nhưng rất đỗi thanh cao và đáng trân trọng. Vì thế, chị rất tự hào, kính trọng và yêu thương cha của mình. Nên kể từ khi cha rời xa cõi nhân gian này đã để lại trong lòng nhà thơ một khoảng trống mênh mang, một nỗi đau khôn xiết:
Đành tự lau giọt nước mắt đầy vơi, bao/ đêm trôi qua… bao đêm trắng nữa, khi/ chết rồi linh hồn con vẫn nhớ, vần thơ/ con chiết tự máu tim cha.

Những câu thơ nhẹ nhàng, man mác như tiếng thở dài của lòng mình, Trần Mai Hường thấm thía sự mất mát, khổ đau vì sự ra đi mãi mãi của cha. Câu: vần thơ/ con chiết tự máu tim cha là một câu thơ hay và gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Những ngọn sóng tỏa hương là tập thơ thứ ba của Trần Mai Hường, tập sách đã cho thấy những bước chuyển mình của chị trên hành trình sáng tạo thơ ca. Sự đam mê và hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc là điều đáng ghi nhận ở cây bút thơ nữ này.

Những ngọn sóng tỏa hương chưa hẳn là tập thơ xuất sắc vì trong đó có đôi chỗ còn lặp lại hình ảnh, tứ thơ nhưng cũng không khó để người đọc tìm ra trong tập thơ những bài thơ hay, những câu thơ hay và những hình ảnh thơ lạ. Tôi ấn tượng cách mà chị dùng các từ ngữ, hình ảnh: trái tim gầy, mùa thiếu nữ, nỗi buồn ngang, đốt miền chay tịnh, hóa thạch bỗng nảy mầm, tiếng chuông mắc cạn, những ngọn sóng tỏa hương, ngôi sao lạc, thịt da đang nhưng nhức bật mầm…
Thơ Trần Mai Hường gây được sự đồng cảm của người đọc bởi sự mượt mà, dịu ngọt, lời thơ nhẹ nhàng, hiền lành, dung dị, sâu lắng như chính tâm hồn của nhà thơ.

/ Mời đọc tiếp/ 10. Huỳnh Thúy Kiều/
Con Tắm Rút Ruột Nhả Tơ – Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét