Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN/ ( Thơ Phạm Công Hội)



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

MẮT EM NÓI GÌ QUA LỬA
( Thơ Phạm Công Hội)


Tình cờ tôi được đọc được bài thơ "Bỡ ngỡ" của Phạm Công Hội làm vào năm 1964, in trong một tập thơ của ông, và sau đó hỏi chuyện mới rõ, ông từng sống ở Tây Bắc khá nhiều năm... Thế là có thêm một mối đồng cảm lạ lùng trong tình bạn vong niên sẵn có giữa ông và tôi - kẻ mà hễ có gì gợi đến Tây Bắc là thẫn thờ rất lâu nhớ về tuổi trẻ của mình... Từ chỗ quý trọng lòng yêu thơ của Phạm Công Hội, kính nể sức làm thơ của ông, tôi dần dà được biết thêm nhiều về lai lịch vị cựu bác sĩ - thầy thuốc ưu tú này.

Với tư cách là nguyên quyền trưởng Ban Y tế Bộ NN&CNTP, nguyên giám đốc T.T Y tế lao động Bộ NN&PTNT, ông cùng nhiều đồng nghiệp là bác sĩ kỹ sư đã lặng lẽ trong hàng chục năm trời đi đo tiếng ồn, hơi khí độc, bụi, ánh sáng, vi sinh, hướng dẫn công nhân cạo mủ cao su & công nhân hái chè phòng bệnh vẹo cột sống, tuyên truyền hướng dẫn về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân nông nghiệp...tại các trung tâm sức khỏe lao động và môi trường. Bài thơ trên được làm trong thời kỳ người bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp "Dấn thân" với công tác y tế vùng cao, dù có phải "Leo đèo và lội suối/ Hạt muối phải chia đôi" song không hề mất đi tâm trạng lâng lâng, đầy thi hứng lãng mạn của một thế hệ sẵn sàng bất chấp mọi gian khổ "vời vợi nghìn trùng" (Bùi Minh Quốc): "Đường đưa ta đến chân mây/ Bên kia Châu Thuận, bên này Mường La" (Màu hoa ấy)... Chúng ta hãy đọc bài thơ viết ngót 50 năm trước của ông:
               
Bỡ ngỡ

Đêm xuống bên dòng sông nhỏ
Nhà sàn một nếp đìu hiu
Dừng chân nương nhờ bếp lửa
Đường xa ấm lạnh còn nhiều.

Mắt em nói gì qua lửa
Vụng về đan những vòng tay
Tóc em buông vào khung cửi
Ngoài kia mưa bay mưa bay.

Anh đặt bàn chân trai trẻ
Lên từng bậc cửa nhà em
Hai mươi tuổi đời bỡ ngỡ
Xa rồi mà vẫn chưa quên... 

(Sơn La,1964)

Bài thơ còn một khổ cuối nữa: "Hỡi em người con gái ấy/ Sao lòng ta lạ lắm thay/ Nhớ hoài con sông Nậm Rốm/ Xa vời ở tận miền Tây", nhưng tôi mạn phép tác giả được cắt bớt cho gọn, để có sức dư ba hơn. Và đã được tác giả đồng ý.

Ta hãy thử hình dung một buổi tắt nắng nơi thung lũng, bên dòng sông chẳng lớn hơn con suối là bao đã bắt đầu sẫm lại trong bóng núi trùng điệp, có một chàng trai miền xuôi trên đường công tác hạ ba lô nghỉ ngơi; và đập vào mắt anh là ngôi nhà sàn bạc phếch đang quẩn khói lam chiều. Cái ấn tượng về mái nhà sàn cô độc "một nếp đìu hiu" thoạt tiên giống như là sản phẩm trực tiếp của một tâm hồn sách vở ưa thích văn chương của Thạch Lam, Lan Khai:
Đêm xuống bên dòng sông nhỏ
Nhà sàn một nếp đìu hiu

Nhưng sự hiu hắt đó chỉ thoáng qua, không hề chiếm lĩnh tâm trí của một chàng thanh niên với khát vọng sôi nổi sẵn sàng bất chấp mọi gian khó mà về sau này ông đã ngẫm lại: "Bản Mông lưng chừng dốc/ Bản Thái dưới lũng sâu/ Đi cả ngày mới gặp/ Vài nếp nhà khói nâu/ Có điều gì mong đợi/ Cho ta phải dấn thân/ Cả một thời trai trẻ/ Vui buồn chẳng băn khoăn" (Dấn thân). Có "băn khoăn" điều gì vào lúc đó chỉ là cần tìm chỗ nghỉ ngơi an toàn, để sớm mai lại tiếp tục những chặng gian nan vượt núi vượt rừng tính bằng hàng buổi, thậm chí bằng mấy ngày đường! Hai câu tiếp là một lời kể giản dị về cuộc hành trình, có chút "Bâng khuâng chiều xứ lạ" (Le le mùa thu), đồng thời cũng là một sự chuẩn bị cho những quan sát chủ yếu, những tâm sự quan trọng mà nhờ chúng, bài thơ đã ra đời:
Dừng chân nương nhờ bếp lửa
Đường xa ấm lạnh còn nhiều.

Tác giả lược bỏ tất cả sự kể lể (có thể cũng rất thú vị) về cuộc đón tiếp chân tình cảm động theo phong tục đồng bào đối với anh cán bộ, cũng như đối với bất kỳ người khách lạ nào xin "dừng chân nương nhờ bếp lửa"... Đọng lại trong tâm trí người cán bộ y tế trẻ là một đôi mắt đen láy lung linh ánh lửa sàn, khi cô gái con chủ nhà dệt vải thâu đêm kín đáo nhìn anh qua ngọn lửa, vừa dịu dàng vừa có vẻ khiêu khích:
Mắt em nói gì qua lửa
Vụng về đan những vòng tay

Ta nhận ra: trái tim tuổi trẻ của anh chợt thổn thức trước vẻ đẹp của người con gái Thái đang lao động mà mỗi động tác bên khung cửi lúc đó, cũng như các động tác sàng thóc, xay gạo, gánh lúa ban ngày đều tựa những động tác múa- hay đúng hơn, từ những động tác lao động đơn sơ đó đã sản sinh ra bao điệu múa xòe hoa, xòe quạt, múa nến, múa bình tinh tế uyển chuyển của đồng bào Thái, Dao, Mường, Khơ mú... mà anh từng chiêm ngưỡng mê say dọc các bản mường Tây Bắc. Cái "vụng về" mà anh nói tới kia, có thể thoáng lúc đầu là của cô gái trước khách lạ, nhưng thực ra chính là tâm trạng người thanh niên đang rối bời, là cái cảm xúc bồi hồi tìm lời để diễn tả, còn đôi bàn tay xinh xắn của cô gái thì lại tiếp tục thành thạo như múa với chiếc thoi đưa. Và với hai câu tiếp theo, chàng trai trẻ đã hóa thành thi nhân tự lúc nào:
Tóc em buông vào khung cửi
Ngoài kia mưa bay mưa bay.

Câu "Tóc em buông vào khung cửi" diễn đạt một cách chân thực cái cảm giác của người chiêm ngưỡng: mái tóc cô gái như được hòa nhập trong đường tơ thớ vải chuyển động nhẹ nhàng, có ánh lửa bập bùng trong đêm sâu phụ họa, tôn vinh thêm cho vũ điệu lạ lùng của người sơn nữ. Lúc ấy, anh có khả năng giao cảm chan hòa với nỗi niềm của những hạt bụi mưa đêm ngoài sàn vắng, thấm thía cho sự cô đơn của chúng... Ở tuổi hai mươi, ông Phạm Công Hội đã có những câu thơ thực là thơ.
Xét cho cùng, bốn câu kết sau đây, có cũng được mà không có cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm tới sự trọn vẹn của bài thơ:
Anh đặt bàn chân trai trẻ
Lên từng bậc cửa nhà em
Hai mươi tuổi đời bỡ ngỡ
Xa rồi mà vẫn chưa quên...

Nhưng ít ra, cái hình ảnh người trai trẻ đặt bàn chân "Lên từng bậc cửa nhà em" cũng có sức gợi ít nhiều, nó khiến chúng ta nhớ lại lúc anh rụt rè bước lên thang nhà sàn, định gõ cửa thì chợt dừng lại trước một người con gái trẻ măng tóc dài như rêu suối bên khung cửi... Hồi lâu anh mới định thần lại được để gõ cửa xin ở nhờ, và anh đặt tên cho cái tâm trạng đó là "Bỡ ngỡ"... Sự "Bỡ ngỡ" này đâu ngờ sẽ được nhà thơ mang theo suốt cuộc đời, sẽ còn ám ảnh ông qua nhiều cảnh ngộ: "Rồi đây trong phiêu bạt/ Chẳng còn biết khi nào/ Đôi mắt đen rộng mở/ Cho anh tìm khát khao" (Hoa sở buồn).

Bài thơ giống một lời tâm sự thầm thì- như hầu hết tất cả những bài thơ trữ tình trong các giai đoạn thơ Phạm Công Hội. Hay có thể nói đích xác hơn: những vần thơ này đã khơi nguồn cho mạch cảm xúc lâu dài của tác giả, đã đặt viên gạch đầu tiên cho cái mà ta vẫn gọi là "phong cách" của một người làm thơ. Phạm Công Hội là vậy, vẻ ngoài thủ thỉ, ít lời, ít bộc lộ cảm xúc, và thơ ông nhiều khi mạnh về châm biếm, "nhặt sạn" những thói hư tật xấu của đời (như tên một tập thơ của Phạm Công Hội), song tận đáy hồn ông luôn tràn ngập xúc cảm đến ngẩn ngơ trước cái đẹp của thiên nhiên, của tình người- kể từ thời trai trẻ sống giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ, như ông từng thú nhận: "Ta chìm trong đáy nước xanh/ Suối ôm ta giữa mối tình nước mây/ Xôn xao một chút ban ngày/ Đã nghe ánh mắt dâng đầy bóng đêm" (Suối ơi).

Nhờ bài thơ "Bỡ ngỡ", tôi tìm thấy những tín hiệu khả dĩ khám phá được phần nào bí ẩn của sự hấp dẫn trong "kho thơ" khá đồ sộ do thi sĩ Phạm Công Hội sở hữu.
                             
Hà Nội- Sơn La 10/2013 

Tình Thơ Bạn Thơ 2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét