Tác phẩm TÌNH THƠ BẠN THƠ (36 khúc đò đưa) của Nguyễn Văn Hòa là
tập tiểu luận phê bình giới thiệu 36 gương mặt thơ đương đại của Việt Nam. Trong
đó gồm đủ các tác giả nam, nữ, chuyên nghiệp và nghiệp dư, cả các nhà thơ đã
lớn tuổi và nhà thơ đang còn trẻ.
Các bài tiểu luận có khi là phân tích một bài thơ của một tác
giả, hoặc giới thiệu, bình luận một tập thơ, còn đa phần giới thiệu tác giả tác
phẩm của nhà thơ.
Vì khối lượng cảm thức của tập sách, không thể đọc lướt nhanh
được.Tôi chỉ có thể tranh thủ mỗi ngày giành thời gian đọc một hoặc hai bài.
Đến hôm nay mới tạm cho phép mình thu hoạch vài điều cảm nhận về
cuốn sách.
Với những bài tiểu luận của mình, Hòa đã phác họa ra chân dung
các nhà thơ qua thơ của họ bằng ngòi bút cần mẫn trân trọng ,ưu ái và khá
chuyên nghiệp.
Chân dung các nhà thơ đã được Hòa thẩm định qua thơ của chính
họ, tôi lại hình dung ra chân dung của chính Hòa, một chân dung rất đáng quý,
đáng trân trọng.
Hình như nghề nghiệp của Hòa là một thầy giáo, có được đào tạo
cơ bản về lý luận phê bình, nên việc bình thơ chủ yếu là niềm đam mê, nghề tay
trái?.
Trước hết, tôi xin ngưỡng mộ Hòa về sức lao động trí óc.
Người sáng tác thơ, ngoài đam mê, một ít năng khiếu thì cần cảm
xúc và kỹ năng cũng như kinh nghiệm sống cùng vốn liếng ngôn ngữ.
Nhưng người bình thơ ngoài một tâm hồn mẫn cảm với thơ còn phải
có nghề mổ xẻ thơ mới tìm ra những tinh túy ẩn giấu sau ngôn ngữ thơ. Như công
việc tìm ngọc trong đá.
Người bình thơ chỉ điểm dẫn dắt giúp người đọc thấy được cái hay
cái đẹp của ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật tác giả sử dụng; Tứ thơ ẩn giấu mà
không phải độc giả nào cũng cảm thức ra được.
Người bình thơ phải ở trong tâm thế là bạn tri âm của tác giả
thơ thì mới cảm thấu được hồn thơ tác giả. Tác giả mới an tâm đem đứa con tinh
thần của mình cho người bình chăm sóc.
Trong tập tiểu luận này, Hòa đã làm khá tốt vai trò đó. Điều đó
chứng tỏ Hòa đã bỏ rất nhiều tâm lực, thời gian để đọc và nghiền ngẫm một khối
lượng thơ cực khủng. Thật là khâm phục sự lao động nghiêm túc của cậu ấy.
Điều thứ hai tôi muốn nhận xét về tính cách của Nguyễn Văn Hòa,
đấy là sự dũng cảm. Bởi khá đông các nhà thơ được Hòa đem thơ ra
"chém" đều đã và đang nổi tiếng, đã thành danh, có chỗ đứng trên văn
đàn, nhận xét lơ tơ mơ hay hời hợt đâu có được. Kể cả chỉ khen, mà khen không
đúng, không thấu tỏ cũng làm tác giả không vui. Coi chừng bị "trảm"
ngược như chơi.
Vì có những tác giả mà thơ của họ đã được nhiều người bình từ
rất lâu trên nhiều khía cạnh. Việc Hòa bình luận tác phẩm của những tác giả ấy
sẽ như một đối trọng để so sánh tính chuẩn xác và nghệ thuật phân tích.
Nhà thơ vốn nhạy cảm, điều làm họ sung sướng cảm tình, chính là
tri âm với thơ họ, tiếng lòng của họ. Chứ họ chưa chắc đã cần danh tiếng cho
thơ họ từ bài viết của Hòa.
Các nhà thơ đã được Hòa thẩm thơ đều thiện cảm với cậu ấy, chứng
tỏ Hòa đã chạm vào tri âm với tác giả, đó sự chuyên nghiệp và ngòi bút tự tin
của Hòa.
Hòa nhìn còn rất trẻ, mặt mũi hiền khô, nụ cười bẽn lẽn, người
tỉnh lẻ, kinh nghiệm vốn sống chắc chưa dày. Và một điều quan trọng Hòa là ĐÀN
ÔNG! Nhưng những tác giả thơ Hòa thẩm định đa số là nữ đã lớn tuổi, bề dày cuộc
sống phong phú. Người làm thơ khác người thường ở chỗ có tâm hồn nhạy cảm bay
bổng, và thi sĩ thực sự thì rất cô đơn.
Phần lớn các tác giả dù mạnh mẽ thành đạt ở cuộc đời, nhưng đời
sống tình cảm đều giông bão, trắc trở khổ đau, họ lấy thơ làm cứu cánh, giãi
bày những góc khuất, những khát vọng được yêu, được sống, những gì họ trải qua,
chiêm nghiệm ...
Cùng chung tâm trạng, khi làm thơ, sao tránh khỏi các tác giả có
những cách dùng ngôn ngữ để biểu đạt những tâm trạng giống nhau.
Hòa là đàn ông, lại còn trẻ, làm sao đủ sự tự tin thông cảm để
hiểu các tâm sự day dứt, nỗi khát khao, nỗi cô đơn cũng như nỗi đau của từng người,
để mà cảm được nét thơ, tiếng lòng riêng biệt của từng người đây? Nhiều khi chỉ
có đêm và thơ của chính tác giả mới hiểu được những điều đó. Với một thanh niên
như Hòa, làm sao phân thân để trở thành tri âm của họ và thơ họ, nếu như Hòa
không có tâm và chịu khó mày mò hóa thân vào đó.?
Mỗi bài Hòa viết lại trong một thời điểm khác. Khi xếp lại tất
cả các bài chung một chỗ. Nếu không nghệ thuật lành nghề, sẽ thấy các bài viết
lộ sơ hở: đều đều biện luận giống nhau, sẽ sinh nhàm chán ngay.
Trong tập 36 tiểu luận này, tôi đã xem khá kỹ, Hòa đã hạn chế
được rất nhiều rủi ro đó.
Nên dù hoàn cảnh " đau" của rất nhiều nữ thi sĩ giống
nhau,( cái chất làm nên thơ).Bằng bút pháp khéo léo của mình, Hòa đã phác họa
cốt cách chân dung khác biệt cho các tác giả. Các bài viết đủ sức hấp dẫn lôi
kéo độc giả đọc hết bài này đến bài kia. Đấy chính là kỹ năng lành nghề
"Magic...." tinh túy của cậu ấy.
Ngôn ngữ Hòa dùng trong các tiểu luận giản dị mộc mạc, dễ hiểu,
dù Hòa phân tích khá kỹ những ngóc ngách ngôn ngữ thơ từng người, chỉ rõ bút
pháp, thể loại thơ cũng như nghệ thuật diễn đạt cấu tứ thơ của từng tác giả.
Bằng lối bình luận không cầu kỳ, nhưng Hòa đã cho một độc giả bình dân như tôi
phân biệt ra nét riêng phong cách thơ, tầm vóc của từng nhà thơ khá chính xác.
Không như một số nhà phê bình thơ tôi được đọc đã quá chú trọng dùng những
thuật ngữ chuyên môn của lí luận phê bình, ám thị người đọc chỉ chú ý vào những
ngôn ngữ của chính người bình, rồi giảm sự thấu cảm thơ. Theo tôi, đấy là cách
phô chữ không cần thiết, lối bình đó hàn lâm, chỉ thích hợp với viện nghiên
cứu. Còn bình thơ thông thường là như người đưa đò khéo léo dẫn dắt độc giả đến
với con thuyền thơ. Mà độc giả của các nhà thơ đâu phải ai cũng thông kim bác
cổ để mà hiểu những thuật ngữ hàn lâm. Vậy nên tôi thích cách sử dụng ngôn ngữ
giản dị nhưng hiệu quả của Hòa khi giới thiệu thơ, như dùng một sợi dây mềm mại
kết nối chỉ điểm cho độc giả đến với thơ, hiểu thơ cặn kẽ.
Trong một bài thơ, có khi một câu hoặc một khổ thơ làm nên một
tứ thơ, hay một bài thơ làm nên một tác giả.
Người bình thơ cảm nhận tinh tế sẽ nhặt ra những hạt ngọc đó.
Khi đọc cả một danh sách tác phẩm của một tác giả, chọn ra được những dẫn chứng
điển hình xác nhận cho luận điểm của người bình cũng giống như tìm XÁLỊ. Hòa đã
làm được việc tinh tế đó. Những câu thơ, đoạn thơ, những bài thơ Hòa trích dẫn
có lúc làm tôi ám ảnh về tác giả. Tôi phải tò mò đi tìm tác giả, tìm thơ của họ
để được thấu thị hơn.
Điều này xác nhận tài hoa của Nguyễn Hòa, phải không?
Những ưu điểm của Nguyễn Hòa đã khẳng định cậu ấy đủ tư chất đi
theo con đường phê bình văn học. Các tác giả thơ có thể tin cậy giao phó thơ
cho cậu ấy tô son điểm phấn.
Tôi tin với tính cách khiêm tốn, sự đam mê, trân trọng với văn
chương, sự lao động cần cù cũng như tài hoa của Hòa, thì tay nghề của Hòa sẽ
ngày càng được nâng cao.
Cho dù không phải tất cả các bài tiểu luận đều xuất sắc. Hay
không phải tất cả các tác giả được Hòa chọn để bình đều xứng đáng.
Nhưng tập tiểu luận TÌNH THƠ BẠN THƠ là cuốn sách đáng có trong
tủ sách các bạn yêu thơ. Nó đã được trang trọng đứng trong kệ sách của tôi.
Tôi trân trọng và hãnh diện có nó. Như tôi có thêm Nguyễn Văn
Hòa là bạn. Hay những tác giả thơ trong cuốn sách này đã, đang và sẽ là những
người bạn thơ mà tôi yêu quý. Hy vọng là thế.
Nhà thơ Mai Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét