Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

TÌNH THƠ BẠN THƠ 2./ NGUYỄN ANH TUẤN/ Về thơ Dương Tam Kha



Đang Biên tập
TÌNH THƠ BẠN THƠ 2.

Đd, Nv Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

SỚM KHUYA MỘT BÓNG GÓI LỜI NHỚ THƯƠNG

Về thơ Dương Tam Kha

Cứ lâu lâu không lên Sơn La là tôi lại thấy nhớ nhung, bồn chồn. Mảnh đất ấy đã gắn bó với tuổi trẻ khốn khó của tôi - một anh giáo nghèo, cũng là nơi đã cho tôi cả một mạch nguồn thơ phong phú dường vô tận... Và nơi ấy, ngoài các thế hệ học trò đáng yêu đã trưởng thành vẫn một mực quý mến thầy, cùng những đồng nghiệp cũ đáng kính trọng, tôi còn có một sự gắn bó đặc biệt với một người bạn từng dạy văn cùng trường, cùng sinh hoạt giáo viên tập thể, cùng mang "trọng bệnh" yêu thơ. Đó là Dương Tam Kha.

Trùng tên với một vị vua cướp ngai vàng cách đây 10 thế kỷ, song Dương Tam Kha lại không có một chút đam mê chính trị nào; anh chỉ say thơ đến độ mê mẩn. Lần nào lên Sơn La, tôi cũng phải cố gắng vào thăm căn phòng bụi bậm đầy sách vở và sặc mùi thuốc lào nằm giữa một khu vườn rậm rịt, để được anh "tra tấn" bằng hàng tập bản thảo thơ dày cộp, bởi tôi đã trót ghim vào tâm tưởng những câu thơ như thế này của một anh chàng được hàng xóm mệnh danh là "thi sĩ hâm":
Có em phải em là nàng tiên đến từ cõi Phật/ Hay là chúng sinh mong cứu khổ giải oan?/ Nhặt chiếc lá khô viết lên câu thơ/ Thương giọt sương đêm lệ rưng đáy mắt.

Lần nào chia tay nhau, anh cũng đưa tôi ra bên đường Chu Văn Thịnh đón xe vét khách từ huyện Mường La (nơi có công trình thủy điện Sơn La) về Hà Nội; và lần nào cũng thế, chúng tôi đều thấy bâng khuâng, không nỡ rời nhau. Trong bài "Tiễn Bạn", anh đã kể lại cảm xúc ấy:
Người về thui thủi mình tôi
Sớm khuya một bóng gói lời nhớ thương...

Tôi hiểu nỗi niềm của anh, người đang tìm cách tránh xa những tục lụy của đời sau bao năm tháng vẫy vùng kiếm sống đến tuyệt vọng - bỏ nghề dạy học đi đào vàng, làm thợ mộc thợ nề, nuôi cây cảnh..., để rồi lắm khi nhìn lại mơ ước xưa với không ít bẽ bàng, chua xót:
Bơ vơ chiều nay, tôi trở lại/ Một mình hoang vắng với trời không.../ ...Em nơi đâu? Tôi bơ vơ chiều nay.

Hồi mới lên Tây Bắc, chúng tôi, những chàng trai trẻ tuổi ngoài đôi mươi tràn đầy hào hứng và mơ mộng:
Nơi đây không có thời gian/ Tôi như con bướm say ngàn bông hoa
Xứ ngàn xanh yêu quý/ Hát ngàn lời đâu hết được hồn ta/ Mỗi ngày trôi qua muôn sắc rừng già

Thực tế phũ phàng của đời sống khiến không hiếm lúc Dòng thơ trào theo dòng nước mắt, song không thể cướp đi thi hứng của kẻ luôn cảm thấy: Hoa ban, hoa đào rưng rưng nước mắt người xưa, của một người tự nhận: Ta gửi lại mảnh hồn với rừng với suối... Dương Tam Kha có nhiều bài thơ câu thơ hay viết về Tây Bắc, như đó chính là nơi chôn rau cắt rốn và anh từng lớn lên bằng lời ăn tiếng nói của đồng bào miền núi vậy:
Đây quê hương tôi:/ Hoa ban chạy đi tìm bạn nhớ/ Hoa pặc piền thăm hỏi bạn thương/ Trắng bay hoa gạo thắp sao ráng chiều ( Quê mới)
Có những cánh rừng nguyên sinh ven sông Đà/ Quanh năm sương mờ giăng đỉnh núi/ Có con thuyền độc mộc và thiếu nữ mộng mơ/ Neo đậu một ngày bên bờ hoa dại/ Đêm trăng có tiếng khèn ai dìu dặt  (Bất Chợt)
Cành ban đầu khuống em, anh đỡ/ Cành bưởi cuối nhà em anh nâng/ Bậc cầu thang ngập ngừng từng bước/ Tiếng động sàn ngỡ gót em qua
(Đêm ngủ nhà sàn)
Tay ngà đưa nắng trên nhung lụa/ Nắng như hoa đậu vườn ban trưa./ Ngôi nhà sàn nghiêng bên sườn núi/ Bếp lửa hồng sao biếc vờn quanh
( Khăn piêu)

Cảm xúc tràn đầy và những quan sát kỹ lưỡng tinh tế về thiên nhiên & con người Tây Bắc là cơ sở để anh viết được thiên trường ca Anh hùng Lò Văn Giá  hơn 3.000 câu thơ và cũng khá đặc sắc!
Nhiều năm sau, nhìn lại, anh có thể nói với người se duyên kết tóc với mình:
Bao dặm dài anh qua/ Mái tóc giờ điểm bạc/ Yêu thương một mái nhà/ Say tình người xứ lạ

Nơi trập trùng rừng núi miền Tây, anh thường nhớ tới đồng bằng, vùng quê thời mới lớn từng có một Cặp mắt long lanh đánh đuối hồn tôi... Và với hồi ức của người đang sống giữa thiên nhiên Tây Bắc nơi thượng nguồn sông Đà sông Mã, anh đã có những câu thơ viết về quê hương vùng hạ nguồn sông Mã thật thấm thía:
Tôi lớn lên từ một làng quê có một dòng sông/ Có gió mặn mòi cơn nồm cơn bấc/ Có giọt mồ hôi và rét buốt tê người… (Sông quê)
Chuông chùa động thinh không/ tí tách tiếng mưa vọng lại/ Trong sương khói vị sư già chậm rãi/ Chiều vội qua mau hoa nở lạnh lùng./  con rùa già hóa đá/ linh hồn oan định nhập cõi thiền...
Mưa gõ nhịp tiếng kinh cầu mõ lạnh/ Mây núi giăng sương tựa khói lâm tuyền/ Hàng trúc đợi vị sư già khổ hạnh/ Chậm bước hoàng hôn dâng thắp hương đèn. (Thăm lại làng xưa)

Quê hương hiển hiện trong tâm hồn thi sĩ qua những hình ảnh thân thuộc với bao thế hệ, và cũng thật "cổ điển" đối với thi ca:
Nâu sồng, cơm vắt, tương cà/ Câu dân ca một thời phiêu dạt…/ Gánh cực dồn bước trèo non/ Song mây quang đứt, tủi hờn nén thương/ Thân cò sớm nắng chiều sương/ Hoang hoang lạnh những bãi truông sình lầy

Anh viết về người mẹ chốn quê cũ có  Mái tóc trắng màu cánh cò lặn lội  như sau:
Nuôi con cạn bấc dầu hao/ Nếp nghèo gia giáo một câu tâm nguyền/ Đạo Nho, đạo Phật lưu truyền/ Vui hòa nước mắt trải miền gian truân./  Mẹ dẫu xa vẫn như gần/ Trang thơ con lại nối vần ông cha

Những lần lang thang trong chợ phiên ở thị xã, khi mà Mây và trăng anh không thể đem ra nơi chợ phiên, Dương Tam Kha có dịp ngẫm lại ý nghĩa cuộc đời mình:
Bơ vơ đi chợ chiều nay/Không mua chẳng bán mới hay phận mình...  

Thực ra, anh đã làm đủ thứ việc để mưu sinh, nhưng chẳng việc nào ra hồn, trong khi đó thì  Sách đèn thơ phú quên tháng ngày, thơ vẫn bám theo như một duyên nợ tự kiếp nào:
Rừng sâu núi thẳm xa vợ con/ Lên núi tìm vàng vàng chẳng có/ Làm thơ khóc đời ta không đặng/ Ngày ngày thơ thẩn bên suối vắng/ Nhặt hòn cuội trắng ném lên trăng.

Cay đắng thay, kẻ nặng nợ với văn chương làm sao đủ bản lĩnh để đối chất được với sự dè bỉu của những người tỉnh táo:
Ông là nhà thơ hử?/ Tôi không có thời giờ/ Mưu sinh dày công chuyện/ Thơ dành người mộng du!
Nhưng rồi, bởi  thơ từng chữ như hơi sương đọng lại  nên nhà thơ đành chấp nhận cái phận: Còn lưng đôi chữ hong vào đèn đêm, và :
Thương câu lục bát bơ vơ/ Tháng ba có một khách thơ bạn cùng...
...Thôi đành một kiếp đa đoan/ Giọt cay giọt đắng tìm sang bạn hiền

Dương Tam Kha từng tuyên bố rằng, nguồn sống chính của thơ anh không phải là kỷ niệm và vẻ đẹp của hoa lá, mà là nỗi đau khổ của Những người dưới đáy cùng xã hội/ Hồn nhập đời ta. Hàng ngày chứng kiến cảnh "Chợ Người", anh thương cảm cho những người: trông chờ đồng tiền rẻ mạt/  Bán mồ hôi, máu và nước mắt/ Mặt trời úa vàng, làn da xanh xao." Nhà thơ đàn anh Vương Trung người Thái đã khen bài thơ này hay, và hiện thực lắm.

Có biết xót xa thương cảm, anh mới biết căm giận những "Bóng đen": Kẻ ganh ghét tài năng, hận thù văn minh/ Chiếm đoạt học vị, chức quyền hèn mạt/ Hắn giấu ngang qua hai thế kỷ,  mới biết đồng cảm với những bài thơ thế sự và tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Văn Phú: Xa xót cuộc đời, xa xót kiếp người/ Người viết sử vạch mặt bầy gian ác/ Kẻ xu thời vênh vang đội lốt/ Chữ tâm hèn ngồi chiếm ngôi cao.

Một trong những bài thơ hoàn bích hơn cả của Dương Tam Kha là bài «Phố núi», viết tại Sa Pa. Nếu ai đó tới đây chỉ thấy vẻ đẹp, sự thi vị, thì thông qua cái nhìn của một anh họa sĩ, nhà thơ đã vẽ lên sự tương phản của hai cảnh sống - giữa chủ nhân của các biệt thự sang trọng, các du khách với những cảnh:
Mẹ dắt đàn con, em lả trên vai chị/ Lần lữa tháng ngày hàng rong lưu niệm/ ...Mấy cụ già đàn hát bản xa/ Hai góc chiếu ngồi như tượng đá/ ... Hàng rào đá ngăn bầy trẻ nhỏ/ Lũ trâu gầy gặm cỏ cằn khô

Nhưng Dương Tam Kha không chỉ biết trữ tình và thốt mỉa mai, căm giận, anh còn biết tự trào- và đó cũng là một khía cạnh riêng khá lý thú của thơ anh. Đây là một bài mới nhất của anh: "Phật cười" cho thấy sự trưởng thành của bút pháp cũng như cái nhìn của nhà thơ về cuộc đời:
Chùa nương động núi sương giăng lạnh
Khói nhang đèn mờ Phật hay Tiên?/ Phận nghèo lòng thành tâm hương nguyện/ Phật cười: "Kiếp trước tôi giống anh!

Anh chế riễu Nàng Thơ - tức cũng chế riễu mình chơi:
Nàng thơ... Đích thị là ả đa tình, trái tính, trái nết./ Nàng làm khổ ta / phút phút, giờ giờ, đêm đêm, ngày ngày, / tháng tháng, năm năm./ Ta chẳng còn gì mà nàng đâu chịu buông tha/ mời nàng về/ làm một Manơcanh để nơi cánh cửa/ hay bên cạnh ban thờ thêm vui nhà, vui xóm!

Nhưng, anh lại thú thực ngay sau đó: Cái ta có được giờ đây là mái tóc bông mây/ và ngày ngày nàng thơ hằng gõ cửa
Chắc anh không thể làm gì hơn cái việc: hát đến bao giờ vơi nỗi cô đơn. Và trong cảnh ngộ: Bao niềm tin, hy vọng tan thành mây khói, anh vẫn luôn tâm niệm:
Trang thơ anh dầu ngót nghìn bài/ Chưa một lần nỡ phụ tương lai...

Giờ đây, anh đã rời Sơn la lên sống với gia đình trên thành phố Lao Cai; anh lại tiếp tục hòa mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc, tiếp tục ngẫm ngợi, làm thơ... Và nhớ bạn thơ. Còn tôi, mỗi lần ngược Sơn La thăm bè bạn, học trò hay làm phim, lại nhớ về cái phòng văn ngập bụi và khói thuốc lào của anh, ngâm nga câu thơ anh để nói hộ lòng mình:
Người về thui thủi mình tôi
Sớm khuya một bóng gói lời nhớ thương...

Tình TBT2 - Nguyễn Anh Tuấn
VANDANBNN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét