Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN/ Về tập thơ "Lá rụng"* của bà Nguyễn Thị Lý



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

BÀI THƠ CHƯA KỊP ĐỌC
Về tập thơ "Lá rụng"* của bà Nguyễn Thị Lý


Nhiều năm tháng về sau, cứ tới ngày 20 tháng 11 nhiều người sẽ còn nhắc đến câu chuyện về một bà giáo già bị tai nạn xe cộ vào đúng ngày Hiến chương Quốc tế các Nhà Giáo, ở cổng trường mà bà đang đến để dự lễ kỷ niệm. Trong chiếc túi vải lấm bụi đường chiều ấy, còn có một bài thơ chưa ráo nét mực chuẩn bị đọc cho bạn đồng nghiệp cũ trong ngày họp mặt... Biết bao hoa tươi và thơ, biết bao nước mắt xót thương và những câu chuyện cảm động được truyền tụng, xung quanh mái đầu bạc trắng yên nghỉ, xung quanh cuộc đời và những vần thơ đẹp của bà...

Gần một nghìn bài thơ bà để lại được viết từ năm 1940 đến ngày 20 -11-1986, với nhiều thể thơ và nhiều đề tài. Những vần thơ hay nhất của bà là viết về tình thầy trò, tình mẹ con, tình bác cháu, tình chị em, tình bạn, về tình yêu và hạnh phúc dang dở...

Năm 16 tuổi, cô nữ sinh trường Đồng Khánh đã viết bài thơ "Lá rụng" ví cuộc đời người con gái giống một chiếc lá mỏng manh chỉ rực rỡ trong những ngày hè ngắn ngủi để tới một chiều thu gió sẽ cuốn phăng đi, như một điềm báo trước.Và cứ thế, trong thơ bà không hiếm "hương tàn mộ lạnh"... Hai đời chồng mà vẫn cô đơn. Song, từ nỗi cay đắng của riêng mình, bà chắt lọc dành cho đời những thương mến ngọt ngào, đảm đương tần tảo nuôi mẹ nuôi em, chăm lo đàn cháu qua những thời kỳ cam go của Đất Nước; gần trọn đời bà vẫn miệt mài tâm huyết với công việc của một nhà giáo, và làm thơ. Mọi người, mọi vật, mọi cảnh ngộ, mọi sự kiện lớn nhỏ của đời đều tìm thấy sự đồng cảm và rung động đằm thắm trong thơ bà.

Đọc thơ bà, ta có cảm tưởng như bước vào một khu vườn đơn sơ, tĩnh lặng, tràn ngập ánh nắng trong suốt và mùi hương thơm dịu, buộc ta phải để lại ở bên ngoài mọi buồn bực nhỏ nhen, mọi ham muốn tầm thường... Thơ ca ấy là thơ ca của tình thương, của ân nghĩa, của sức mạnh vươn lên qua nghèo khó, gian nan, bất hạnh. Tất cả những ai chỉ được gặp gỡ bà dù chỉ một lần đều không sao quên được ánh mắt nhìn trìu mến, giọng đọc thơ nhẹ nhàng và thấm thía của bà. Câu chữ điêu luyện mà thanh thoát; hình ảnh và cấu tứ thơ bất ngờ, duyên dáng mà vẫn chân thật, giản dị; hơi thơ ngọt ngào say đắm mà vẫn thâm trầm ý nhị - đó là đặc sắc nghệ thuật khá nổi bật của thơ bà, một nhà thơ dân gian có xu hướng vươn tới chuyên nghiệp bởi sự tinh tế hồn nhiên của cảm xúc được trải nghiệm bằng vốn liếng văn hóa văn chương kim - cổ, và được chắt lọc qua lao động chữ nghĩa. Thơ bà tựa những "Giọt sương đêm" mà trong cuộc sống xô bồ này không phải ai cũng cảm thụ nổi:

Em lại ngồi khung cửa
Căn gác cũ âm thầm
Một giọt sương lăn nhẹ
Hoa táo rụng đầy sân...

Bà chưa hề xuất hiện trên thi đàn; và nếu các nhà thơ sau bao trăn trở khổ đau sáng tạo thường có hạnh phúc được cầm trên tay tập sách còn thơm mùi mực in, thì bà là một trong những thi sĩ hiếm hoi không bao giờ được hưởng hạnh phúc ấy. Tập thơ tuyển này ra đời khi từ lâu bà đã là người thiên cổ... Song chắc hương hồn bà sẽ thỏa ước nguyện vì từ nay thơ bà sẽ có dịp hòa nhập vĩnh viễn với những giá trị tinh thần đích thực mà lúc sinh thời, bà là một trong những người bảo trợ đáng kính trọng của chúng... Chiếc lá kia có rơi rụng về nguồn, sự sống vẫn ríu rít màu xanh, tiếp tục gìn giữ và ngân nga những gì mà cả đời bà hằng ấp ủ... 

Bài thơ chưa kịp đọc có tên: "Những thế hệ ngày mai". Bà đâu ngờ đó lại là bài thơ cuối cùng của bà, lại là thơ tuyệt mệnh, lời trăng trối, gửi gắm ước vọng của cả một đời nhà giáo cầm bút thanh cao: "Cuộc sống ngày mai phải đổi thay!". Bài thơ này đã được đọc bên linh cữu bà, trước toàn thể giáo viên và học sinh trường PTCS Nguyễn Trãi, Hà Nội chiều 21-11-1986.

Giờ đây, ta hãy lắng vào hồn thơ nhẹ nhàng và thấm thía của bà...
____________________
* NXB Văn hóa, Hà Nội - 1992  (NAT tuyển chọn)

Tình TBT2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét