Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

ĐÔI LỜI VỀ NGƯỜI VIẾT “KINH THÀNH CỔ TÍCH” NGUYỄN NGUYÊN BẢY / LÊ SƠN


ĐÔI LỜI VỀ NGƯỜI VIẾT “KINH THÀNH CỔ TÍCH”
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

LÊ SƠN

Tôi không có vinh dự được hiện diện trong số các chiến hữu nằm gai nếm mật, chia ngọt sẻ bùi của Nguyễn Nguyên Bảy, nhưng có chút may mắn được làm một người cùng thế hệ, cùng quê hương nguồn cội với anh – cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thăng Long Hà Nội đầy hào khí và những kỷ niệm khó phai mà anh đã đặt cho một cái tên rất ấn tượng và giàu ý nghĩa là KINH THÀNH CỔ TÍCH.
Đồng thời tôi cũng là người bắt đắc dĩ được chứng kiến những bước thăng trầm của anh cùng người bạn đời tuyệt vời là chị Lý Phương Liên trên con đường sáng tạo nghệ thuật cách đây nửa thế kỷ.
Bình sinh anh (cũng như chị) chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ xem mình như người chơi đùa với những con chữ “chép chữ xuôi rồi bảo là văn, chép chữ vần rồi bảo là thơ”. Nhưng ta hãy thử đọc mấy câu lục bát xuất thần của Nguyễn Nguyên Bảy:

Cháy rồi cháy hết phần thơm.
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi.
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi.
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương.
(Chân hương)                          

Hay những câu thơ gan ruột của Lý Phương Liên, một cô thợ máy mới ngoài hai mươi tuổi nhưng đã từng có thơ đăng kín cả một trang báo “NHÂN DÂN”:

Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài.
Trái đất chúng mình cho đến hôm nay.
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi.
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối.
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen.
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen.
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến.
Còn những đất đai triền miên chinh chiến.
Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài…
(Nghĩ về Thúy Kiều)                                       

Tôi không có tài thẩm thơ, nhưng trộm nghĩ đây là gì nếu không phải là những thi phẩm đích thực thấm đậm tính triết lý nhân sinh và tính nhân bản cao cả, có sức gợi làm lay động lòng người.
Thế mà vì bài thơ định mệnh này chị bị “đánh” tơi bời, bị quy cho những trọng tội rất vô lý là bôi đen chế độ, là gieo mầm bi quan yếm thế, làm thui chột ý chí tiến công của các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận…
Áp lực từ mọi phía mạnh đến nỗi Lý Phương Liên đã phải phát nguyện: “Phải sống cho ra sống, nhưng không làm thơ nữa”.
Một chồi thơ đầy triển vọng vừa nhú lên đã bị bẻ gãy một cách độc ác.
Thật ra, nếu bình tâm mà xét thì điều này cũng dễ hiểu vì bài thơ được viết ra vào một thời điểm khi các nhà lý luận nửa mùa nhơn nhơn khẳng định rằng ở thời đại chúng ta “không có bi kịch mà chỉ có kịch anh hùng” (!?!), rằng văn học chỉ được miêu tả những chiến công hiển hách, rằng nhà văn phải đến những nơi tiên tiến, gặp những người tiên tiến.v.v…
Không phải ngẫu nhiên nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Châu, giải thưởng Hồ Chí Minh, đã phải viết “Lời ai điếu” cho một nền văn học minh họa. Còn nhà văn Đại tá Nguyễn Khải, giải thưởng Hồ Chí Minh, trước khi qua đời ít lâu đã dũng cảm để lại bản di chúc “Đi tìm cái tôi đã mất”, trong đó ông đau đớn khẳng định rằng “… Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nhà văn cũng không được quyền bộc lộ tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy, là một xã hội không có chân móng…”
Và cũng trong một hoàn cảnh như vậy thì tuyên ngôn nghệ thuật mà Nguyễn Nguyên Bảy đưa ra năm 1972 và được coi là chân lý của mình, quyết không từ bỏ: “Thơ là thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ”, tất nhiên cũng khiến anh bị đánh “lên bờ xuống ruộng” và gánh chịu bao hệ lụy nặng nề vì tội phạm thượng, ăn nói bậy bạ, dám cả gan “mó giái cọp”…
Song Nguyễn Nguyên Bảy cũng như Lý Phương Liên trong mấy chục năm ly hương đã không gục ngã, không đầu hàng hoàn cảnh mà cố gồng mình lên xoay đủ mọi nghề để nuôi sống gia đình, họ vẫn ngẩng cao đầu không giã từ nàng thơ, vẫn đêm ngày âm thầm, bền bỉ sáng tác như con tằm nhả tơ. Những tập thơ văn của anh chị và của các bạn bè trong làng văn do hai người bỏ nhiều công sức biên soạn lần lượt được cho ra mắt bạn đọc trong sự hân hoan chào đón của đồng nghiệp và độc giả.
Nhà thơ Bằng Việt đã vui mừng chia sẻ:
“Nguyễn Nguyên Bảy là người làm thơ cùng thời với tôi, với Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương… tức là lứa những nhà thơ khói lửa chống Mỹ. Nhưng anh đã rẽ sang một lối khác sau khi xuất hiện khá ấn tượng trên báo chí, phát thanh. Chúng tôi nghĩ là anh đã bỏ thơ chạy sang một tình yêu khác. Nhưng sau bốn chục năm, Nguyễn Nguyên Bảy đã quay trở lại với thơ, kỳ lạ, sang trọng và làm choáng tất cả với tập thơ KINH THÀNH CỔ TÍCH đồ sộ 500 trang mà tôi và các bạn đang cầm trong tay, có trước mặt lúc này. Anh đã lặn vào đời và khi nổi lên quay trở lại thì vẫn là nhà thơ. Anh là một số phận thơ đặc biệt. Anh đã gieo thơ trên cánh đồng khô cằn vất vả để gặt thơ phì nhiêu lịm ngọt…”
Nhà thơ Trần Ninh Hồ cũng không khỏi ngạc nhiên: “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy hầu như bài thơ nào cũng đặt lại, đặt ra những vấn đề mới và đặc biệt lạ, với một cảm xúc thơ khác thường mà tôi chỉ có thể gọi là cảm xúc Nguyễn Nguyên Bảy… Bài thơ nào của Nguyễn Nguyên Bảy cũng như một bữa tiệc, tiệc đúng nghĩa. Mạch thơ của Nguyễn Nguyên Bảy ghê gớm quá. Ghê gớm tới mức tôi hoàn toàn tin là Nguyễn Nguyên Bảy có thể ăn thơ, ngủ thơ, sống thơ để viết cả ngàn bài… Thật là một tấm gương lao động gan lỳ, một tình yêu thơ khác thường và một thành quả đáng ngưỡng mộ”.
Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh đã điện thoại cho Nguyễn Nguyên Bảy từ Hải Phòng: “Tôi đang đọc Sông Cái mỉm cười, tôi phải điện cho Bảy vì không thể không gọi, không chia lời với Bảy thì tôi không chịu nổi áp lực của xúc cảm nó đang sôi lên trong tôi… Sông Cái mỉm cười không phải là một bài thơ, cũng không phải là một trường ca mà đích thực là một tráng ca. Một tráng ca tôi chưa được đọc bao giờ… Thơ ông lạ lắm, người trần khó viết được lắm, nói như vậy có nghĩa là thơ ông có tôn giáo, có linh thiêng, có hôn phối với đôn hậu, tử tế, nghĩa khí mà thành thơ…”
Hồi gia đình tôi còn ở phố cổ Bát Đàn vào thập niên 60 – 70 thế kỷ trước, họa sĩ Bùi Xuân Phái thỉnh thoảng có ghé thăm tôi đồng thời ông cũng tranh thủ ngồi trên gác hai nhà tôi làm mấy phác thảo về phố Hàng Thiếc, Hàng Bồ. Có lần ông chia sẻ: “Mình thuộc loại sinh nghề tử nghiệp nên suốt đời phải cầm bút vẽ mặc dầu bị người ta tước đoạt mọi phương tiện hành nghề. Nếu không phải thế thì mình đã xin làm một chân bưng bê cho cửa hàng phở “Bắc Hải” để mỗi sáng mong có được bát phở lót lòng”
Nghe ông tâm sự, nước mắt tôi muốn trào ra và thấy nghẹn nơi cổ họng. Đấy là lời nói một trong tứ trụ của Hội Họa Việt Nam hiện đại: Phái – Liên – Nghiêm – Sáng.
Bùi Xuân Phái thường vẽ lên bất cứ thứ gì mà ông kiếm được trong thời buổi “gạo châu củi quế” như: trên vỏ bao diêm,vỏ bao thuốc lá, trên trang báo cũ, trên bức tranh mà ông xóa đi vẽ lại…
Thiết nghĩ Nguyễn Nguyên Bảy cũng thuộc loại sinh nghề tử nghiệp như vậy.
Sau bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều” của Lý Phương Liên và sau bản tuyên ngôn nghệ thuật gồm 15 chữ của Nguyễn Nguyên Bảy, người ta cũng định triệt đường sáng tác của hai người… Nhưng bất thành như chúng ta đã biết. Thơ của Nguyễn Nguyên Bảy vẫn tiếp tục được viết trong suốt hơn bốn chục năm ly hương và không những thế mà ngày càng đặc sắc, càng độc đáo, càng tỏa hương. Điều đó chứng minh một cách hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của anh cách đây ngót nửa thế kỷ khiến anh gặp nạn: THƠ LÀ THƠ. THƠ KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊA VỊ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LÀM THƠ.
Và trên một phương diện nào đó có thể nói: Chính bản thân cuộc đời của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên cũng đã trở thành những thiên CỔ TÍCH của thời đại chúng ta.

Sài gòn 15/11/2019.
Theo Ấn phẩm Người Yêu Sách số 96, tháng 1.2020, trang 61.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét