Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Việt Cuong Sarraut NGUYỄN NHƯỢC PHÁP VÀ BÀI THƠ "CHÙA HƯƠNG"



Viêt Cuong Sauraut
NGUYỄN NHƯỢC PHÁP VÀ BÀI THƠ "CHÙA HƯƠNG"
(St theo Wikipedia)


VCS: Nếu nói đến mỹ nhân cô Đỗ Thị Bính Hàng Đẫy mà quên không
nói đến Thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp thì quả là rất thiếu sót.

CHÙA HƯƠNG
(Thiên ký sự của cô bé ngày xưa)
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng ?"
- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai
Em đi cùng với me
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe.
Thầy me ra đi đò
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ nhường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em.
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông giời ôi chen!"
Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm giời mênh mông
Xa xa mờ núi biếc
Phơn phớt áng mây hồng.
Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ
Thầy khen hay, hay quá
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi, bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói:
"Nam mô A-di-đà!"
Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi
Chùa lấp sau rừng cây
Thuyền ta đi một ngày
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ.
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong".
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong".
Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời,
Mơ nhiều... Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cười.
Em chưa tỉnh giấc nồng
Mây núi đã pha hồng
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo.
Mẹ bảo: "Đường còn lâu.
Cứ vừa đi ta cầu
Quan thế âm bồ tát
Là tha hồ đi mau"
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).
Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)
Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Mẹ vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu mau lên nhé
Chiều hôm nay ta về.
Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây.
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên giời.
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi?
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng..
Nghệ sỹ Trung Đức và giáo sư Trần Văn Khê đã phổ nhạc cho bài thơ "Chùa Hương" thành ca khúc "Em đi chùa Hương" chỉ là các trích đoạn của bài thơ này.

Nguyễn Nhược Pháp là nhà thơ trữ tình của việt Nam, ông là con trai của nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh.Năm 1914 nước Pháp suy yếu, bị Đức đánh bại nhiều trận thê thảm nên khi Nguyễn Nhược Pháp ra đời ngày 12/12/1914 ông Vĩnh đã lấy sự kiện đó mà đặt tên cho con là Nhược Pháp.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) sống trên dương gian vỏn vẹn 24 năm, nhưng hậu thế không thể nào quên ông là tác giả bài thơ “Chùa Hương” ghi dấu tâm hồn bao lớp người hâm mộ.

Sau khi có bằng Tú Tài, Nguyễn Nhược Pháp vào trường Luật và cộng tác với nhiều tờ báo. Mỗi ngày, đến giảng đường hoặc đến tòa soạn, Nguyễn Nhược Pháp đều tìm cớ đi ngang ngôi nhà 37 Hàng Đẫy vì ở đó có mỹ nhân Đỗ Thị Bính. Nhỏ hơn Nguyễn Nhược Pháp một tuổi, Đỗ Thị Bính là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi. Nức tiếng xinh đẹp, Đỗ Thị Bính được xưng tụng tứ đại mỹ nhân Hà Thành (cùng với cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ và cô Nga Hàng Gai) lúc bấy giờ. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mặc cảm gia cảnh nghèo khó chưa bao giờ dám ngỏ lời công khai với tiểu thư khuê các Đỗ Thị Bính, nhưng mối tình của họ được nhiều người nhận ra.

Khi tương tư mỹ nhân Đỗ Thị Bính, bối cảnh sống của Nguyễn Nhược Pháp được chính ông tự thú: “Thường khách tài hoa mê nàng Đẹp/ Thay cơm bằng hai xu phở bò/ Có khi óc đầy nhưng bụng lép/ Thu chăn đành ngủ dài cho no”. Thế nhưng, mỗi ngày nấn ná trước cánh cổng của ngôi nhà 37 Hàng Đẫy, vẫn dạt dào cảm hứng trong lòng Nguyễn Nhược Pháp khi được chiêm ngưỡng người đẹp: “Cúi đầu nàng tha thướt/ Yêu kiều như mây qua/ Mắt xanh nhìn man mác/ Mỉm cười vê cành hoa.
Đặc biệt, bài thơ “Chùa Hương” dù ghi chú “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”, nhưng hình bóng “em tuy mới mười lăm” phảng phất dáng vẻ mỹ nhân Đỗ Thị Bính: “Hôm nay đi Chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao”. Tuy nói mông lung, nhưng Nguyễn Nhược Pháp cũng để bản thân xuất hiện trong không gian “Chùa Hương” khá lãng mạn: “Mơ xa lại nghĩ gần/ Đời mấy kẻ tri âm/ Thuyền nan vừa lẹ bước/ Em thấy một văn nhân/ Người đâu thanh lạ thường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai nhìn không thương.../ Dòng sông nước đục lờ/ Ngâm nga chàng đọc thơ/ Thầy khen: "Hay! Hay quá!”/ Em nghe rồi ngẩn ngơ”.
Bài thơ “Chùa Hương” được phổ nhạc và quen thuộc với công chúng khắp nơi. Mối tình với mỹ nhân Đỗ Thị Bính được Nguyễn Nhược Pháp không chỉ gửi gắm trong bốn câu kết “Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ màng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng”.
Ngày 19/11/1938, Nguyễn Nhược Pháp trút hơi thở cuối cùng, để lại một niềm riêng “Đi vui rồi vẩn vơ/ Hay đâu thức còn mơ/ Lạc vào trong vườn mộng/ Mồm vẫn còn ngâm thơ!”. Mỹ nhân Đỗ Thị Bính về sau kết hôn với kỹ sư Bùi Tường Viên và có cuộc sống rất êm ấm. Bà Đỗ Thị Bính theo gia đình đi kháng chiến, rồi từ sau năm 1954, công tác tại phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Bà Đỗ Thị Bính qua đời năm 1992.
Hoàn cảnh cho Nguyễn Nhược Pháp có cảm hứng viết bài thơ "Chùa Hương" được nhà văn, nhà nghiên cứu Văn học Nguyễn Vỹ kể lại: "Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: "Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...". Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: "Nam mô cứu khổ cứu nạn..." rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: "Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?" Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc. Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô Gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với có gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy..."

*****

Chân dung Thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp và mỹ nữ Đỗ Thị Bính(ảnh st)
Copy nguyên trang theo fb Nghiem Truong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét