Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

08 NGUYÊN TÁC XỬ THẾ THUẬN THEO TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI ĐỐI DIỆN


08 NGUYÊN TÁC XỬ THẾ THUẬN THEO TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI ĐỐI DIỆN

“Người có tính khí nóng nảy cương trực thì phải dùng tâm bình khí hòa để thay đổi”
Người có tính cách nóng nảy đôi khi chỉ vì một việc rất nhỏ bé mà “nổi cơn tam bành”. Nếu như chúng ta không biết nhẫn nhịn với họ, mà lao vào cuộc cãi vã, thì chắc chắn sẽ chỉ phí hoài thời gian tranh luận, công việc cũng chẳng thể tiến triển lên được. Bình tâm tĩnh khí mà đối xử thì sẽ khiến cơn nóng giận của họ như bị dội một gáo nước lạnh, từ đó có thể kiềm chế người khác, giúp người khác trở lại trạng thái suy nghĩ bình thường. 

“Người có cơ mưu thâm trầm thì phải dùng sự thẳng thắn trung trực để yêu cầu” 
Người hay tính kế thường không chịu thiệt thòi và cũng không dễ chịu thiệt thòi. Nhược điểm này có thể sẽ khiến họ dùng những cách mưu lợi trước mắt, bỏ qua chữ tín để đoạt được sự thuận lợi dễ dàng trong công việc. Đây là cách làm lợi bất cập hại. Chính vì thế, với người như vậy cần phải uốn nắn họ, yêu cầu họ thẳng thắn đối đãi vấn đề, giúp họ thoát khỏi tâm lý mưu lợi. 

“Người dũng mãnh ngang ngược thì dùng phương thức tuần tự tiệm tiến để khuyên bảo” 
Có những việc thật sự cần người dũng mãnh để vượt qua khó khăn trắc trở. Tuy nhiên tính cách dũng mãnh đó đôi khi lại khiến họ bất cẩn, quên mất những chi tiết quan trọng. Công việc này họ chưa hoàn thiện đã ngang ngược nhảy sang công việc khác, không chịu nhìn nhận vấn đề. Chính vì vậy, cần biết kiếm chế họ theo phương thức làm dần dần từng bước một, khiến cho năng lực của họ không bị phân tán. 

“Gặp người hẹp hòi, hãy mở rộng lòng” 
Liều thuốc duy nhất cho bệnh hẹp hòi là làm sao có thể khiến cho người đó cảm động, khiến họ sẵn lòng rộng mở hơn. Tất nhiên đó là điều không dễ làm được, nhưng nếu biết cách giúp đỡ, nếu biết khoan dung với họ, cho họ thời gian để hiểu ra, thì họ sẽ dần dần thay đổi được tâm địa của mình. 

“Người hành động hấp tấp thì dùng phương thức lấy tĩnh chế động để tiết chế” 
Người ta có câu “nhanh nhẩu đoảng”, ý rằng hành động hấp tấp thường khiến kết quả công việc chẳng ra sao, lại phải mất công người khác làm lại. Chính vì thế, với người có tính cách hấp tấp, cần phải nghiêm khắc với họ, thậm chí một số việc là đến lúc mới nói ra. Có như vậy thì khi cần họ động, khi không cần thì họ cũng không có khả năng hấp tấp làm hỏng việc. 

“Người tài năng thấp kém, thiếu tập trung thì dùng thầy giỏi bạn tốt để cải biến” 
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, người tài không phải là điều dễ gặp. Muốn có nhiều người tài, thì tốt nhất là hãy đào tạo và nuôi dưỡng người ta, khiến người ta từ chưa biết thành biết, từ chưa giỏi thành giỏi, khéo léo cải biến, nâng cao những điểm tốt đẹp của người ta lên. Từ đó mới có thể khiến cho nhân tài không cạn kiệt. 

“Người dễ lười biếng, tùy tiện, cam chịu, thì nên nói rõ tính nghiêm trọng của sự việc” 
Lười biếng là một tính cách xấu của con người, lại thêm tùy tiện cam chịu thì có thể tưởng tượng được người đó sẽ ra sao. Người như vậy thường bỏ bê công việc, không kể gì đến hậu quả. Đó không phải là vô tư lự, mà là vô trách nhiệm. Nếu họ không hiểu một cách rõ ràng những hậu quả mà họ sẽ gặp phải thì họ sẽ không biết cố gắng nỗ lực. Với kiểu người này, điều quan trọng nhất là giúp họ khởi được tinh thần lên. 

“Người thích chăm chăm vào mối lợi nhỏ thì dùng chí hướng cao xa để khích lệ” 
Người hiện đại có một nhược điểm lớn, đó chính là rất nhiều người chỉ ham lợi nhỏ. Có rất nhiều chuyện mục ruỗng nhân tâm mà tựu chung lại chỉ là vì kiếm được thêm một chút tiền nhỏ. Từ nghèo khổ như người nông dân cũng vì thêm một vài đồng mà dùng thuốc trừ sâu vô tội vạ; đến giàu có như quan chức cũng vì nhét thêm một chút tiền tham nhũng mà bỏ qua cái hại môi trường, bỏ qua vấn nạn tài nguyên, khiến cho thế hệ tương lai bị đặt trong mối họa lớn. 
Chí hướng cao xa không phải là việc trong năm nay chúng ta tăng được bao nhiều GDP, hay trong vài năm tới chúng ta sẽ có bao nhiêu thành phố. Chí hướng cao xa chính là lòng người an định, xã hội phồn vinh, người người tu đức. 

Cổ ngữ nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đối với mỗi người mà chúng ta có cơ duyên gặp gỡ, nếu có thể ứng xử bằng thiện tâm thì vừa có thể giúp đỡ họ, vừa có thể quảng kết thiện duyên, giúp người cũng là giúp mình. 

VANDANBNN st tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét