Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Nguyễn Thị Bích Ngà / PHẨM GIÁ CỦA MỘT CON CÒ

 

Nguyễn Thị Bích Ngà

PHẨM GIÁ CỦA MỘT CON CÒ


Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Cò thường rời tổ kiếm ăn vào buổi sáng, khi ông mặt trời mới ló. Khi ông mặt trời xuống tới rặng cây là cò về tổ yên vị. Nên cái hình ảnh con cò đi ăn đêm là một hình ảnh trái khoáy, phản tự nhiên, nhiều phần vất vả, khổ cực.

Cò thường rời tổ kiếm ăn vào buổi sáng, khi ông mặt trời mới ló. Khi ông mặt trời xuống tới rặng cây là cò về tổ yên vị. Nên cái hình ảnh con cò đi ăn đêm là một hình ảnh trái khoáy, phản tự nhiên, nhiều phần vất vả, khổ cực.

Ấy thế mà đã hết đâu, cò “đậu phải cành mềm” trong đêm tối nên “lộn cổ xuống ao”. Cái từ “ao” ở đây làm tôi lại nghĩ cò nhà ta đang đi ăn trộm. Bởi lẽ cò vạc thường kiếm ăn ở đầm lầy, ruộng nông chứ có lặn xuống ao bắt cá bao giờ. Cả ngày cò không kiếm được gì ở đầm ở ruộng, đói, đêm buộc phải lén lút vào ao nhà kiếm đôi ba con cá con tôm. Hoặc giả cò ta mải miết cố kiếm thức ăn mà quên cả thời gian và đi xa khỏi vùng thường kiếm ăn, lạc tận ao nhà. Đêm tối, ngay đến cành cứng cành mềm cò còn không thể phân biệt thì sao bắt được con cá nào. Vì lẽ lũ con há miệng nên cò đành lặn lội và chấp nhận rủi ro vậy.

Lại biết ao có chủ nên cò kêu, “Ông ơi ông vớt tôi nao”. Một sự cầu cứu tuyệt vọng trong hoảng loạn khi té lộn cổ từ cành mềm xuống ao sâu. Đã vất vả lại gặp rủi ro, thân cò kể như cầm chắc cái chết. Để rồi biết hành vi đi kiếm cá ở ao nhà là điều không phải, nên cò mới “Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”. Cò chấp nhận chết, chấp nhận trở thành món ăn. Con cò, một con vật ốm đói, chỉ như cái nắm tay làm sao đủ ngọt nước nồi xáo, thế nhưng dường như cò biết ông chủ ao cũng đói. Ừ thì ông xáo, nhưng hãy xin thấu hiểu tôi có ăn cắp được con cá nào đâu, tôi cũng đói. Việc làm dường như có không phải lẽ, chẳng qua cũng chỉ vì bắt buộc.

Con cò, tên ăn đêm, bị sự cố, bị phát hiện, không van đòi xin tha vì biết quy luật tự nhiên, hiểu lẽ phải đến và chấp nhận không một lời biện minh, chối bỏ, chấp nhận trả giá cho việc mình làm. Nhưng, cái phẩm giá của một con cò buộc nó phải nhắc, “Có xáo thì xáo nước trong”, nghĩa là tôi có ăn trộm bị ông bắt được thì ông xáo măng, nhưng phải xáo cho khéo. Dù thịt cò chỉ bằng cái nắm tay, nhưng xin đừng xáo đại, hãy xáo cho đúng cách, đừng không trân trọng phẩm giá của một con cò.

Ông xử tôi chuyện ăn trộm, ông giết đi, nấu thịt đi, nhưng hãy xử đúng tội ăn trộm. Hãy xét xử công bằng. Đừng khoác thêm cho tôi những tội tôi không làm, những điều ác tôi không phạm. Hãy giữ tôi còn chút phẩm giá của một con cò, kẻo đám cò con nhà tôi đau lòng không ngẩng mặt lên được, không còn phẩm giá vì những tội lỗi vu khống, đặt để thêm vào cho tôi vì một mục đích xấu xa, “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

Người xưa đã rất anh minh, phân biệt đúng sai rõ rành như thế. Người nay..

Nguyễn Thị Bích Ngà
VANDANBNN st tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét