Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Tình THở Bạn Thơ 4/ MỘT KỶ NIỆM ĐẸP/ NGUYỄN THỊ HƯƠNG



MỘT KỶ NIỆM ĐẸP
NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Kỷ niệm đẹp của tuổi thơ

Kỷ niệm đẹp gắn với tuổi thơ của tôi là tờ báo Thiếu niên tiền phong, ra vào dịp kỷ niệm 25 năm Cách Mạng Tháng 8 và Quốc Khánh 2/9 năm 1970. Thuở ấy báo hiếm lắm, những tờ báo có bài thơ hay với những tên tuổi mới như Trần Đăng Khoa, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ.v.v… được chúng tôi truyền tay nhau đến nhàu nát.
Nhưng có một ngày, tên tuổi lạ lại là một chị công nhân như một sự kiện lớn bùng nổ trong xóm tôi. Chị là công nhân mà làm thơ hay thế. Chúng tôi say sưa đọc những vần thơ của chị:

“Các em ơi./ Chị có tin này vui lắm/ Hôm nay Bác Hồ sẽ đến nhà ta!/ Em Phát dọn nhà/ Sồi kết hoa ảnh Bác/ Cứu vợi nước/ Phong thay áo, quàng khăn/ Chị thổi cơm, nấu canh/ Ghém cà bên chanh ớt…/ Việc nước bận nhiều Bác ở lâu sao được/ Chị em mình phải gắng nhanh tay…”
(Ai mơ gặp Bác, Bác bay đến nhà)

Chúng tôi đọc và nhìn thấy cả một gia đình nhộn nhịp đón Bác. Chúng tôi ao ước, Bác sẽ đến nhà chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị nhà cửa thật sạch sẽ để đón Bác. Rồi chúng tôi mơ… Những giấc mơ thật đẹp…
Chị công nhân đó là Lý Phương Liên
Rồi chúng tôi chờ đợi những bài thơ của chị, nhưng như một ngôi sao vụt sáng lên rồi biến mất, chúng tôi không thấy thơ Lý Phương Liên nữa.
Rồi tôi nghe người ta thì thầm về Lý Phương Liên: “Bà này không biết làm thơ đâu, có người làm hộ rồi đăng báo. Phóng viên về nhà ngồi kèm cả ngày mà không ra một câu thơ. Tịt rồi…”. Dù lúc đó còn là một đứa trẻ con tôi cũng thấy sự vô lý của câu chuyện, làm sao có thể làm thơ khi có người kèm. Tôi vẫn chờ thơ Lý Phương Liên, để rồi thất vọng… Và tôi bắt đầu tin câu chuyện đồn thổi kia, rồi tiếc.

44 Năm sau

Một ngày đẹp trời của 44 năm sau, chị Ngô Thị Thu Hương ở thư viện Phú Nhuận hỏi tôi:
Chị có biết nhà thơ Lý Phương Liên không?
Sao không biết, thần tượng của chị hồi nhỏ đó.
Chủ nhật này, Câu lạc bộ Bạn đọc thư viện tổ chức giao lưu với vợ chồng chị ấy, chị tham gia nhé.
Nhất định rồi, còn gì vui hơn được gặp thần tượng của mình.

Nói vậy, nhưng tôi lỡ hẹn với chị Thu Hương. Thứ sáu tôi có việc đột xuất phải ra Hà Nội, không được giao lưu cùng thần tượng tuổi thơ của mình nữa.
Quay lại Sài Gòn, chị Thu Hương dẫn tôi đến gặp vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên.
Ấn tượng về buổi gặp đó thật tuyệt. Những người nổi tiếng mà tôi ngưỡng mộ tiếp tôi thật chân tình, giản dị, ấm cúng… Đến tận hôm ấy, tôi mới biết những câu thơ mà tôi rất thích:

Con gà đẻ một trứng hồng
Còn bao trái chín ở trong cuộc đời
Hay:
Ôi ca ba, ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt.
Là của nhà thơ Lý Phương Liên.
Cũng đến tận hôm ấy tôi mới biết lý do chị không viết nữa và càng cảm phục chị hơn.
Và hôm ấy, tôi còn biết vợ chồng chị tự bỏ vốn, bỏ công, biên tập và in “THƠ BẠN THƠ”, “VĂN BẠN VĂN” cho những cây viết trẻ tài năng, cảm phục biết bao nhiêu tấm lòng của anh chị.
Người ta bảo “trái đất tròn” quả là không sai, đi gần hết cuộc đời, đi từ Bắc vào Nam, tôi mới được gặp thần tượng tuổi thơ của mình để ngưỡng mộ chị hơn, để thấy cuộc đời này thật đẹp và ngọn lửa đam mê viết lại cháy lên trong tôi… Tôi lại say sưa viết…
Nhưng khi viết những trang này tôi cũng rất buồn, lại một lần nữa tôi lỡ mất dịp gặp gỡ vợ chồng nhà thơ trong buổi tọa đàm. Đã nhận lời mời với anh Phạm Cường, đã nhận sách của vợ chồng nhà thơ… Vậy mà công việc đột xuất, chưa kịp đọc dòng chữ nào trong cuốn sách mới tôi đã lại phải bay… Có lẽ cái duyên của tôi với những buổi tọa đàm chưa đủ. Viết mấy dòng này, mong được sự thông cảm của anh Phạm cường, vợ chồng chị Lý Phương Liên, mong rằng chúng ta vẫn còn những dịp khác để gặp nhau.
Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

Nguyễn Thị Hương/ theo Ấn phẩm Người yêu sách số 96, tháng 1.2020, Thư viện tư nhân Gò Vấp, trang 44.
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét