Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

NGUYỄN NGUYÊN BẢY VIẾT VỀ HOA NHÀI./ Mai An Nguyễn Anh Tuấn


NGUYỄN NGUYÊN BẢY VIẾT VỀ HOA NHÀI.
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Sau bài viết về Hoa Nhài, một số bè bạn và học trò tôi đề nghị nói thêm về bài thơ “Hoa Nhài” của một thi sĩ-nhà phong thủy mà ở bài viết trên tôi có nhắc đến…


Đại sư phong thủy - nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy (NNB) là một người thơ yêu thiên nhiên, yêu hoa cỏ đến độ "Tình có nụ cười bối rối các loài hoa", và tự nhận là "một lãng du yêu"… Trong khi nói về các loài hoa như trà mi, hoa sữa, hoa quỳnh, cả loại "hoa chân chim" - bước chân của "chim trống lặn lội đi tìm" chim cái, v.v, ông không thể không nói đến Hoa nhài.
Phải chăng, "Hoa thơm ai giắt mái đầu/ Mây kia bất tử một mầu nhớ thương" mà NNB ngẩn ngơ, trước hết chính là hoa nhài?
Ta có thể hình dung, trong một đêm nọ, "Sân trăng tình lại ngồi kề bên nhau/ Mái đầu lại chụm mái đầu ", người thơ đã kể về một loài hoa thực đáng yêu song từng bị chịu đựng nhiều bất công hơn cả - đó là hoa nhài:

HOA NHÀI

Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm.

Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.

(“Thơ Nguyễn Nguyên Bảy” - Nxb văn học, Hà Nội, 2010)

Bài thơ chỉ có hai câu, và mỗi câu gồm những chữ ngắn, hầu hết là những động từ khẳng định ( câu 1 thì hoàn toàn là động từ ) được liên kết bằng những dấu chấm - người đọc chợt hình dung chúng tạo thành một vòng tròn (Xem hình minh họa). Vòng tròn diễn tả tính liên tục của sự vật, sự tuần hoàn, và cả sự thay đổi. Ở đây, mỗi nội dung của sự việc, của sự thay đổi được cô đúc ngắn gọn và diễn đạt như trong đồng dao trẻ em xưa.


Ở vòng tròn thứ nhất : "Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm", tác giả khách quan hóa sự việc bằng cách để chính hoa kể lại sự việc và diễn tả thuần bằng động tác: "Ướp trà em. Cài tóc em". Nhưng chỉ một chữ "mà" đã bộc lộ rõ rệt thái độ bực bội, phản kháng của hoa trước thái độ vô ơn của người đời! Cuối câu giống như một sự thách thức của hoa trước sự quan sát say mê đầy tinh thần cổ vũ của người thơ: "Hoa nở đêm"!

Đến vòng tròn thứ hai, tác giả hoàn toàn tách khỏi hoa, làm người phán xét và bênh vực cho hoa: "Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài". Tác giả như kêu lên mừng rỡ trước thắng lợi của sự diễn tiến hợp quy luật: "Nhưng em vẫn nở đêm". Sự hợp quy luật này cũng phù hợp với đạo lý ân nghĩa (mặc dù không phải ai cũng hiểu được như thế!), vì vậy hoa mới có thể tự nhiên và kiêu hãnh (ít nhất là trong con mắt người thơ): "Tắm mình trăng. Tắm mình sương", để tiếp tục "Cho ngon trà. Cho ngọt tóc." Và sau cùng là sự khẳng định đầy trân trọng và cũng thật giản dị của người thơ đối với hoa: "Em vẫn là em. Hoa Nhài".

Tới đây, hai vòng tròn ước lệ trên như nhập lại làm một trong mối đồng cảm với hoa, trong niềm tự hào về hoa. Và chúng ta có thể thấy nó giống như một vòng tròn của sự "Chuyển dịch càn khôn" trong Dịch học, và của triết lý Đạo Phật: "Thể mọi pháp đều không: không sinh cũng không diệt, mỗi sự vật đều có mặt tròn đầy trong sự rỗng lặng trong sáng của nó..." ("Những nét văn hóa của đạo Phật"- Thích Phụng Sơn- Viện nghiên cứu Phật học VN, 1995)

Chính tâm thế ấy sẽ giúp con người tỉnh thức, thoát khỏi mọi sự lôi kéo ràng buộc mê hoặc đã trở thành thói quen cố hữu, để nhìn nhận sự việc một cách chân thật, với một tình thương yêu rộng lớn và niềm hạnh phúc vô biên - điều đó đạo Phật gọi là "Chân tâm" hay "Phật tính". Với sự bênh vực- đúng hơn là với sự đánh giá mang màu sắc dân gian và đậm "Phật tính" này, Hoa Nhài từ nay đã đủ tư cách đàng hoàng để có mặt trong những nơi linh thiêng nhất của Phật điện, của đời sống tâm linh người Việt!

Còn riêng về chữ nghĩa, bài thơ "Hoa Nhài" của NNB có thể nói là một thứ "siêu kỹ thuật" của người luôn luôn tự nhận là "nghiệp dư thơ"!

Người đọc có thể dễ dàng cảm thấy: trái tim nhân hậu, giàu cảm thông của người thơ từ những năm tháng xa xưa phải chăng đã biết nhìn sâu vào tận đáy tâm trạng và thân phận người, thấu hiểu và mong chiêu tuyết cho những người phụ nữ bị định kiến khắt khe dìm dập trong dân gian: Thị Mầu, Đào Huế, Hến, "cô gái bánh đa bánh đúc"... - họ nếu không chìm nổi ngụp lặn trong đời sống dân dã thì cũng bị bêu rếu bởi công luận hẹp hòi, nhưng chắc hẳn họ đều có những "lời yêu mượn cánh thánh thần chở che"... Những nhân vật đó, cùng với Hoa nhài nhiều năm sau đã xuất hiện giữa "Nhật Nguyệt"- tên một phần trong tập thơ của NNB!

Để có những lời thơ giản dị đến thấm thía như vậy về Hoa nhài, chắc hẳn người thơ đã phải vượt qua biết bao những "Hoang tưởng" - cái hoang tưởng từng thử thách "trái tim người yêu nhau", đã phải đi qua biết bao "Bụi bặm nhân gian mưa nắng cuộc đời", thậm chí nhiều lúc "trước mặt sông Mê sau lưng bến Lú"... Nhưng, kỳ diệu thay, luôn luôn có vầng trăng "như thần linh chứng giám" cho mối "thủy chung yêu một đời"…

Và ai dám bảo trong vầng trăng đó không ngan ngát một mùi hương hoa nhài mách bảo cho lương tri về chân giá trị của Đời nói chung, của Tình yêu nói riêng?
_____________

Ảnh: Vòng tròn Chuyển dịch càn khôn dịch học và vòng tròn của đạo Phật giúp hiểu thêm về bài thơ Hoa Nhài của NNB.

Vandanbnn/ Copy nguyên trang từ Fb NAT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét