Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2. Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN / Về tập thơ «Vườn thu»* của Bành Phương Lan



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

CHỐN VƯỜN XƯA CỦA MỘT NGƯỜI YÊU THƠ CA

Về tập thơ «Vườn thu»* của Bành Phương Lan

Đọc thơ Bành Phương Lan (BPL), dù chị có dẫn chúng ta tới đâu - một vùng quê Kinh Bắc sâu thẳm của tuổi thơ, một sân trường kỷ niệm ngập hoa phượng đỏ, một gốc sấu già thao thức, một bãi biển đêm khắc khoải đợi chờ, một đoạn đường chiều thu đơn độc, một con đường vắng lặng thổn thức bởi hoa Tigôn hay hoa Bằng lăng, một khoảnh sân đêm ngóng hoa quỳnh nở..., thì riêng tôi lại có cảm tưởng rằng: thực ra đó chỉ là những mảnh, những góc, những chi tiết, những hồi quang của một khu vườn mà BPL hằng mơ tưởng, ấp iu, mong chờ ngày trở lại - như tên một bài thơ của chị: "Về lại chốn vườn xưa". Dường như chỉ trong khu vườn đó, BPL mới có thể sống trọn vẹn với Những vần thơ của một thời trong trắng/ Khát bỏng yêu mà ngây thơ đến dại khờ, với những giận hờn và nũng nịu của một cô gái đang yêu... Đó là nơi chị từng gọi là "Vườn yêu", nơi có những "bùa mê' của một thời thiếu nữ, nơi chị sẽ "Gặp lại ngày xưa" để "Gửi nhớ", để "Bỗng dưng" mà ngơ ngẩn, nghĩ điều bâng quơ, mong đợi, rồi làm thơ và quan sát những bong bóng xà phòng của một đứa trẻ tựa "Bong bóng tình yêu" qua giọt nước mắt của một phụ nữ trưởng thành...

Ở khu vườn xưa đó, BPL đã nghĩ về người mẹ giữ nhiều chất quê từng gánh vác cả một gia đình qua bao gian khó chông gai, giàu tình thương con cháu, và cũng là người xót xa cho những chị bán hoa vất vả trong một lần đi chợ xuân. Và nghĩ về người cha đã khuất núi, một nhà điện ảnh nổi tiếng vốn chỉ giàu có khát vọng sáng tạo cùng lòng mến yêu kính trọng của bao lứa học trò... Khi "Trở lại vườn yêu", BPL dường như được thanh lọc bao âm thanh & ấn tượng của đời thường ồn ã, náo loạn, để có thể cảm nhận sâu xa hơn "Nỗi đau mang màu da cam" của gia đình một người lính; tiếc nuối trước những vẻ đẹp đang dần mất đi (Về đi em); hay có thể rưng rưng mãi về kỷ niệm thoáng qua mà để lại nhiều dư vị dễ thương trong chiếc "Áo mưa đôi "...

Dễ nhận ra điều này khi đọc thơ BPL: chị làm thơ như một cách giãi bày tình cảm, một cách bộc lộ thái độ ứng xử với đời - chúng tự nhiên như bản thân chị lúc vui, buồn, hờn dỗi, tranh luận, ca hát, dẫn chương trình. Những liên tưởng, nhớ nhung, suy ngẫm, mong đợi, cả sự lo lắng hộ người khác... Thế rồi chị bật thành thơ. Tình tứ mà không buông thả, say đắm mà không ủy mị.

Thơ BPL giàu nhạc tính, một số nhạc sĩ đã phổ thơ chị thành ca khúc. Những thi liệu không mới, nhưng qua hồn thơ trung hậu của BPL, chúng lại trở nên tươi tắn, khác lạ, bất ngờ, chúng hồn nhiên và tươi ròng xúc cảm bởi được tắm trong ánh sáng của một KHU VƯỜN KÝ ỨC TUỔI THƠ, khiến không ít người tưởng đã chai sạn, quen dửng dưng chợt phải sững lại trước vài câu thơ của chị!

Những vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội đã được bao người làm thơ, ca hát, vậy mà BPL vẫn có cách nói riêng thực duyên dáng của mình trong bài "Anh có về Hà Nội cùng thu"- bài thơ đã được dịch sang tiếng Pháp và làm nao lòng khá nhiều người Việt xa Tổ quốc!

Nhưng, những vẻ đẹp đó của Mùa Thu Hà Nội cùng nhiều vẻ đẹp khác của Thiên nhiên và Tình người hôm nay đang bị đe dọa bởi cơn lốc của sự sa đọa Nhân tính. Cũng chính vì thế mà những hồn thơ như BPL càng có ý nghĩa, càng cần thiết biết bao nhiêu trong cuộc đời này!

Hà Nội, tháng 10/ 2015
__________
* Nxb Hội nhà văn, 2018

Tình Thơ Bạn Thơ - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét