Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀ CHỈ TRÍCH / Nguyễn Thị Bích Ngà


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀ CHỈ TRÍCH
Nguyễn Thị Bích Ngà 

Tôi đã từng có thời gian ở một số nước và làm việc với người nước ngoài, tôi nhận thấy họ có tinh thần phản biện cao, tranh luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến cho các kế hoạch, dự án khi hội họp trước khi triển khai thực hiện công việc hoặc để cải tiến công việc tốt hơn. Trong đời sống hằng ngày, họ cũng thường đóng góp ý kiến cho cá nhân khi được hỏi. Điều này rất hữu ích cho công việc cũng như cho những người bạn của họ. 

Dĩ nhiên, tôi làm việc với người Việt nhiều hơn, tôi thấy rõ và rất nản khi đưa ra một kế hoạch, dự án để bàn thảo thì rất ít (hầu hết là không có) ý kiến phản biện, đóng góp để làm cho kế hoạch, dự án tốt hơn. Họ chỉ nghe để đó cho dù họ có ý tưởng mới, hay nhưng họ không đóng góp. Có nhiều nguyên nhân: Họ để dành vì sợ đứa khác thành công hơn mình. Họ sợ cấp trên. Họ lười. Họ không muốn chịu một chút trách nhiệm nào. Họ thụ động. Nhưng khi công việc bắt đầu triển khai thực hiện thì họ bắt đầu đưa ra ý kiến bàn ra, bàn lùi để không phải làm. Họ chỉ trích chê bai. Khi công việc gặp thất bại hoặc có thiếu khuyết thì họ không đóng góp ý, góp công để sửa sai mà càng chỉ trích, chê bai cá nhân (nhóm) người đưa ra kế hoạch một cách vùi dập, nặng nề. Họ bình thản như không vì cho rằng họ chẳng liên quan gì dù lương vẫn nhận. Họ không chịu hiểu rằng nếu công ty không phát triển thì họ mất việc. 

Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn như vậy? Xin thưa: văn hóa, giáo dục. 

Người Việt mình từ xưa đến giờ không được học phương pháp tư duy, không được học cách phản biện, đóng góp một cách tử tế, đàng hoàng, nhưng lại bị nhiễm thói chỉ trích chê bai rất nặng từ gia đình cho đến xã hội; và nhầm lẫn chỉ trích, chê bai, xúc phạm, phán xét với đóng góp ý kiến. Khi người bị chê bai, chỉ trích, phán xét ẩu, phản ứng lại với những chỉ trích, chê bai ấy, thì họ thường ngụy biện và tiếp tục mắng người ta là “đóng góp ý kiến mà không tiếp thu”. Tôi gặp trường hợp này rất nhiều trong công việc cũng như trong các bài viết tôi viết trên trang cá nhân. 

Chúng ta hay thắc mắc tại sao người nước ngoài làm việc nhóm rất tốt còn người Việt thì không thể làm việc nhóm. Chính vì nguyên nhân này. 

Trong các gia đình người nước ngoài, ta thấy, cách họ giáo dục trẻ con rất khác người Việt. Một đứa trẻ làm rơi vỡ cái đĩa, bố mẹ sẽ hỏi nó có bị cắt không, có bị thương không, họ sẽ giúp và chỉ cách cho đứa trẻ dọn dẹp mảnh vỡ và dạy trẻ cách để cẩn thận hơn. Chẳng ai trách móc đứa trẻ vì nó làm vỡ cái đĩa cả. Vì họ hiểu những điều: Có trách thì cái đĩa cũng đã vỡ. Trách không giúp đứa trẻ học được cách cẩn thận hơn. Đứa trẻ sẽ bị tổn thương. Bản thân người lớn cũng có lúc làm rơi vỡ đồ đạc. 

Cách giáo dục, văn hóa ứng xử này giúp con người có được sự thấu hiểu, cảm thông và luôn giúp nhau, hướng dẫn nhau trong cuộc sống, công việc. Các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, vui vẻ và thoải mái. Khi ra xã hội, với tư duy biết cảm thông, thấu hiểu, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ mà không phán xét. Trong công việc họ luôn tôn trọng phản biện và các ý kiến đóng góp. Họ biết cách đóng góp ý kiến một cách trung thực, chân thành để đạt được kết quả cao nhất và họ hiểu rằng việc thành công thì họ được hưởng lợi, việc thất bại thì họ sẽ cùng gánh thiệt thòi. 

Trong nhiều gia đình Việt, ta thấy, cách giáo dục rất hà khắc, tội nghiệp cho ai lỡ phạm lỗi dù lỗi nhỏ nhất từ người lớn cho đến trẻ con, nhất là trẻ con. Trẻ con làm rơi đĩa thì bị quát không cẩn thận, ẩu tả, nghịch ngợm, đã bảo rồi mà không nghe. Họ mắng cho đến khi đứa trẻ phát hờn phát khóc thì tiếp tục quát bắt nó không được khóc, bắt nó câm mồm. Chồng làm vỡ đĩa thì vợ lườm nguýt xỉa xói, vợ làm vỡ đĩa thì chồng nói móc mỉa. Họ hơn thua nhau từng câu từng từ, chờ cơ hội để trả đũa từng chút một để trút ẩn ức. Họ không hiểu rằng: Trách mắng đứa trẻ không làm cái đĩa lành lại mà chỉ làm cho đứa trẻ cảm thấy tổn thương. Thậm chí họ cũng không hiểu rằng đó là những lời gây tổn thương. Bản thân họ không hề muốn bị chỉ trích nhưng lại luôn chỉ trích, trách mắng người khác để thể hiện quyền lực. Tổn thương cá nhân thì thổi phồng nhưng lại coi tổn thương của thành viên khác là bình thường. 

Cách giáo dục, văn hóa ứng xử này giết chết tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự cảm thông và triệt tiêu luôn sự phản biện, tôn vinh độc tài và coi trọng giá trị vật chất hơn con người. Không khí gia đình thường nặng nề, khó chịu, áp lực. Khi ra xã hội sẽ quen thói chỉ trích, phán xét ẩu, chê bai khi chưa hiểu rõ nguồn cơn. Trong công việc thì sợ bị đứa khác chỉ trích nên không dám lên tiếng đóng góp, chỉ chờ nó thất bại để nói câu, “tao biết trước rồi nhưng mà tao không nói” để thể hiện mình giỏi hơn người. 

Tôi lớn lên ở miền Nam, phát âm dấu hỏi và ngã như nhau, khi viết vội thường phạm lỗi chính tả dấu hỏi và dấu ngã, tôi thường được một số anh chị nhắc cho để sửa, tôi luôn cảm thấy mang ơn họ. Trong các bài viết, thỉnh thoảng có một vài vấn đề tôi chưa hiểu đúng đủ, tôi cũng được anh em bạn bè góp ý, tôi sửa và học thêm, tôi luôn tiếp thu, cầu thị và mang ơn họ, coi họ như những người thầy của mình. Facebook của tôi gần năm ngàn bạn và mười mấy ngàn người theo dõi nhưng số người đóng góp ý kiến cho tôi đếm chưa đầy một bàn tay. Trong khi đó, số người chỉ trích, chê bai và phán xét ẩu để thể hiện thì nhiều vô số kể và cái đáng ghét, đáng buồn nhất là họ ngụy biện: phán xét ẩu, chỉ trích được coi là đóng góp. 

Ví dụ tôi viết 1+1=3. 
1. Người đóng góp sẽ bảo: “Voi, sai rồi, 1+1=2, em coi lại nhé.” 
2. Người chỉ trích sẽ bảo: “Ngu thế viết làm gì.” 

Theo tâm lý thông thường, người ta chỉ chỉ trích người (nhóm) mà mình ghét. Ấy thế nhưng với người Việt mình thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị chỉ trích dù ai cũng không muốn bị chỉ trích. Xem lại ví dụ trên, ta thấy, rõ ràng cách đóng góp thẳng thắn (1) rất đơn giản và hiệu quả, người được nhận ý kiến đóng góp sẽ tiếp thu ngay và cảm ơn vì được đóng góp. Nhưng ngược lại khi nhận lời chỉ trích (2) thì sẽ cảm thấy rất khó chịu và tuy sai nhưng vẫn để bụng chờ cơ hội đứa kia sai để bật lại ngay. 

Phân biệt rõ ràng hai khái niệm, ta thấy sự đóng góp là luôn cần thiết cho mỗi người, mỗi tổ chức và làm cho con người, nhóm, tổ chức hoàn thiện hơn, công việc thành công hơn. Còn chỉ trích chỉ đem lại sự thù ghét, chia rẽ và đổ vỡ. Bạn chọn phương pháp nào sẽ nói lên bạn là người như thế nào. 

Phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, chưa thành công, trong đó có một phần lớn ở việc cảm thông, chia sẻ, cùng gánh vác thì ít nhưng chê bai, chỉ trích phán xét ẩu thì quá nhiều. 

Ngày xưa, có thể vì thiếu kiến thức và do thói quen nên ta cứ nghĩ chỉ trích là đóng góp. Nhưng ngày nay, khi có mạng xã hội, ta có thể dễ dàng tìm hiểu về định nghĩa của các khái niệm thì chúng ta phải thay đổi tư duy đi để trước hết là giáo dục con cái trong gia đình, sau là ứng xử ngoài xã hội, công việc cho phù hợp và hiệu quả. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét