Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

9 thứ người giàu nghĩ và hành động khác người nghèo


9 THỨ NGƯỜI GIÀU NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG KHÁC NGƯỜI NGHÈO.


1. Tin vào quy luật thu nhập
Người giàu tin rằng tiền họ làm ra phản ánh đúng những giá trị bản thân mang lại cho thị trường. Nói cách khác, nếu tập trung tạo ra được một sản phẩm mà ai cũng cần/muốn, họ sẽ được trả công xứng đáng.
Ví dụ như câu chuyện về người phát minh ra gương chiếu hậu có khả năng tự động làm mờ – sản phẩm xuất hiện trên hầu hết các xe ôtô tại Mỹ. Liệu anh ta có xứng đáng được trả 15 USD cho mỗi giờ bỏ ra sáng tạo sản phẩm này? Hay là bởi sản phẩm thành công tuyệt đối, anh ta nên nhận được một phần cho mỗi chiếc bán được? Chắc hẳn trường hợp thứ hai sẽ hợp lý hơn cả.
Người nghèo tin rằng chúng ta nên được trả lương như nhau, bất chấp sản phẩm mỗi người làm ra là khác nhau. Với tư tưởng này, sự cải tiến sẽ chẳng thể tồn tại. Người nghèo thì vẫn cứ nghèo, và nguy hiểm hơn là việc những người khác cũng sẽ nghèo như họ.

2. Tập trung vào cơ hội chứ không phải khó khăn
Ngày xưa, có một người bán giày tha phương, cố gắng bán những đôi giày cho người bản xứ. Vấn đề duy nhất ở đây là chẳng ai ở đó đi giày, vì vậy việc bán hàng rất khó khăn. Không lâu sau, người bán giày bỏ cuộc và quyết định rời nơi đó.
Trên đường rời đi, ông gặp một người bán giày khác. “Đừng mất công vào thị trấn này làm gì”, người thứ nhất nói. “Những người dân ở đó thậm chí còn chẳng đi giày”. Đôi mắt của người thứ hai chợt sáng lên: “Không ai đi giày? Vậy là tôi có thể bán giày cho tất cả mọi người ở đó! Thật là may mắn khi tìm được một thị trường mới mẻ!”
Mấu chốt vấn đề chính là góc nhìn. Người nghèo thường nhìn thấy chướng ngại vật và nhanh chóng bỏ cuộc. Trong khi đó, người giàu nhìn ra cơ hội và dám thử những gì người khác không dám làm.

3. Kết giao với những người tích cực và thành công
Người giàu hiểu rằng thái độ có vai trò rất quan trọng. Nếu họ cứ kết giao với những người luôn phàn nàn về thời tiết, phản đối chính phủ, kêu ca về nền kinh tế, thì sớm muộn chính họ cũng sẽ hình thành những thói quen đó.
Ngược lại, nếu kết giao với những người thường nói về thành công, cơ hội hay những điều tích cực trong cuộc sống, nhiều khả năng họ sẽ nhìn nhận thế giới theo một góc độ hoàn toàn khác!
Thay vì nghĩ về thế giới xung quanh như một nơi tồi tệ, người giàu nhận thấy đó là một mảnh đất phát triển, đầy thành công và cơ hội. Một ví dụ điển hình là người dân Mỹ với những người nhập cư vào Mỹ.
Những người nhập cư vào Mỹ có khả năng trở thành triệu phú cao gấp 4 lần so với dân bản địa. Lý do chính là bởi trong khi người bản địa chỉ tập trung nói xấu về cuộc sống ở Mỹ, người nhập cư nhìn nhận đất nước này như một mảnh đất đầy cơ hội.

4. Dám tự đề cử bản thân 
Người giàu không ngần ngại nói cho bạn biết họ giỏi thế nào, và hầu như họ không nói quá. Người nghèo có thể giỏi nhiều thứ, nhưng họ thường tự hạ thấp bản thân mình. Bởi vậy, kỹ năng của họ sẽ thường không được đánh giá cao.
Nếu bạn muốn giàu có, hãy học cách chứng tỏ giá trị của bản thân.

5. Vượt lên trên mọi vấn đề
Người nghèo khi nhìn nhận thất bại sẽ đổ lỗi cho vận xui và sau đó ngừng cố gắng. Trong khi đó, mặc dù nhiều vấn đề có thể gây khó khăn cho người giàu, họ sẽ không bỏ cuộc. Người giàu sẽ làm việc cho đến khi tìm ra giải pháp để đạt được chiến thắng cuối cùng.
Một câu chuyện có thể được lấy làm ví dụ cho luận điểm này. Một mảnh đất được rao bán dưới dạng “phục vụ mục đích dân sinh”. Nhiều nhà đầu tư trong khu vực hiểu rằng giá trị của mảnh đất sẽ tăng lên đến 25 lần nếu được sử dụng với mục đích thương mại. Tuy nhiên, nhiều người không thành công với đề nghị thay đổi này, bởi thế mà giá của mảnh đất vẫn bị thấp đi rất nhiều.
Mọi chuyện chỉ ngã ngũ khi một phụ nữ dũng cảm vào cuộc. Bà mua lại mảnh đất và thuê một đội luật sư. Sau vài tháng trời nỗ lực bền bỉ, bà đã biến khoản đầu tư của mình trở thành đất thương mại. Kể cả khi trừ đi chi phí thuê luật sư, bà vẫn thu về 20 lần khoản đầu tư chỉ sau vài tháng. Bằng cách đối diện và vượt qua vấn đề, bà đã trở nên giàu có.

6. Người giàu có tư tưởng “ăn tất”
Từ lâu các chuyên gia kinh tế đã nghĩ ra cụm từ “chi phí cơ hội”.
Hiểu đơn giản, chi phí cơ hội tức là khi đã lựa chọn một điều gì đó, bạn sẽ phải bỏ qua những lựa chọn còn lại. Nói cách khác, nếu có 5 USD và dùng nó để mua một que kem, bạn sẽ phải bỏ qua phong kẹo cao su mà bạn cũng muốn mua.
Đó là cách nghĩ của người nghèo. Họ có một khoản tiền nhất định và cho rằng họ sẽ chỉ được tiêu vào một thứ chứ không thể lựa chọn tất cả. Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng người giàu thì sẽ tập trung làm sao để chọn được tất cả.
Nếu đưa cho người giàu 5 USD, trong khi họ muốn cả kem cả kẹo cao su, họ sẽ quyết lấy được cả hai. Để làm điều này, họ sẽ không mua kem hay kẹo ngay từ đầu. Thay vào đó, họ đầu tư một thùng 24 chai nước với giá 5 USD. Sau đó, họ sẽ mang những chai nước đi bán cho người qua đường với giá 50 cent mỗi chai, và cuối cùng thu được 12 USD. Vậy là họ sẽ có thể mua cả kem lẫn kẹo mà vẫn còn thừa 2 USD.
Người giàu có tư tưởng “ăn tất”, chứ không phải “chọn một”.

7. Tập trung vào giá trị ròng, không phải thu nhập
Người nghèo thường nói về tiền lương theo giờ, trong khi người giàu hiểu rằng tiền lương chẳng quan trọng bằng giá trị ròng của một cá nhân. Một người có thể kiếm được nhiều tiền trong một giờ, nhưng nếu không biết giữ, họ sẽ sớm rỗng túi..

8. Luôn học hỏi và phát triển
Ngày nay nhiều trẻ em nghĩ rằng chúng chỉ việc học thật giỏi để kiếm tấm bằng rồi sau đó sẽ chẳng phải đụng đến sách vở nữa. Dự định này có thể thực hiện được, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là chúng sẽ mãi nghèo.
Người giàu coi trọng tri thức vì họ hiểu rằng học hỏi càng nhiều, khả năng thành công càng tăng. Một triệu phú trung bình mỗi tháng đọc một quyển sách phi hư cấu, bởi họ muốn hoàn thiện bản thân cũng như trở thành con người mà họ ước ao trở thành.
Một người rỗng túi chẳng đọc gì cả và mãi không bao giờ thay đổi. “Người giàu luôn học hỏi và phát triển, còn người nghèo thì nghĩ họ biết đủ rồi”.

Người giàu coi trọng tri thức vì hiểu rằng học hỏi càng nhiều, họ sẽ càng tăng khả năng thành công. Ảnh: News-bite.

9. Không ngại chọn con đường khó khăn
Người nghèo thường vẫn nghèo vì họ luôn chọn con đường dễ dàng, cho đến khi họ gặp phải hoàn cảnh khốn cùng. Ví dụ, một người có thể chọn lựa làm việc ở cửa hàng tạp hoá với mức lương 8 USD mỗi giờ và có thể học hỏi được từ người chủ cửa hàng tài ba.
Tuy nhiên, thay vào đó, người này lại cho rằng 8 USD một giờ chẳng đáng là bao và quyết định buôn bán thuốc phiện để kiếm được 200 US một giờ. Con đường khó khăn có thể đã giúp họ trở thành một thương nhân thành công, nhưng họ lại chọn con đường dễ dàng để rồi dẫn đến nghiện ngập và tù tội.
Người giàu không ngại con đường khó khăn bởi vì họ nghĩ cho tương lai lâu dài. Cuộc sống hiện tại có thể khó khăn, nhưng họ hiểu rằng hành động hôm nay có thể dẫn đến lợi ích lớn lao trong tương lai. Vì thế, họ bước từ từ và luôn nhìn vào đích đến.
Bằng cách luôn tập trung và làm những điều người giàu vẫn làm, rất nhiều người trong số họ cũng trở nên giàu có và thành công.

VANDANBNN st tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét