Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

ĐỌC NHANH SÁCH THƠ BẠN THƠ 10 (Nhân đọc Thơ Bạn Thơ 10, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)



ĐỌC NHANH SÁCH THƠ BẠN THƠ 10
(Nhân đọc Thơ Bạn Thơ 10, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)
NGUYỄN VĂN HÒA 

Thơ Bạn Thơ 10 là tập sách thứ 10 trong Bộ Tuyển tập Thơ Bạn Thơ do vợ chồng Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên khởi xướng từ năm 2012. 

Thơ Bạn Thơ 10 cũng giống như một số tập trong Tuyển Thơ Bạn Thơ, Mở đầu cuốn sách là Lời thưa của vợ chồng Chủ biên: Lý Phương Liên –Nguyễn Nguyên Bảy (Những lời gan ruột và thể hiện rõ sự tri ân, sẵn sàng sống chết với Thơ một cách tinh khiết nhất, vô tư nhất, công tâm nhất với một Đức tin cao cả về nền Thơ Việt). 

Phần chính là tuyển chọn thơ của 120 tác giả, với 271 bài. Chừng ấy tác giả đã làm nên một tập sách khá đầy đặn với độ dày 300 trang (tác giả góp mặt ít nhất 1 bài, nhiều nhất 4 bài). Đọc qua tập sách, phần nào người đọc cũng có thể đánh giá được chất lượng, giá trị của tập thơ. Dù rằng trong 120 tác giả được Tuyển chọn trong tập sách thứ 10 (cuốn thơ cuối cùng của Tuyển tập) có thể có những bài chưa thật sự hay, có những tác giả mới xuất hiện, chưa được công chúng biết đến nhưng trên hết là cái tình và tấm lòng của những người thực sự yêu thích văn chương. Vì thế sự góp mặt của họ sẽ làm nên sự đa thanh sắc trong vườn thơ Việt hôm nay. Đó cũng là đều đáng trân quý. 

Trong Tuyển tập Thơ Bạn Thơ 10, những tên tuổi đã định hình trong nền thơ Việt được nhiều người biết đến như: Đoàn Thạch Biền, Trương Nam Chi, Lâm Tẻn Cuôi, Trần Hồng Giang, Song Hảo, Trịnh Bửu Hoài, Phạm Ngọc Lư, Lê Thanh My, Từ Sâm, Mai Thìn, Ngọc Tình, Phạm Đức Mạnh, Phạm Thị Cúc Vàng, Trần Thoại Nguyên, Phan Trung Thành, Vũ Hồng, Hoàng Hưng, Hồ Nghĩa Phương, Ngô Thị Hạnh... còn có những tác giả vừa mới xuất hiện những năm gần đây nhưng họ cũng tạo được dấu ấn riêng, thể hiện được nét độc đáo và sự tài hoa trên từng trang viết. 

Nguyễn Thị Kim Nhung với những dòng thơ trữ tình được chuyển tải bởi ngôn từ và cách diễn đạt mới mẻ theo cách của riêng chị. Trữ tình triết lý và nữ tính... Ngày ta chia tay/ đàn chim không về trên giàn hoa giấy/ mây bỏ đi theo gió quên hẹn ngày về/ cây bàng mùa đông chưa trút hết lá/ cuống bướng bỉnh bám cành/ rồi sẽ rụng thôi
.............
đêm đông lằng lặng/ gió nằm im không dám trở mình/ những mất mát thi nhau đồng hiện/ lâu rồi anh không còn nhắc về mùa cải đắng/ vàng hoa xao xác mấy mùa/ dạo ấy chúng mình không nói dối/ và tóc em dài hơn đôi lần trong vườn hoa thành phố/ em gặp màu áo cưới ngày xưa/ từa tựa hình tan vỡ/ sau cùng sẽ là nước mắt/ nước mắt luôn là kẻ đến sau/ nhưng không lỗi hẹn bao giờ.
(Lạc)

Nhà giáo, nhà thơ trẻ Huỳnh Ngọc Huy Tùng góp vào tập sách những vần thơ giàu chiêm nghiệm với lối diễn đạt nhẹ nhàng, trong trẻo dễ neo đậu vào tâm hồn người đọc.
Có những lúc đứng lặng giữa hoàng hôn/ Nghe tiếng mưa rơi lòng ta rét mướt/ Trên sân trường âm vang tí tách/ Chốn cũ nơi này ai giấu mất tiếng ve? Nhớ những lúc ta nhìn nhau nói khẽ/ Lời yêu thương... ánh mắt dịu dàng.../ Giờ đâu còn? Mây hạ lang thang/ Rong ruổi đi tìm ngày xưa áo trắng/ Dẫu biết đời còn bao cay đắng/ Ta mệt nhoài với bao suy nghĩ được không,/ cuộc tình buồn như lá trầu không/ Miếng vôi bạc đắng lòng ai giông bão/ Có những lúc lạc trong giấc chiêm bao/ Ta mơ thấy em về gõ cửa/ Có những lúc.../ Ta dặn lòng đừng nhớ nữa/ Quên hết nỗi buồn.../ Lòng chợt sáng trong hơn! (Có những lúc)

Một Lưu Hồng Vân thể hiện một cái tôi luôn trăn trở, suy tư, khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là một khoảng trống, chông chênh chưa được lấp đầy, chưa được thỏa mãn. /Dở dang cỏ mọc bãi bồi/ Ố hoen dòng chảy rửa trôi đất màu/ Đâu rồi bãi lúa nương dâu/ Thuyền đi ngược gió khói màu xanh đen// Em sang ngang chẳng cần đò/ Tôi đi đưa đón chẳng lo nước đầy.. (Cây cầu).

Giữa lúc thơ có phần “lạm phát”, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, trong suy nghĩ của nhiều người thơ đã mất đi giá trị đích thực của nó. Ở một khía cạnh nào đó, suy nghĩ của họ cũng có phần đúng, bởi dưới tác động của nền kinh tế thị trường thời mở cửa, bao giá trị, chuẩn mực bị biến tướng. Giá trị đích thực của văn nghệ nói chung, thơ nói riêng cũng không tránh khỏi những lệch chuẩn ấy. 

Trong bối cảnh như vậy mà có người bỏ tiền túi lặng lẽ làm công việc tập hợp thơ của bạn đọc cả trong và người nước, không biệt đẳng cấp, địa vị xã hội, tuổi tác, vùng miền... miễn là thơ hay thì được chọn để in vào Tuyển tập. Đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng trong đời sống văn học hiện nay. Những gì vợ chồng Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy đã làm trong khoảng 10 năm nay cho công trình văn chương đồ
sộ này với những sản phẩm là Bộ Tuyển tập: Thơ Bạn Thơ (10 tập), Văn Bạn Văn (2 tập) và các đầu sách bổ trợ như Vườn Năm Nhà (3 tập), Chém gió muôn mầu (4 tập ), Tình Thơ Bạn Thơ (1 tập)... là một minh chứng đầy thuyết phục về công sức, tiền bạc và cách tổ chức sắp xếp, làm việc rất đáng nể phục của vợ chồng người Chủ biên Lý Phương Liên – Nguyễn Nguyên Bảy. Công việc dù nhọc nhằn và phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ nhưng tôi tin đó là niềm vui, sự hạnh phúc của cặp vợ chồng thi sĩ đặc biệt trong nền văn chương Việt này. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng hạnh phúc đối với mỗi người là không bao giờ giống nhau. Bởi trong đời sống, có người lấy sự cống hiến làm hạnh phúc, có người lại lấy việc thu vén cho cá nhân mình làm hạnh phúc, có người thiên về vật chất, có người nghiêng hẳn về tinh thần nhưng không phải tất cả đều là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực và có giá trị lâu bền khi con người hướng đến những giá trị tinh thần, nhân văn sâu sắc, đem đến niềm tin và sự yêu mến của mọi người, vì ở đó họ làm việc là vì tình yêu, sự công tâm, vô tư, không hề toan tính hay vụ lợi. Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên là người hạnh phúc vì đã làm được điều mình tâm huyết và đau đau cả một đời với Thơ. Càng hạnh phúc hơn là vợ chồng ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ, phong phú và rất có giá trị./.

Bt Dụ án sách TBT - Nguyễn Văn Hòa
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét