SỐNG HẠNH PHÚC LÀ SỐNG THUẬN THEO TỰ NHIÊN
Cuộc sống hiện đại, xã hội phát triển, và cũng có nhiều thứ hấp dẫn con người ta. Hãy thử tự hỏi mình rằng, có bao nhiêu điều bạn mong muốn? Thanh niên mong muốn một cuộc sống dư giả, có nhà lầu, xe hơi, có một người vợ như ý. Người già mong muốn có một món tiền tiết kiệm để giải quyết những vấn đề cuối đời. Phụ nữ mong cầu sắc đẹp, tiện nghi… Ai ai cũng truy cầu một điều gì đó.
Khao khát cải thiện điều kiện sống âu cũng là một nguyện vọng tốt đẹp, nhưng cuộc đời nhiều khi lại không như mong ước, và khi truy cầu không được, thì khao khát lại càng lớn hơn. Con người dường như đang sống vì những xúc cảm, và cũng vun đắp bản thân bằng những xúc cảm.
Trong cuộc đời ai cũng có số phận và hoàn cảnh sống khác nhau, nên mỗi người cũng có những con đường khác nhau. Những nguyện vọng mong muốn tốt đẹp ta có thể lưu giữ, nhưng đừng nên biến mình thành một người vì mục đích mà bất chấp tất cả.
Hãy làm việc hết mình cho ý tưởng và những điều tốt đẹp của mình, nhưng chuyện thành bại thì bạn không thể kiểm soát được hết. Người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người chỉ là một sản vật của tự nhiên, sản vật của vũ trụ, và có những quy luật vô cùng to lớn đang tác động lên con người. Đó là quy luật kinh tế, hoàn cảnh sống, phong thủy, tố chất của từng người, hay thậm chí là cả thiên tai, nhân họa… Tất cả đã tạo nên con đường mà đời người phải đi qua. Con người đơn lẻ đâu thể kiểm soát được những điều lớn lao đó?
Người xưa có câu: “Tình canh vũ độc”, nghĩa là ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách. Một câu nói đơn giản này đã ngắn gọn mô tả một cuộc sống ung dung tự tại, không màng sự đời, thể hiện tâm hồn cao thượng, không phiền não, hàm chứa trí tuệ thuận theo tự nhiên của cổ nhân.
Trời nắng trời mưa là quy luật tự nhiên. Thiên nhiên sẽ không vì ý nguyện của con người mà thay đổi quy luật của mình. Con người dẫu có muốn ngăn trời mưa hay muốn tạo mưa bằng những biện pháp khoa học hiện đại nhất, thì cuối cùng vẫn không thể thay đổi được quy luật của tự nhiên, chỉ là lợi dụng một chút, “thông minh” một chút mà thôi.
Trong cuộc sống, những việc không thuận theo tâm ý của con người là rất nhiều. Người kinh doanh không đạt được mục tiêu doanh số đề ra, học sinh không đạt được kết quả thi như bản thân mong muốn, bạn bè đột nhiên rời xa, người thân đột nhiên ly biệt… Trong những lúc gặp phải mâu thuẫn không thể thay đổi được như vậy thì biết thuận theo tự nhiên là cách lựa chọn hữu hiệu nhất.
Tất nhiên, số mệnh còn là do lựa chọn của bản thân ở mỗi bước đi của cuộc đời. Do vậy, bạn có thể thay đổi được một đôi điều trong cuộc sống và số phận của mình, nhưng có một điều chắc chắn là, bạn sẽ sống nhẹ nhàng hơn khi không tìm cách đoạt lấy. Hãy buông những điều mình truy cầu xuống, để bạn không bị khống chế bởi những “vọng niệm” (ý niệm vọng tưởng, mơ mộng, thường là vô ích) trong chuyến hành trình đầy ý nghĩa của cuộc đời, một chuyến đi không bao giờ trở lại.
Có những cuộc sống cơ hàn khắc khổ, cũng có những cuộc sống nhung lụa giàu sang. Nhưng điều làm con người đau khổ phần lớn lại đến từ tâm lý bất bình, từ sự nhỏ nhen của bản thân, từ những điều bạn “không bằng lòng” trong cuộc sống. Cảm xúc hạnh phúc sẽ không phụ thuộc vào địa vị và hoàn cảnh của bạn mà thay đổi. Người nghèo có được một chiếc xe đạp và người giàu có được một chiếc xe đua, có “hạnh phúc” như nhau không? Người cổ đại có được một con ngựa quý và người hiện đại có được một chiếc mô-tô phân khối lớn, có “hạnh phúc” như nhau không? Là như nhau. Cảm giác “hạnh phúc” trong những phút giây “đạt được” cũng chỉ là như vậy. Bởi thế hà cớ gì phải cố chấp, một mực truy cầu, một mực đau khổ đây?
Người ta nói: “Kẻ thù của đời người là chính mình”. Ở một khía cạnh nào đó, quả là đúng như vậy, ai vượt qua được sự ích kỷ của mình, người đó là người hạnh phúc nhất. Người ích kỷ không có khả năng yêu thương người khác, và cũng không có khả năng yêu thương chính bản thân mình.
Người ta sống trên đời này không có ai là không gặp phải chuyện phiền phức, khổ đau, bệnh tật. Cuộc sống quá phức tạp và có rất nhiều điều mà người ta phải tự mình nếm trải. “Phúc bất trùng lai – họa vô đơn chí”, họa phúc luôn xoay vần, mà cái đắng cay lại thường nhiều hơn vị ngọt. Nhưng ai đó từng nói: “Người hạnh phúc nhất là người cho đi nhiều nhất”, bởi vì niềm hạnh phúc này không phải là “hạnh phúc” khi “chiếm hữu”, mà là “hạnh phúc” khi “cho đi”.
Thanh Phong/ TrithucVn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét