Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

VÀI GHI CHÉP KINH ĐIỂN CỦA NGƯỜI XƯA VỀ VẬN MỆNH


VÀI GHI CHÉP KINH ĐIỂN CỦA NGƯỜI XƯA VỀ VẬN MỆNH

Văn hóa truyền thống cho rằng vận mệnh của con người là có thể biết trước được, đồng thời người xưa cũng rất coi trọng việc dự đoán vận mệnh của một người. Đây chính là điều mà cổ nhân gọi là “thông hiểu số mệnh”. 

Mạnh Tử nói: “Việc mình không có ý làm mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy.” 

Trong “Đổng Trọng Thư truyện” có viết: “Thiên lệnh chi vị mệnh”, lệnh của Trời được gọi là mệnh. Bởi vậy, “mệnh” và Trời là có liên quan với nhau, cũng được gọi là “nhân mệnh quan thiên”. Vậy nên, mệnh cũng được gọi là “thiên mệnh”, là tiên thiên, là điều “khi sinh mang theo đến”, hay cũng nói là Trời định. 

Khổng Từ giảng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, người không biết mệnh thì không phải là người quân tử. Khổng Tử cũng cho rằng: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, con người khi đến tuổi 50 thì nên hiểu được thiên mệnh là gì. 

Vì sao cần biết được mệnh? Cổ nhân giảng: “Dự tắc lập, bất dự tắc phế”, ý tứ là việc gì mà có sự chuẩn bị trước thì cũng sẽ thành, không có sự chuẩn bị trước thì thường sẽ dở dang. Từ xưa đến nay, cầu lợi tránh hại, cầu may tránh hung là bản năng của con người. Biết được vận mệnh thì có thể ứng phó được với những điều nguy hiểm xảy ra trong đường đời phía trước. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là “biết mệnh” thực sự. 

“Biết mệnh” thực sự thể hiện qua những câu nói như: “Sống chết có số, phú quý do trời”, “Đại phú nhờ vào mệnh, tiểu phú nhờ vào cần”, “Cái được là do ta may mắn, cái mất là do mệnh của ta”, “Một đời đều là mệnh, nửa điểm không do người”… Đây đều là quan niệm của con người chân chính tin vào mệnh. Vậy nên, người xưa giảng rằng, “Bằng lòng với mệnh trời thì không có lo lắng”. 

Chưa hết, trong kinh điển của người xưa thì có một phần trọng yếu nói về mệnh. Dịch Kinh trong Tứ Thư Ngũ Kinh được xếp hạng đứng đầu trong các kinh thời cổ đại, nó vượt qua cả Khổng giáo, bởi vì Khổng Tử cũng chỉ là chỉnh lý, ghi chép Dịch Kinh, sau đó dành cả đời tham ngộ mà thôi. Mà Dịch Kinh trên thực tế là một bộ sách tràn đầy các vấn đề về âm dương, thái cực, bát quái, bói toán. Hệ Từ trong Dịch Kinh chính là dùng thể Từ (một thể loại văn học cổ điển của Trung Hoa) để gieo quẻ đối với quẻ tượng. Cuốn Dịch Truyện đi kèm chính là những chú thích, nhận thức tâm đắc trong nghiên cứu Dịch Kinh. 

Bên cạnh đó, rất nhiều kinh điển thời xưa là bao hàm thuật toán mệnh, vô cùng phong phú: Lục Hào, Mai Hoa Dịch Số, Tứ Trụ Bát Tự, Kỳ Môn Độn Giáp, Lục Nhâm, Thiết Bản Thần Số, tướng mặt, tướng tay, v.v.. 

Trong sử sách đã ghi chép lại rất nhiều các “cao thủ” tinh thông về thuật số đoán mệnh như: Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn, v.v., quả thật là không sao kể hết. 

Trong tu luyện của Phật gia, Đạo gia còn xuất hiện một loại “thần thông” kỳ diệu là “túc mệnh thông”. Người có được loại thần thông này có thể trực tiếp nhìn thấy được quá khứ, hiện tại, tương lai, thậm chí đời trước kiếp trước, nhiều kiếp nhiều đời của người khác. Chuyện này cũng được đặc biệt ghi lại rất nhiều trong kinh điển Phật giáo. 

Vậy thì có người sẽ nghĩ rằng, phải chăng việc cố gắng trong cuộc đời là vô ích? 

Kỳ thực đoán mệnh chính là căn cứ theo dịch số, mệnh số, căn cứ theo quy luật vận hành phổ quát của toàn thể mà suy đoán ra vận mệnh của con người. Trong vũ trụ này, sự vận hành của các hành tinh đều có định số, đều có quỹ đạo. Trên trái đất này, sự vận hành của bốn mùa, mưa nắng đều có quy luật. Trong một đất nước, sự hưng suy của một vương triều là đều có thể thấy. Với một gia đình, tương lai tốt xấu đều có thể phán đoán ra. Ngay đến con người bình thường cũng không thoát khỏi sinh, lão, bệnh tử. 

Nhìn vào một con cá trong dòng chảy, có thể suy tính được nó trôi về đâu. Nhìn vào một con người trong lịch sử luân hồi lâu dài của sinh mệnh lại càng có thể hiểu được họ sẽ làm gì, họ vướng mắc vào điều gì, họ không thích làm cái gì, từ đó có thể biết được họ sẽ lựa chọn như thế nào trong các sự kiện xảy ra trên đường đời của mình. Như vậy thì sự vận hành của sinh mệnh đều có thể thấy được. 

Cổ nhân cho rằng sinh mệnh con người phân chia thành đại vận, tiểu vận, lưu niên. Sự vận hành của mệnh, chính là vận mệnh, là vận trình khác nhau mà mệnh biểu hiện ra. Do đó sinh mệnh của con người ngoài định số ra thì cũng có biến số, biến số ít hay nhiều là do lựa chọn của sinh mệnh, là do dũng khí, chính khí của sinh mệnh đó trước nguy nan. Từ đó mệnh có thể thành may hay rủi, hoặc là trước may sau rủi, hoặc là trước rủi sau may. 

Xưa nay người được xưng là “biết mệnh” thì cũng đồng thời hiểu được câu nói “Lạc đạo an mệnh”, vui với đạo Trời, tôn kính đạo Trời, thì tự nhiên biết mệnh, tự nhiên an mệnh. “An mệnh” ở đây nghĩa là thuận theo vận mệnh của bản thân mà hành xử, là dũng cảm đương đầu với những khó khăn thử thách, là thăng hoa của nội tâm bao dung thản đãng. Nếu hiểu “an mệnh” với nghĩa tiêu cực, chán nản, thì chính là chưa “biết mệnh” vậy. 

VANDANBNN st tu thân/ gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét