Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

NỘI HÀM CUA CHỮ NHẪN QUA HAI CÂU CHUYỆN TƯỞNG CHỪNG TRÁI NGƯỢC


NỘI HÀM CUA CHỮ NHẪN
QUA HAI CÂU CHUYỆN TƯỞNG CHỪNG TRÁI NGƯỢC


Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng. Bởi vậy từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó. Tuy nhiên như thế nào là nhẫn nhịn? Trong lịch sử có hai câu chuyện về chữ Nhẫn thường được lấy ra để làm ví dụ, nhưng nó lại cho thấy hai mặt tưởng chừng trái ngược nhau của chữ Nhẫn.

Chữ Nhẫn của Hàn Tín
Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận “thập diện mai phục” với Hạng Vũ lưu danh sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Hậu nhân cho rằng sở dĩ ông có năng lực lớn thế là nhờ có tâm Đại Nhẫn.
Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và thường khoác kiếm đi ngoài đường. Một hôm Hàn Tín đang đi trên phố sá sầm uất thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét lên: “Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại sao ngươi mang kiếm?”
Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn đơn giản bước đi. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa: “Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!”
Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào. Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.
Nhiều năm sau, Hàn Tín trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Lưu Bang không có Hàn Tín giúp thì cũng không thể lập ra nhà Hán được. Sau này gặp lại kẻ vô lại kia, Hàn Tín còn ban thưởng, nói rằng vì hắn mà ông có được thành tựu như vậy, hàm ý là sự việc kia đã giúp ông rèn được nội tâm Đại Nhẫn.

Chữ Nhẫn của Tô Vũ
Tô Vũ người thời Hán, phụng mệnh mang theo phù tiết đi sứ Hung Nô với chức danh Trung Lang. Thiền Vu nhiều lần dùng lợi dụ dỗ, muốn ông quy hàng. Trước tiên Thiền Vu dùng phú quý, quan tước mê hoặc, Tô Vũ đều chính trực từ chối theo chính nghĩa, tôn nghiêm.
Sau này Thiền Vu lại mưu đồ huỷ hoại ý chí ông bằng cuộc sống gian nan, khốn khó, đưa ông tới vùng Bắc Hải chăn dê, và ngạo nghễ nói rằng khi nào dê đực sinh con thì mới thả ông về nước.
Tô Vũ không khuất phục trước quyền uy, lòng dạ không lay chuyển bởi cảnh nghèo khó. Khát thì ông uống tuyết, đói thì ông đào cây dại ăn. Vật duy nhất bất ly thân mỗi thời mỗi khắc với ông chính là chiếc cờ hiệu “Tinh tiết” mà ông mang theo khi đi sứ. Ban ngày ông cầm tinh tiết đi chăn dê, ban đêm ông ôm tinh tiết ngủ. Ông duy hộ sự tôn nghiêm của nhà Hán, thời thời khắc khắc cũng không quên thân phận sứ giả của mình.
Tô Vũ bị bắt giữ tại Hung Nô, lưu lạc 19 năm, trải qua biết bao gian khó, trốn đi được vẫn không quên nhiệm vụ, nên lại bị bắt, rồi lại trốn đi. Trước sau tiết tháo của ông vẫn không thay đổi. Cuối cùng ông cũng về được đến Trường An.
Hàn Tín chịu nhục chui háng, người đời khen ông là có tâm Đại Nhẫn. Tô Vũ không chịu nhục mà cúi đầu, người đời cũng khen ông là có tâm Đại Nhẫn. Vậy rốt cuộc chữ Nhẫn này có nội hàm như thế nào đây?

Nội hàm của chữ Nhẫn
Kỳ thực chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng là nhắm thẳng vào việc cá nhân ông chịu đựng ủy khuất, có thể nhẫn chịu những việc người thường không thể nhẫn, cuối cùng đã làm nên đại sự. Nhưng ở đây việc mà Hàn Tín làm không tổn hại đến chính nghĩa, không thương thiên hại lý, không tổn hại đến người khác, do đó cái nhục mà ông phải chịu là cái nhục cá nhân.
Tô Vũ thân làm Sứ tiết của Hán triều, đại biểu cho một nước. Dưới tình huống bị bắt giữ gặp phải thống khổ cực lớn nhưng ông không hề cúi đầu chịu nhục. Bởi vì nếu cúi đầu thì ông sẽ làm tổn hại đến chính nghĩa, tổn hại đến lòng tự trọng của triều đình, của dân chúng.

Do đó, cổ nhân tôn sùng chữ Nhẫn, nhưng khi Nhẫn thì phải xem xem đây là vấn đề cá nhân hay vấn đề nguyên tắc, xem nếu làm thì có tổn hại đến chính nghĩa, có tổn hại đến người khác, có tổn hại đến lẽ phải, đến sự chính trực, công bằng hay không. Nếu là vấn đề nguyên tắc, thì khi hành xử lại phải dùng “Thiện” để giữ “Nhẫn” và thể hiện ra “Chân”.

VANDANBNN st tu thân/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét