Theo dân gian kể lại thì Hoàng Thạch Công 3 lần đánh rơi chiếc giày ở trên cầu để thử Trương Lương. Sau khi thấy Trương Lương có phẩm hạnh tốt, ông mới đem bộ kỳ thư này truyền cấp cho. Sau này, Trương Lương đã dựa vào “Tố thư” phò tá Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, xây dựng cơ đồ nhà Hán.
“Tố thư” chỉ là cuốn sách mỏng, gồm có 6 chương, 132 câu với 1.360 chữ nhưng lại chứa đựng rất nhiều mưu lược, ngôn từ vô cùng cô đọng súc tích. Trong “Tố thư” chỉ ra 4 điều không nên làm để tránh được 4 tai họa trong cuộc sống.
Không thèm khát, tránh được mối họa hệ lụy
“Tố thư” viết: “Tuyệt thị cấm dục, sở dĩ trừ luy”, ý nói diệt được ham mê bất lương, loại bỏ được dục vọng quá phận thì có thể tránh được các mối họa hệ lụy.
Cổ nhân nói: “Vô dục tắc cương”, người ít dục vọng thì sẽ chính trực cương cường. Một người nếu xuất hiện ý bất lương, hơn nữa dục vọng lại nhiều, thì sẽ dễ trượt dài trên con đường tội lỗi. Họ vì thỏa mãn ham mê, dục vọng của bản thân mà không từ một thủ đoạn nào, kể cả giết người hại mệnh.
Kỳ thực, rất nhiều thống khổ trong cuộc đời, rất nhiều điều không như ý đều là vì dục vọng quá nặng, trong tâm luôn không cảm thấy thỏa mãn mà ra. Con người sống trên đời, muốn được tự tại phải học chữ “buông”. Người không bỏ xuống được công danh lợi lộc thì khó tránh khỏi những cuộc tranh đấu trong cõi hồng trần cuồn cuộn, khó sống được bình an.
Một người nếu có thể chú ý suy xét lại chính mình, khắc chế dục vọng của bản thân, giữ mình không chạy theo ham mê bất lương thì sẽ tránh được họa.
Không vọng ngôn, tránh được mối họa từ miệng
“Tố thư” viết: “Quát nang thuận hội, sở dĩ vô cữu”, nghĩa là phải quản tốt được cái miệng của mình, không nói lời loạn bậy vọng ngôn thì không phạm lỗi lầm.
Cổ ngữ nói: “Họa từ miệng mà ra”. Trong cuộc sống, mỗi một lời nói ra thì đều có thể rước lấy mối họa, khiến cho bản thân phải trả giá. Đặc biệt là đối với những người thường hay nói lời thị phi, nói lời bất thiện hay nói năng không có chừng mực thì cái miệng càng dễ dàng trở thành cửa ngõ thu nhận mối họa.
Từ xưa tới nay, người bởi vì nói năng khinh suất mà chuốc oán hận, thậm chí bị họa diệt thân không phải ít. Bởi vậy, trong “Tố thư” viết: “Dĩ ngôn thủ oán giả họa”, vì lời nói mà dẫn đến oán hận, tai họa.
Do vậy trong giao tiếp thì không được nói năng tùy tiện, nói chuyện phải lựa thời điểm, càng phải chú ý đến thái độ nói của mình. Thái độ nói chuyện phù hợp nhất chính là khi nói thì không đề cao chính mình, không hạ thấp người, khi khuyên giải thì cần phải có thiện ý, không nên gièm pha người khác, không nên chỉ trích gắt gao. Đó chính là giữ thể diện cho người khác, cũng chính là bảo vệ bản thân mình.
Không tham lợi, tránh được mối họa oán hận
“Tố thư” viết: “Thủ chức nhi bất phế, xử nghĩa nhi bất hồi, kiến hiềm nhi bất cẩu miễn, kiến lợi nhi bất cẩu đắc”, ý nói một người cần phải làm hết phận sự mà không xao nhãng bỏ bê, tuân thủ nghiêm ngặt tín nghĩa mà không thay đổi, bị khiển trách hay khen ngợi mà không tự ti cũng không kiêu ngạo, gặp lợi mà không tham lam cuồng vọng.
Tục ngữ nói: “Gặp lợi mà không cẩu thả nhận”, “Người quân tử quý trọng tài vật nhưng không tùy tiện nhận”. Nhưng xưa nay, người gặp lợi mà nảy sinh lòng tham thì có nhiều vô kể. Bởi vì họ quá mức tham lam nên tự rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Khi lợi ích trước mặt, con người ai ai cũng muốn mình có được một phần. Nếu quá mức tham lam, muốn chiếm hết lợi ích về mình thì tự nhiên sẽ bị người khác oán hận. Mà khi oán hận chất chứa quá nhiều rồi thì một ngày nào đó tai họa nhất định ập xuống. Cho nên những người làm nên đại sự đều có thể giữ sự đúng mực khi đứng trước lợi ích, thậm chí không luyến tiếc mà nhường lợi cho người khác.
Khi lợi ích trước mặt mà có thể không tùy tiện lấy, không thấy lợi mà quên nghĩa, không vì tư mà tổn hại công, thì đó chính là trí tuệ nhìn xa trông rộng.
Không ngạo mạn, tránh được mối họa hung hiểm
“Tố thư” viết: “Mạn kỳ sở kính giả hung”, nghĩa là xúc phạm, ngạo mạn với những người đáng ra phải kính trọng thì sẽ dẫn đến những tai họa nguy hiểm. Người đáng kính trọng ở đây chính là những người lớn tuổi, những người có địa vị cao, hay những người đức hạnh.
Lòng kính trọng, tôn kính người già, yêu thương trẻ nhỏ, là yêu cầu căn bản của làm người, cũng là phép tắc căn bản trong kết giao xã hội. Người biết kính sợ, không ngạo mạn, thì đi đến đâu cũng được người khác hoan nghênh, tiếp đón. Trái lại, một người ở trong nhà bất hiếu với cha mẹ, ở bên ngoài lại bất kính với người bề trên thì chính là đã đánh mất đi tiêu chuẩn căn bản của làm người. Người như thế không chỉ không được người khác tôn trọng, mà còn bị người khác chán ghét và khinh bỉ.
Sách “Thượng Thư” viết: “Năng tự đắc sư giả vương, vị nhân mạc kỷ nhược giả vong”, ý nói người lấy lễ tôn sư mà đối đãi với người hiền đức thì được ủng hộ, còn người tự cao tự đại cho rằng người khác không bằng mình thì cách tai họa diệt vong không xa. Cho nên cổ nhân nói, người có thể “ôn lương cung kiệm nhượng” thì mới có thể đi được lâu dài. Người giữ được tâm kính sợ, làm việc có chuẩn mực, làm người có lễ tiết thì mới tránh được mối họa hung hiểm.
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét