MỘT NHÀ GIÁO LÀM THƠ CŨNG “KHỔ VÌ TRÍ TUỆ”!
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Nhà giáo, dịch giả Lê Đức Mẫn tặng tôi tập thơ mới của ông: “Nhắc quả chuông”* do học trò in, kèm cuốn sách do ông dịch: “Khổ vì trí tuệ” (A. Gribedov) - bởi qua bạn tôi, một học trò tiếng Nga của ông, ông biết tôi mê văn học Nga cổ điển…
Mặc dù rất quý một người làm thơ “tay ngang” như ông, mặc dù đã được nghe lời phê bình có cánh của nhiều học trò ông, tôi vẫn giở tập thơ đọc một cách rón rén và thận trọng, cố gắng không để tình cảm riêng của giới học trò mà giờ tôi đã tự nguyện gia nhập sẽ lấn át, chi phối cảm thụ độc lập của mình…
Cố gắng đó của tôi không rõ thành công đến đâu, vì nhiều dòng thơ của ông khiến tôi phải ứa nước mắt.
Và tôi dừng rất lâu trước bài thơ NÓI CHUYỆN CÙNG NGUYỄN TRÃI, với dòng phụ đề: “Ngày đến Côn Sơn”:
Trước khi ra đi tôi hỏi cụ rằng:
- Phải làm sao để không nghèo không khổ?
Cụ Nguyễn Trãi vuốt râu cười ha hả:
- Phải làm kẻ nịnh thần, con ơi!
Khi đến Côn Sơn, tôi lại hỏi chơi:
- Phải làm gì để không cần ẩn dật?
Cụ Nguyễn Trãi nâng chén trà cười ngất:
- Phải bịt tai, ngậm miệng, con à !
Tôi lại hỏi thêm, khi trở về nhà :
- Phải làm sao khỏi chu di tam tộc ?
Cụ Nguyễn Trãi ngồi lặng yên phút chốc :
Cụ Nguyễn Trãi ngồi lặng yên phút chốc :
- Phải theo tà, bỏ chính, nghe con!
13.2. 2017
Bài thơ cực kỳ giản dị về ý tứ, câu chữ, hầu như không phải làm thơ, vậy mà ứ đọng lại rồi trào lên trong tôi bao xúc cảm Thơ hiếm thấy, và buộc tôi phải đọc lại vài lần như với một bài văn kệ Phật giáo uyên thâm, một bài thơ Thiền uẩn súc của Đại sư Vạn Hạnh hoặc Đại sư Mãn Giác…
Đọc một số bài khác trong tập, tôi thấy ông sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật khá nhuần nhị; và qua Lời Giới thiệu của nhà thơ Bằng Việt - người bạn thâm niên của ông, được biết thêm: ông vốn xuất thân truyền thống học vấn Nho gia vùng Sơn Nam hạ cũ… Thế đã là rõ cái gốc gác, căn cơ của một kiểu “Thi dĩ ngôn chí” - dùng thơ để nói lòng mình, và phẩm chất lẫn phong thái của một “sĩ phu Bắc Hà” đã giống như một vỉa quặng quý chìm xuyên suốt tập thơ.
Nhưng, đằng sau cái vẻ Nho gia của cách ứng xử đời thường và cách dụng câu dụng chữ kia, trong bài thơ này, nhà giáo, dịch giả Lê Đức Mẫn còn hé lộ cho người đọc - trước hết là cho con cháu và các lớp học trò ông, nhận thấy một thi nhân - triết gia thâm trầm thời hiện đại… Vào mùa xuân 2017, khi lên Côn Sơn tìm lại dấu tích Danh nhân Nguyễn Trãi thời ấu thơ và thời buộc phải về ẩn dật, ông đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” từ lâu, đã “đọ trí” với bao nền văn hóa Đông Tây kim cổ, đặc biệt là với những tác giả lớn của nước Nga, như F. Dostoievski, Y. Lermontov, Leskov, Goncharov, Griboedov, v.v.
Trên đỉnh Côn Sơn, sau khi đã nghe tiếng suối như tiếng đàn cầm của Ức Trai vọng về, ông đã như được trò chuyện với Người, và chỉ chân thật ghi lại cuộc đàm đạo hiếm hoi này… Chân dung Nguyễn Trãi được khắc họa bằng những nét đơn sơ nhất, nhưng đồng thời lại đậm đặc chưa từng có về tâm hồn, phí phách người Anh hùng - Đại thi hào, qua ba động tác đời thường và ba lời thoại phản đề dữ dội tựa châm ngôn đục trên đá tảng: “Phải làm kẻ nịnh thần” - “Phải bịt tai, ngậm miệng” - “Phải theo tà, bỏ chính” – khi muốn cầu an trục lợi, ươn hèn, cơ hội, hưởng thụ! Cụ Nguyễn Trãi quả đã phải làm người “Khổ vì trí tuệ” trong thời buổi nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, khi các giá trị giành lại được từ hàng đống máu xương của dân tộc đang bị phản bội… Con người mà lòng yêu nước thương dân “Cuồn cuộn đêm ngày nước triều đông” ấy đã “cười ha hả”, “cười ngất” trong máu mắt của mình!
Còn tác giả bài thơ, người từng dịch kiệt tác “Khổ vì trí tuệ”, trong khi khắc họa chân dung tinh thần Nguyễn Trãi cùng nỗi đau tâm hồn cụ, cũng đã vô tình cho người đọc nhận ra “chân dung” của bản thân ông! Nếu không rung động sâu xa với nỗi niềm thương Dân, xót Dân của Nguyễn Trãi tới độ nhất định nào đó, sẽ không thể chạm tới nỗi đau lòng khôn tả của cụ bằng những câu hỏi tưởng chừng “vu vơ” nhưng lại động tới nỗi niềm cháy bỏng và nhân cách “mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” của cụ… Người “có trí tuệ” hơn người, tức là có suy nghĩ sâu xa hơn, có nhân cách cao cả hơn mọi người - kể cả những bậc “cầm cân nảy mực” xã hội, thời đại nào cũng thế, tất yếu dẫn đến những bi kịch đau đớn, đưa tới nỗi khổ của “người có trí tuệ”… Nhân vật chàng thanh niên Chatski trong vở kịch của Griboedov chỉ vì có tâm hồn trong sáng, trung thực, xa lạ với thói trưởng giả phù phiếm mà bị vu là “Kẻ điên”, và mọi người trong xã hội trống rỗng ấy cho rằng: nguyên nhân của mọi bi kịch chính là học vấn và trí tuệ! (“Học thức là dịch hạch”). Khuất Nguyên hơn hai ngàn năm trước cũng đã mang nỗi “Khổ vì trí tuệ”, “Tất cả đời nhơ đục, chỉ mình ta trong, tất cả mọi người say, riêng một mình ta tỉnh”, rồi bị đuổi khỏi Tổ quốc bởi tấm lòng trung quân ái quốc của mình, nên phải ôm đá nhảy xuống sông Tương tự vẫn! Điều an ủi là, những người “Khổ vì trí tuệ” thời nào cũng có “đồng tâm nhân” - bạn đồng tâm của mình (chữ của Nguyễn Du khi viết về Khuất Nguyên).
Tính thời sự của bài thơ đã hiển hiện rõ nét trước nỗi “Khổ vì trí tuệ” của một danh nhân lịch sử - tác giả kinh điển thời trung đại VN tìm được sự đồng điệu, đồng cảm của một tác giả thơ hiện đại từng thấu hiểu nỗi “Khổ vì trí tuệ” của một tác giả ở một đất nước xa xôi… Người thơ Lê Đức Mẫn khi xem phim về Vua hề Charli Saplin cũng đã có những dòng thơ hay đến thấm thía về những người có nỗi “Khổ vì trí tuệ” như thế này:
Tôi càng xem phim, càng thấy bàng hoàng
Ông có cười đâu, mặt mày héo hắt
Hóa ra cười phải qua nhiều nước mắt
Tôi cúi đầu muốn khóc, Sác - lô ơi!
( Chuyện vua hề Sác - lô).
Hóa ra cười phải qua nhiều nước mắt
Tôi cúi đầu muốn khóc, Sác - lô ơi!
( Chuyện vua hề Sác - lô).
Thì ra, những người “có trí tuệ” ở đâu cũng là những người có nhiều nước mắt nhất. Nước mắt dành cho nhân loại đau thương, cho những nỗi bất hạnh của đồng loại, đồng bào, sau cùng mới là cho bản thân mình…
Người thơ như miêu tả lạnh lùng:
Cụ Nguyễn Trãi ngồi lặng yên phút chốc :
- Phải theo tà, bỏ chính, nghe con!
Nhưng đó chính là lúc tác giả cố gắng nén nước mắt trước dòng lệ máu của Con Người vĩ đại, người có trí tuệ cao cả nhất của Đất nước ta, người “anh hùng di hận kỷ thiên niên” (anh hùng để hận mấy nghìn năm), nhưng tấm lòng thương Dân mãi mãi sáng như sao Khuê sao Đẩu ( Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo).
Theo tôi, bài thơ này đáng được đưa vào chương trình văn PTTH phần đọc thêm, và đặc biệt cần được in ra nhiều bản để phát cho cán bộ lãnh đạo các cấp đọc & nghiên cứu trong những cuộc họp lớn có liên quan đến vận mệnh của Quốc gia…
_____________
* NXB Hội nhà văn, HN,2020
VANDANBNN gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét