Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

LÀM SAO ĐỂ HỌC ĐƯỢC SỰ TINH TẾ Nguyễn Thị Bích Ngà


LÀM SAO ĐỂ HỌC ĐƯỢC SỰ TINH TẾ
Nguyễn Thị Bích Ngà 

Làm sao để học được sự tinh tế? Đó là câu hỏi thỉnh thoảng tôi được nhận từ bạn bè mỗi khi tôi viết bài có liên quan và tôi cũng thường bị bạn bè nói nửa dỗi nửa ngụy biện, “Có phải ai cũng biết tinh tế đâu em! Hiếm lắm… nên em đừng trách…” khi tôi trách họ một hay vài điều vô duyên nào đó mà họ mắc phải. Và tôi trở thành người khắt khe, khó tính trong mắt không ít anh em bạn bè. Tôi thường ngạc nhiên bởi tôi nghĩ sự tinh tế có khó gì đâu mà sao nhiều người cứ nghĩ nó là cái gì đó xa xỉ lắm. 

Tinh tế là từ Hán Việt. Tinh nghĩa là đã lọc hết tạp chất để chỉ còn lại phần tinh túy nhất. Tế nghĩa là nhỏ, mịn, kỹ, cặn kẽ. Tinh tế nghĩa là tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cặn kẽ, nhỏ, tinh vi. Người tinh tế là người nhạy cảm, tế nhị, có khả năng đi sâu vào những chi tiết rất nhỏ, rất sâu sắc và vì vậy họ thường làm vui lòng người khác bởi nắm bắt và thấu hiểu được tâm lý người đối diện. 

Do định nghĩa trên, nên tinh tế thường được người ta mặc định đó là bản năng của phụ nữ. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi cho rằng nó là quá trình học hỏi, quan sát, để ý, trải nghiệm và quan trọng hơn tất cả là có tình yêu thương trong tâm hồn. 

Cách đây vài năm, tôi đọc cuốn truyện “Biên niên ký chim vặn dây cót” của tác giả Haruki Murakami. Tôi nhớ mãi một chi tiết nhỏ xíu, anh chồng thất nghiệp mỗi khi có chuyện buồn hoặc suy nghĩ là đem áo ra ủi và ủi rất kỹ lưỡng. Cô vợ đi làm, gọi điện về, hỏi anh đang làm gì đó, anh chồng bảo anh đang ủi áo, cô vợ hỏi ngay, có chuyện gì à anh? Chỉ bấy nhiêu đó thôi, tôi có thể hình dung ra một người vợ thấu hiểu chồng và tinh tế. 

Chính sự tinh tế đó làm tôi nhớ mãi cái chi tiết nhỏ trong một quyển sách dày mấy trăm trang mà tôi không nhớ tên nhân vật. Cô vợ tinh tế được viết lên bởi người đàn ông – nhà văn tinh tế vô cùng tận, chỉ một chi tiết đã khắc họa được cả một nhân vật giấu mặt. 

“Khói” của anh Đoàn Bảo Châu, tôi đọc đi đọc lại phải đến chục lần, mua hàng chục cuốn tặng bạn bè, hỏi tôi nhớ gì, tôi không nhớ gì nhiều ngoài chi tiết anh Châu tả đoạn Dũng ở tù, có một thằng bạn tù ốm nhom, ho hen. Và cái thằng tù vì tội ăn cắp ho hen đó cố kìm nén cơn ho lúc về đêm để không làm phiền bạn cùng phòng, mà không được. 

Nó là một thằng tinh tế dù hình dong nó không ra gì, được anh Châu khắc họa qua vài câu ngắn ngủi. Và đó là chi tiết mà tôi cho là đắt nhất, cô đọng nhất trong một quyển tiểu thuyết dày đặc những chi tiết hay ho. Nhiều lần nói chuyện với anh Châu về Khói, tôi biết không ai khen chi tiết đó, ngoài tôi. 

Anh A đến thăm tôi, người nhà bảo tôi đang nghỉ ngơi, anh lên phòng gõ cửa, tôi say thuốc ngủ vùi không đáp lời. Anh gọi điện, anh húng hắng chỉ bởi vì muốn gặp, thăm tôi. Vợ chồng anh chị khác, đi hai mươi cây số, đến thăm, người nhà bảo tôi nghỉ trên phòng, anh chị đi về vì nhủ nó mệt nên để nó nghỉ ngơi lúc khác mình đến thăm gặp cũng được. Ở đây, ta thấy, cùng là tình yêu thương, nhưng anh A đặt cảm xúc và ý muốn của anh lên trên cảm xúc và ý muốn của người khác. Anh muốn gặp tôi và anh cố gắng thực hiện điều đó bất chấp việc tôi đang nghỉ ngơi vì ốm. Tình yêu thương của anh A là tình yêu có tính chiếm hữu. Vợ chồng anh bạn thì đặt cảm xúc và ý muốn của người khác lên trên cảm xúc và ý muốn của chính mình. Và, đó là sự tế nhị, tinh tế trong tình yêu thương. Tình yêu thương của sự phục vụ và hy sinh. 

Rõ ràng, nếu biết, tôi sẽ thức dậy để gặp anh A cũng như gặp vợ chồng anh bạn, như nhau. Nhưng tôi không biết, khi nghe người nhà kể lại về cách cư xử của hai bên thì tôi xúc động với tình cảm của vợ chồng anh chị hơn và lẽ dĩ nhiên tôi yêu họ hơn anh A. 

Ba và mẹ tôi chẳng bao giờ cãi nhau, ông bà lúc nào cũng ríu rít anh anh em em như đôi chim câu dù sáu mặt con và tuổi đã về chiều. Bà đi chợ, về muộn hơn bình thường khoảng nửa tiếng, ông ở nhà nhấp nhỏm ngồi đứng không yên, đi ra đi vào. Vừa nghe tiếng chó sủa ngoài xa, đoán mẹ về, ông ra mở cái cổng tre, mà chỉ cần đẩy nhẹ là ra, để đón bà. Ông đỡ cái giỏ đệm bàng trên tay mẹ, xách phụ mẹ từ cổng vô bếp. Mẹ xách từ chợ xa ba cây số về nhà được không lẽ lại không xách nổi vài chục mét, ông không để bà xách, ông luôn đỡ hộ. Sáng nào hình ảnh đó cũng lặp đi lặp lại trước mắt tôi. Ông giúp bà bỏ thức ăn từ giỏ ra, hỏi bà hôm nay đi chợ có chuyện gì không mà về muộn, bà nhẹ nhàng bảo vì thức ăn dạo này tăng giá nên bà phải đi hơi lâu để chọn. Sau này lớn tôi biết, đó là thời gian ông bệnh nặng, không còn đèo bà đi chợ được như trước. 

Những hình ảnh yêu thương, tinh tế đó của ông bà làm tôi cứ ước ao mãi lớn lên mình sẽ có một tình yêu như thế. Một người yêu – người chồng yêu thương mình bằng một tình yêu tinh tế, cảm thông sâu sắc nhất về sự vất vả cũng như tình yêu của mình dành cho họ. 

Nền tảng giáo dục trong gia đình là điều quan trọng quyết định trong việc hình thành tính cách một con người. Sâu sắc tinh tế hay hời hợt thô lỗ đều xuất phát từ gia đình hết. Và chỉ là những điều hết sức bình thường, nhỏ bé chứ có to tát chi đâu. 

Một đứa trẻ được ba mẹ anh chị dạy khi đi phải nhấc chân lên không kéo lê dép lẹt quẹt tạo ra tiếng động làm phiền tai người khác thì khi lớn sẽ không thể mở karaoke hết cỡ để tra tấn nhà hàng xóm. 

Một đứa trẻ được dạy thấy ba mẹ mệt phải biết tự làm việc nhà và ra sân chơi để ba mẹ nghỉ ngơi thì khi lớn lên sẽ thành người biết tôn trọng cảm xúc của người khác hơn ý muốn của chính mình. 

Một đứa trẻ được dạy phải vét thật sạch cho đến hạt cơm cuối cùng trong chén thì lớn lên sẽ thành người biết tôn trọng sức lao động của người khác và không phung phí thực phẩm. 

Một đứa trẻ được ba mẹ kiên nhẫn giải thích vì sao con thằn lằn có thể mọc lại đuôi mà con khác thì không, vì sao con kiến có thể vác một vật to hơn trọng lượng cơ thể nó, vì sao cái cây có kiến vàng thì trái ngọt hơn… thì sau này lớn lên sẽ là người luôn học hỏi, tìm hiểu và có tính quan sát, suy luận logic. 

Một đứa trẻ được ba mẹ hướng dẫn cách xin khúc ruột cá móc vào cành cây để dẫn dụ kiến vàng về làm tổ trên cây, mỗi ngày quan sát, đếm xem có bao nhiêu con về cây thì lớn lên sẽ có tình tỉ mỉ, ân cần, chu đáo, chăm chút. 

Một đứa trẻ được dạy quét nhà phải quét từng ngóc ngách góc kẹt, quét sân phải quét luôn đường đi và quét cả lối đi chung cho nhà hàng xóm thì lớn lên sẽ thành người bao dung, hồn hậu và dễ gần. 

Một đứa trẻ được dạy yêu thương động vật, yêu thương muôn loài, không lấy sự hành hạ bất cứ con gì để làm trò vui thì lớn lên sẽ thành người có tình yêu thương tha nhân, khó có thể làm điều ác. 

Một đứa trẻ được dạy phải biết cúi đầu khoanh tay chào người lớn, đi thưa về trình, khi ăn phải biết trước biết sau, không được khuấy đũa khuấy thìa đảo trộn thức ăn trong đĩa để chọn miếng ngon, không được thò ngón tay vào bát khi bưng, không được ăn uống nhồm nhoàm chem chép. Không được ngồi, nằm dạng háng. Vào nhà người khác chơi không nhìn quanh nhìn quất, không tự ý đi xồng xộc vào buồng trong, vào nhà sau của nhà người khác, không được hỏi những chuyện riêng tư, thấy nhà người ta chuẩn bị dọn cơm phải biết kiếu đi về. Khi được cho quà bánh phải biết cảm ơn nhưng từ chối, khi nào người ta đem sang tận nhà cho biếu và được sự cho phép của người lớn thì mới được nhận… Thì khi lớn lên sẽ trở thành người lịch sự, có tự trọng, tế nhị và đĩnh đạc đường hoàng. 

Một đứa trẻ được dạy không được cười cợt trêu chọc khuyết điểm hình thể cũng như sai sót của bạn bè, phải biết bênh vực bạn bè, phải biết chia sẻ với bạn miếng quà, cây bút… thì lớn lên sẽ là người có tính dũng cảm, biết chống lại bất công và biết yêu thương đồng loại. 

Sự nhạy cảm, tế nhị, tinh tế bắt nguồn từ đó. Sự yêu thương, nhân bản bắt nguồn từ đó. Sự thấu hiểu, sẻ chia bắt nguồn từ đó. Sự công chính, lịch lãm, đoan trang, quý phái bắt nguồn từ đó. Phẩm giá, cốt cách con người bắt nguồn từ đó. 

Viết tới đây, sẽ không ít người cho rằng những điều mà tôi kể ở trên là khó thực hiện, khó dạy bảo cho con cái ở thời buổi hiện nay. Tôi biết là khó vì muốn dạy con thì ba mẹ cũng phải học. Không chịu học thì sẽ kêu khó! Cũng như anh bạn tôi, khi tôi trách anh về đôi lần thô thô, tôi không có ý phán xét rồi nghỉ chơi, tôi quý yêu anh như một người anh, tôi chỉ muốn anh học để có thể thành người cư xử tế nhị hơn, và vì anh lười nên anh bảo, “Anh là nông dân nên tính anh có những lúc nó thô thiển thế, em phải thông cảm cho anh thôi!” Tôi cười, “Đừng có đổ thừa nông dân mà tội cho họ!” 

Học sự tinh tế không khó, có chịu học hay không mà thôi. 

theo fb Nguyễn Thị Bích Ngà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét