Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

NGƯỜI CÓ THÓI A DUA XU NỊNH THÌ KHÔNG ĐÁNG TIN


NGƯỜI CÓ THÓI A DUA XU NỊNH THÌ KHÔNG ĐÁNG TIN

Trong sách “Thuyết uyển. Quân đạo” có ghi lại một điển cố như sau:
Một ngày, sau khi Yến Tử đã qua đời 17 năm, Tề Cảnh Công uống rượu cùng các quan đại thần trong triều. Gần cuối buổi tiệc, Tề Cảnh Công nổi hứng muốn bắn tên. Không ngờ, Tề Cảnh Công không bắn được một mũi tên nào trúng đích. Mặc dù vậy, các quan đại thần trong triều ai nấy đều trầm trồ khen ngợi không ngớt. Nghe tiếng reo hùa nịnh nọt, Tề Cảnh Công đổi thần sắc, thở dài, rồi ném các mũi tên xuống đất. Các đại thần ai nấy đều sợ hãi nhìn nhau.

Một lúc sau, đại thần Huyền Chương vốn là người chính trực tiến đến, Tề Cảnh Công đau buồn nói: “Huyền Chương! Ta từ khi mất Yến Tử đến nay đã 17 năm rồi chưa được nghe người khác vạch ra khuyết điểm và sai lầm của ta. Hôm nay ta bắn tên không trúng đích, nhưng mọi người vì sao lại đều khen ngợi ta vậy?”

Huyền Chương đáp: “Đây là bởi chúng thần không có tài đức, tài trí không đủ nên không thể nhìn thấy khuyết điểm của Đại Vương, dũng khí không đủ nên không dám mạo hiểm tiến gián. Nhưng có một việc, thần nghe nói, Đại Vương thích mặc cái gì thì các đại thần sẽ mặc cái ấy, Đại Vương thích ăn thứ gì thì các đại thần sẽ ăn thứ ấy. Đại Vương, ngài phải chăng là thích nghe những lời nịnh hót?”

Vua Tề Cảnh Công nghe xong, nói: “Ngài nói phải lắm!”

Khi ấy có quan lại chở cá đến tiến cống nhà vua, Tề Cảnh Công bèn đem 50 xe cá tặng lại cho Huyền Chương. Huyền Chương sau khi trở về thấy xe chở cá mà nhà vua ban tặng đã đứng đầy đường.

Huyền Chương đưa tay vỗ vỗ người đánh xe rồi nói: “Những người nói lời hay hôm nay đều là muốn được những con cá này. Trước đây Yến Tử chối từ không nhận quà tặng chính là vì muốn trợ giúp Quân Vương, vì thế mà ông ấy không bao giờ che giấu sai lầm của Quân Vương. Hiện giờ các quan đều a dua xu nịnh để mưu cầu tư lợi cho nên dù Quân Vương không bắn trúng tên cũng nói lời tán thưởng. Ta phụ tá Quân Vương chưa có nhiều thành tựu mà lại nhận cá Quân Vương ban tặng, đây là vi phạm đạo nghĩa, dựa vào a dua nịnh hót Quân Vương mà mưu cầu tư lợi”.

Vì thế Huyền Chương đã cự tuyệt nhất định không nhận số cá ấy.

Những lời nịnh hót, những lời khen ngợi không thật để lấy lòng sẽ làm che mờ hai mắt của con người. Nó cũng sẽ khiến người nghe không phân biệt rõ chính tà thật giả, sẽ khiến người nghe tự cho là mình đúng, mình hay, mà trở nên kiêu ngạo phóng túng. Cho nên, những bậc minh quân thánh chủ sẽ không bao giờ nghe những lời nói nịnh hót bợ đỡ. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, phàm là những người nhận kết cục tang thân vong quốc thì bên cạnh họ không bao giờ thiếu những kẻ tiểu nhân a dua xu nịnh.

Con người thông thường đều là thích nghe người khác nói lời tốt về mình, thậm chí không thiếu người thích nghe người khác nói lời tâng bốc về mình. Khi nghe những lời nói hay về mình thì họ đặc biệt cảm thấy thoải mái trong tâm. Nhưng kỳ thực, đó là họ đã quên mất lời giáo huấn của cổ nhân: “Lương dược khổ khẩu lợi vu bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành”, thuốc tuy đắng nhưng chữa được bệnh, lời trung tuy khó nghe nhưng có lợi cho việc làm.

Những bậc trí giả, người sáng suốt đều tự hiểu mình, biết mình cho nên họ không coi những lời nịnh hót, bợ đỡ của người khác là thật. Những lời nịnh hót, bợ đỡ không chỉ lừa mình dối người, biến đen thành trắng, biến trái thành phải mà còn khiến người nghe ngộ nhận về tài năng của mình, cuối cùng là hại mình hại người.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải thanh tỉnh, không nên để những lời nịnh hót làm mê hoặc mà lầm tưởng cho là đúng. Nhưng làm sao để tránh khỏi phải nghe những lời nịnh hót bợ đỡ? “Cảnh tùy tâm chuyển”, khi bản thân chúng ta có thái độ dứt khoát, không muốn nghe những lời nịnh hót, dối trá thì đối phương cũng sẽ tự thay đổi giống như lời của Huyền Chương nói với Tề Cảnh Công vậy.

VANDANBNN st tu thân/ gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét